Nhiều hoạt động đặc sắc đón Tết Nguyên đán 2021
Theo báo Lao Động, dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, trên địa bàn TPHCM sẽ diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, biểu diễn nghệ thuật,… phục vụ người dân TP và du khách.
Hoạt động được nhiều người dân TP và du khách chờ đợi là đường hoa Nguyễn Huệ sẽ mở cửa từ 19h ngày 9/2 đến 21h ngày 15/2 (tức từ 28 tháng Chạp âm lịch đến mùng 4 Tết).
Trong thời gian này, Lễ hội Đường sách Tết Tân Sửu 2021 diễn ra tại trục đường Mạc Thị Bưởi, Nguyễn Huệ và Ngô Đức Kế với 3 chủ đề riêng biệt, gồm: Kho tàng tri thức của nhân loại tại đường Nguyễn Huệ; Du hành thế giới cùng sách tại đường Ngô Đức Kế và Tri thức kết nối tương lai ở đường Mạc Thị Bưởi.
Hội hoa Xuân Tết Tân Sửu 2021 diễn ra trong 12 ngày từ ngày 6 đến ngày 17/2 (tức từ 25 tháng Chạp âm lịch đến mùng 6 Tết) tại Công viên Tao Đàn (quận 1). Tại đây, tổ chức trưng bày triển lãm và dự thi nghệ thuật ngành hoa, cá, kiểng, bonsai, non bộ, tiểu cảnh… với quy mô trưng bày và dự thi trên 3.000 hiện vật.
Chợ hoa Tết được tổ chức từ ngày 4 đến ngày 11/2 tại Công viên 23/9, Công viên Gia Định và Công viên Lê Văn Tám cùng với hệ thống Chợ hoa Tết các quận, huyện.
Đặc biệt là Chợ hoa Tết “Trên bến, dưới thuyền” được tổ chức từ ngày 27/1 đến ngày 11/2 tại Bến Bình Đông (quận 8).
Tổ chức trình chiếu ánh sáng 3D lên tòa nhà UBND TP cùng với đó là hoạt động bắn pháo trong thời khắc chuyển giao từ năm cũ sang năm mới cũng diễn ra vào tối 11/2 (30 Tết).
TPHCM cũng tổ chức Ngày hội Bánh tét từ ngày 5 đến ngày 6/2 tại Công viên Lịch sử - Văn hóa Dân tộc và 24 quận - huyện.
Vào ngày 8/2, TPHCM tổ chức Lễ dâng cúng bánh tét Quốc tổ Hùng Vương và Đức Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh tại Đền Tưởng niệm các Vua Hùng, Đền Thờ Đức Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh (Công viên Lịch sử - Văn hóa Dân tộc).
Đồng thời, TPHCM cũng tổ chức Lễ dâng hoa, dâng hương Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TP, Phòng tưởng niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Công viên Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Xe dán thẻ Etag đi cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây vẫn phải trả tiền mặt
Báo SGGP đưa tin, Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) vừa giải thích về việc một số phương tiện dán thẻ thu phí tự động không dừng (ETC - Etag) khi qua trạm thu phí tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây vẫn phải thanh toán phí bằng tiền mặt.
Theo VEC, hệ thống ETC tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây sử dụng công nghệ DSRC (thông tin liên lạc tầm ngắn, sử dụng OBU-On Board Unit gắn trên phương tiện, tài khoản lưu trong thẻ IC). Trong khi đó, các xe đã dán thẻ Etag lại sử dụng công nghệ RFID (nhận dạng tần số vô tuyến, sử dụng thẻ Etag, tài khoản được lưu tại trung tâm thanh toán).
Việc đầu tư thêm hệ thống ETC sử dụng công nghệ RFID song song với hệ thống ETC hiện hữu đòi hỏi phải có lộ trình đầu tư phù hợp và phải được sự chấp thuận của các cơ quan chức năng.
Trước thực trạng nhiều tài xế yêu cầu trạm phải trừ tiền phí dịch vụ trên thẻ Etag, VEC cho rằng các tuyến cao tốc do VEC quản lý là những tuyến được xây mới hoàn toàn, không phải là đường độc đạo. Do đó, VEC bày tỏ mong muốn người tham gia giao thông cần thanh toán phí bằng tiền mặt và phối hợp, tuân thủ phương án tổ chức giao thông đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, không cản trở công tác thu phí, gây mất an ninh trật tự và ùn ứ tại trạm thu phí.
VEC thông tin thêm, hệ thống ETC tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây được đầu tư năm 2017, sử dụng công nghệ DSRC với 8 làn ETC tại 3 trạm thu phí. Tại thời điểm đó, ở Việt Nam tồn tại 2 công nghệ thu phí tự động không dừng là DSRC và RFI.
Khởi động Dự án đường sắt 10 tỉ USD nối TPHCM - Cần Thơ
Báo Thanh Niên cho hay, Bộ GTVT vừa quyết định giao nhiệm vụ cho Ban Quản lý dự án đường sắt tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt TPHCM - Cần Thơ trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.
Theo quy hoạch ban đầu mà Bộ GTVT duyệt, đường sắt TPHCM - Cần Thơ có tổng chiều dài toàn tuyến là 173,677 km với 14 ga, bắt đầu từ ga lập tàu An Bình (Bình Dương) đến Cần Thơ đi theo hướng tuyến dài nhằm tiếp cận các đô thị, thị xã hiện hữu của TPHCM và 4 tỉnh miền Tây. Tổng vốn đầu tư xây dựng khoảng 10 tỉ USD.
Tuy nhiên, sau nhiều lần họp bàn, đại diện 5 tỉnh thành liên quan đã thống nhất phương án với đơn vị nghiên cứu đề xuất (Viện Khoa học - Công nghệ Phương Nam) là rút ngắn tuyến còn 139,7 km với 9 ga, chạy song hành với đường bộ cao tốc TPHCM - Trung Lương - Mỹ Thuận, hướng ngoại vi các đô thị hiện hữu.
Việc điều chỉnh sẽ giảm khối lượng giải phóng mặt bằng, giúp các địa phương thuận lợi hơn trong việc phát triển các cụm đô thị kết nối với nhà ga, tăng hiệu quả sử dụng đất và chi phí xây dựng.
Trước đó, đại diện Viện Khoa học - Công nghệ Phương Nam cho biết Viện đã chính thức ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) với Quỹ Morfund của Canada với quy mô vốn đầu tư cho dự án là 6,3 tỉ đô la Canada (tương đương 5 tỉ USD). Theo phương án tài chính đang trình TP.HCM, công trình này sẽ được đầu tư theo hình thức PPP (đối tác công - tư), Nhà nước chịu trách nhiệm phần giải phóng mặt bằng, còn tư nhân sẽ đảm nhận toàn bộ chi phí xây dựng.
Ông Hà Ngọc Trường, Trưởng bộ môn đường sắt metro, Trường ĐH GTVT TPHCM, đồng thời là chủ nhiệm đề án tuyến đường sắt cao tốc TPHCM - Cần Thơ, thông tin thêm: theo đề xuất của đơn vị tư vấn, 9 ga sẽ được quy hoạch thành 9 TP mới với quy mô dân số tương đương một phường, xã gồm đầy đủ cơ sở hạ tầng, khu công nghiệp, nhà ở, trường học, bệnh viện, hệ thống siêu thị... theo tiêu chuẩn quốc tế. Do đó, các địa phương hoàn toàn có thể khai thác quỹ đất ở các ga để huy động nguồn vốn phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.
Thông tin về khu đô thị đại học quốc tế 3,5 tỉ đô
UBND TP vừa có văn bản báo cáo Bộ KH-ĐT về tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện dự án quốc gia kêu gọi đầu tư nước ngoài đến năm 2020, trong đó có dự án Khu đô thị Đại học Quốc tế (huyện Hóc Môn) với vốn đầu tư lên đến 3,5 tỉ USD. Nội dung trên báo Pháp Luật TP.
Cụ thể, theo UBND TP, TP đã cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu ngày 1/7/2008 cho Công ty TNHH Đô thị Đại học Quốc tế Berjaya Việt Nam để đầu tư Khu đô thị Đại học Quốc tế (huyện Hóc Môn).
Về tiến độ, hiện dự án đang triển khai thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, do khó khăn, vướng mắc vì nhiều nguyên nhân nên chậm thực hiện theo tiến độ quy định. “Hiện nhà đầu tư đang thực hiện thủ tục trình Thủ tướng điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư”, UBND TP thông tin.
Dự án có diện tích đất sử dụng là 880 ha. Mục tiêu dự án: phát triển một khu đô thị - đại học quốc tế trong Khu đô thị Tây Bắc TP bao gồm: Khu giáo dục (tiểu học, trung học, dạy nghề bậc cao), khu đại học.
Ngoài ra, dự án còn có khu dân cư; khu thương mại - dịch vụ; khu giải trí, y tế, thể thao, khu công viên, công viên công nghệ thông tin. Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày 1/7/2008.
Dự án có nguồn vốn FDI từ chủ đầu tư Malaysia (Tập đoàn Bất động sản Berjaya). Theo quy hoạch tổng thể, Khu đô thị Đại học Quốc tế Việt Nam được xây dựng với mục đích tạo ra một đô thị hội nhập, có sức chứa 75.000 người sống, học tập và làm việc.
Kiến nghị tổ chức lại Ban bồi thường, giải phóng mặt bằng quận huyện
Thông tin từ Báo SGGP, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan vừa ký ban hành văn bản gửi Văn phòng Chính phủ xin ý kiến thực hiện thí điểm tổ chức lại Ban bồi thường, giải phóng mặt bằng thuộc UBND quận - huyện thành Trung tâm Phát triển quỹ đất trực thuộc UBND quận - huyện. Sau 3 năm thí điểm sẽ tổng kết, báo cáo Thủ tướng; đồng thời đề xuất phương án thực hiện cho những năm tiếp theo.
Theo UBND TP, trong quá trình chờ Trung ương thực hiện sửa đổi, xây dựng luật phục vụ triển khai Nghị quyết số 19-NQ/TW, để kịp thời đổi mới hệ thống tổ chức đơn vị sự nghiệp công lập phù hợp với quy hoạch của TP, nâng cao chất lượng quản trị nội bộ, hiệu quả phục vụ dịch vụ công của đơn vị sự nghiệp thuộc lĩnh vực TN-MT, UBND TP đã xây dựng đề án thí điểm tổ chức lại Ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng thuộc UBND quận - huyện thành Trung tâm Phát triển quỹ đất trực thuộc UBND quận - huyện.
Việc tổ chức lại như vậy sẽ tạo cơ hội cho các đơn vị mở rộng chức năng, nhiệm vụ; có sự tham gia của hệ thống chính trị nên đạt được hiệu quả khi nhà nước thu hồi đất, đảm bảo tiến độ giao mặt bằng cho nhà đầu tư; tăng cường tính tự chủ của đơn vị...
Đưa vào hoạt động Trung tâm Giáo dục Special Em’s
Thông tin khác trên báo SGGP, ngày 17/1, Tổ chức giáo dục Embassy Education đã khánh thành và đưa vào hoạt động Trung tâm Giáo dục Special Em’s nhằm hỗ trợ, cung cấp chương trình can thiệp sớm và chương trình ngoại khóa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi có nhu cầu đặc biệt (trẻ mang hội chứng rối loạn phổ tự kỷ, trẻ gặp khó khăn trong kiểm soát cơ thể và vận động, ngôn ngữ, giao tiếp, hành vi và tương tác xã hội, điều tiết cảm xúc, thích nghi với môi trường, hợp tác với người lớn và bạn bè...)
Theo ThS. Trịnh Thị Kim Ngọc, Trưởng Khoa Giáo dục đặc biệt, Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TP cho biết, hiện nay nhiều gia đình có con mắc hội chứng rối loạn phổ tự kỷ ở Việt Nam vẫn còn e ngại và dè dặt trong việc chia sẻ các vấn đề con gặp phải với cộng đồng, từ đó nảy sinh rào cản trong quá trình tìm gặp các nhà chuyên môn nhằm tìm ra giải pháp can thiệp và hỗ trợ kịp thời.
Bên cạnh đó, xã hội ngày càng phát triển, phụ huynh bận rộn với công việc không có thời gian tham gia can thiệp sớm cùng con, trong khi ông bà và người chăm sóc gặp khó khăn trong việc tương tác với trẻ.
Cũng theo ThS. Trịnh Thị Kim Ngọc, nhiều phụ huynh, giáo viên vẫn nhầm lẫn giữa “can thiệp” (1 giáo viên – 1 trẻ) và “can thiệp sớm” (1 giáo viên - 1 trẻ - 1 phụ huynh). Theo đó, can thiệp sớm là hoạt động can thiệp dành cho trẻ em dưới 6 tuổi với sự đồng hành của cả chuyên gia tâm lý, y tế lẫn phụ huynh.
Can thiệp sớm được chia thành 2 giai đoạn: Giai đoạn đầu từ 0-3 tuổi, giáo viên xây dựng chương trình để hướng dẫn cha mẹ cùng thực hiện tại gia đình hoặc tại trung tâm, trường học. Giai đoạn 2 từ 3-6 tuổi, giáo viên can thiệp sớm tiếp tục hỗ trợ giáo viên dạy hòa nhập cho trẻ ở các trường phổ thông.
Để trả lời cho câu hỏi “Thực hiện chương trình can thiệp sớm có khó không?”, ThS. Trịnh Thị Kim Ngọc bày tỏ, hiện nay đội ngũ chuyên gia chẩn đoán các dạng tật ở TPHCM nói riêng, Việt Nam nói chung thiếu cả về số lượng lẫn chất lượng. Nhiều phụ huynh rơi vào cảnh đưa con đi khám nhiều nơi nhưng mỗi nơi cho một kết quả chẩn đoán khác nhau.
Một lý do khác vô cùng quan trọng là Khoa Giáo dục đặc biệt của các trường sư phạm hiện nay chưa đào tạo chuyên ngành can thiệp sớm, chỉ đào tạo giáo viên giáo dục đặc biệt. Thêm vào đó, việc Bộ GD-ĐT chưa có chương trình giáo dục quốc gia dành cho trẻ có nhu cầu đặc biệt khiến mỗi trường triển khai một chương trình, cách thức khác nhau.
Rau trồng từ sân thượng cưu mang những phụ nữ khó khăn
Hàng trăm khu vườn trên sân thượng hay ban-công của các gia đình tại P.14, Q.10 luôn xanh mướt bởi rau trái và cây cảnh. Từ những khu vườn này, các hoạt động gây quỹ chăm lo cho phụ nữ mắc bệnh hiểm nghèo được hình thành. Thông tin trên báo Tuổi Trẻ.
Phong trào trồng cây xanh và rau sạch được Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) phường phát động từ cuối năm 2018 với hơn chục hộ hưởng ứng ban đầu. Đến nay, mô hình "Vườn xanh yêu thương" có hơn 250 gia đình đăng ký thực hiện, biến những không gian trống trở nên tươi đẹp, bắt mắt. Từ đó, những buổi chia sẻ kinh nghiệm trồng rau mầm, nuôi dưỡng cây… liên tục được tổ chức.
Khi vườn rau nhà ai cũng xanh mướt, sản lượng nhiều, Hội LHPN phường mở “phiên chợ xanh” vào sáng sớm thứ ba, thứ bảy trong tuần để các gia đình mang rau đến trao đổi và bán gây quỹ. Phiên chợ chia sẻ này luân phiên đến từng khu phố. Số tiền gây quỹ từ những phần rau củ quả của các chị phụ nữ mang đến bán được trao tặng ngay cho hơn chục chị khác có hoàn cảnh khó khăn, đang mắc bệnh hiểm nghèo.
Mong muốn có nhiều rau sạch cho bà con, ngoài lượng rau từ các vườn trên sân thượng, hội còn nhận thêm nguồn hàng ở các trang trại trồng rau sạch của hội viên tại Q.12 để phục vụ người dân. Nhờ vậy, nguồn kinh phí cho quỹ cũng tăng hơn, hỗ trợ phương tiện sinh kế cho chị em địa phương.
Trong đợt giãn cách xã hội do dịch COVID-19 vừa qua, những bó rau xanh từ "khu vườn yêu thương" được các gia đình chia sẻ lại cho hàng xóm, sinh viên, những người ở trọ… như một cách động viên nhau cùng vượt qua giai đoạn khó khăn chung của xã hội.
1.569 học sinh tham gia hội thi Khoa học kỹ thuật cấp Thành phố
Theo báo Tuổi Trẻ, hội thi Khoa học kỹ thuật cấp TP năm học 2020 - 2021 thu hút 1.569 học sinh cấp THCS và THPT trên địa bàn. Số lượng học sinh và đề tài THCS tăng cả về chất lượng lẫn số lượng so với các năm trước.
Trải qua các vòng thi cấp trường, cấp quận - huyện, 50 dự án đến từ 27 trường được lọt vào vòng chung kết cấp TP. Ban tổ chức hội thi sẽ chọn ra 6 đề tài tham gia kỳ thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia năm học 2020 - 2021 được tổ chức tại Huế vào tháng 3/2021.
Nổi bật trong cuộc thi lần này là các đề tài "Xà phòng thảo dược diệt khuẩn", "Máy điều hòa bằng hơi nước", "Robot hỗ trợ phòng chống COVID-19", "Robot thu gom rác tự động",...
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP, cho biết qua nhiều năm tổ chức, hội thi Khoa học kỹ thuật đã kích thích sự sáng tạo, phát triển năng lực tự học, giúp học sinh bước đầu làm quen với nghiên cứu khoa học. Các em đã biết vận dụng kiến thức các môn học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn.
Từ đó, các em sáng tạo các sản phẩm hữu ích cho cuộc sống. Không những thế, hội thi còn góp phần đổi mới hình thức, phương pháp tổ chức hoạt động dạy và học; đổi mới hình thức và phương pháp đánh giá kết quả học tập; nâng cao chất lượng dạy học trong nhà trường.
Vân Anh - Khang Minh - Huyền Mai (Tổng hợp)