TP. Hồ Chí Minh: Điểm đến du lịch an toàn trong dịch Covid-19

17:36 18/02/2020

Với việc kiểm soát tốt dịch bệnh qua công tác phòng dịch nghiêm ngặt TP. Hồ Chí Minh đang triển khai nhiều chương trình để kích cầu trở lại ngành du lịch. Đây cũng là thông điệp “điểm đến an toàn” mà TP muốn gửi đến du khách.

TP. Hồ Chí Minh: Điểm đến du lịch an toàn trong dịch Covid-19
Ảnh: TP.Hồ Chí Minh phát khẩu trang miễn phí cho du khách tại một số điểm du lịch. (Nguồn Báo Thanh Niên).

Đồng hành cùng ngành du lịch Thành phố

Thông tin từ báo Người Lao Động dẫn báo cáo của Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh cho biết, kể từ khi dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp, lượng khách đến các điểm du lịch trên địa bàn đã giảm từ 30-50%. Nhiều doanh nghiệp lữ hành, đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch cho biết khách liên tục yêu cầu hoãn, huỷ tour và phải hoàn cọc 100% khiến doanh thu bị ảnh hưởng nặng nề...

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá ảnh hưởng của Covid-19 đối với phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam, phục vụ cuộc họp của Thường trực Chính phủ mới đây, nêu rõ du lịch là một trong những ngành bị ảnh hưởng khá lớn bởi dịch Covid-19. Nếu dịch kéo dài hết quý I, thiệt hại về doanh thu từ khách quốc tế năm nay là khoảng 2,3 tỉ USD, nếu dịch kéo dài hết quý II, thiệt hại sẽ khoảng 5 tỉ USD...

Trước những khó khăn của ngành du lịch Thành phố, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP, cho hay sẽ tăng cường công tác kích cầu du lịch nội địa, thu hút khách quốc tế vào Việt Nam và TP. Hồ Chí Minh.

Cụ thể, các DN du lịch từ vận chuyển (hàng không, đường sắt, đường thủy và đường bộ); các cơ sở lưu trú du lịch; cơ sở ăn uống và mua sắm; điểm tham quan; doanh nghiệp lữ hành… sẽ kết hợp đồng bộ để có chính sách khuyến mại, giảm giá mạnh hoặc ưu đãi đặc biệt cho du khách đến TP. Hồ Chí Minh.

"Các chương trình giảm giá để kích cầu với mức giảm từ 30% trở lên có thể thu hút du khách, giúp "phá băng" thị trường đang khó khăn" - bà Huỳnh Phan Phương Hoàng nhận định.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết du lịch TP. Hồ Chí Minh sẽ đẩy mạnh xúc tiến du lịch nước ngoài, tăng cường khai thác những thị trường tiềm năng như Úc, đặc biệt là Ấn Độ là thị trường lớn, có mức chi tiêu cao được kỳ vọng bù đắp phần nào thiếu hụt từ việc tạm thời đóng cửa thị trường Trung Quốc. TP cũng tiếp tục duy trì xúc tiến các thị trường trọng điểm, có kết nối đường bay thuận tiện, đang có tốc độ tăng trưởng cao như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và ASEAN; tăng cường thu hút khách ở thị trường xa như Bắc Mỹ, khai thác mạnh thị trường Mỹ, Cananda khi sắp có đường bay thẳng giữa Việt Nam - Mỹ.

Theo báo Thanh Niên thì TP.Hồ Chí Minh đang có đề xuất các hãng hàng không, đường sắt, các khách sạn, nhà hàng, các điểm tham quan và doanh nghiệp lữ hành có kế hoạch giảm giá ‘siêu khủng’ để phục hồi du lịch TP trong và sau dịch Covid-19.

Cụ thể, đại diện Sở du lịch TP cho biết Sở đã báo cáo để UBND TP chủ trì buổi kết nối với các doanh nghiệp vận chuyển (hàng không, đường sắt, đường thủy, đường bộ), các khách sạn, nhà hàng, các điểm tham quan du lịch, các doanh nghiệp lữ hành có những gói sản phẩm kích cầu, với giá tour cạnh tranh nhưng chất lượng.

Theo đó các đơn vị có thể giảm giá sâu so với giá hiện tại hoặc có nhiều chương trình khuyến mãi kèm theo để kéo du khách đến với TP. Ủng hộ đề xuất trên, nhiều doanh nghiệp du lịch tại thành phố cho rằng, cần giảm giá 30-35% để "phá băng" thị trường, kéo du khách đến với TP.

Chiến dịch 'I am safe' - 'Tôi an toàn'

Trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Quốc Kỳ - Tổng Giám đốc Vietravel - đề xuất: Trong giai đoạn chống dịch và đến khi Việt Nam công bố ngăn chặn hoàn toàn dịch Covid-19, Chính phủ cần tăng cường các hoạt động quảng bá ở thị trường trọng điểm, không nên để tình trạng hủy, hoãn tour kéo dài, ngưng trệ thị trường.

“Tổng cục Du lịch và Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch cần đứng ra mở một chiến dịch mới về những điểm đến an toàn của Việt Nam - "I am safe" - "Tôi an toàn" – ông Kỳ nói.

Cũng theo vị lãnh đạo của Vietravel, thực tế Việt Nam không chỉ mất thị trường Trung Quốc, mà những thị trường khác du khách cũng bị "sang chấn tâm lý", không dám đến Việt Nam. Có tình trạng này bởi khách hiểu chưa đầy đủ về thông tin các điểm đến của du lịch Việt Nam, về những điểm đến an toàn hay chưa an toàn.

Ông Kỳ nhấn mạnh: “Nếu bình tĩnh nhìn lại hệ thống thị trường du lịch Việt Nam, chúng ta hoàn toàn dễ dàng khoanh vùng được những điểm đến an toàn, chưa có người bị nhiễm bệnh hay cách ly.

Các khu vực này bên cạnh triển khai những biện pháp chống dịch hoàn toàn có thể triển khai thêm nhiều hoạt động quảng bá, đón khách với sự cộng hưởng của nhiều địa phương, chẳng hạn một chiến dịch "I am safe" - "Tôi an toàn" như một cam kết có trách nhiệm, đảm bảo an toàn cho du khách”.

Để giúp các doanh nghiệp du lịch trong lúc khó khăn, trước đó, Hiệp hội Du lịch TP.Hồ Chí Minh đã có văn bản gửi Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam về kiến nghị giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch trước thiệt hại do dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona (Covid-19) gây ra.

Đình Nguyên (tổng hợp)

 

Tin cùng chuyên mục