Tăng cường kiểm tra quy trình nhập cảnh, kiểm dịch y tế
Ngày 14/1, Sở Y tế TP đã có văn bản gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP (HCDC), các cơ sở khám chữa bệnh công lập và ngoài công lập, Trung tâm y tế quận - huyện, phòng y tế quận - huyện về việc tăng cường phòng chống dịch bệnh và đảm bảo công tác y tế dịp Tết Nguyên đán 2021. Nội dung trên báo SGGP.
Cụ thể, Sở Y tế TP yêu cầu HCDC tăng cường kiểm tra, giám sát các điều kiện, quy trình nhập cảnh, kiểm dịch y tế nhằm phát hiện sớm, xử lý ngay những trường hợp đầu tiên, không để dịch lây lan.
Bên cạnh đó, xây dựng và triển khai các phương án, kịch bản chống dịch cụ thể; xây dựng kế hoạch phân công lấy mẫu, điều phối xét nghiệm khi có dịch xảy ra trên địa bàn; tiếp tục mở rộng xét nghiệm cho các trường hợp nghi ngờ, tổ chức diễn tập, tập huấn nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ giám sát, xét nghiệm, đội phản ứng nhanh phòng, chống dịch.
HCDC cũng phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quản lý khu cách ly tập trung thực hiện giám sát, theo dõi, xét nghiệm theo đúng các quy định của Bộ Y tế; kiên quyết không để dịch lây lan trong các cơ sở cách ly và từ cơ sở cách ly ra ngoài cộng đồng. Phân công cán bộ trực dịch 24/24 giờ trong thời gian nghỉ Tết để theo dõi, báo cáo ngay khi có dịch bệnh xảy ra trên địa bàn. Chuẩn bị, dự trữ đầy đủ vật tư, hóa chất, thiết bị đảm bảo đáp ứng nhu cầu chống dịch khi xảy ra dịch bệnh trên địa bàn.
Sở Y tế TP cũng yêu cầu phòng y tế quận - huyện tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là phòng, chống dịch Covid-19;
Chỉ đạo trạm y tế phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, công an chính quy cơ sở thực hiện nghiêm việc theo dõi, giám sát người thực hiện cách ly tại khu cách ly dân sự, cách ly tại nhà, người hết thời gian cách ly tập trung theo đúng các quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế.
Lắp ‘thảm vàng an toàn’ trước trường học hạn chế tai nạn giao thông
Thông tin từ báo Tuổi Trẻ, ngày 14/1, Ban An toàn giao thông TP đã khánh thành dự án 'Tăng cường an toàn giao thông khu vực xung quanh trường học” ở các quận Bình Tân, Tân Bình và Gò Vấp do Tập đoàn E-Mark Hàn Quốc tài trợ.
Dự án gồm ba nội dung chính. Thứ nhất, một phần khu vực cổng trường sẽ được sơn thảm màu vàng nhằm báo hiệu cho các xe cộ từ xa về khu vực trường học, đồng thời là khu vực để học sinh có điểm quan sát trước khi sang đường từ nhiều vị trí.
Thứ hai, lắp đặt các biển báo cấm dừng đỗ, biển báo khu vực trường học và thiết lập khu vực để xe cho phụ huynh đón con. Tiếp tục bổ sung phần đường cho người đi bộ sang đường và thi công lắp đặt hàng rào ngăn cách lòng đường, vỉa hè tại tám trường học ở ba quận Bình Tân, Tân Bình và Gò Vấp.
Thứ ba, tổ chức các lớp tập huấn về kỹ năng tham gia giao thông cho học sinh tại các trường. Hoạt động này nhằm giảm thiểu những nguy cơ xuất phát từ ý thức chủ quan, thiếu kiến thức an toàn giao thông của học sinh.
Ông Nguyễn Ngọc Tường - Phó trưởng Ban An toàn giao thông TP cho biết, số vụ tai nạn giao thông liên quan đến trẻ em đang có xu hướng gia tăng, đặc biệt tại các đô thị lớn. Chính vì vậy việc phòng tránh tai nạn giao thông cho trẻ em là một vấn đề cần thiết, cấp bách của gia đình, nhà trường và toàn xã hội.
Dự án này được thực hiện thí điểm tại 8 trường ở 3 quận Bình Tân, Tân Bình và Gò Vấp, dự kiến hoàn thành trong tháng 2/2021.
Lộ trình dừng hoạt động của các chương trình nước ngoài tại 4 trường quốc tế
Liên quan thông tin UBND TP yêu cầu dừng thí điểm chương trình nước ngoài tại 4 trường quốc tế trên địa bàn, chiều tối 14/1, PV báo SGGP đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT.
Ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND TP, Sở đã tiến hành kiểm tra, rà soát tình hình các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài hoặc các cơ sở giáo dục phổ thông đang dạy chương trình giáo dục nước ngoài (đã được Bộ GD-ĐT cho phép thí điểm trước đây) trên địa bàn TP.
Sau khi kiểm tra, rà soát, 4 cơ sở giáo dục bao gồm: THCS-THPT Quốc tế APU, TH-THCS-THPT Quốc tế Sài Gòn Pearl, TH-THCS-THPT Quốc tế Canada và TH-THCS-THPT Quốc tế Mỹ sẽ được yêu cầu dừng hoạt động thí điểm, khẩn trương chuyển đổi mô hình hoạt động trong năm học 2020-2021 theo quy định của Nghị định số 86/2018/NĐ-CP, chậm nhất trong quý 2/2021.
Những trường hợp chậm điều chỉnh, Sở sẽ có báo cáo UBND TP để kiến nghị với Bộ GD-ĐT giải quyết dứt điểm.
Tuy nhiên, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Văn Hiếu nhấn mạnh, Thành phố không dừng đột ngột các chương trình đã thí điểm mà sẽ thực hiện theo lộ trình phù hợp. Trong đó, học sinh đã học ổn định chương trình thí điểm vẫn tiếp tục học bình thường.
Việc dừng các chương trình thí điểm sẽ được áp dụng bắt đầu từ năm học 2021-2022 dành cho đối tượng học sinh tuyển sinh mới ở các lớp đầu cấp (lớp 1, 6, 10) và thực hiện cuốn chiếu theo lộ trình.
Đại diện Sở GD-ĐT TP cho biết thêm, trong tình hình thế giới đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, học sinh gặp nhiều khó khăn trong việc du học ở nước ngoài. Trường hợp không thể tiếp tục việc học ở các trường đại học quốc tế, các em sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc chuyển tiếp bằng cấp tại các trường đại học trong nước, gây ảnh hưởng quyền lợi học sinh.
Căn cứ theo Nghị định 86/2018/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 1/8/2018) của Chính phủ, các cơ sở giáo dục ngoài công lập được phép thực hiện hợp tác đầu tư trong lĩnh vực giáo dục theo nhiều loại hình như chương trình có vốn đầu tư nước ngoài, liên kết đào tạo, chương trình tích hợp. Nghị định 86 cho phép các trường tư thục thực hiện chương trình nước ngoài (mà trường đang giảng dạy) tích hợp chương trình Việt Nam để đảm bảo 2 mục tiêu đầu ra là học sinh Việt Nam có bằng tốt nghiệp các cấp học của Việt Nam và điều kiện nhận các chứng chỉ quốc tế nhằm đáp ứng nguyện vọng du học của học sinh và gia đình.
Trường ĐH Bách khoa TP sẽ tuyển sinh bằng hình thức phỏng vấn
Hội đồng tuyển sinh Trường ĐH Bách khoa TPHCM cho biết, trường này dự kiến có 6 phương thức tuyển sinh trong năm 2021. Báo Thanh niên đưa tin.
Các phương thức cụ thể gồm:
Phương thức 1 xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD-ĐT (1-5% tổng chỉ tiêu).
Phương thức 2 là ưu tiên xét tuyển theo quy định của ĐH Quốc gia TPHCM (15-25% tổng chỉ tiêu).
Phương thức 3 là xét tuyển theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 (30-60% tổng chỉ tiêu).
Phương thức 4 là xét tuyển theo kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM (30-70% tổng chỉ tiêu).
Phương thức 5 là xét tuyển thí sinh có chứng chỉ tuyển sinh quốc tế hoặc thí sinh người nước ngoài (1-5% tổng chỉ tiêu).
Phương thức 6 là xét tuyển bằng hình thức phỏng vấn (1-5% tổng chỉ tiêu).
Như vậy, so với năm 2020, năm nay Trường ĐH Bách khoa TPHCM bổ sung phương thức xét tuyển bằng hình thức phỏng vấn. Đến thời điểm này, đây là một trong những trường đầu tiên sử dụng phương thức phỏng vấn để xét trực tiếp thí sinh cho bậc ĐH chính quy.
Hơn 140.000 ô tô vận tải chưa đổi biển số nền vàng
Theo báo Pháp Luật TP, Phòng CSGT (PC08) Công an TP cho hay, tính đến ngày 12/1, TPHCM còn trên 143.000 xe chưa thực hiện việc đổi biển số nền màu vàng theo quy định. “Để tránh việc bị xử phạt, Phòng PC08 đề nghị các đơn vị kinh doanh vận tải khẩn trương liên hệ các Điểm Đăng ký xe để được hướng dẫn và làm thủ tục cấp đổi biển số” – đại diện PC08 nói.
Hiện Phòng PC08, Công an TP có bốn điểm đăng ký xe, gồm: Đội Đăng ký, quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (282 Nơ Trang Long, phường 12, quận Bình Thạnh); Điểm Đăng ký xe Rạch Chiếc (212 Quốc lộ 1A, phường Tân Phú, quận 9); Điểm Đăng ký xe An Sương (509 Nguyễn Ảnh Thủ, phường Trung Mỹ Tây, quận 12) và Điểm Đăng ký xe Nam Sài Gòn (1366 Huỳnh Tấn Phát, phường Phú Mỹ, quận 7).
Người dân cũng có thể đăng ký xe trực tuyến trên Cổng dịch vụ Công quốc gia theo địa chỉ: http://test.dichvucong.gov.vn.
Thực hiện Thông tư 58/2020 của Bộ Công an về quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/8/2020.
Trong đó, đối với các xe hoạt động kinh doanh vận tải đã được đăng ký trước ngày Thông tư 58 có hiệu lực phải thực hiện đổi sang biển số nền màu vàng, chữ và số màu đen trước ngày 31/12/2021. Sau ngày 31/12/2021, các trường hợp không thực hiện việc chuyển đổi biển số sẽ bị xử lý theo Nghị định 100/2019.
Tờ rơi quảng cáo, tán cây xanh che khuất nhiều bảng tên đường
Ghi nhận của PV báo Lao Động, hiện nay tại phường Hiệp Phú, quận 9 (TP.Thủ Đức) có một số bảng tên đường, tên hẻm, biển báo giao thông bị cây xanh che khuất. Thậm chí, có bảng tên đường còn bị giấy quảng cáo dán đè lên gây khó khăn cho người dân trong việc tìm đường.
Anh Lâm Sơn Vinh (cư ngụ quận 8) cho biết, khi có việc đi đến phường Hiệp Phú, quận 9, anh phải loay hoay nhiều lần để tìm đường vì các biển báo, bảng tên đường bị che khuất nhiều. "Mong chính quyền địa phương có kế hoạch vệ sinh, thay mới những bảng tên đường đã cũ. Đồng thời, cắt tỉa cây xanh gọn gàng để giải quyết tình trạng che khuất gây khó khăn trong việc tìm đường đối với người ở nơi khác đến"- Anh Vinh bày tỏ.
Công an TP nói gì về "xe cảnh sát Mỹ xuất hiện ở Việt Nam"?
Trong những ngày qua, cộng đồng mạng lan truyền nhanh chóng bức ảnh chiếc xe ô tô được sơn trắng đen, trên nóc có đèn ưu tiên, cửa trái có số 2112. Chiếc xe được trang trí giống xe cảnh sát Mỹ đậu trên đường cạnh một chung cư ở quận 10, TPHCM gây sự tò mò, hiếu kỳ cho nhiều người.
Trao đổi với báo Người Lao Động, Công an TP cho biết "xe cảnh sát Mỹ" mà cộng đồng mạng lan truyền là xe hiệu Toyota Crown, sản xuất năm 1975, mang biển kiểm soát TP HCM. Lực lượng công an đã tiến hành lập biên bản chiếc xe này.
Theo quy định, xe ôtô này sẽ bị phạt lỗi vi phạm về gắn thiết bị phát tín hiệu ưu tiên (đèn ưu tiên gắn trên nóc xe) không đúng quy định.
"Theo điểm e, khoản 4, điểm 5 Nghị định 100, chủ phương tiện này bị phạt mức tiền 1,5 triệu đồng và bị tịch thu thiết bị phát tín hiệu ưu tiên. Bên cạnh đó, khi kiểm tra về đăng ký xe, giấy kiểm định thì mới phạt tiếp về màu sơn và các lỗi liên quan. Về lỗi thay đổi màu sơn, chủ phương tiện sẽ bị phạt tiền từ 300.000 - 400.000 đồng và buộc phải khôi phục lại nhãn hiệu, màu sơn ghi trong giấy đăng ký xe theo quy định" - đại diện Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an TP giải thích.
Mai Vàng 2020: Tôn vinh 15 cá nhân, tập thể nghệ sĩ
Tối 14/1, tại Nhà hát Thành phố, Báo Người Lao Động tổ chức chương trình lễ trao giải Mai Vàng lần thứ 26 năm 2020. Sau 1 tháng diễn ra vòng bầu chọn, kết quả kiểm phiếu đã gọi tên chủ nhân tượng Mai Vàng 13 hạng mục.
Ở lĩnh vực sân khấu, hạng mục vở diễn sân khấu gọi tên “Áo cưới trước cổng chùa” của đạo diễn Trần Ngọc Giàu, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang; Nam diễn viên sân khấu thuộc về Võ Minh Lâm, vai Tiết Thiệu, vở “Khát vọng vương quyền”; Nữ diễn viên sân khấu là Tú Sương, vai Đoàn Hồng Ngọc, vở “Đoàn Hồng Ngọc phá trận Thuần Dương”; Diễn viên hài là Huỳnh Lập, vai người kể chuyện ma, series “Một nén nhang”.
Ở lĩnh vực điện ảnh - truyền hình, Bộ phim được yêu thích nhất thuộc về Ròm của đạo diễn Trần Thanh Huy; Chương trình truyền hình được yêu thích nhất là Siêu trí tuệ Việt Nam của HTV2; Nam diễn viên phim là Nhan Phúc Vinh, vai Minh, phim “Tình yêu và tham vọng”; Nữ diễn viên phim là Văn Phượng, vai Diệu, phim “Mẹ ghẻ”; Người dẫn chương trình được yêu thích nhất là Ngô Kiến Huy, chương trình “Sàn đấu ca từ”.
Ở lĩnh vực âm nhạc, Nam ca sĩ được yêu thích nhất là Jack, ca khúc Hoa hải đường (Jack); Nữ ca sĩ được yêu thích nhất là Vũ Cát Tường, ca khúc Hành tinh ánh sáng (Vũ Cát Tường); Ca sĩ hát nhạc âm hưởng dân ca là Phương Anh, ca khúc Thương lắm miền Trung ơi (Hoài Duy); Nhóm (ban) nhạc được yêu thích nhất là DaLAB, ca khúc Gác lại âu lo (DaLAB).
Chương trình cũng trao giải “Nghệ sĩ vì cộng đồng” từ năm 2020 cho NSƯT Hoài Linh và MC Đại Nghĩa.
Ông Bùi Thanh Liêm, Phó Tổng biên tập Báo Người Lao Động, Trưởng Ban tổ chức Giải Mai Vàng 2020, chia sẻ: “Với trọng trách tổ chức giới thiệu, đề cử và bầu chọn, giải đã tôn vinh những giá trị nghệ thuật mà đội ngũ nghệ sĩ yêu nghề đã sáng tạo, cống hiến tài năng, truyền cảm hứng tích cực cho cuộc sống chúng ta. Từ mùa giải lần thứ 25, giải Mai Vàng đã có thêm một chương trình thật ý nghĩa, đó là Mai Vàng nhân ái, hiện đã hỗ trợ cho 100 văn nghệ sĩ có hoàn cảnh bệnh tật, khó khăn”.
Có trường đại học cho sinh viên nghỉ tết đến 49 ngày
Báo Tuổi Trẻ cho hay, các trường đại học trên địa bàn TPHCM đều đã công bố lịch nghỉ Tết Nguyên đán của sinh viên.
Cụ thể, Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP) cho sinh viên từ năm thứ 2 đến năm 4 nghỉ từ 18/1 đến hết ngày 7/3 (6 tháng chạp đến 24 tháng giêng). Như vậy, sinh viên của trường ngày nghỉ tết đến 49 ngày. Trong khi sinh viên năm nhất của trường này nghỉ tết từ ngày 1/2 đến ngày 1/3 (20 tháng chạp đến 18 tháng giêng).
Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP) cho sinh viên nghỉ Tết Nguyên đán từ ngày 1 đến hết ngày 21/2 (nhằm 20 tháng chạp đến 10 tháng giêng). Tổng thời gian nghỉ (bao gồm cả ngày nghỉ cuối tuần) là 22 ngày.
Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP), sinh viên nghỉ tết từ ngày 1/2 đến hết ngày 21/2 (20 tháng chạp đến 10 tháng giêng).
Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP), sinh viên được nghỉ tết sau khi kết thúc học các học phần đã đăng ký học trong học kỳ 1 năm học 2020-2021 (ngày 4/2) và bắt đầu học kỳ 2 từ ngày 8/3 (23 tháng chạp đến 25 tháng giêng). Như vậy, sinh viên của trường nghỉ tết gần 1 tháng.
Trường ĐH Kinh tế - luật (ĐH Quốc gia TP) cho sinh viên nghỉ tết hai tuần, từ ngày 8 đến hết 21/2 (27 tháng chạp đến 10 tháng giêng).
Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP) thời gian nghỉ tết của sinh viên từ 7 đến hết ngày 21/2 (26 tháng chạp đến 10 tháng giêng).
Trường ĐH Công nghiệp TP sinh viên nghỉ tết 3 tuần, từ ngày 8 đến hết ngày 28/2 (27 tháng chạp đến 17 tháng giêng).
Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP, sinh viên nghỉ tết từ ngày 1/2 đến hết ngày 20/2 (20 tháng chạp đến 9 tháng giêng). Hiệu trưởng nhà trường cho biết những sinh viên thi xong sớm có thể nghỉ sớm hơn để thuận tiện hơn trong việc mua vé tàu xe.
Trường ĐH Kinh tế TP, sinh viên nghỉ tết từ ngày 5/2 đến hết ngày 21/2 (24 tháng chạp đến 10 tháng giêng).
Trường ĐH Y dược TP, sinh viên nghỉ tết từ ngày 1/2 đến 19/2 (20 tháng chạp đến 8 tháng giêng).
Trường ĐH Tài chính - marketing, sinh viên nghỉ tết 15 ngày, từ ngày 7/2 đến hết ngày 21/2 (26 tháng chạp đến 10 tháng giêng).
Trường ĐH Tôn Đức Thắng, sinh viên nghỉ tết từ ngày 6/2 đến ngày 21/2 (25 tháng chạp đến 10 tháng giêng).
Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP, sinh viên nghỉ tết từ ngày 1/2 đến hết 21/2 (20 tháng chạp đến 10 tháng giêng).
Trường ĐH Tài nguyên và môi trường TP, sinh viên nghỉ tết từ ngày 1/2 đến hết ngày 20/2 (20 tháng chạp đến 9 tháng giêng).
Trong khi đó, sinh viên các trường được nghỉ tết trọn 3 tuần, từ 1/2 đến hết ngày 21/2 (20 tháng chạp đến 10 tháng giêng) gồm: Trường ĐH Nông lâm TP, Trường ĐH Giao thông Vận tải TP, Trường ĐH Ngoại thương cơ sở 2 tại TP, Trường ĐH Mở TP, Trường ĐH Kiến trúc TP và Trường ĐH Sài Gòn.
Vân Anh - Khang Minh - Huyền Mai (Tổng hợp)