Giải ngân vốn đầu tư công, hoàn thành nhiều dự án lớn
Theo Vietnamplus, UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết đến hết năm 2020, thành phố có 37 công trình, dự án có quy mô lớn dự kiến hoàn thành với tổng mức đầu tư là 39.382 tỷ đồng. Đáng chú ý là các công trình giảm ùn tắc giao thông như hầm chui nút giao An Sương (quận 12, huyện Hóc Môn); tuyến đường gom thuộc đường dẫn cao tốc TP. Hồ Chí Minh-Trung Lương; công trình tiêu thoát nước và cải thiện ô nhiễm môi trường kênh Tham Lương-Bến Cát-rạch Nước Lên (giai đoạn 1); Bệnh viên Ung bướu (cơ sở 2); Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP. Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1)…
Riêng dự án Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 đã hoàn thành, kịp thời đáp ứng yêu cầu phục vụ phòng chống dịch COVID-19.
Đánh giá về ý nghĩa của các dự án khi đưa vào hoạt động, ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh cho biết đầu tư từ nguồn vốn ngân sách đã tác động sâu sắc đến rất nhiều mặt của đời sống kinh tế-xã hội.
Nhiều công trình, dự án được đầu tư, kịp thời giải quyết những yêu cầu bức thiết về ùn tắc giao thông, giảm ngập nước, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội; nhất là đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng nhiều trường học và bệnh viện với số phòng học và giường bệnh tăng thêm đáng kế, đáp ứng phần lớn nhu cầu cơ bản của người dân.
Các dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách thành phố đều đảm bảo về mặt chủ trương đầu tư, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội; đảm bảo phù hợp với quy hoạch xây dựng và có đầy đủ các thủ tục theo quy định. Tất cả các dự án đã được Hội đồng Nhân dân thành phố xem xét, chấp thuận về chủ trương đầu tư trước khi bố trí kế hoạch vốn để thực hiện.
Nhằm đảm bảo kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 đạt từ 95% trở lên, UBND Thành phố đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, trong đó đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp các sở, ban, ngành, quận, huyện định kỳ họp 2 tuần/lần để rà soát các khó khăn, vướng mắc trong việc giải ngân.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan, trong khi lập kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản, thành phố đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, quận, huyện xem xét kỹ về tính cấp thiết của từng dự án, đảm bảo phù hợp định hướng và nguyên tắc đã được Hội đồng nhân dân thành phố thông qua. Tiêu chí đặt ra là huy động nguồn vốn đến đâu thì bố trí kế hoạch đến đó; rà soát tiến độ thực hiện các dự án, tình hình giải ngân vốn, kịp thời đề xuất phương án điều chuyển vốn nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.
Trong quá trình điều hành, thành phố giao kế hoạch theo hình thức tạm ứng vốn để giải quyết kịp thời nhu cầu về vốn đầu tư cho bồi thường giải phóng mặt bằng, công trình trọng điểm. Do đó, các công trình, dự án trọng điểm có quy mô lớn trên địa bàn thành phố đạt được nhiều kết quả khả quan, tích cực.
Với quyết tâm hoàn thành nhóm dự án, công trình trong năm 2020, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong yêu cầu các đơn vị chỉ đạo chủ đầu tư trực thuộc khẩn trương hoàn tất thủ tục đầu tư xây dựng theo đúng quy định; đẩy nhanh tiến độ thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và lựa chọn nhà thầu để khởi công những công trình đã đăng ký và được bố trí vốn.
Song song với đó, các đơn vị chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm bảo đảm tiến độ thi công công trình; lập hồ sơ, thanh toán ngay với Kho bạc nhà nước thành phố khi có khối lượng nghiệm thu, không để dồn thanh toán vào cuối quý hoặc cuối năm. Đặc biệt, không để xảy ra tình trạng dự án được bố trí vốn nhưng chậm thực hiện trình thẩm định, phê duyệt giá bồi thường dẫn đến chậm giải ngân vốn chi trả cho người dân, ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Giải quyết nhiều điểm nóng giao thông
Ngoài việc đẩy nhanh các dự án hạ tầng trọng điểm thì các nút giao thông được xem là “điểm nóng” cũng được đốc thúc hoàn thành, kịp thời đi vào phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.
Theo báo Tuổi Trẻ, cuối tháng 4, dòng xe cộ vẫn tấp nập đi lại trên đường Đồng Văn Cống (Q.2) hướng về cảng Cát Lái. Giữa dòng xe tấp nập lưu thông qua cầu Mỹ Thủy 1 và Mỹ Thủy 2, hàng chục kỹ sư và công nhân đang tất bật xây dựng cầu Mỹ Thủy 3 nhằm giải tỏa ùn tắc giao thông trên tuyến đường này.
Một lãnh đạo Ban điều hành dự án 2 thuộc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM cho biết trên công trường phần lớn đều sử dụng thiết bị máy móc nên luôn giữ khoảng cách an toàn giữa những người lao động trong những ngày dịch COVID-19 vừa qua.
Dự án xây cầu Mỹ Thủy 3 trên đường Đồng Văn Cống dài 75m, rộng cho 6 làn xe, đường dẫn vào cầu dài 250m, xây dựng vỉa hè, hệ thống thoát nước, chiếu sáng. Theo ban quản lý dự án, sau khi hoàn thành xây dựng, cầu Mỹ Thủy 3 sẽ cùng với cầu Mỹ Thủy 1 và cầu Mỹ Thủy 2 giải quyết được tình trạng kẹt xe quanh khu vực.
Cũng theo Ban điều hành dự án 2, vào ngày 20/4, các đơn vị cũng đã triển khai thực hiện dự án mở rộng đường Đồng Văn Cống đoạn từ cầu Giồng Ông Tố đến nút giao thông Mỹ Thủy (Q.2) dài 2,8km. Trong đó mở rộng mặt đường thêm 7m, tăng thêm 2 làn xe lưu thông.
Khi hoàn thành, đường Đồng Văn Cống sẽ cho 10 làn ôtô và 2 làn xe máy lưu thông. Dự kiến công trình sẽ hoàn thành sau 9 tháng thi công và kết nối đồng bộ với dự án mở rộng cầu Mỹ Thủy 3. Từ đó góp phần giảm áp lực giao thông trên tuyến đường vào khu cảng biển Cát Lái.
Tương tự, để hoàn thiện đồng bộ dự án bến xe Miền Đông mới cũng như "đón đầu" tuyến metro số 1, dự án xây dựng đường chui trước bến xe Miền Đông mới trên quốc lộ 1 - đoạn nối với xa lộ Hà Nội (Q.9 và TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương) cũng tất bật thi công trong những ngày này.
Dự án trên bao gồm cả việc xây cầu vượt số 3 (vượt tuyến chính quốc lộ 1) gồm 3 làn xe (sát bên cầu vượt số 2 của nút giao Đại học Quốc qia) để tổ chức cho các dòng xe từ hướng Đồng Nai vào bến xe Miền Đông.
Cầu vượt số 4 (vượt tuyến chính quốc lộ 1) cũng đang được thi công, gồm 3 làn xe để tổ chức cho các dòng xe từ bến xe Miền Đông mới rẽ trái quay đầu về hướng trung tâm TP.HCM và về Bình Dương.
Ngoài ra, dự án cũng xây dựng đường chui trên phần đường song hành (phía bên phải quốc lộ 1) rộng 8m, dài 670m cho xe hai bánh đi thẳng về hướng Đồng Nai. Xây dựng đường chui trên phần đường song hành (phía bên trái quốc lộ 1) rộng 8m, dài 350m cho xe hai bánh đi thẳng về hướng TP.HCM. Và một cây cầu bộ hành rộng 4m vượt qua xa lộ Hà Nội ở gần vị trí ga metro bến xe Miền Đông cũng đang được xây dựng tại đây.
Theo ông Lương Minh Phúc - giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (gọi tắt là Ban giao thông), trong năm 2020, các đơn vị đã và sẽ tổ chức khởi công 31 gói thầu về giao thông kết hợp chống ngập, cải thiện môi trường.
Cụ thể, ngoài các công trình trên, dự án cải tạo đường và kênh Nước Đen (giáp cống hộp hiện hữu đến kênh Tham Lương), mở rộng đường Hoàng Hoa Thám… cũng đang đượac triển khai. Khi các dự án này hoàn thành sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông và kéo giảm tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn TP…
Riêng dự án đường vành đai 2, ông Phúc cho biết đường vành đai 2 có tổng chiều dài 64km, hiện đã hoàn thành đưa vào khai thác 50km. Các đoạn còn lại (bao gồm đoạn 1, 2, 3 và 4) với tổng chiều dài 14km, trong đó đoạn 1, 2, 4 với tổng chiều dài 11km chưa được đầu tư xây dựng và đoạn 3 có chiều dài khoảng 3km đang được nhà đầu tư triển khai theo hình thức BT.
Dự kiến UBND TP sẽ trình HĐND TP thông qua chủ trương đầu tư công cho dự án trong kỳ họp giữa năm 2020… Như vậy, dự án đường vành đai 2 sẽ được khép kín trong giai đoạn 2022-2025.
Còn tại sân bay Tân Sơn Nhất, ông Phúc cho biết đang tổ chức triển khai 9 dự án giao thông trong khu vực này. Ngoài ba công trình cầu vượt, cải tạo mở rộng đường Hoàng Minh Giám, trong năm 2020 Ban giao thông còn cho thi công mở rộng đường Hoàng Hoa Thám từ cổng doanh trại quân đội (giáp sân bay) đến đường Cộng Hòa, dự án cải tạo đường Cộng Hòa từ hẻm số 2 đường Trần Quốc Hoàn đến đường Thăng Long sau khi được bàn giao mặt bằng.
Trung tâm báo chí (tổng hợp)