Tổ chức xét nghiệm Covid-19 có thu phí cho người xuất cảnh
Theo báo Lao Động, ngày 7/12, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết đang triển khai thực hiện cung cấp xét nghiệm Covid-19 có thu phí cho người xuất cảnh.
Trước đó, HCDC được Bộ Y tế thẩm định và cho phép thực hiện xét nghiệm khẳng định bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19).
Người xuất cảnh có nhu cầu xét nghiệm Covid-19 có thể liên hệ đăng ký bằng hai hình thức qua số điện thoại hoặc thư điện tử (email) của HCDC.
Sau khi liên hệ và được xếp lịch hẹn, người đăng ký đến cơ sở 121 Lý Chính Thắng, quận 3 để lấy mẫu xét nghiệm. Chi phí thực hiện xét nghiệm là 734.000 đồng/lần. Người xuất cảnh có thể nhận kết quả và đóng phí trực tiếp hoặc qua hình thức chuyển khoản.
Kết quả sẽ được trả trực tiếp tại cơ sở 125/61 Âu Dương Lân, phường 3, quận 8 trong giờ hành chính.
Đối với người xuất cảnh có nhu cầu lấy mẫu tại nơi cư trú, có thể liên hệ đến số điện thoại của HCDC để được hỗ trợ.
6.000 học sinh trở lại trường sau thời gian nghỉ phòng Covid-19
Ông Lưu Hồng Uyên - Trưởng Phòng GD-ĐT quận 6 - xác nhận hơn 4.000 học sinh tiểu học ở quận đã trở lại học bình thường vào sáng nay. Ngoài ra, lãnh đạo Trường THPT Trần Quang Khải (quận 11) cũng cho hay 2.000 học sinh của trường đã đi học trở lại. Thông tin trên báo Tuổi Trẻ.
"Khi các em đi học lại, phòng GD-ĐT yêu cầu các trường thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch như đo nhiệt độ, khử khuẩn, thực hiện đeo khẩu trang đúng quy định. Đeo khẩu trang từ nhà đến trường và ngoài lớp học; khuyến khích chứ không bắt buộc việc đeo khẩu trang trong lớp học, khi ngủ trưa bán trú. Trường nghiêm túc tuân thủ khuyến cáo "5K" của Bộ Y tế" - ông Uyên nói.
Trong khi đó, 48 học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3) nghỉ học do liên quan tới bệnh nhân 1347 vẫn chưa đến trường.
Cô Nguyễn Thị Hồng Chương - Hiệu trưởng - cho biết: "Trường mới họp với Ban chỉ đạo phòng chống dịch của quận. Học sinh khi nào đi học lại thì phải đợi thông báo của quận. Nhà trường luôn chủ động trong kế hoạch. 48 em lớp 10A3 được học tập trực tuyến, theo dõi bài vở như các bạn ở lớp trong tuần qua..."
Còn khoảng 80.000 vé tàu Bắc - Nam dịp Tết Tân Sửu 2021
Báo Pháp Luật TP đưa tin, ngày 7/12, Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết số lượng vé tàu dịp Tết Tân Sửu 2021 còn khoảng 80.000 vé hai chiều Bắc và Nam.
Trong đó, thời điểm trước Tết còn khoảng 29.000 chỗ đi từ ga Sài Gòn, ga Biên Hòa, ga Nha Trang đến Hà Nội từ ngày 2/2/2021 đến ngày 11/2/2021 (tức từ ngày 21 đến 30 tháng Chạp).
Thời điểm sau Tết, còn khoảng 51.000 chỗ đi từ Hà Nội đến Nha Trang, ga Biên Hòa và ga Sài Gòn từ ngày 12/2/2021 đến ngày 26/2/2021 (tức từ ngày 1 đến 15 tháng Giêng).
Số lượng vé còn lại chủ yếu là các ghế ngồi cứng lạnh, ngồi mềm lạnh, giường cứng lạnh và giường mềm lạnh. Ghế cứng và ghế phụ còn rất ít vé và ở một số chặng nhất định.
Hành khách có nhu cầu mua vé có thể đến các nhà ga, đại lý của ngành đường sắt; mua tại website www.dsvn.vn, vetau.com.vn; app bán vé tàu trên di động; mua qua ứng dụng ví điện tử Momo, ViettelPay hoặc gọi tổng đài bán vé 19001520 (Sài Gòn), 02583822113 (Nha Trang), 0236.3823810 (Đà Nẵng).
Tuyển bổ sung học sinh vào lớp 10 chuyên
Báo Giáo Dục và Thời Đại cho hay, Sở GD-ĐT TP vừa có thông báo kế hoạch tuyển sinh bổ sung 99 học sinh vào các lớp 10 chuyên năm học 2020-2021 đối với Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa và THPT Gia Định.
Cụ thể, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (Quận 1) tuyển bổ sung học sinh vào các lớp 10 chuyên gồm: chuyên Toán tuyển 12 học sinh, Hóa học: 10, Sinh học: 11, Ngữ văn: 6, Tiếng Anh: 18.
Trường THPT Gia Định (Quận Bình Thạnh) tuyển sinh bổ sung học sinh vào các lớp 10 chuyên gồm: chuyên Toán tuyển 7 học sinh, Vật lý: 21, Hóa học: 3, Tin học: 8, tiếng Anh: 3.
Về đối tượng dự thi gồm học sinh các trường công lập đã hoàn thành xong chương trình học kỳ 1 lớp 10 (không chuyên) năm học 2020 - 2021. Có nguyện vọng thi vào các lớp chuyên của một trong hai trường trên.
Điều kiện dự thi: Học lực cuối học kỳ 1 năm lớp 10 năm học 2020 - 2021 xếp loại giỏi, hạnh kiểm xếp loại tốt. Học sinh muốn dự thi vào môn chuyên nào thì phải có điểm trung bình cuối học kỳ 1 của môn đó từ 8,0 trở lên.
Học sinh nộp Đơn xin dự thi tuyển bổ sung vào lớp 10 chuyên (theo mẫu) và Bảng điểm cuối học kỳ 1 năm học 2020-2021 có đóng dấu xác nhận của lãnh đạo trường, bản photo học bạ có chứng thực của cơ quan thẩm quyền (chỉ áp dụng đối với học sinh đăng ký thi vào các lớp chuyên của trường khác với trường đang học) tại Trường THPT Trần Đại Nghĩa từ ngày 21/12/2020 đến ngày 2/1/2021.
Thí sinh sẽ thực hiện một bài thi của môn chuyên đã đăng ký theo chương trình học kỳ 1 lớp 10 trong thời gian 150 phút vào ngày 12/1/2021 tại Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa. Được biết, hàng năm sau khi kết thúc học kỳ 1, Sở GD-ĐT TP đều tổ chức tuyển bổ sung học sinh vào lớp 10 chuyên, do kỳ thi tuyển sinh lớp 10 kết thúc, một số thí sinh trúng tuyển vào lớp chuyên đi du học hoặc chuyển sang học các trường quốc tế.
Năm học 2020-2021, chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 chuyên hai Trường THPT chuyên là Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, các trường THPT có lớp chuyên tuyển sinh 1.645 học sinh lớp 10 chuyên.
Cấp bách cải thiện giao thông đường Nguyễn Duy Trinh
Theo báo SGGP, đường Nguyễn Duy Trinh (nối quận 2 và quận 9) nhiều năm nay đã trở thành nỗi ám ảnh đối với người lưu thông và người dân sống dọc tuyến đường này. Mặc dù TP đã có nhiều giải pháp xử lý cả về hạ tầng lẫn chế tài... tuy nhiên tình trạng ùn tắc, mất trật tự an toàn giao thông (ATGT) ở đây vẫn chưa được cải thiện.
Người dân dọc hai bên đường Nguyễn Duy Trinh cho biết, từ ngày cảng Phú Hữu hoạt động, lượng xe tải, xe container tăng đột biến, trong khi mặt đường quá hẹp, khiến tai nạn giao thông thường xảy ra.
Tuyến đường này còn có nhiều điểm giao cắt với những trục đường trọng điểm như Xa lộ Hà Nội, Vành đai 2... nên lưu lượng xe lớn, ùn ứ xảy ra thường xuyên. Cũng trên cung đường này, đoạn từ vòng xoay Phú Hữu đến đường Nguyễn Thị Tư, hệ thống vỉa hè chưa hoàn chỉnh; hệ thống biển báo cấm giờ lưu thông còn chưa đồng bộ dẫn đến tình trạng xe đậu chờ gây cản trở, mất ATGT...
Lãnh đạo Sở GTVT TP cho biết, Sở sẽ triển khai một số phương án, giải pháp như bổ sung hệ thống biển cảnh báo và sơn tim đường tại các đường nhánh giao với đường Nguyễn Duy Trinh. Sử dụng vật tư thu hồi để lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu giao thông tại giao lộ đường Nguyễn Duy Trinh - Đường 893 và tổ chức hoạt động xanh, vàng, đỏ trong khoảng thời gian học sinh ra, vào lớp vào buổi trưa (từ 10 giờ 30 đến 13 giờ hàng ngày).
Ngoài ra, Sở cũng đề nghị Công ty Xi măng Hà Tiên 1, Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn, Công ty Cổ phần Vận tải và Thương mại quốc tế tiếp tục hỗ trợ điều tiết giao thông tại các vị trí cổng trường học trên tuyến đường Nguyễn Duy Trinh, quận 9.
Tuyến đường Nguyễn Duy Trinh có vị trí quan trọng trong việc kết nối giao thông giữa quận 2, 9 và Thủ Đức. Đặc biệt, tuyến đường nằm trong tổng thể kết nối giao thông khu vực cảng Cát Lái (quận 2) nên việc đầu tư nâng cấp mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh sẽ góp phần kéo giảm ùn tắc giao thông khu vực; kết nối thông suốt cụm cảng - khu công nghiệp Phú Hữu với các trục đường chính như Vành đai 2, cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây…
Dự kiến mở thêm 20 tuyến xe buýt
Một thông tin khác trên báo Pháp Luật TP: UBND TP vừa có báo cáo gửi Bộ GTVT về tình hình hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn TP.
Theo đó, tính đến tháng 10/2020, trên địa bàn TP có 127 tuyến xe buýt đang hoạt động, chủ yếu được hình thành trong giai đoạn 2002-2006. Trong đó, 90 tuyến có trợ giá và 37 tuyến không trợ giá (gồm 10 tuyến nội tỉnh và 27 tuyến liên tỉnh liền kề).
Tuy nhiên, hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn TP vẫn còn bộc lộ nhiều khó khăn, bất cập. Mật độ mạng lưới tuyến xe buýt có trợ giá chỉ đạt khoảng 1 km/km2, vẫn còn rất thấp so với trị số chuẩn (2-2,5 km/km2), cho thấy khả năng tiếp cận của xe buýt với người dân TP là chưa cao.
Bên cạnh đó, việc tổ chức các tuyến xe buýt tiêu chuẩn hoạt động trên địa bàn TP khó khăn do đặc thù mạng lưới giao thông đô thị hiện hữu. Trong thời gian gần đây, số lượng tuyến xe buýt có xu hướng giảm dần, do đó TP tổ chức rà soát, sắp xếp lại mạng lưới tuyến, giảm độ trùng lặp không cần thiết và tăng mức độ bao phủ trong TP.
Theo UBND TP, thời gian tới, TP dự kiến mở mới 20 tuyến xe buýt với mục tiêu mở rộng khả năng phục vụ và đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân khu vực các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi; các quận 9, Bình Thạnh, Thủ Đức và các tỉnh lân cận.
Đề nghị tiếp tục hỗ trợ giáo dục mầm non
Báo Thanh Niên cho hay, ngày 7/12, tại buổi thảo luận tổ trong kỳ họp thứ 23 của HĐND TP, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo TP đề nghị tiếp tục hỗ trợ giáo dục mầm non.
Theo ông Sơn, từ năm 2014, giáo dục mầm non tại TP được hỗ trợ theo Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐND của HĐND TP. Áp dụng Nghị quyết 01, TP đã giải quyết việc thiếu giáo viên mầm non và việc giữ trẻ cho công nhân khi họ tăng ca ở các khu chế xuất trên địa bàn TP. Hiện nay TP chỉ có 3 quận, huyện còn thiếu giáo viên mầm non và thiếu không nhiều.
Tuy nhiên, đến nay Nghị quyết này đã hết hiệu lực; 6 tháng của năm học 2020 - 2021, giáo dục mầm non không còn được hỗ trợ theo Nghị quyết 01.
Ông Sơn đề nghị lãnh đạo TP họp bàn để sớm có chính sách tiếp tục hỗ trợ giáo dục mầm non, ít nhất là đến năm học 2022 - 2023.
Trả lời đề nghị của đại biểu, ông Huỳnh Văn Hạnh, Giám đốc Sở Tư pháp cho biết tất cả các Sở - ngành trên địa bàn TP đều rất ủng hộ việc hỗ trợ giáo dục mầm non theo Nghị quyết 01. Tuy nhiên, về mặt quy tắc xây dựng nghị quyết, khi một nghị quyết chuẩn bị hết hạn thì phải chuẩn bị nghị quyết cho giai đoạn kế tiếp. Vì vậy, để tiếp tục có chính sách hỗ trợ giáo dục mầm non, Sở Giáo dục - Đào tạo phải chuẩn bị lại và trình ở kỳ họp gần nhất của HĐND TP.
Ngoài ra, với chính sách đặc thù như hỗ trợ giáo dục mầm non, căn cứ Khoản 3 Điều 21 Nghị định 163 của Chính phủ, trước khi trình HĐND TP, các Sở chủ trì là Sở Giáo dục - Đào tạo TPHCM phải có văn bản hỏi ý kiến của các Bộ trực thuộc như Bộ Lao động, Bộ Nội vụ...
Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐND của HĐND TPHCM về hỗ trợ giáo dục mầm non TP quy định nhiều chế độ hỗ trợ đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tại các cơ sở giáo dục mầm non, nhóm trẻ từ 6 - 18 tháng tuổi, giáo viên mầm non mới ra trường.
Trong đó quy định: Hỗ trợ thêm 25% tiên lương/tháng đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập. Hỗ trợ thêm 35% tiền lương/tháng đối với cán bộ quản lý và giáo viên, nhân viên nuôi dưỡng trực tiếp giảng dạy nhóm lớp 6 tháng đến 18 tháng tuổi.
Đề xuất chi 87 tỉ đồng hỗ trợ người tham gia BHYT
Báo Người Lao Động cho hay, BHXH TP vừa có văn bản đề xuất UBND TP hỗ trợ hơn 400.000 người gặp khó khăn tham gia BHYT trong thời gian 3 tháng cuối năm.
Cụ thể, BHXH TP đề nghị UBND TP xem xét bố trí sử dụng ngân sách nhà nước phù hợp hoặc các nguồn đóng góp, tài trợ để tổ chức mua BHYT có giá trị 3 tháng cho hơn 400.000 người trên địa bàn TP gặp khó khăn do Covid-19. Số tiền dự kiến hỗ trợ trên 87 tỉ đồng.
Theo BHXH TP, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp, từ đó phải cắt giảm lao động. Từ tháng 4 đến tháng 6/2020, do bị cách ly nên nhiều hộ gia đình cũng ngưng tham gia BHYT. Vì vậy, số lượng người tham gia bảo hiểm giảm gần 141.000 người so với tháng 12/2019.
Hiện số người tham gia BHYT trên địa bàn TP khoảng 7,5 triệu người và TP cần hơn 734.000 người tham gia BHYT từ nay đến cuối năm để đạt độ phủ 90%.
Sẽ đầu tư cao tốc TPHCM đi Bình Phước
Dự án cao tốc TPHCM - Thủ Dầu Một (Bình Dương) - Chơn Thành (Bình Phước) đang được đơn vị chức năng lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Mới đây, trong văn bản gửi Văn phòng Chính phủ về dự án này, Bộ GTVT khẳng định tuyến cao tốc này đã được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch. Nội dung đăng tải trên báo Pháp Luật TP.
Theo Bộ GTVT, dự án cao tốc TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành sẽ có quy mô 6-8 làn xe. Cụ thể, theo quy hoạch chi tiết đường Hồ Chí Minh, Thủ tướng đồng ý đầu tư tuyến cao tốc này trong giai đoạn 3 của kế hoạch phân kỳ đầu tư sau năm 2020.
Ngoài ra, Bộ GTVT đã giao Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Theo đó, đơn vị tư vấn đang cân nhắc ba phương án thiết kế đường cao tốc này.
Phương án 1: Tuyến có điểm đầu tại Bình Chuẩn, điểm cuối tại Chơn Thành (đi theo hướng tuyến Mỹ Phước - Tân Vạn). Theo phương án này, dự án có chiều dài 55,6 km, tổng mức đầu tư 33.000 tỉ đồng.
Phương án 2: Tuyến có điểm đầu tại nút giao An Phú, điểm cuối tại Chơn Thành (đi theo tỉnh lộ 743, 745). Theo phương án này, dự án có tổng mức đầu tư khoảng 27.500 tỉ đồng.
Phương án 3: Tuyến có điểm đầu tại Bình Chuẩn, điểm cuối tại Chơn Thành (đi trùng theo hành lang đường sắt quy hoạch TPHCM - Lộc Ninh). Theo phương án này, cao tốc có chiều dài 55,9 km, tổng mức đầu tư 21.600 tỉ đồng.
Việc đầu tư sớm tuyến cao tốc này là cần thiết nhằm tăng cường tính kết nối, nâng cao năng lực vận tải, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực. Về đề xuất của các địa phương, đầu tư cao tốc này theo hình thức đối tác công tư (PPP), Bộ GTVT cho rằng phương án này là phù hợp với chủ trương xã hội hóa và giảm áp lực đầu tư từ ngân sách nhà nước.
Vân Anh - Khang Minh - Huyền Mai (Tổng hợp)