Ngày 7/12, khai mạc kỳ họp 23 của HĐND TPHCM khóa IX
Theo báo Tuổi Trẻ, sáng nay (7/12), kỳ họp thứ 23 HĐND TPHCM khóa IX được tổ chức. Kỳ họp diễn ra từ ngày 7 đến ngày 9/12/2020.
Theo dự kiến, nội dung kỳ họp sẽ có phiên chất vấn Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong sẽ diễn ra vào buổi làm việc thứ hai của kỳ họp, sáng 8/12, được truyền hình và phát thanh trực tiếp. Nội dung chất vấn xoay quanh vai trò chỉ đạo, điều hành của chủ tịch UBND TP và tập thể thường trực UBND TP để thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Đảng cũng như các vấn đề còn tồn đọng liên quan đời sống người dân như quy hoạch treo, xử lý rác thải, nạn ô nhiễm môi trường...
Bên cạnh đó, kỳ họp lần này, UBND TP sẽ báo cáo tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội năm 2020 và nhiệm vụ, giải pháp năm 2021; báo cáo quyết toán ngân sách TP năm 2019, thu chi ngân sách năm 2020 và dự toán phân bổ ngân sách năm 2021; báo cáo kết quả giải quyết kiến trị cử tri trước và sau kỳ họp thứ 22 của HĐND TP và các tờ trình.
HĐND TP cũng sẽ báo cáo đánh giá việc giải quyết các kiến nghị cử tri của UBND TP từ kỳ họp thứ 22 đến nay. Ủy ban MTTQ Việt Nam TP sẽ thông báo về hoạt động tham gia xây dựng chính quyền TP năm 2020. Tòa án nhân dân TP sẽ báo cáo kết quả công tác kiểm sát. Cùng với đó, HĐND TP sẽ báo cáo kết quả giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách pháp luật về cải cách hành chính và Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội.
Cuối kỳ họp, đại biểu HĐND TP sẽ khảo sát tuyến metro số 1.
Thông báo tạm dừng lễ tốt nghiệp vì Covid-19
Báo Thanh Niên đưa tin, đến thời điểm này dù hơn 2.500 mẫu F1, F2 của 4 ca bệnh Covid-19 đều âm tính lần 1 nhưng lịch tổ chức trao bằng tốt nghiệp của nhiều trường ĐH vẫn được lùi lại hoặc thay đổi cách tổ chức để an toàn hơn.
Trước một ngày tổ chức lễ tốt nghiệp, Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn buộc phải ra thông báo tạm dừng tổ chức lễ trong ngày 5/12. Thay vào đó, trường dự kiến sẽ tổ chức lễ trở lại vào ngày 19/12 (14 ngày sau) khi tình hình dịch bệnh Covid-19 cơ bản có thể kiểm soát và không xuất hiện nguồn lây mới trong cộng đồng.
Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM cũng tạm dừng việc tổ chức lễ tốt nghiệp đã được lên lịch vào ngày 12 và 13/12 tới. Theo Thạc sĩ Trần Thanh Thưởng, Trưởng phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên, quyết định của trường được đưa ra theo tinh thần Công điện của Thủ tướng Chính phủ, công văn của Bộ GD-ĐT về tăng cường công tác phòng chống dịch trong nhà trường.
"Có khoảng gần 1.000 sinh viên nhận bằng tốt nghiệp trong đợt này. Lịch tổ chức mới dự kiến vào ngày 16 và 17/1/2021 trong trường hợp diễn biến dịch bệnh không phức tạp trở lại", ông Thưởng cho hay.
Không chỉ lễ tốt nghiệp, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM còn tạm hoãn các hoạt động tập trung đông người khác trong tháng 12 như ngày hội khởi nghiệp, ngày hội mở…
Kích hoạt chế độ “du lịch trực tuyến”
Sẵn sàng nhiều giải pháp để hồi phục và bứt phá sau dịch, nhưng ngành du lịch TPHCM đang phải tính phương án chuyển các sự kiện sang hình thức trực tuyến, sống chung với dịch bệnh.
Do ngay từ khi xây dựng phương án, Sở Du lịch TP đã chuẩn bị tâm thế “sống chung với dịch” nên luôn có phương án dự phòng, giúp việc tổ chức được chủ động. Tuy nhiên, chắc chắn lượng khách sẽ có sự sụt giảm đáng kể do tâm lý sợ dịch và các tỉnh vùng Tây Bắc đang bước vào mùa cao điểm nên khách sẽ có xu hướng chọn đi Tây Bắc nhiều hơn.
Trao đổi với báo Thanh Niên, bà Võ Thị Ngọc Thúy, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP, cho biết sau thời gian tập trung kích cầu, lượng khách đến TP.HCM tăng trưởng khá tốt.
Việc xuất hiện một số ca lây nhiễm Covid-19 ra cộng đồng khiến ngành du lịch TP phải sử dụng đến các phương án dự trù: chuyển hướng tổ chức trực tuyến đối với các chương trình như “Tôi yêu áo dài Việt Nam”; giải chạy marathon cũng phải dời lịch tổ chức sang tháng 2, trong trường hợp dịch bệnh chưa được kiểm soát sẽ vẫn tổ chức dưới hình thức trực tuyến...
Sở Du lịch TP.HCM vừa gửi văn bản đề nghị các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, cơ sở lưu trú du lịch, cơ sở ăn uống, mua sắm đạt chuẩn phục vụ du lịch và điểm tham quan, khu vui chơi giải trí trên địa bàn thực hiện nghiêm bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19.
Riêng các cơ sở lưu trú du lịch đang làm điểm cách ly có trả phí, định kỳ 1 ngày/lần, các điểm cách ly có trả phí phải báo cáo về Sở Du lịch TP và các cơ quan y tế có liên quan về số lượng khách đang cách ly tại cơ sở, số lượng khách đã đăng ký, công suất, số lượng buồng/phòng đang sử dụng, sức khỏe của người cách ly... để tổng hợp và báo cáo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP khi có yêu cầu.
Người dân TP sẽ không phải "canh" cửa để ghi điện
Báo Người Lao Động cho hay, Tổng Công ty Điện lực TP đang triển khai thực hiện thay thế công-tơ cơ bằng công-tơ điện có chức năng truyền dữ liệu đo đếm từ xa theo hình thức cuốn chiếu, dự sẽ hoàn tất 100% việc thay thế vào năm 2021 và hoàn toàn miễn phí cho khách hàng.
Tính đến tháng 11/2020, EVNHCMC đã triển khai lắp đặt cho gần 1,7 triệu khách hàng trên địa bàn TP.
Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực TP (EVNHCMC) Bùi Trung Kiên cho biết, hệ thống hoạt động dựa trên nguyên tắc mỗi công-tơ sẽ được gắn một thiết bị truyền dữ liệu để truyền thông tin về hệ thống thu thập dữ liệu tập trung, thay thế cho việc đọc chỉ số thủ công với những khuyết điểm như chi phí nhân công cao, có thể xảy ra sai sót do yếu tố con người như trước đây.
Theo EVNHCMC, với hệ thống đo đếm mới này, vào bất kỳ lúc nào và ở bất kỳ đâu, khách hàng đều có thể theo dõi được tình hình sử dụng điện, điện năng tiêu thụ hằng ngày và hóa đơn tiền điện hằng tháng của nhà mình thông qua hình thức tra cứu trên ứng dụng thiết bị thông minh cskh-evnhcmc (trên AppStore hay CH Play), qua web cskh.hcmpc.vn, Zalo... Điều này giúp khách hàng hoàn toàn chủ động việc điều chỉnh sử dụng điện phù hợp nhằm mang lại hiệu quả sử dụng điện cao nhất. Không những vậy, công nghệ mới này cũng sẽ giúp khách hàng giảm thời gian mất điện, vì qua theo dõi dữ liệu thu thập, ngành điện sẽ sớm phát hiện các trường hợp bất thường và giải quyết nhanh nhất.
Trả lời về vấn đề chất lượng công-tơ có chức năng truyền dữ liệu đo đếm từ xa mà nhiều người dân rất quan tâm, ông Bùi Trung Kiên thông tin, tất cả công-tơ điện có chức năng truyền dữ liệu đo đếm từ xa đều được tổng công ty mua sắm theo hình thức đấu thầu rộng rãi và tuân thủ theo các quy định của Luật Đấu thầu.
Trong đó, quy cách kỹ thuật để mua sắm công-tơ thực hiện theo đúng quy định của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật điện quốc tế là IEC:62052-11, IEC:62053-21 và yêu cầu kỹ thuật quy định trong quản lý đo lường của Việt Nam. Trước khi lắp đặt cho khách hàng, tất cả công-tơ đều phải được phê duyệt mẫu và kiểm định theo quy trình kiểm định do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng ban hành. Ngành điện chỉ lắp đặt những công-tơ có kết quả kiểm định đạt yêu cầu để bảo đảm vận hành, sử dụng chính xác.
Dự án bSmart giành giải nhất cuộc thi “Al Hack 2020”
Báo SGGP cho hay, ngày 6/12, tại Khu Công nghệ cao TPHCM (quận 9) diễn ra vòng chung kết cuộc thi Al Hack 2020. Đây là cuộc thi nối tiếp chuỗi IoT Startup - Cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dựa trên nền tảng IoT do SHTP-IC tổ chức từ năm 2016 tới nay.
Trải qua 6 tuần liên tục bằng cả hình thức trực tuyến lẫn trực tiếp, với các hỗ trợ đến từ ban tổ chức và các mentor trong lĩnh vực như: VietAI, Microsoft Việt Nam, NashTech Việt Nam, Swiss EP Việt Nam, Anscenter…, Ban tổ chức đã lựa chọn ra 6 dự án xuất sắc nhất để trao thưởng, trong đó dự án bSmart - Giải pháp sử dụng trí tuệ nhân tạo để giải quyết các bài toán về giao thông công cộng đạt giải quán quân với 50 triệu đồng tiền mặt và gói ươm tạo 200 triệu đồng của SHTP-IC.
Theo ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP (SHTP-IC), Trưởng Ban chỉ đạo cuộc thi AI Hack 2020, việc tổ chức cuộc thi AI Hack 2020 nhằm tạo điều kiện cho các startup trong cộng đồng khởi nghiệp xây dựng những giải pháp AI dựa trên tối ưu hóa dữ liệu hiện có, góp phần nâng cao chất lượng của sản phẩm và giá trị mang đến cho khách hàng.
Điểm khác biệt của cuộc thi AI Hack 2020 chính là hình thức Bootcamp (mô hình đào tạo lập trình dưới dạng các trại huấn luyện) kéo dài 6 tuần liên tục nhằm chọn ra top 10 dự án xuất sắc tham gia Pitching Day (buổi thuyết trình ý tưởng) để kêu gọi vốn trước các quỹ đầu tư.
Giải pháp phát triển kè bờ sông và kinh tế dịch vụ ven sông Sài Gòn
Sở Quy hoạch và Kiến trúc (QH-KT) TP vừa có văn bản gửi UBND TP báo cáo tiến độ triển khai Đề án phát triển kè bờ sông và kinh tế dịch vụ ven sông giai đoạn 2020-2045 và kế hoạch triển khai giai đoạn 2020-2025. Thông tin từ báo Pháp Luật TP.
Theo đó, mục đích Đề án nhằm xây dựng, cải tạo, hoàn thiện không gian khu vực kè bờ sông, bảo tồn và phát huy giá trị môi trường tự nhiên, cảnh quan văn hóa và đặc trưng đô thị. Đồng thời, từng bước xây dựng, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng xanh gắn với không gian mở đa chức năng, tạo điều kiện phát triển kinh tế dịch vụ ven sông.
Đề án đề ra lộ trình từ 2020-2025 sẽ điều chỉnh quy hoạch, thiết kế đô thị và các công cụ quản lý phát triển khu vực hành lang sông Sài gòn, trong đó ưu tiên khu trung tâm TP gắn với các đề án, chương trình phát triển kinh tế, dịch vụ.
Tiếp đến, giai đoạn 2025-2045 sẽ triển khai các dự án về đầu tư, kết nối hoàn thiện cơ sở hạ tầng xanh tích hợp liên vùng, liên khu vực, phát huy các hoạt động du lịch và kinh tế dịch vụ giải trí theo kế hoạch.
Nhằm đạt được mục tiêu theo lộ trình trên, Đề án đưa ra hai nhóm giải pháp: Nhóm giải pháp quy hoạch - kỹ thuật và Nhóm giải pháp về cơ chế - chính sách.
Trong đó, nhóm giải pháp quy hoạch - kỹ thuật sẽ phân vùng theo không gian kiến trúc cảnh quan của sông Sài Gòn gồm vùng thượng lưu sông và vùng trung lưu, hạ lưu sông.
Nhóm giải pháp về cơ chế - chính sách sẽ tập trung đến giải pháp tài chính, đầu tư, nguồn nhân lực và cơ chế thực hiện.
Mang chai nhựa, giày dép hỏng… đến quán cà phê tái chế
Chỉ cần đem chai nhựa, ly nhựa, giày dép hỏng đã qua sử dụng đến quán, khách hàng sẽ được giảm giá nước là cách làm độc đáo của quán cà phê tái chế nằm trên đường Thân Văn Nhiếp ở Quận 2. Nội dung đăng tải trên báo Tuổi Trẻ.
Đây là quán cà phê tái chế thứ 2 của anh Nguyễn Văn Thơ, sau khi anh mở thành công quán đầu tiên tại Hà Nội. Chủ quán cùng những người trẻ yêu môi trường đã tái sử dụng những thứ bỏ đi như lốp xe, cánh cửa cũ, hàng ngàn chai nhựa, vật thủy tinh và đồ điện tử thu gom từ nhiều vựa đồng nát để làm bàn ghế ngồi và vật dụng trang trí tại quán.
"Trong một lần tình cờ vào thăm bạn ở Sài Gòn, tôi thấy nhiều quán cà phê đang lạm dụng ly nhựa và dùng trong vòng đời ngắn, tạo ra lượng rác thải nhựa lớn mỗi ngày. Điều này thôi thúc tôi mong muốn cùng người dân Sài Gòn chung tay làm nhựa "nở hoa", truyền đi thông điệp bảo vệ môi trường càng sớm càng tốt" - anh Thơ nói.
Tại quán, anh Thơ cùng chị Trang Gegner (Quận 2) thường xuyên tổ chức những hoạt động tái chế tại chỗ, trực tiếp chỉ những bạn nhỏ làm đồ tái chế, giúp các em có cơ hội trải nghiệm thực tế, được sáng tạo làm thứ mình thích. Nhiều phụ huynh dẫn con em đến quán cùng tham gia làm đồ tái chế tại chỗ.
Anh Ngô Văn Cường (Q.10) sau khi cùng con làm chậu cây bằng giày cũ, vui vẻ nói: "Không gian ở đây thật sự rất phù hợp để các con được tự tay làm và biết tận dụng đồ đã vứt đi để tái sử dụng".
Ngoài ra, để thực hiện lời hứa sống xanh với Sài Gòn, anh Thơ kêu gọi mọi người đem tặng chai nhựa, rác thải tái chế đến quán tập kết. Đây cũng là điểm thu hộ rác thải như vỏ sữa, chai nhựa… cho các hội nhóm tái chế ở Việt Nam.
Vân Anh - Khang Minh - Huyền Mai (Tổng hợp)