Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 6/1/2021

10:07 06/01/2021

Trung tâm Báo chí Thành phố tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TPHCM trên các báo ra ngày 6/1:

Khuyến khích thu hồi xe cũ nát, mất an toàn để kiểm soát khí thải

Ghi nhận của báo Lao Động ngày 5/1, tại khu vực Chợ Lớn (quận 5), xe Cub 50, Honda Dream, Wave có tuổi đời hàng chục năm được "nâng cấp", "chắp vá" để tận dụng chở hàng. 

Quan sát tại các cửa hàng kinh doanh, trang trí nội thất, nước uống, bình gas… có nhiều xe máy "quá đát" dựng bên ngoài. Khi khách hàng cần vận chuyển hàng hóa sẽ có người làm thuê lái xe "quá đát" chở hàng hóa đi giao để đỡ chi phí vận chuyển cho người kinh doanh.

Theo CSGT TP, tình trạng xe máy “quá đát” không còi, không đèn, thậm chí không biển số... xuất hiện khá nhiều trên địa bàn TPHCM. Trong khi đó, CSGT không thể tịch thu được số xe này vì không có quy định niên hạn sử dụng, không có quy chuẩn kiểm định. Chưa kể, khi xảy ra tai nạn, vi phạm giao thông, chủ xe cũng “bỏ của chạy lấy người” và gần như không thể truy nguồn gốc xe.

Xe máy cũ lưu thông quanh khu vực Chợ Lớn (quận 5, TPHCM). Ảnh: Minh Quân
Xe máy cũ lưu thông quanh khu vực Chợ Lớn (quận 5, TPHCM). Ảnh: Minh Quân

Ông Đỗ Ngọc Hải - Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở GTVT TP) cho biết, từ tháng 5/2020 đến tháng 11/2020, Sở GTVT TPHCM đã phối hợp cùng Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) triển khai chương trình "Nghiên cứu thí điểm kiểm tra khí thải môtô, xe máy đang lưu hành" nhằm hạn chế xe “quá đát” xả thải gây ô nhiễm không khí.

Nhóm nghiên cứu xác định, xe máy đã lưu hành trên 5 - 10 năm ở TPHCM có khoảng 5 triệu xe, đảm nhận hơn 90% vai trò vận chuyển và xe ngoại tỉnh chiếm 16%. Nguồn khí thải từ xe máy gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người dân, đặc biệt với các xe đã sử dụng trên 5-10 năm.

Vừa qua, VAMM đã đề xuất phương án hỗ trợ người dân TPHCM mua xe mới thay thế xe cũ không đạt tiêu chuẩn về khí thải. Tuy nhiên, quan điểm của Sở GTVT TP là không ủng hộ đổi xe cũ lấy xe mới vì như thế số lượng xe sẽ không giảm.

Giải pháp ưu tiên hàng đầu ở TPHCM là khuyến khích thu hồi xe cũ kém chất lượng, mất an toàn để kiểm soát khí thải. Nhà sản xuất có thể thu hồi xe và hỗ trợ thêm cho người dân chứ không phải đổi xe.

Dồn lực phát triển du lịch mua sắm

Chia sẻ với báo Tuổi Trẻ bên lề Đại hội Hiệp hội Du lịch TPHCM nhiệm kỳ V, bà Nguyễn Thị Khánh, tân Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP, cho biết trong năm 2021, các doanh nghiệp du lịch sẽ tập trung phát triển du lịch nội địa, và đây là con đường duy nhất để hồi phục thị trường lúc này.

Muốn vậy, doanh nghiệp phải tập trung phát triển sản phẩm mới, liên kết với các địa phương để có những sản phẩm tour hai chiều, hấp dẫn du khách. Song hành với đó, phải có chuẩn bị cho việc đón khách quốc tế, phù hợp với phân khúc thị trường và luôn ưu tiên yếu tố an toàn.

Về lâu dài, du lịch TP có chiến lược phát triển bền vững, phát huy thế mạnh du lịch mua sắm, phối hợp với ngành công thương quảng bá hoạt động mua sắm, đưa TPHCM trở thành thiên đường mua sắm của VN và khu vực.

Ra mắt ban chấp hành mới của Hiệp hội Du lịch TP.HCM ngày 5-1 - Ảnh: N.BÌNH
Ra mắt ban chấp hành mới của Hiệp hội Du lịch TP.HCM ngày 5-1 - Ảnh: N.BÌNH

Trong khi đó, theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP, trong tầm nhìn phát triển TP thành đô thị du lịch sống động hàng đầu châu Á, TP mong muốn hợp tác với Hiệp hội Du lịch TP tìm ra "chìa khóa" để đạt mục tiêu này. Công tác phát triển sản phẩm sẽ mang tính quyết định và các doanh nghiệp sẽ cùng TP làm phong phú thêm các sản phẩm nội đô, hấp dẫn du khách.

Phê duyệt đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông​ giai đoạn 2020 – 2030

Báo SGGP đưa tin, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hòa Bình vừa ký ban hành quyết định “Phê duyệt đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2020 – 2030” – (gọi tắt là Đề án).

Theo quyết định này, Đề án gồm:

Nhóm giải pháp về chính sách quản lý, bao gồm: công bố đề án; lập kế hoạch và xúc tiến đầu tư; quản lý danh mục dự án đầu tư; chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng; điều chỉnh quy hoạch; quy chế quản lý về nguồn vốn và quản lý dự án đầu tư.

Nhóm giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2021 - 2030, bao gồm: giải pháp phát triển; giải pháp huy động vốn và lộ trình thực hiện. 

Nhóm giải pháp về nguyên tắc đề xuất chủ trương đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2021 - 2030.

Xa lộ Hà Nội và metro Bến Thành - Suối Tiên đoạn qua quận 2, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
Xa lộ Hà Nội và metro Bến Thành - Suối Tiên đoạn qua quận 2, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Kinh phí thực hiện Đề án từ ngân sách nhà nước dự kiến đầu tư các dự án chuyển tiếp thuộc Chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông giai đoạn 2016 - 2020 và các dự án trọng điểm, cấp bách ngành giao thông vận tải.

Các nguồn vốn khác (vốn đầu tư từ Trung ương, vốn vay ODA, đầu tư theo hình thức đối tác công tư, vốn doanh nghiệp,...) dự kiến đầu tư các dự án đường bộ gồm: Vành đai 3, 4, các dự án cao tốc, cầu Cát Lái, cầu Cần Giờ...; các dự án đường sắt đô thị, BRT; các cảng đường thủy nội địa và cảng cạn; cải tạo, mở rộng và xây mới các bến xe liên tỉnh, bến xe hàng và bến hàng hóa…

Khuyến khích nguồn kinh phí huy động từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; sử dụng nguồn kinh phí lồng ghép trong các chương trình, đề án liên quan đã được phê duyệt và các nguồn hợp pháp khác để thực hiện nhiệm vụ.

Hệ thống cầu vượt tại nút giao Đại học Quốc gia TPHCM, TP Thủ Đức
Hệ thống cầu vượt tại nút giao Đại học Quốc gia TPHCM, TP Thủ Đức

Kiến nghị tuyển dụng nhân sự y tế, kế toán trong trường học

Thông tin từ báo Thanh Niên, Ngày 5/1, UBND TP đã có kiến nghị gửi Bộ Nội vụ, Bộ GD-ĐT về việc tuyển dụng viên chức vào vị trí y tế, kế toán trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.

Văn bản kiến nghị có nội dung:  Do những khó khăn, thiếu hụt về nhân sự thực hiện nhiệm vụ y tế, kế toán, ngày 30/8/2017, UBND TPHCM đã có công văn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét lại việc tạm dừng tuyển dụng viên chức làm công tác y tế, tài chính kế toán tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập. Nhưng cho đến nay TPHCM vẫn chưa nhận được văn bản chấp thuận của Chính phủ. Do vậy, các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập phải thực hiện ký hợp đồng lao động trong thời hạn 1 năm để thực hiện nhiệm vụ y tế, tài chính kế toán.

Tuy nhiên, việc thực hiện ký hợp đồng lao động đối với các vị trí việc làm “được xác định là viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập do nhà nước đảm bảo toàn bộ hoặc một phần chi thuờng xuyên” không còn phù hợp theo quy định tại Nghị định số 161 của Chính phủ.

Các trường mầm non lo lắng khi không có nhân viên y tế, kế toán. Ảnh: BẢO CHÂU
Các trường mầm non lo lắng khi không có nhân viên y tế, kế toán. Ảnh: BẢO CHÂU

Bên cạnh đó, việc không cho phép thực hiện tuyển dụng viên chức vào vị trí kế toán đã ảnh hưởng đến công tác tài chính của các cơ sở giáo dục tại TP, đồng thời tạo tâm tư, bức xúc đối với các trường hợp đang thực hiện ký hợp đồng lao động ở vị trí kế toán phải chấm dứt không được tiếp tục ký hợp đồng lao động.

UBND TPHCM kiến nghị Bộ Nội vụ, Bộ GD-ĐT báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận cho TPHCM được tổ chức tuyển dụng viên chức y tế, kế toán theo Thông tư liên tịch số 06 và Thông tư số 16 của Bộ GD-ĐT để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu.

Cứu sống bệnh nhi 3 tuổi bị đột quỵ não

Tối 5/1, Bệnh viện Nhi đồng TP cho biết, đơn vị này vừa tiếp nhận và điều trị thành công một bệnh nhi bị xuất huyết não. Đây là một trong những trường hợp nhỏ tuổi nhất ghi nhận đột quỵ não tại đây. Thông tin trên Vietnamplus.

Theo Bác sĩ Huỳnh Hữu Danh, Khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng TP, khi tiếp nhận bé trai tên T.N, 3 tuổi, ngụ tỉnh Vĩnh Long, bệnh nhi đang trong tình trạng co giật, hôn mê. Các bác sĩ đã thực hiện chụp CT-Scanner sọ não và ghi nhận bệnh nhi có dấu hiệu xuất huyết dưới nhện.

Sau khi được hồi sức ổn định, bệnh nhi được chụp DSA mạch máu não để tìm nguyên nhân gây đột quỵ. Kết quả cho thấy, bệnh nhi có túi phình mạch máu não và gây nên tình trạng xuất huyết não. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ quyết định đặt stent chuyển dòng gây tắc túi phình. Đây là phương pháp không cần phẫu thuật nhưng có thể giải quyết vấn đề tắc mạch máu não, đã được triển khai tại Bệnh viện Nhi đồng TP hơn 2 năm nay. Hiện tại, bệnh nhi đã ổn định và được xuất viện.

Bác sỹ Huỳnh Hữu Danh, Khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố đang xử trí túi phình mạch não tránh nguy cơ vỡ, xuất huyết và đột quỵ lần nữa cho bé. (Nguồn: congan.com.vn)
Bác sỹ Huỳnh Hữu Danh, Khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố đang xử trí túi phình mạch não tránh nguy cơ vỡ, xuất huyết và đột quỵ lần nữa cho bé. (Nguồn: congan.com.vn)

Bác sĩ Huỳnh Hữu Danh cho biết, túi phình mạch máu não là bệnh thường gặp và là một trong những bệnh lý gây tử vong hàng đầu ở người già, lớn tuổi. Tuy nhiên, hiện nay bệnh ngày càng xuất hiện ở độ tuổi trẻ hơn.

Triệu chứng của bệnh đột quỵ ở trẻ cũng giống như người lớn, đó là méo miệng, yếu tay chân và không nói được, thậm chí nhanh chóng hôn mê, co giật khi xuất huyết não đột ngột. Nếu không được chuyển viện và điều trị kịp thời, khi bi đột quỵ, bệnh nhi có nguy cơ tàn tật rất cao, thậm chí đe dọa đến tính mạng. Do đó, bác sĩ khuyến cáo, không chỉ đối với người lớn tuổi, phụ huynh cũng cần cẩn trọng với tình trạng đột quỵ có thể xảy ra đối với trẻ em.

Thành lập Chi cục Thi hành án dân sự TP Thủ Đức

Thông tin khác trên SGGP, Cục Thi hành án dân sự (THADS) TP vừa công bố Quyết định về việc sắp xếp Chi cục THADS cấp quận thuộc Cục THADS TP và thành lập Chi cục THADS TP Thủ Đức, TPHCM.

Chi cục THADS TP Thủ Đức, TPHCM được thành lập từ ngày 1/1/2021 trên cơ sở sáp nhập 3 đơn vị Chi cục THADS quận 2, Chi cục THADS quận 9 và Chi cục THADS quận Thủ Đức.

Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 6/1/2021 - Ảnh 1

Theo đó, Chi cục THADS TP Thủ Đức tiếp nhận và giải quyết công việc phát sinh trên địa giới hành chính mới từ ngày 1/1/2021; tiếp nhận và tiếp tục giải quyết các công việc do các chi cục THADS quận 2, 9 và Thủ Đức đang thực hiện trước ngày 1/1/2021 theo quy định của Luật THADS và các văn bản pháp luật có liên quan; tiếp nhận và chỉ đạo hoạt động đối với công chức, người lao động của 3 chi cục THADS cho đến khi hoàn thành việc sắp xếp nhân sự theo quy định.

Chi cục THADS TPHCM chỉ định bà Nguyễn Thị Thu, Chi cục trưởng Chi cục THADS quận 9, phụ trách Chi cục THADS TP Thủ Đức từ ngày 1/1/2021 cho đến khi kiện toàn được chức danh Chi cục trưởng Chi cục THADS TP Thủ Đức.

Khánh thành “Không gian xanh” của sinh viên Ký túc xá ĐHQG TP

Theo báo Tiền Phong, Trung tâm Quản lý Ký túc xá ĐHQG TP vừa tổ chức lễ khánh thành công trình "Không gian xanh" tại Khu A. Công trình được hoàn thành với sự góp sức của các đoàn viên và sinh viên các trường đại học đang lưu trú tại đây.

Ông Tăng Hữu Thủy - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Trung tâm Quản lý KTX ĐHQG TP chia sẻ, “Không gian xanh” được hoàn thành đúng dịp kỷ niệm 21 năm thành lập Trung tâm QLKTX ĐHQG TP. Đây là công trình có ý nghĩa rất quan trọng của Chi đoàn Thanh niên, góp phần làm đẹp cảnh quan, tạo không gian xanh và thoáng mát để xây dựng môi trường sống xanh, lan tỏa ý thức sống xanh trong mỗi CBCNV, sinh viên sinh hoạt, học tập tại Ký túc xá.

"Không gian xanh" được hoàn thành đúng dịp 21 năm thành lập Trung tâm QLKTX ĐHQG TP. HCM.
"Không gian xanh" được hoàn thành đúng dịp 21 năm thành lập Trung tâm QLKTX ĐHQG TP. HCM.

Công trình được khởi công ngày 20/11/2020 với tổng diện tích 470 m2, lấy ý tưởng là những đường vòng cung mang biểu tượng cây tre Việt Nam, là một phần của Dự án Không gian xanh do Chi đoàn Trung tâm Quản lý Ký túc xá phát động. Dự án này nhằm hướng đến môi trường sống trong lành, an toàn, góp phần cùng Khu Đô thị ĐHQG TP xây dựng môi trường xanh.

Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 6/1/2021 - Ảnh 2
Sinh viên lưu trú tại KTX tham gia trang trí công trình
Sinh viên lưu trú tại KTX tham gia trang trí công trình

Vân Anh - Huyền Mai (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục