TPHCM sắp đón không khí lạnh, nhiệt độ có thể 18 độ C
Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Lê Đình Quyết, Phó phòng Dự báo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, nhận định, từ ngày mai (8/1), TPHCM và các tỉnh thành lân cận sẽ chịu ảnh hưởng mạnh của đợt rét đậm, rét hại lần 3 từ phía Bắc.
"Đợt lạnh lần này còn mạnh hơn cả đợt không khí lạnh hồi Tết Dương lịch vừa qua. Nhiệt độ ở TPHCM và các tỉnh, thành Nam Bộ có thể xuống 18-19 độ C. Kiểu thời tiết này sẽ còn kéo dài đến tuần sau"- ông Quyết nhận định.
Ông Quyết cũng cho biết thêm, mưa trái mùa tại Đông Nam Bộ đã giảm đáng kể, nhưng vẫn có khả năng xuất hiện một vài trận mưa trái mùa trên diện hẹp. Mưa trái mùa mặc dù đươc nhận định sẽ không quá lớn, khó xảy ra trận mưa >100mm, nhưng cường độ mạnh làm hư hại cây hoa màu, dễ gia tăng sâu bệnh, người dân cần lưu ý.
Trong ngày 7/1, nhiệt độ TPHCM dao động từ 24-32 độ C, mây rải rác, trong ngày có nắng và gió nhẹ. Chỉ số chất lượng không khí ở ngưỡng trung bình.
Học sinh nghỉ Tết Nguyên đán 9 ngày
Theo ông Nguyễn Thành Trung - Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP, học sinh từ mầm non đến THPT ở TPHCM sẽ nghỉ tết âm lịch 9 ngày. Báo Tuổi Trẻ đưa tin.
Ông Trung cho biết thời gian nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 của các em học sinh bắt đầu từ ngày 8/2 (ngày 27 tháng chạp) đến hết ngày 16/2/2021 (mùng 5 âm lịch).
Được biết, những năm trước UBND TP ban hành kế hoạch thời gian năm học theo hướng cho học sinh nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày (khoảng 15-16 ngày), đồng thời giảm thời gian nghỉ hè ngắn hơn trước. Nhưng năm học 2020-2021 thời gian nghỉ ít hơn.
Trong khi đó, lịch nghỉ Tết Nguyên đán của cán bộ công chức, viên chức, người lao động năm Tân Sửu 2021 là 7 ngày ( từ 10/2/2021 đến hết 16/2/2021)
Chủ trương kéo giãn đô thị ra các vùng ngoại thành
Trong 10 năm tới, TP sẽ từng bước kéo giãn đô thị ra các vùng ngoại thành, giảm tải cho khu vực nội đô đang quá tải nghiêm trọng. Đó là mục tiêu chính của đề án “Xây dựng chương trình phát triển nhà ở TP giai đoạn 2021 - 2030” vừa được Phó chủ tịch UBND TP Lê Hòa Bình phê duyệt. Thông tin trên báo Thanh Niên.
Theo đề án, đối với khu vực trung tâm gồm Q.1, Q.3, và 5 quận nội thành hiện hữu (4, 5, 6, 11, Phú Nhuận) có dân số giảm trong 10 năm gần đây, TP sẽ không chấp thuận chủ trương đầu tư dự án phát triển nhà ở nếu không có kế hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tương ứng. Thay vào đó, sẽ ưu tiên tăng chỉ tiêu dân số, hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng… cho các dự án cải tạo, xây dựng mới thay thế chung cư cũ trước năm 1975.
Đối với các quận 8, 10, Bình Thạnh, Tân Bình, Tân Phú và Gò Vấp, TP sẽ đẩy mạnh đầu tư hạ tầng kỹ thuật, xã hội để kêu gọi đầu tư dự án nhà ở.
Bên cạnh đó, khu vực TP Thủ Đức và 3 quận nội thành phát triển (7, 12, Bình Tân) tuy được định hướng ưu tiên phát triển các dự án nhà ở mới, chung cư cao tầng dọc các trục giao thông lớn, nhưng vẫn hạn chế chấp thuận chủ trương thực hiện các dự án nếu chưa có kế hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tương ứng đảm bảo.
Đại diện Sở Xây dựng TP - đơn vị xây dựng đề án, lý giải việc TP hạn chế phát triển các dự án nhà ở tại các quận trung tâm xuất phát từ thực trạng hệ thống hạ tầng kỹ thuật nhà ở nhiều khu vực hiện chưa được cải tạo, nâng cấp tương xứng, dẫn tới quá tải về hạ tầng chung. Bên cạnh đó, tốc độ phát triển nhà ở dân tự xây rất lớn.
Hoàn toàn ủng hộ chủ trương hạn chế xây cao ốc tại 7 quận trung tâm TP, chuyên gia quy hoạch Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, việc hạn chế xây mới dự án cao tầng tại các quận trung tâm đã được đề xuất từ rất lâu và nên áp dụng càng sớm càng tốt.
Đồng tình, PGS-TS Nguyễn Minh Hòa, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch TP, nhận định tất cả các khu vực trung tâm trên thế giới không “nhét” quá nhiều nhà cao tầng, vì càng nhiều nhà, dân số tăng sẽ càng tạo áp lực lên một loạt hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội như thoát nước, cấp nước, cấp điện, mạng lưới viễn thông, thu gom rác thải, bệnh viện, trường học, công viên cây xanh tính trên đầu người…
Kiến nghị Bộ GTVT khẩn cấp "giải vây" 5 dự án lớn
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng cho sự phát triển- kinh tế- xã hội của cả nước. Tuy nhiên do kết cấu hạ tầng không đồng bộ, chậm cải thiện, thiếu sự liên kết vùng nên chất lượng phát triển đô thị còn thấp, chưa phát huy hết tiềm năng vốn có.
Để "khai thông" cho vùng kinh tế trọng điểm này, theo báo Người Lao Động, Sở GTVT TPHCM đề nghị Bộ GTVT sớm xem xét, thực hiện đối với 5 dự án giao thông trọng điểm.
Đầu tiên, Dự án khép kín đường Vành đai 3, chiều dài 98,54km đi qua các địa phận của TPHCM (quận 9, các huyện Củ Chi, Hóc Môn và Bình Chánh) và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An.
Dự án chia làm 4 đoạn. Riêng đoạn 2 (Tân Vạn – Bình Chuẩn) trùng cao tốc Mỹ Phước – Tân Vạn, đã đầu tư hoàn thành và đưa vào khai thác với quy mộ 6/10 làn xe. 3 đoạn còn lại đều đang chờ Bộ GTVT xem xét thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.
Thứ hai, dự án đường Vành đai 4, chiều dài 198km, đi qua các tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, TPHCM và Long An với mặt cắt ngang 6 – 8 làn xe, tiêu chuẩn đường cao tốc, tổng mức đầu tư khoảng 100.000 tỷ đồng. Hiện nay chờ Bộ GTVT thống nhất phương án, kế hoạch, quy mô, phân kỳ và hình thức đầu tư.
Thứ ba, trục động lực kết nối TPHCM – Long An – Tiền Giang, chiều dài 54,5km, mặt cắt ngang hoàn chỉnh 40m (6 làn xe), tổng mức đầu tư khoảng 16.197 tỷ đồng. Hiện nay, dự án đang chờ Bộ GTVT bổ sung vào quy hoạch GTVT vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và quy hoạch phát triển GTVT đường bộ Việt Nam để có cơ sở triển khai các thủ tục tiếp theo.
Thứ tư, mở rộng tuyến đường cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây: Dự án đang chờ Bộ GTVT xem xét 3 vấn đề mà UBND TPHCM kiến nghị trước đó, gồm nghiên cứu quy mô mặt cắt ngang mở rộng; việc kết nối với các tuyến đường trên địa bàn TP; phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy hoạch được duyệt.
Thứ năm, dự án Ga Bình Triệu, diện tích khoảng 41 ha, đến nay chưa triển khai. Dự án đã được Cục đường sắt Việt Nam cắm mốc giới và bàn giao cho TPHCM quản lý. Tuy nhiên việc chậm thực hiện dự án sẽ ảnh hường đến việc ổn định đời sống của người dân trong khu vực. Hiện nay chờ Bộ GTVT chủ trì, Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét cơ chế thực hiện bồi thường cho các hộ dân trong ranh quy hoạch trong giai đoạn 2021-2025.
Bệnh viện đầu tiên niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán
Vietnamplus cho hay, ngày 6/1, Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) tổ chức Lễ trao quyết định niêm yết và đưa 41,5 triệu cổ phiếu của Công ty Cổ phần Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên (Mã chứng khoán: TNH) vào giao dịch. Đây cũng là đơn vị y tế - bệnh viện đầu tiên tham gia niêm yết trên HOSE.
Tổng giá trị chứng khoán niêm yết của cổ phiếu TNH đạt 415 tỷ đồng, giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 25.000 đồng/cổ phiếu, biên độ giao động giá +/-20%.
Tại buổi lễ trao quyết định niêm yết, đại diện lãnh đạo HOSE đã chúc mừng phiên giao dịch đầu tiên của cổ phiếu TNH; đồng thời chia sẻ việc đưa chứng khoán lên niêm yết trên HOSE sẽ mang lại nhiều lợi thế cho doanh nghiệp, nhất là lợi thế tiếp cận vốn, nâng cao uy tín và thương hiệu...
Phá đường dây mua bán hóa đơn GTGT trái phép
Thông tin khác trên báo Tuổi Trẻ, ngày 6/1, Cơ quan CSĐT Công an quận Bình Tân đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Lê Hoàng Nhớ (29 tuổi) và Phạm Thị Mỹ Hoa (41 tuổi, cư trú tại quận 2) để điều tra hành vi mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT).
Khoảng 14h ngày 30/12/2020, tại giao lộ đường số 28 và đường 17A (phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân), tổ công tác của Đội cảnh sát kinh tế bắt quả tang Lê Hoàng Nhớ đi xe máy đem hóa đơn GTGT đi bán. Cơ quan chức năng thu giữ một bộ hồ sơ hóa đơn GTGT cùng tài liệu liên quan.
Từ lời khai, Cơ quan CSĐT Công an quận Bình Tân khám xét khẩn cấp 3 địa điểm tại quận Bình Thạnh và quận 2, thu giữ 48 sổ hóa đơn GTGT liên 2 đã ghi nội dung, 9 con dấu, 7 sổ ghi chép, 4 máy tính, 20 con dấu của 20 doanh nghiệp, 190 cuốn sổ GTGT (50 số hoá đơn/cuốn) của 10 doanh nghiệp, 5 ĐTDĐ, 1 xe ô tô cùng lượng tiền lớn. Đồng thời, triệu tập làm việc 4 người liên quan và phong tỏa 50 tài khoản ngân hàng.
Bước đầu, cơ quan điều tra xác định các đối tượng đã thành lập 20 công ty "ma" để thực hiện hành vi bán hóa đơn GTGT. Phương thức thủ đoạn hoạt động của các đối tượng là thu thập, sử dụng giấy CMND trôi nổi, thuê địa điểm hoặc khai man địa điểm để đăng ký thành lập doanh nghiệp, đăng ký in và phát hành hóa đơn GTGT tại các chi cục thuế trên địa bàn TPHCM.
Sau đó, các đối tượng lên mạng xã hội tìm những doanh nghiệp cần mua hóa đơn GTGT để hợp thức hóa nguồn hàng đầu vào hoặc giá nhân công... Đối với hóa đơn GTGT trên 20 triệu đồng thì kèm theo việc chuyển tiền qua hệ thống ngân hàng để hợp thức hóa việc mua, bán hóa đơn GTGT. Các đối tượng bán hóa đơn hưởng lợi 1,5-7% trên tổng số tiền hàng.
Hiện Công an quận Bình Tân đang tiếp tục truy xét các đối tượng còn lại để xử lý theo quy định của pháp luật.
Khổ vì container tồn đọng ở cảng
Thông tin từ Cục Hải quan TP cho biết, tại cảng Sài Gòn khu vực 1 (cảng Cát Lái) vẫn còn tới 2.874 container hàng tồn đọng quá hạn 90 ngày. Trong đó có 2.029 container phế liệu, đã phân loại 1.527 container.
Việc xử lý hàng hóa tồn đọng kéo dài làm hạn chế khả năng khai thác cảng biển của doanh nghiệp (DN), gây nên tình trạng ùn ứ thường xuyên hoặc cục bộ tại các thời kỳ cao điểm như lễ, Tết. Chưa kể, việc tồn đọng hàng trong bãi cũng làm thiếu container rỗng, buộc các hãng tàu phải tăng cước vận chuyển.
Trao đổi với báo Người Lao Động về việc chưa xử lý dứt điểm phế liệu tồn đọng ở cảng Cát Lái, gây khó khăn cho giải phóng hàng, ông Mai Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, cho biết việc xử lý sớm dứt điểm và đúng pháp luật với hàng phế liệu tồn đọng đang là vấn đề nan giải. Theo ông Thành, phương án tiêu hủy là có cơ sở nhưng vấn đề chi phí sẽ quy cho ai, như thế nào cho hợp lý là rất quan trọng.
Trong khi đó, ông Trần Việt Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1, cho rằng cần sớm có cơ chế đấu thầu, giao cho các DN chuyên thực hiện kiểm kê, phân loại, định giá, xử lý hàng hóa tồn đọng thay cho hội đồng xử lý hàng hóa tồn đọng như hiện nay. Hội đồng chỉ giám sát, theo dõi việc thực hiện để đẩy nhanh tiến độ.
Ngoài ra, đề xuất Tổng cục Hải quan cho phép DN kinh doanh cảng bố trí địa điểm riêng (trong hoặc ngoài cảng) để lưu giữ hàng tồn đọng nếu bảo đảm điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan nhằm giải phóng mặt bằng, nâng cao năng lực khai thác cảng.
Nhà nhiều lá
Bằng việc thu gom rác và xây dựng một cộng đồng cùng chia sẻ, nhóm bạn trẻ không chỉ lan tỏa một lối sống xanh mà còn viết nên những câu chuyện đẹp trong cuộc sống. Ghi nhận trên báo SGGP.
“Nhà nhiều lá” được thực hiện tại TPHCM từ tháng 11/2020. Dự án hướng đến việc xây dựng và duy trì thói quen phân loại rác tại nguồn cho mọi người và truyền tải các thông điệp bảo vệ môi trường thông qua việc đưa tin về các vấn đề môi trường hiện nay, xây dựng một cộng đồng sống xanh.
Đây là tổ hợp chuỗi hoạt động xã hội về văn hóa, giáo dục và môi trường như: nhóm dạy học tại Làng trẻ em SOS (quận Gò Vấp) với mô hình “Gia sư không đồng”; thu gom rác và đổi quà; thư viện đọc và cho mượn sách miễn phí; mua bán cây xanh trang trí, sản phẩm hữu cơ để gây quỹ; các lớp dạy năng khiếu miễn phí như ngoại ngữ, kỹ năng sống, nghệ thuật…
Cùng với dự án “Green Life” tại Hà Nội, “Nhà nhiều lá” được Hoàng Quý Bình (25 tuổi) sáng lập. “Khi thực hiện “Green Life” và bây giờ là “Nhà nhiều lá”, tôi mong tạo ra được một không gian để kết nối và là nơi để bạn trẻ chia sẻ cùng nhau những câu chuyện vui buồn, hỗ trợ nhau trong cuộc sống để từ đó tạo ra một nguồn năng lượng tích cực”, Bình chia sẻ.
Dự án dù lớn hay nhỏ, đóng góp nhiều hay ít… đều góp phần tích cực tới môi trường, giảm gánh nặng rác thải và là hoạt động xã hội ý nghĩa mà người trẻ nên hướng tới. Những bạn trẻ đang nỗ lực lan tỏa sống xanh và hoạt động vì môi trường đều xứng đáng được ghi nhận.
Vân Anh - Huyền Mai (tổng hợp)