Dự buổi lễ có các đồng chí: Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM; Trần Kim Yến, Chủ nhiệm Ủy Ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM; Ngô Minh Châu, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thanh Xuân, Bí thư Quận ủy Quận 3; Nguyễn Tấn Phát, Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM.
Trong không khí trang nghiêm, đoàn đại biểu đã thành kính dâng hoa, dâng hương và dành một phút mặc niệm để tưởng nhớ công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, các anh hùng liệt sĩ, đồng bào, đồng chí; tưởng nhớ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi đã anh dũng hy sinh trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Lễ dâng hoa, dâng hương cũng nhằm tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên và các tầng lớp nhân dân về tình cảm cao đẹp mà các cựu chiến sĩ du kích Venezuela đã dành cho Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi và nhân dân Việt Nam.
Đồng thời, thể hiện sự trân trọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đối với tình đoàn kết, sự ủng hộ của các lực lượng tiến bộ và nhân dân Venezuela dành cho Việt Nam trong những năm tháng đấu tranh thống nhất đất nước.
Liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi đã đi vào lịch sử kháng chiến chống quân xâm lược của nước ta như một biểu tượng của lòng quả cảm và khí phách anh hùng.
Cách đây 60 năm, sáng 2-5-1964, anh Nguyễn Văn Trỗi cùng đồng đội trong tổ biệt động nhận nhiệm vụ đặt mìn ở cầu Công Lý để ám sát phái đoàn quân sự chính trị cao cấp của chính phủ Mỹ do Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Mc Namara dẫn đầu. Do kế hoạch bị lộ, anh Nguyễn Văn Trỗi bị bắt.
Sau đó, chính quyền của Nguyễn Khánh (từng giữ chức Quốc trưởng và Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa) đưa anh Trỗi ra tòa án quân sự đặc biệt Sài Gòn, kết án tử hình nhằm uy hiếp tinh thần chống đế quốc Mỹ trong nhân dân ta. Ngày 9-10-1964, du kích quân Venezuela bắt tùy viên quân sự Mỹ Smolen để đấu tranh đòi trả tự do cho anh Nguyễn Văn Trỗi. Nhưng khi Trung tá Mỹ vừa được thả ra thì chúng lại trở mặt, dùng bản án đê hèn để đưa anh Trỗi ra pháp trường.
Ngày 15-10-1964, trong những giây phút cuối cùng, anh Trỗi đã giật phắt mảnh băng đen mà kẻ thù bịt mắt và dõng dạc nói: "Không, phải để tôi nhìn mảnh đất này, mảnh đất thân yêu của tôi!". Và anh hô to: "Hãy nhớ lấy lời tôi! Ðả đảo đế quốc Mỹ!" "Hồ Chí Minh muôn năm!" "Việt Nam muôn năm!"