Theo đó, năm học 2019-2020, toàn TP có 1.391 trường công lập và 1.002 trường ngoài công lập ở tất cả bậc học, cấp học. So với năm học 2015-2016, bậc mầm non tăng nhiều nhất với 36 trường, tiểu học tăng 17 trường, THCS tăng 15 và THPT tăng 7 trường. Hiện nay, bậc tiểu học có quy mô học sinh lớn nhất trong tất cả bậc học với 654.847 học sinh, 100% giáo viên và cán bộ quản lý đều đạt chuẩn và trên chuẩn.
Đánh giá về những khó khăn, hạn chế, Sở GD-ĐT TP cho biết, ở bậc mầm non sĩ số học sinh/lớp còn cao, khó khăn trong việc đảm bảo diện tích bình quân tối thiểu 10m2/trẻ ở các quận trung tâm TP. Trong khi đó, giáo viên ở các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập không ổn định, trình độ trên chuẩn chưa cao. Các cơ sở giáo dục không có biên chế nhân viên phục vụ gây khó khăn cho việc đảm bảo vệ sinh.
Ở bậc tiểu học, áp lực mật độ dân số cao khiến số trường và số phòng học chưa đủ đảm bảo 100% học sinh được học 2 buổi/ngày, tỷ lệ giáo viên/lớp là 1,34 chưa đủ so với quy định chung là 1,5 giáo viên/lớp. Nhiều trường tiểu học còn thiếu giáo viên bộ môn, nhất là giáo viên tiếng Anh và Tin học- Công nghệ. Toàn TP hiện có 96,3% học sinh tiểu học được học môn tiếng Anh ở cả 5 khối lớp. Tỷ lệ giáo viên ngoại ngữ đạt chuẩn năng lực (từ B2 trở lên) là 51,23%.
Ở bậc trung học, năm học 2018-2019, tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT của học sinh TP là 98,7%, tăng 3,4% so với năm học 2015-2016. Kết quả kiểm tra phổ cập năm 2019, toàn bộ 24/24 quận, huyện đều đạt chuẩn phổ cập bậc trung học theo chuẩn của TP và có 319/319 phường, xã đạt chuẩn phổ cập bậc trung học.
Đối với hệ giáo dục thường xuyên, năm học 2019-2020 đã huy động 1.861 học viên bậc THCS (có 357 học viên từ 18 tuổi trở lên), 23.436 học viên bậc THPT (có 1.227 học viên trên 21 tuổi) và tuyển mới 9.726 học viên lớp 10. Lãnh đạo các trung tâm đã làm tốt công tác tư vấn cho cha mẹ học sinh trường THCS hiểu việc học văn hóa kết hợp với học nghề tại địa phương, tinh thần giáo dục khởi nghiệp giúp công tác tuyển sinh vào lớp 10 tiếp tục khởi sắc.
Bên cạnh đó, TP có 1.329 điểm dạy ngoại ngữ, tin học do Sở GD-ĐT TP quản lý, tăng 79 điểm so với năm học trước, hỗ trợ tích cực trong việc nâng cao trình độ ngoại ngữ và tin học cho học sinh, sinh viên, cán bộ công chức, giáo viên và người dân TP.
Nhằm tăng cường cơ sở vật chất trường lớp, trong năm học 2019 – 2020, có 85 dự án được thực hiện đưa vào sử dụng với 1.476 phòng học, trong đó có 1.239 phòng học mới, tổng kinh phí thực hiện hơn 4.400 tỷ đồng. TP tiếp tục đảm bảo cho 100% con em sinh sống trên địa bàn đủ chỗ học, giảm sĩ số học sinh/lớp và tăng số học sinh được học 2 buổi/ngày .
Nhằm thực hiện chỉ tiêu đến năm 2020, TP đạt 300 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học (từ 3 - 18 tuổi) theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ X, Sở GD-ĐT TP đã rà soát với 24 quận, huyện về kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020 với 722 dự án, quy mô 12.785 phòng học. Tính đến nay, TP đã đạt 288 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học.
Về phương hướng nhiệm vụ năm học 2020-2021, ngành GD-ĐT TP xác định sứ mệnh đào tạo là “Học để làm người công dân tốt, có đầy đủ kỹ năng thích ứng với đô thị thông minh và quá trình hội nhập quốc tế. Học để làm con hiếu thảo, có trách nhiệm, xây dựng gia đình hạnh phúc. Học để có nghề nghiệp hiệu quả, nuôi mình và gia đình và học để đóng góp cho thành phố và đất nước”.
Dịp này, UBND TPHCM đã công nhận danh hiệu Tập thể Lao động tiên tiến cho 160 tập thể có thành tích hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2019 - 2020, góp phần tích cực trong phong trào thi đua chung của thành phố.
Ngoài ra, 2 đơn vị được nhận Cờ thi đua của Chính phủ gồm Trường TH-THCS-THPT Trương Vĩnh Ký và TH-THCS-THPT Tân Phú. Thủ tướng Chính phủ cũng tặng Bằng khen cho 4 tập thể gồm Trường THCS-THPT Đinh Thiện Lý, Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật quận 12, Trung tâm Thông tin và Chương trình giáo dục và Phòng Tổ chức cán bộ (Sở GD-ĐT TP).
Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong được nhận Huân chương Độc lập hạng 3 và Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Nguyễn Hữu Cảnh nhận Huân chương Lao động hạng 3.