Tại Kế hoạch thực hiện Đề án Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2030 vừa được Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành, Thành phố sẽ đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành nhiều dự án ngay trong năm 2021.
Tổng vốn ngân sách đề xuất giao Ban Quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông và Sở Giao thông Vận tải trong năm 2021 khoảng 4.905 tỷ đồng.
Các công trình được thành phố tập trung hoàn thành trong năm 2021 theo kế hoạch gồm 4 tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm; cầu Thủ Thiêm 2; sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh (đã hoàn thành); mở rộng đường Đồng Văn Cống (đoạn từ cầu Giồng Ông Tố 2 đến nút giao thông Mỹ Thủy); sửa chữa và nâng cấp đường Tỉnh lộ 9 (Đặng Thúc Vịnh); đầu tư hạ tầng kỹ thuật 9 lô đất thuộc Khu chức năng số 1 trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm; xây dựng cầu vượt trước Bến xe miền Đông mới trên Xa lộ Hà Nội; cầu Long Kiểng; cầu Hang Ngoài; cầu Vàm Sát 2...
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Thành phố Hồ Chí Minh (Ban Giao thông), hiện đơn vị đã và đang đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành 20 gói thầu dự án do Ban Giao thông quản lý.
Một số dự án quan trọng đang gấp rút thi công để hoàn thành là Nhánh 1 dự án cầu Bưng (quận Bình Tân và Tân Phú); nâng cấp, cải tạo đường và kênh Nước Đen (quận Bình Tân); mở rộng đường Đồng Văn Cống; đường nối từ đường Nguyễn Văn Hưởng đến Xa lộ Hà Nội; đầu tư hạ tầng kỹ thuật 9 lô đất thuộc Khu chức năng số 1 trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm; xây lắp cầu Mỹ Thủy 3; gói thầu xây lắp 1 và 3 thuộc dự án cầu vượt trước Bến xe miền Đông mới; sửa chữa và nâng cấp đường Tỉnh lộ 9 (Đặng Thúc Vịnh)...
Để thực hiện kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông trong giai đoạn tới, Thành phố Hồ Chí Minh cũng sẽ lập, trình thông qua chủ trương đầu tư các dự án trọng điểm, cấp bách trong năm 2021, phần lớn là các dự án mang tính liên kết vùng, tạo động lực cho phát triển kinh tế-xã hội.
Cụ thể là cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài; ba đoạn tuyến của Vành đai 2; cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 22 (đoạn từ nút giao An Sương đến đường Nguyễn Văn Bứa); mở rộng Quốc lộ 50; nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 (đoạn từ ngã tư Bình Phước đến chân cầu Bình Triệu); nút giao thông An Phú; cầu Cần Giờ; cầu Cát Lái...
Ngoài ra, thành phố cũng sẽ đầu tư hạ tầng nhằm tăng cường khả năng tiếp cận và tổ chức kết nối các tuyến xe buýt với nhà ga thuộc tuyến metro số 1 (Bến Thành-Suối Tiên); xây dựng công trình kết nối đồng bộ tuyến metro số 1 và metro số 2 tại khu vực nhà ga Bến Thành; Bến xe miền Tây mới...
Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị các sở ngành, địa phương nghiên cứu, tham mưu, đề xuất bổ sung, điều chỉnh quy hoạch chuyên ngành đối với các dự án, đặc biệt là những dự án có tính chất kết nối giữa các khu vực của thành phố và kết nối liên vùng giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; chú trọng quy hoạch phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (mô hình TOD).../.
Tiến Lực (TTXVN/Vietnam+)