TPHCM: Đẩy mạnh truyền thông sức khỏe dinh dưỡng

15:47 23/04/2024

(HMC) – UBND TPHCM vừa ban hành Kế hoạch Thực hiện Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng tại Thành phố từ nay đến năm 2030. Thành phố sẽ có phân bổ ngân sách địa phương hàng năm bảo đảm cho các hoạt động dinh dưỡng theo kế hoạch được phê duyệt và duy trì đến năm 2030. Đồng thời, huy động các ban ngành, đoàn thể, tổ chức, cá nhân, cộng đồng, trường học, bệnh viện thực hiện truyền thông, tư vấn dưới nhiều hình thức, nhằm nâng cao hiểu biết của người dân về vấn đề này.

Phụ huynh Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1, TP.HCM) giám sát suất ăn học đường và cùng ăn trưa với con tại trường - Ảnh: TRÂN TRẦN
Phụ huynh Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1, TP.HCM) giám sát suất ăn học đường. Ảnh: TRÂN TRẦN/TTO

Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2030, TPHCM đặt ra 5 mục tiêu lớn về chiến lược dinh dưỡng gồm: Thực hiện chế độ ăn đa dạng, hợp lý cho mọi lứa tuổi, mọi đối tượng theo vòng đời, đặc biệt là nhóm đối tượng có nguy cơ cao, người bệnh; Cải thiện tình trạng dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em và thanh thiếu niên; Kiểm soát tình trạng thừa cân béo phì, dự phòng các bệnh không lây nhiễm, các yếu tố nguy cơ có liên quan ở trẻ em, thanh thiếu niên và người trưởng thành; Cải thiện tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ em, thanh thiếu niên và phụ nữ lứa tuổi sinh đẻ; Tăng cường nguồn lực thực hiện hiệu quả Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng.

Để đạt được các mục tiêu trên, Thành phố sẽ tăng cường thực hiện cơ chế phối hợp liên ngành về công tác dinh dưỡng, chú trọng việc lồng ghép, phối hợp với các chương trình, dự án liên quan. Cùng với đó, nâng cao công tác truyền thông dinh dưỡng qua các hoạt động giáo dục, tư vấn về thực hành dinh dưỡng hợp lý theo vòng đời; tăng cường phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội để hình thành lối sống, thói quen lành mạnh về dinh dưỡng hợp lý.

Định kỳ hàng năm, Thành phố tổ chức các chiến dịch truyền thông do Bộ Y tế phát động như: Ngày Vi chất dinh dưỡng (01/6 và 01/12), Tuần lễ thế giới Nuôi con bằng sữa mẹ (01-07/8), Tuần lễ Dinh dưỡng và Phát triển (16-23/10). Tham gia hưởng ứng các chiến dịch truyền thông có liên quan: Ngày béo phì thế giới (04/3), Ngày sức khỏe thế giới (07/4), Ngày thế giới phòng chống tăng huyết áp (17/5), Ngày đái tháo đường thế giới (14/11).

Đồng thời, xây dựng các chương trình, video clip, sản xuất các ấn phẩm, tài liệu truyền thông giáo dục sức khỏe với hình thức đa dạng, phù hợp với từng đối tượng truyền thông, phát triến hình thức truyền thông đa phương tiện. 

TPHCM cũng sẽ đưa chỉ tiêu giảm suy dinh dưỡng thấp còi, gầy còm và thừa cân béo phì là một trong các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong giai đoạn tới. 

Các chỉ tiêu cải thiện tình trạng dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em và thanh thiếu niên ở TPHCM đến năm 2030 

- Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ dưới 5 tuổi < 8% vào năm 2025 và < 7% vào năm 2030.

- Tỷ lệ suy dinh dưỡng gầy còm trẻ em dưới 5 tuổi giảm xuống < 5% vào năm 2025 và < 3% vào năm 2030.

- Đến năm 2030, chiều cao trung bình thanh niên 18 tuổi theo giới tăng từ 2 – 2,5 cm đối với nam và 1,5 – 2 cm đối với nữ so với năm 2020.

- Tỷ lệ trẻ được bú mẹ sớm sau khi sinh đạt mức 75% vào năm 2025 và đạt 80% vào năm 2030.

- Tỷ lệ trẻ dưới 6 tháng tuổi được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ đạt 50% vào năm 2025 và đạt 60% vào năm 2030.

- Tỷ lệ trẻ có cân nặng sơ sinh dưới 2.500gram < 8% vào năm 2025.

- Kiểm soát tỷ lệ thừa cân béo phì: ở trẻ dưới 5 tuổi ở mức < 14%; ở trẻ 5 -18 tuổi ở mức < 40%; ở người trưởng thành ở mức < 35% vào năm 2030.

- Lượng muối tiêu thụ trung bình của dân số (15-49 tuổi) giảm xuống < 8 gram/ngày vào năm 2025 và dưới 7 gram/ngày vào năm 2030.

Huỳnh Nhung

Tin cùng chuyên mục