Xuất khẩu 11 tháng năm 2020 tăng 5,2%
Báo Người Lao Động cho hay, theo báo cáo của Sở Công Thương TP, tổng kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp TP qua cửa khẩu cả nước tháng 11 ước đạt 3,91 tỉ USD, tăng 1,5% so với tháng trước. Lũy kế 11 tháng ước đạt 40,36 tỉ USD, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2019.
Các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực đều ghi nhận kim ngạch xuất khẩu tăng khá. Cụ thể, so với cùng kỳ năm 2019, nhóm nông – lâm – thủy sản ước đạt 4,29 tỉ USD, tăng 3,65%; nhóm hàng công ước đạt 28,16 tỉ USD, tăng 3,99%; nhóm hàng hóa khác đạt 2,83 tỉ USD, tăng 13,36%.
Ở chiều nhập khẩu, tổng kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp TP qua cửa khẩu cả nước tháng 11 ước đạt 4,44 tỉ USD, tăng 1,3% so với tháng trước. Lũy kế 11 tháng ước đạt 45,35 tỉ USD, giảm 2,3% so với cùng kỳ năm 2019.
Doanh nghiệp lữ hành kỳ vọng sức mua khởi sắc trong vài ngày tới
Theo báo SGGP, nhiều doanh nghiệp lữ hành tại TP cho hay, số lượng khách hủy và dời tour dịp lễ Giáng sinh, cận Tết 2021 có dấu hiệu chững lại. Do đó, doanh nghiệp kỳ vọng sức mua khởi sắc trong vài ngày tới.
Trước đó, thông tin TPHCM có ca lây nhiễm mới Covid-19 trong cộng đồng khiến số lượng khách hủy tour tăng đáng kể. Các đoàn khách liên tục gọi điện cho doanh nghiệp để nắm thông tin về tình hình khống chế dịch bệnh.
“Nếu kiểm soát tốt dịch bệnh, lượng khách mùa tết này đạt khoảng 70% so với kế hoạch công ty đề ra”, ông Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng phòng Truyền thông - Marketing Công ty TST tourist nhận định.
Hiện tại, các ca lây nhiễm được khoanh vùng và khống chế, cộng với nhiều thông tin tích cực về vaccine Covid-19 khiến doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng lạc quan hơn. Bằng chứng cho thấy, các tour du lịch dành cho khách lẻ và khách đoàn đi Phú Quốc, Côn Đảo, khu vực miền Bắc (Đông và Tây Bắc)… vẫn được khởi hành đều đặn từ TPHCM đến các vùng miền.
Bà Đoàn Thị Thanh Trà, Giám đốc Tiếp thị và Truyền thông Lữ hành Saigontourist cho biết, đơn vị cũng liên tục cập nhật về tình hình dịch bệnh để khách tiện theo dõi.
Tạm thời xử lý công trình giao thông thi công ì ạch trước tết
Ngày 8/12, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP (chủ đầu tư), cho biết sẽ triển khai một số giải pháp tạm thời khắc phục những bất cập do vướng giải tỏa mặt bằng trên các công trình xây dựng như cầu Nam Lý (Q.9), đường Nguyễn Văn Hưởng, đường Lương Định Của (Q.2)…
Cụ thể, trong thời gian chờ bàn giao mặt bằng thi công đường Lương Định Của (Q.2), chủ đầu tư sẽ xây dựng hệ thống thoát nước tạm, nâng cao và trải nhựa mặt đường để người dân đi lại thuận tiện. Theo kế hoạch, các hạng mục này sẽ hoàn thành vào cuối tháng 12/2020.
Ở dự án xây dựng cầu Nam Lý (Q.9) và đường Đỗ Xuân Hợp (Q.9) sẽ thi công hệ thống thoát nước tạm và tạm trải nhựa đường, dự kiến hoàn thành trong tháng 1/2021. Như vậy, các giải pháp tạm thời trên sẽ giúp người dân đi lại thuận lợi hơn trước Tết Nguyên Đán 2021.
Để công tác giải phóng mặt bằng sớm, chủ đầu tư đang dồn sức cùng chính quyền địa phương tháo gỡ các vướng mắc trong công tác đền bù giải tỏa và tái định cư. Từng dự án sẽ xem xét cụ thể từng trường hợp đền bù và mốc thời gian thực hiện. Chủ đầu tư cùng phối hợp các ban đền bù giải tỏa ở địa phương để vận động thuyết phục các hộ dân thực hiện giải tỏa.
Trước đó, ngày 7/12 báo Tuổi Trẻ cũng đã có bài phản ánh việc người dân trên địa bàn quận 2, 9 "khốn khổ vì những công trình bầy hầy". Trong đó nêu tên một số công trình thi công ì ạch, có công trình dừng thi công khiến người dân đi lại hết sức khó khăn.
Cải tạo chung cư cũ: Khó khăn về thủ tục
Hơn 4 năm triển khai chương trình cải tạo chung cư cũ ở TPHCM, thống kê chỉ có khoảng 1% chung cư cũ nát được cải tạo. Tình trạng “dậm chân tại chỗ” này không phải vì thiếu nhà đầu tư mà do khó khăn về thủ tục. Nội dung phản ánh trên báo Lao Động.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP, chương trình hành động chỉnh trang đô thị, cải tạo chung cư cũ của Thành ủy TPHCM đưa ra từ năm 2016, đến nay mới có 2 chung cư cũ được cải tạo, xây mới trong số 237 chung cư kế hoạch đề ra. Ngoài ra, có 3 chung cư đang thi công dang dở có quy mô khoảng 260.000m2 sàn với hơn 2.000 căn hộ.
Báo cáo của Sở Xây dựng cũng chỉ rõ nguyên nhân việc chung cư cũ chậm được xây mới do vướng một số khó khăn về trình tự thủ tục đầu tư xây dựng như: Đối với chung cư không phải cấp D phải có sự đồng thuận 100% hộ dân; còn ít cơ chế ưu đãi nhà đầu tư; chưa phân cấp phân quyền nhiều cho quận, huyện trong việc đầu tư, xây mới chung cư cũ...
Mặt khác, một số quy định về trình tự, thủ tục trong cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư còn mâu thuẫn, chồng chéo, khó áp dụng trên thực tế. Đặc biệt, việc di dời cư dân ra khỏi chung cư cũ trước khi tìm được chủ đầu tư gặp rất nhiều khó khăn.
Trong khi đó, Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho rằng, khoản 3 Điều 110 Luật Nhà ở 2014 yêu cầu nhà chung cư cũ phải được 100% chủ sở hữu thống nhất thì mới thông qua việc sửa chữa, cải tạo. Quy định này là một rào cản. Do vậy, HoREA kiến nghị cần phải sửa đổi, quy định tối thiểu 80% chủ sở hữu thống nhất sẽ được tháo dỡ để xây dựng lại.
Bên cạnh đó, chính sách ưu đãi miễn tiền sử dụng đất dự án xây dựng lại chung cư cũ được đánh giá rất tích cực, nhưng trên thực tế lại chưa có cơ chế để thực hiện.
Yêu cầu học sinh ngồi giãn cách khi tổ chức kiểm tra học kỳ 1
Theo báo Tiền Phong, ngày 8/12, căn cứ tình hình dịch bệnh Covid-19, Sở GD&ĐT TP đã có văn bản gửi Trưởng phòng GD&ĐT 24 quận - huyện, Hiệu trưởng các trường THPT và Hiệu trưởng các trường phổ thông có nhiều cấp học về hướng dẫn một số nội dung cụ thể trong việc thực hiện dạy học và kiểm tra đánh giá học sinh học kỳ 1 năm học 2020-2021.
Tại văn bản này, Sở GD&ĐT TP yêu cầu tất cả trường học tổ chức rà soát, cho học sinh khai báo y tế, triển khai các công tác phòng dịch trong hoạt động dạy học và giáo dục của nhà trường.
Bên cạnh đó, trường học thực hiện việc bổ sung, điều chỉnh kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch giáo dục của giáo viên trong học kỳ 1 năm học 2020-2021 phù hợp với việc áp dụng các quy định về phòng chống dịch Covid-19. Trong đó, khuyến khích các trường tăng cường sử dụng hình thức dạy học trực tuyến để đảm bảo không gián đoạn việc dạy và học.
Sở GD&ĐT TP giao Hiệu trưởng các trường rà soát, điều chỉnh kế hoạch kiểm tra đánh giá cuối kỳ 1 phù hợp với tình hình dịch bệnh, thực hiện giãn cách khi tổ chức kiểm tra đánh giá tập trung. Cụ thể, thời gian tổ chức kiểm tra đánh giá học kỳ 1 từ ngày 14/12/2020 đến ngày 5/1/2021 (không tổ chức kiểm tra ngày 25/12/2020), khuyến khích các trường tổ chức tập huấn và giao quyền chủ động kiểm tra định kỳ cho giáo viên.
Riêng đối với các trường hợp học sinh thuộc các đối tượng cách ly do ảnh hưởng của dịch, nhà trường tiến hành tổ chức kiểm tra đánh giá cuối kỳ khi học sinh hoàn thành cách ly theo quy định. Việc đánh giá xếp loại các đối tượng học sinh này được thực hiện sau khi hoàn thành việc kiểm tra đánh giá cuối kỳ.
Phát hiện kho hóa chất “khủng” nguy hiểm trong KCN Tân Tạo
Thông tin từ báo Người Lao Động, Sở Công thương TP vừa có báo cáo khẩn đến UBND TP về việc phát hiện 365,2 tấn hóa chất nguy hiểm trong một kho chứa tại Khu công nghiệp (KCN) Tân Tạo ở quận Bình Tân.
Trước đó, ngày 2/12, đoàn kiểm tra chuyên ngành hóa chất thuộc Sở Công Thương phối hợp cùng Ban Quản lý các Khu chế xuất và Khu công nghiệp TPHCM, Phòng An ninh kinh tế Công an TP và Công an quận Bình Tân tiến hành kiểm tra Chi nhánh Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Hóa chất Thiết bị Đại Việt (TP Hà Nội) và Công ty TNHH TM Hóa chất Tân Việt Trung tại Lô 30, Đường số 2, KCN Tân Tạo, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân.
Theo kết quả kiểm tra, tại đây đoàn phát hiện kho chứa hóa chất nguy hiểm, có nguy cơ xảy ra cháy nổ cao với diện tích khoảng 2.200 m2. Tổng khối lượng hóa chất tồn chứa ở đây là 365,2 tấn, trong đó Chi nhánh Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Hóa chất thiết bị Đại Việt lưu chứa 245,82 tấn, Công ty TNHH TM Hóa chất Tân Việt Trung lưu chứa 119,405 tấn.
Đáng chú ý, có 61,5 tấn hóa chất là tiền chất thuốc nổ dùng sản xuất vật liệu nổ công nghiệp (Natri nitrat, Kali clorat). Các kho chứa đều không có thông tin thể hiện đặc tính nguy hiểm của hóa chất theo quy định, không có rãnh thu gom và thoát nước cho sàn nhà xưởng; không thực hiện phân khu, sắp xếp theo tính chất từng loại hóa chất nguy hiểm…
Chủ kho cũng không lập kế hoạch phòng ngừa sự cố hóa chất theo quy định. Cả 2 công ty này đều có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp do Sở Công Thương TP Hà Nội cấp. Tuy nhiên, giấy chứng nhận đăng ký kho chứa hóa chất đặt tại Lô C2-1.1, KCN Đại Đồng - Hoàn Sơn, xã Hoàn Sơn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, không phải tại TPHCM.
Nhận định tính chất nguy hiểm và nguy cơ cháy nổ cao của kho hóa chất trên, đoàn kiểm tra đã đình chỉ hoạt động kinh doanh, tồn chứa các hóa chất thuộc danh mục hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện và hóa chất thuộc danh mục hạn chế sản xuất, kinh doanh ngành công nghiệp tại kho chứa hóa chất trên cho đến khi được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện và giấy phép kinh doanh theo quy định.
Vụ việc đã được Sở Công Thương TP chuyển Công an TP xử lý hành vi kinh doanh tiền chất thuốc nổ không đăng ký của 2 doanh nghiệp. Ngoài ra, xử lý hành vi vi phạm hành chính lĩnh vực an toàn hóa chất đối với 2 công ty này theo quy định, đồng thời buộc 2 công ty di dời các hóa chất nguy hiểm, độc hại ra khỏi địa chỉ Lô 30, KCN Tân Tạo.
Sở Công thương TPHCM cũng kiến nghị Cục Hóa chất, Sở Công thương TP Hà Nội xem xét xử lý theo thẩm quyền khi 2 công ty này kinh doanh không đúng quy định của giấy phép, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.
Việc kiểm soát khí thải từ xe gắn máy còn nhiều vướng mắc
Thông tin khác trên báo Lao Động, ngày 8/12, UBMTTQVN TP phối hợp với Sở GTVT, Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy và Viện Khoa học Công nghệ Giao thông (Bộ GTVT) tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo đề án "Thí điểm kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành trên đại bàn TPHCM".
Số liệu của Sở GTVT TP cho thấy, lượng xe máy trên địa bàn TPHCM đến tháng 9/2020 là 7.408.124 xe máy các loại. Lượng xe máy cũ chiếm tới 67.89%.
Theo Sở GTVT, do xe máy ở TPHCM chiếm 90% về số lượng trong tổng số xe cơ giới nên đã thải ra một số lượng lớn các chất độc hại như Nox, CO, NMVO, SO2, CH4. Các kết quả quan trắc và các nghiên cứu cũng cho thấy hoạt động GTVT phát thải các chất độc hại gây ô nhiễm không khí thành phố khá lớn, trong đó xe gắn máy chiếm đa số.
Xoay quanh vấn đề này, các đại biểu cho rằng, việc kiểm soát khí thải xe gắn máy tại TP sẽ tác động đến người nghèo, người thu nhập thấp ở các quận vùng ven rất lớn vì đây là những người có xe cũ. Đề án này sẽ tăng chi phí đè nặng lên người dân cần phải xem xét lại.
PGS.TS. Phạm Xuân Mai, nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông, Trường Đại học Bách Khoa (Đại học Quốc gia TPHCM), đề nghị cần xem lại số mẫu thử nghiệm mà nhóm nghiên cứu làm, số mẫu quá thấp không đủ độ tin cậy. PGS.TS. Phạm Xuân Mai cũng cho rằng, đề án cần đề cập đến trách nhiệm của doanh nghiệp, cụ thể là các hãng xe. Bởi nhà cung cấp không thể cung cấp một sản phẩm kém chất lượng rồi Nhà nước và người dân phải “gánh”.
TS. Trần Quang Chính - Bộ môn quy hoạch giao thông, Trường Đại học GTVT TPHCM - đề xuất, cần có đánh giá tác hại của ô nhiễm khí thải xe máy đến sức khỏe, kinh tế. Đồng thời làm rõ đề án này là vì dân, vì sự văn minh của TP thì mới đảm bảo tính thuyết phục.
Ông Bùi Hoà An, Phó Giám đốc Sở GTVT TP cho biết, Sở GTVT sẽ tiếp thu các ý kiến góp ý để bổ sung và chỉnh sửa.
Đề án "Thí điểm kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành trên địa bàn TPHCM" là cơ sở để UBND TP đề xuất HĐND TP và Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế cho phép TP triển khai thí điểm kiểm soát khí thải xe môtô, xe gắn máy đang lưu hành trên địa bàn thành phố, trong đó đề xuất mức thu phí kiểm định 50.000đồng/xe/năm kể từ năm 2022-2023.
Bàn giao nhà tại Điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới
Ngày 8/12, Bộ Tư lệnh TPHCM phối hợp với Bộ CHQS tỉnh Long An tổ chức khánh thành và bàn giao 10 căn nhà tại Điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới tại xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An. Nội dung đăng tải trên Trang tin điện tử Đảng bộ TP.
Qua 3 tháng thi công, đến nay 10 căn nhà đã cơ bản hoàn thiện, diện tích xây dựng từ 60 đến 140 m2 với 1 phòng khách, 1 phòng ngủ, 1 bếp.
Bên cạnh đó, các hộ còn được bố trí đất sản xuất từ 3.000m2 đến 100.000 m2 nhằm bảo đảm cho bà con phát triển kinh tế gia đình và định cư lâu dài trên biên giới. Ngoài ra, Đảng bộ, chính quyền thị xã Kiến Tường đang tiến hành khảo sát, lắp đặt kết nối điện lưới quốc gia và nước sạch đến cho từng hộ dân cư sinh hoạt.
Kinh phí xây dựng Điểm dân cư do Bộ Tư lệnh TPHCM và Tổng Công ty Thái Sơn (Bộ Quốc phòng) hỗ trợ 800 triệu đồng, UBND tỉnh Long An hỗ trợ 350 triệu đồng, phần còn lại do gia đình đóng góp thêm. Ngoài ra, lực lượng dân quân địa phương hỗ trợ 50 ngày công lao động.
Dịp này, Bộ Tư lệnh TP cũng trao tặng 10 hộ dân thêm 10 con bò giống, 10 bộ bàn ghế và tivi, quạt máy, nồi cơm điện cùng 50 suất quà cho hộ gia đình chính sách, khó khăn trên địa bàn xã để bà con đón tết và sớm ổn định cuộc sống.
Điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới tại xã Bình Hiệp nằm gần đường tuần tra biên giới kết nối từ Cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp về trung tâm xã, là một vị trí rất quan trọng trong việc đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh và Quân khu. Do đó, thực hiện chủ trương của Đảng ủy Bộ Tư lệnh Quân khu 7, Bộ Tư lệnh TP đã tích cực hỗ trợ kinh phí, huy động các nguồn lực nhằm góp phần xây dựng, củng cố, bảo vệ biên giới quốc gia.
Đây là việc làm nhằm tạo thế liên hoàn, tăng cường lực lượng, nâng cao sức mạnh bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia; góp phần đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo tại khu vực vùng biên; thu hút dân cư lên sinh sống và từng bước hình thành các khu dân cư trên tuyến biên giới; phát huy vai trò mỗi người dân là cột mốc sống giữ biên cương.
Vân Anh - Khang Minh - Huyền Mai (Tổng hợp)