Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, giải thi đấu Hội khỏe Phù Đổng hàng năm được tổ chức ở 3 cấp gồm cấp trường học; cấp quận, huyện và cấp TP nhằm tạo sân chơi rèn luyện thể chất, qua đó góp phần giáo dục toàn diện học sinh.
Trong đó, TPHCM là đơn vị tiên phong trong việc phối hợp giữa 2 ngành giáo dục đào tạo và văn hóa thể thao, nhiều năm liền dẫn đầu cả nước về thành tích thi đấu thể dục thể thao.
Cùng với sự gia tăng về số lượng cũng như chất lượng đội ngũ giáo viên, huấn luyện viên thể dục thể thao, hệ thống cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động giáo dục thể chất và thể thao trong các nhà trường không ngừng phát triển.
Hệ thống giải thể thao dành cho học sinh được tổ chức thường xuyên đã thu hút sự tham gia, hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo học sinh TP, qua đó phát hiện các em có năng khiếu, bổ sung vào đội tuyển học sinh TP tham dự các giải chuyên ngành.
Báo cáo của Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, năm học 2019-2020, giải Hội khỏe Phù Đổng cấp trường đã thu hút được 455.231 học sinh tham dự, trung bình mỗi đơn vị trường học tổ chức từ 6-8 môn như bóng rổ, bóng ném, điền kinh, bóng bàn, bóng đá, bơi lội, võ thuật...
Ở hội thi cấp quận, huyện, toàn TPHCM có 90.231 lượt học sinh tham dự. Qua công tác tổ chức thi đấu, trình độ chuyên môn của các vận động viên ngày càng được nâng cao, phong trào thể thao học đường tại cơ sở và tuyển chọn học sinh tiêu biểu tham dự các giải đấu thực hiện khá tốt.
Riêng với hội thi cấp TP, giải đấu đã thu hút 15.068 lượt học sinh tham dự.
Mặc dù đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ, tuy nhiên theo Sở GD-ĐT TPHCM, hiện nay cơ sở vật chất dành cho thể thao từ cấp cơ sở đến cấp TP vẫn chưa đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao của hoạt động thể thao học đường. Do đó, công tác tổ chức giải ở các cấp còn gặp khó khăn và hạn chế.
Bên cạnh đó, nguồn kinh phí cho hoạt động công tác giáo dục thể chất và giải Hội khỏe Phù Đổng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu tập luyện và thi đấu ngày càng cao của học sinh.
Cũng tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức biểu dương sự phối hợp chặt chẽ giữa hai Sở GD-ĐT và Sở VH-TT TP. Theo đồng chí Phó Chủ tịch, giáo dục thể chất, thể thao học đường là một trong những hoạt động quan trọng, giúp phát triển sức khỏe, thể lực, thể chất và vóc dáng của người Việt Nam. Đây là nội dung hết sức quan trọng mà bất kỳ quốc gia nào cũng quan tâm vì không có thế hệ thanh thiếu niên khỏe mạnh sẽ khó thực hiện nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc, phát triển kinh tế.
Trong thời gian qua, TPHCM đã tổ chức nhiều phong trào thể dục thể thao, đẩy mạnh phong trào thể thao học đường, nâng cao thể lực, trang bị kiến thức, kỹ năng vận động cơ bản và hình thành thói quen tập luyện thể dục thể thao trong học sinh, sinh viên, gắn giáo dục thể thao với giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng.
Tuy nhiên, đồng chí Dương Anh Đức đề nghị 2 ngành giáo dục – đào tạo và văn hóa – thể thao tập trung quan tâm hơn đến việc phát triển các dự án đầu tư công chất lượng với các chiến lược cụ thể.
Song song đó, đồng chí Dương Anh Đức đề nghị các đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền đến mọi người dân, học sinh, phụ huynh và cả xã hội hiểu rõ được vai trò quan trọng của giáo dục thể chất và thể thao học đường. Bên cạnh đó, các ngành cần quan tâm đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá, chú trọng đánh giá kỹ năng, năng lực vận động, thái độ và thói quen tập luyện thể dục thể thao trong và ngoài trường học của học sinh.
Ngoài ra, trường học cần đa dạng hóa các môn thể thao, tạo điều kiện tốt hơn cho học sinh phát huy năng lực. Mặc khác, các địa phương cần tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giáo dục thể chất và thể thao học đường, trong đó vừa phát huy nhiều hơn nữa nguồn lực xã hội hóa vừa xây dựng được các đề án đầu tư công hiệu quả.
Nhân dịp này, Sở GD-ĐT và Sở VH-TT TPHCM đã thông qua kế hoạch liên tịch giữa hai ngành trong việc phối hợp tổ chức và nâng cao chất lượng giáo dục thể chất và thể thao trong trường học. Đồng thời, 24 phòng GD-ĐT quận, huyện cũng ký kết liên tịch với Trung tâm thể dục thể thao các quận, huyện để đưa hoạt động giáo dục thể chất đi vào chiều sâu, nâng cao hiệu quả giáo dục toàn diện cho học sinh.