Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 7/11/2019

10:15 07/11/2019

Trung tâm Báo chí TP. Hồ Chí Minh tổng hợp một số thông tin nổi bật liên quan đến TP trên các báo số ra ngày 7/11/2019, mời Quý độc giả tham khảo:

Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 7/11/2019 - Ảnh 1

Lực lượng chức năng kiểm đếm hàng hóa nhập lậu, nghi giả mạo các thương hiệu nổi tiếng/ SGGP

Bố trí bãi giữ xe 2 bánh miễn phí cho hành khách đi xe buýt

Chiều 6/11, Sở Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh cho biết, liên quan về việc bố trí bãi giữ xe 2 bánh miễn phí tại Trạm trung chuyển xe buýt trên đường Hàm Nghi, quận 1, sở đề nghị UBND quận 1 xem xét, giải quyết hồ sơ sử dụng tạm thời vỉa hè của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP tổ chức giữ xe 2 bánh miễn phí cho hành khách đi xe buýt trên đường Hàm Nghi, quận 1 (đoạn từ đường Pasteur đến đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, mặt sau của Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng) theo quy định.

Việc tổ chức bãi giữ xe 2 bánh miễn phí tại khu vực trên là một trong những giải pháp cần thiết nhằm nâng cao chất lượng phục vụ hành khách sử dụng xe buýt; với mục đích tạo điều kiện cho người dân chuyển đổi phương thức đi lại, thu hút người dân tham gia sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng nhiều hơn, hướng tới dần hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân đi lại, góp phần kéo giảm tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố. Đây là nhiệm vụ chính trị được Thành ủy, UBND TP giao Sở Giao thông Vận tải và UBND các quận, huyện phối hợp thực hiện.

Thông tin được đăng tải trên báo Sài Gòn Giải Phóng.

Tạm giữ hàng ngàn sản phẩm nhập lậu, nghi giả mạo thương hiệu nổi tiếng

Cũng theo báo Sài Gòn Giải Phóng cho biết, chiều 6/11, Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP. Hồ Chí Minh đã kiểm đếm xong số hàng nhập lậu, nghi giả mạo các thương hiệu nổi tiếng thế giới bày bán tại chợ Bến Thành, Trung tâm mua sắm Saigon Square (quận 1).

Đây là đợt ra quân kiểm tra đột xuất, được tiến hành vào trưa cùng ngày do Cục Nghiệp vụ - Tổng cục QLTT phối hợp cùng Cục QLTT TP thực hiện.

Kết quả kiểm đếm sơ bộ vào chiều cùng ngày, QLTT TP đã tạm giữ khoảng 2.000 sản phẩm gồm đồng hồ, túi xách, ví các loại giả mạo nhãn hiệu Rolex, Dior, Hermes, Gucci, LV, cùng hàng trăm sản phẩm nhập lậu khác.

TP. Hồ Chí Minh thu hút thêm hơn 6 tỷ USD vốn FDI trong 10 tháng

Đó là nội dung trên báo điện tử Vietnamplus sáng nay. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh, trong 10 tháng năm 2019, tính chung cả vốn thu hút đăng ký đầu tư mới và qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần góp vốn trong các doanh nghiệp trong nước, thành phố đã thu hút được 6,17 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI), tăng 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong số 64 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào TP. Hồ Chí Minh trong 10 tháng qua, Singapore dẫn đầu về vốn với 139 dự án, vốn đăng ký đạt 324 triệu USD.

Tiếp theo là British Virgin Islands 13 dự án, vốn đầu tư có 179,4 triệu USD; Hàn Quốc 214 dự án, vốn đầu tư 171,9 triệu USD; Nhật Bản 133 dự án, vốn đầu tư 155,4 triệu USD… Ngoài ra, thành phố cũng có 256 lượt dự án điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng 717,6 triệu USD.

Như vậy, tổng vốn đăng ký cấp phép mới và tăng vốn đạt hơn 1,78 tỷ USD, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.

TP. Hồ Chí Minh: Dịch bệnh có xu hướng giảm

Báo Sài Gòn Giải Phóng cho hay: Sáng 6/11, thông tin từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật TPHCM, cả 3 bệnh sốt xuất huyết (SXH), tay chân miệng và sởi đang giảm liên tục từ nhiều tuần qua.

Trong đó, bệnh sởi vào giai đoạn cuối của dịch bệnh với trung bình khoảng 30 trường hợp nghi ngờ mắc bệnh hàng tuần trong liên tục 11 tuần vừa qua. Đối với bệnh SXH, số ca mắc trong tháng 10 giảm 17% so với tháng 9 và giảm mạnh so với tỷ lệ tăng những tháng đầu năm. Với bệnh tay chân miệng, tổng số ca mắc từ đầu năm đến nay là 22.453 ca, giảm 30% so với cùng kỳ năm 2018. Riêng trong tháng 10 vừa qua, bệnh tay chân miệng giảm 18% so với tháng 9.

Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP, những tháng cuối năm 2019 và đầu năm 2020 là thời gian thuận lợi cho các bệnh lây qua tiếp xúc xuất hiện trong trường học các cấp. Ngoài các biện pháp triển khai phòng bệnh thường quy, người dân thường xuyên rửa tay đúng cách và không đưa trẻ bị bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm đến trường, lớp để không lây bệnh cho trẻ khác.

Ngán đất nền, nhà đầu tư quay sang chung cư

Thông tin trên báo Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh cho biết, thị trường bất động sản nửa cuối năm 2019 tại TP. Hồ Chí Minh đang có sự dịch chuyển đầu tư khi nhu cầu tìm kiếm sản phẩm căn hộ chung cư có dấu hiệu tăng mạnh trở lại. Cùng với đó, nhà đầu tư tỏ ra không mặn mà với sản phẩm đất nền kể cả tại thành phố hay các tỉnh lân cận. Lượng giao dịch căn hộ tăng mạnh, đẩy giá căn hộ trung bình tại TP. Hồ Chí Minh tăng hơn 15% so với năm trước đó. Ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc batdongsan.com.vn Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết, nhu cầu tìm kiếm căn hộ cũng tăng mạnh trong quý 3, tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm 2018. Quận 7, Bình Thạnh và quận 8 là ba địa bàn có lượng người quan tâm tìm mua căn hộ cao nhất. Trong khi đó, lượng tin đăng rao bán đất nền dự án tại các quận như quận 2, quận 9, huyện Bình Chánh… giảm khoảng 10%. Ngoài TP. Hồ Chí Minh, lượng tin đăng rao bán đất nền ở các địa bàn lân cận như Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An… cũng giảm. Lý giải về sự dịch chuyển trên, ông Sử Ngọc Khương, chuyên gia về đầu tư bất động sản, cho rằng thời gian qua thị trường có nhiều vụ lùm xùm về các dự án ma như kiểu dự án của Alibaba, Angel Lina… khiến nhà đầu tư chùn tay. Trước đây đất nền được quan tâm vì là kênh đầu tư bảo toàn vốn, kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận. Thế nhưng sau những khủng hoảng rủi ro pháp lý, các dự án pháp lý chưa rõ ràng, chưa có sổ đỏ hoặc chưa chuyển qua đất ở thì nhà đầu tư sẽ e ngại.

Quản lý mô hình hợp tác xã châu Á – Thái Bình Dương tại Việt Nam

Từ ngày 4 đến 6/11, Liên hiệp Hợp tác xã (HTX) Thương mại TP. Hồ Chí Minh đăng cai tổ chức Hội thảo HTX quốc tế châu Á - Thái Bình Dương (ICA-AP 2019) với chủ đề Quản lý mô hình HTX tiêu dùng ở châu Á và Thái Bình Dương tại Việt Nam năm 2019. Đây là lần thứ 2, Saigon Co.op đăng cai tổ chức sự kiện dành cho các nhà quản lý bán lẻ trong bối cảnh vị thế của thị trường bán lẻ Việt Nam đang ngày càng tăng lên, thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Chương trình hội thảo ICA-AP 2019 tại Việt Nam diễn ra với 3 nội dung chính là phương pháp vận hành hiệu quả các mô hình bán lẻ hiện đại, chiến lược hàng nhãn riêng và quản lý chuỗi cung ứng.

Đại diện các thành viên trong ICA-AP đã chia sẻ tình hình phát triển của Liên minh HTX tại mỗi quốc gia, đồng thời giới thiệu những mô hình bán lẻ đặc trưng vốn có của các quốc gia trong khu vực. Hiện ở Việt Nam chỉ có hai đơn vị tham gia Liên đoàn Hợp tác xã quốc tế đại diện châu Á Thái Bình Dương, trong đó có Saigon Co.op. Những năm trước, các chương trình hội thảo chia sẻ kinh nghiệm đặc biệt các khóa huấn luyện về bán lẻ chủ yếu ở Singapore và Nhật Bản. Tuy nhiên, hai năm gần đây, Saigon Co.op đăng cai tổ chức tại Việt Nam và thu hút sự tham gia rất nhiệt tình của HTX các nước, điều đó cho thấy sự hấp dẫn của thị trường bán lẻ Việt Nam cũng như văn hóa Việt Nam. Thông tin trên được đăng tải trên báo Tuổi Trẻ số ra hôm nay.

Đày đọa trẻ em giữa phố: Nạn nhân của người thân

Đó là tiêu đề phóng sự đáng chú ý trên báo Người Lao Động số ra hôm nay. Theo nội dung bài viết này, vì mưu cầu kiếm tiền của người lớn, những đứa trẻ được "hô biến" thành những tay ăn xin "thứ thiệt", trở thành nạn nhân của chính người thân bên cạnh. Không cần dùng đến bất kỳ nghiệp vụ điều tra nào, chỉ cần dành một ngày dạo quanh các điểm chờ đèn đỏ, chân cầu vượt… từ ngoại thành cho đến nội đô, ai cũng có thể bắt gặp được không ít những trường hợp trẻ em bị ép ra đường ăn xin dưới sự giám sát, quản lý của những người lớn núp bóng sau lưng. Bé gái 9 tuổi có tên L.N.M.P hồn nhiên kể: Mẹ nói tiền xin được là để đóng học, không đi ăn xin thì nghỉ học... Nhà bé P. ở phường Tân Kiểng, quận 7, TP. Hồ Chí Minh, ba chạy Grab, mẹ ở nhà, trước em còn có 1 anh trai. P. thích ở nhà nhưng số tiền xin được và những hộp cơm từ thiện kiếm được mỗi đêm đã khiến người thân đẩy P. ra đường. Ngoài P, còn nhiều đứa trẻ khác rơi vào hoàn cảnh tương tự, thường dễ bắt gặp ở các khu vực như cầu Ông Lãnh (quận 1), cầu vượt Cát Lái (quận 2), phố Tây Bùi Viện (quận 1), khu vực chung cư Ngô Gia Tự (quận 10).

Theo ông Phạm Đình Nghinh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP. Hồ Chí Minh, hiện nay việc khuyến cáo người dân không cho tiền trẻ ăn xin, đưa các em vào các cơ sở chăm sóc, giáo dục theo diện bảo trợ xã hội hoặc đưa các em trở về địa phương…chỉ là những giải pháp tình thế. Giải pháo căn cơ, hữu hiệu nhất để bảo vệ trẻ em hiện nay là phải kịp thời xử lý, giải quyết được các đối tượng, đường dây chăn dắt, lợi dụng trẻ em đi ăn xin để trục lợi cá nhân. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hình thành các trung tâm cung cấp dịch vụ xã hội, hỗ trợ cho các em và gia đình ngay tại cộng đồng. Đưa đối tượng trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt vào mô hình quản lý từng trường hợp.

Năng lực khai thác của sân bay Tân Sơn Nhất đạt 700 chuyến mỗi ngày

Báo điện tử Vietnamplus cho hay, Từ 7 giờ sáng nay (ngày 7/11), Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) chính thức triển khai áp dụng phương án phân chia khu vực trách nhiệm của vị trí kiểm soát mặt đất (Ground Control Unit) tại sân bay Tân Sơn Nhất thành 2 phân khu điều hành bay riêng biệt. Đây là một trong những giải pháp góp phần nâng cao năng lực khai thác mặt đất của sân bay Tân Sơn Nhất trước đà tăng trưởng hoạt động bay trung bình đạt hơn 700 chuyến/ngày

“Tân Sơn Nhất là sân bay đầu tiên của Việt Nam được áp dụng giải pháp phân chia khu vực trách nhiệm của vị trí kiểm soát mặt đất. Việc triển khai thành công tại đây sẽ là tiền đề, kinh nghiệm cho việc nghiên cứu áp dụng mô hình tương tự tại các sân bay khác khi yêu cầu hoạt động bay đạt đến mức cần thiết có biện pháp hỗ trợ giảm tải khối lượng công việc cho kiểm soát viên không lưu,” lãnh đạo VATM khẳng định.

 

 

Vân Anh - Thanh Hà

Tin cùng chuyên mục