Nhiều giải pháp được triển khai
Tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày càng đậm nét đến tất cả lĩnh vực, đời sống, kinh tế - xã hội của TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung. Theo số liệu phân tích từ kết quả quan trắc năm 2011, mực nước ven biển Việt Nam đang có xu hướng dâng lên, tốc độ trung bình tại Vũng Tàu là 1,33mm/năm.
Mực nước biển dâng thêm và lượng mưa gia tăng do BĐKH trong những năm gần đây làm cho tình trạng ngập lụt tại TPHCM ngày càng nặng. TPHCM ít chịu ảnh hưởng của bão, tuy nhiên những năm gần đây, bão và áp thấp nhiệt đới đã di chuyển ngày càng sâu hơn về các tỉnh phía Nam. Bão có cường độ mạnh, siêu bão trong những năm gần đây xuất hiện nhiều hơn. Bên cạnh bão, dông lốc xoáy xảy ra tại TPHCM chủ yếu vào mùa mưa, gây thiệt hại về người và tài sản.
Lý giải thực tế trên, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Chuyên gia năng lượng và quy hoạch, cố vấn của Tổ chức C40 (mạng lưới các thành phố lớn cam kết ứng phó với BĐKH) cho TPHCM, cho biết nguyên nhân gây ra BĐKH là do lượng khí phát thải vào bầu khí quyển tăng nhanh. Ước tổng lượng phát thải KNK năm 2016 ở TPHCM hơn 52 triệu tấn CO2 (con số này năm 2013 là 38,5 triệu tấn). Một số lĩnh vực có lượng phát thải cao như: năng lượng tổng phát thải là gần 24 triệu tấn; giao thông phát thải 24 triệu tấn.
Để có thể giảm tác động của BĐKH, về phía Sở TN-MT TPHCM đã từng bước triển khai nhiều nhiệm vụ, kế hoạch thực hiện công tác quản lý về phát thải KNK. Cụ thể, thực hiện kiểm kê phát thải KNK trên 5 lĩnh vực, bao gồm: năng lượng cố định, giao thông, chất thải, quá trình công nghiệp và sử dụng sản phẩm, nông nghiệp, rừng và sử dụng đất. Đồng thời, tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế để nhận được những hỗ trợ về con người, công nghệ, tài chính...
TPHCM đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác với Tổ chức C40 trong việc tham gia Dự án công khai thông tin về phát thải cacbon hay tích cực tham gia Dự án hỗ trợ lên kế hoạch và thực hiện các hành động giảm nhẹ phát thải KNK phù hợp với điều kiện quốc gia (Dự án SPI-NAMA) do Bộ TN-MT và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp thực hiện.
Kỳ vọng phát thải bằng 0
Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, kết quả triển khai giải pháp giảm thiểu KNK trên địa bàn thành phố còn nhiều hạn chế. Trước thực tế trên, trong giai đoạn 2021-2030, thành phố sẽ thực hiện 20 chương trình, dự án. Trong đó, tập trung nghiên cứu các giải pháp thay thế nhiên liệu sạch cho các phương tiện giao thông ở TPHCM. Ở lĩnh vực sản xuất, thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất sang công nghệ sạch và công nghệ mới. Thành phố sẽ tăng cường xây dựng mạng lưới trạm trung chuyển trong nội thành kết hợp sử dụng công nghệ nhiệt phân bùn từ hệ thống xử lý nước thải để thu hồi khí phát điện… Đặc biệt, thành phố triển khai dự án áp dụng các hiện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong sản xuất, chế biến, gia công sản phẩm, hàng hóa.
Liên quan đến vấn đề này, bà Ellie Kilroy, đại diện nhóm tư vấn của C40 cho biết, C40 sẽ triển khai và áp dụng mô hình “Pathways - Một công cụ quy hoạch giảm nhẹ cấp thành phố”. Mô hình Pathways được thiết kế để cung cấp phân tích chiến lược giúp thành phố xác định được các hành động giảm nhẹ KNK cũng như các hành động được ưu tiên. Đồng thời cho phép thành phố nhanh chóng nhìn rõ tác động giảm nhẹ của các chính sách và dự án đề xuất. Đặc biệt, giúp xây dựng và so sánh các kịch bản khác nhau, xác định con đường tiến tới phát thải bằng 0.
“Thỏa thuận Paris về BĐKH” thông qua năm 2015 đã khẳng định vai trò, trách nhiệm pháp lý của gần 200 quốc gia trong ứng phó với BĐKH toàn cầu, đặc biệt là giảm nhẹ phát thải KNK thông qua đóng góp do quốc gia tự quyết định. Để đạt mục tiêu về giảm nhẹ phát thải KNK quy định trong Thỏa thuận Paris như đã cam kết. Với những kế hoạch, giải pháp và sự nỗ lực của TPHCM sẽ góp phần rất lớn cùng Việt Nam trong việc thực hiện giảm phát thải KNK, bảo vệ tầng khí quyển thích ứng với BĐKH.
Là thành viên của Tổ chức C40, TPHCM được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện cam kết giảm phát thải KNK. Những nỗ lực tích cực của thành phố chắc chắn sẽ là minh chứng rõ ràng cho thấy cả chính quyền đều chủ động đẩy mạnh các hành động ứng phó với BĐKH nhằm hiện thực hóa mục tiêu xã hội cacbon thấp và tiến tới xã hội không phát thải cacbon.
Theo UBND TPHCM, 5 tuyến đường sắt đô thị sẽ được hoàn thành, khởi công mới trong giai đoạn 2021-2030 không chỉ góp phần giảm kẹt xe mà còn giảm khối lượng phát thải KNK rất lớn cho thành phố. Trong đó, Dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 có thể giảm 52.002 tấn CO2/năm; Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2 giảm 22.636 tấn CO2/năm; Dự án tuyến đường sắt đô thị số 4b-1 giảm 2.032 tấn CO2/năm; Dự án tuyến đường sắt đô thị số 5 - giai đoạn 1 giảm 18.325 tấn CO2/năm; Dự án tuyến đường sắt đô thị số 3a - giai đoạn 1 giảm 20.565 tấn CO2/năm. Ngoài ra, trong lĩnh vực giao thông, TPHCM sẽ nghiên cứu các giải pháp thay thế nhiên liệu sạch cho các phương tiện giao thông. Mục tiêu của dự án này là nghiên cứu các nhiên liệu sạch thay thế xăng, diesel cho các phương tiện xe buýt. Thành phố ước tính, lượng khí thải nhà kính có thể giảm được là khoảng 57.000 tấn CO2/năm nếu triển khai sử dụng nhiên liệu sạch.