TP. HCM: Hơn 1.600 cuộc thanh tra trong 5 năm phòng, chống tham nhũng

12:00 24/12/2024

(HMC) - Sáng 24/12, Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng. Tại điểm cầu TP. HCM, Phó Chủ tịch tịch Thường trực UBND TP Dương Ngọc Hải dự và chủ trì hội nghị.

Cùng tham dự có Chánh Thanh tra TP Trần Văn Bảy; các Phó Chánh Thanh tra TP, cùng đại diện thanh tra các Sở, ngành, quận, huyện và TP Thủ Đức. 

Quang cảnh hội nghị từ điểm cầu TP. HCM. Ảnh: LINH NHI
Quang cảnh hội nghị từ điểm cầu TP. HCM. Ảnh: LINH NHI

Thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng không có vùng cấm

Phát biểu khai mạc, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong khẳng định: Sau hơn 5 năm thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng, công tác phòng,chống tham nhũng được triển khai mạnh mẽ, kiên quyết, kiên trì, không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai.

Công tác phòng, chống tham nhũng được thực hiện với phương châm đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc, của Đảng lên trên hết, phục vụ tốt nhất cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ, phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh để không thể - không dám - không cần - không muốn tham nhũng. 

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Báo Thanh tra
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Báo Thanh tra

Theo Tổng Thanh tra Chính phủ, công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện, đồng bộ, rõ rệt hơn. Tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm. Qua đó, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. 

TP. HCM: Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận

Phát biểu tham luận từ điểm cầu TP. HCM, Phó Chủ tịch tịch Thường trực UBND TP Dương Ngọc Hải cho biết, trong 5 năm qua, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được Thành ủy và UBND TP. HCM xác định là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài, có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố; Thành ủy và UBND TP. HCM lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, thường xuyên, liên tục. 

Với phương châm: “lấy phòng ngừa là cơ bản, lâu dài; phát hiện, xử lý là quan trọng, cấp bách, đột phá; kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng, tiêu cực”; luôn bám sát chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước, đặc biệt là các kết luận, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nghiêm túc, hiệu quả, phù hợp tình hình địa phương; các cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn Thành phố đã thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực và đạt được nhiều kết quả cụ thể. 

Phó Chủ tịch tịch Thường trực UBND TP Dương Ngọc Hải phát biểu tham luận tại hội nghị. Ảnh: ANH KHOA 
Phó Chủ tịch tịch Thường trực UBND TP Dương Ngọc Hải phát biểu tham luận tại hội nghị. Ảnh: ANH KHOA 

Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phòng, chống tham nhũng với 6.429 cuộc tuyên truyền cho 374.140 lượt người tham dự và hơn 916.047 tài liệu được phát hành.

Thành phố cũng tổ chức 1.620 cuộc thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị; Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện 214 người/98 vụ vi phạm với tổng số tiền vi phạm đã được thu hồi, bồi thường hơn 11.533.140.000 đồng. 

Tổ chức kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn đối với 6.589 cơ quan, tổ chức, đơn vị. Qua đó phát hiện 25 trường hợp vi phạm và đã xử lý theo quy định.

Công tác kê khai, công khai tài sản thu nhập trên địa bàn TP. HCM được thực hiện hiệu quả, đúng quy định. Riêng trong năm 2023, có 3.035 cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ chức thực hiện, với tổng số người đã kê khai tài sản, thu nhập là 19.935 người.

Giai đoạn từ năm 2022 - 2024, Thanh tra TP đã tiến hành bốc thăm, lựa chọn ngẫu nhiên và thực hiện xác minh tài sản, thu nhập đối với 528 trường hợp, đã ban hành 528 kết luận xác minh, cơ bản đảm bảo khách quan, công khai theo quy định.

Cũng trong 5 năm qua, qua công tác kiểm tra nội bộ tại các đơn vị, TP. HCM đã phát hiện, xử lý kỷ luật 14 vụ/16 trường hợp sai phạm liên quan hành vi tham nhũng; phát hiện và xử lý 4 vụ/19 người có liên quan hành vi tham nhũng qua công tác thanh tra.

Cùng với đó, ngành Công an TP. HCM đã thụ lý điều tra 211 vụ, 562 bị can về các tội danh tham nhũng; đề nghị truy tố 132 vụ, 453 bị can; Tòa án nhân dân 2 cấp thành phố đã đưa ra xét xử 133 vụ án/257 bị cáo. Trong đó, có những vụ án đặc biệt nghiêm trọng do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống Tham nhũng, tiêu cực và Ban Chỉ đạo phòng, chống Tham nhũng, tiêu cực TP. HCM theo dõi chỉ đạo. 

Các đại biểu tham dự hội nghị.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu TP. HCM. Ảnh: LINH NHI

Theo ông Dương Ngọc Hải, từ khi thành lập, Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TP. HCM đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, đưa công tác phòng, chống Tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn thành phố ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và đạt kết quả.

Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế như hành vi tham nhũng, tiêu cực ngày càng tinh vi, phức tạp, khó phát hiện; công tác tự kiểm tra, giám sát nội bộ liên quan đến việc phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực chưa được quan tâm đúng mức; công tác xác minh tài sản, thu nhập còn gặp nhiều khó khăn, thiếu quy định cụ thể để kiểm soát tính trung thực trong kê khai và giải trình nguồn gốc tài sản.

Ngoài ra, một số quy định pháp luật chưa được thể chế hóa và những vấn đề phát sinh trong thực tiễn chưa có quy định để điều chỉnh hoặc quy định còn chưa rõ ràng, dẫn đến khó khăn trong áp dụng.

Nhằm khắc phục tồn tại, tạo tiền đề vững chắc cho công tác phòng, chống tham nhũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. HCM đề xuất, kiến nghị, tiếp tục hoàn thiện pháp luật các cơ chế, chính sách pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thể chế hóa các nội dung, chủ trương của Đảng và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Ban hành thông tư quy định về trình tự, thủ tục tiến hành kiểm soát tài sản, thu nhập; Sớm hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập tập trung, thống nhất, đảm bảo sự quản lý chặt chẽ, đồng thời có sự phối hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập… 

Gần 150 người bị kỷ luật do vi phạm quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập

Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Tiến Đạt cho biết, công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong thi hành nhiệm vụ, công vụ và trong quan hệ xã hội được các bộ, ngành, địa phương quan tâm, chú trọng.

Các bộ, ngành, địa phương đã tiến hành kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức tại 117.848 cơ quan, tổ chức, đơn vị; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm và xử lý 2.906 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp; 45 trường hợp đã nộp lại quà tặng cho đơn vị theo quy định với số tiền hơn khoảng 739 triệu đồng.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập cũng tích cực thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước về kiểm soát tài sản, thu nhập. Trong 5 năm (giai đoạn 2020 - 2024), đã có 2.060.550 người thực hiện kê khai tài sản, thu nhập trong kỳ, tỷ lệ công khai đạt trên 98%; 37.106 người được xác minh tài sản, thu nhập. Có 147 người bị kỷ luật do vi phạm quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập.

Linh Nhi

Tin cùng chuyên mục