Thời gian giãn cách 2 tuần tiếp theo là cần thiết
Tại buổi họp báo, thông tin thêm về việc TP quyết định giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 trong 2 tuần tới (từ 15/6 đến 30/6), Sở Y tế TP cho biết mặc dù trong thời gian giãn cách 2 tuần vừa qua, TP cơ bản khống chế được các ổ dịch nhưng đã xuất hiện một số ổ dịch trong cộng đồng chưa rõ nguồn lây. Thời gian 2 tuần giãn cách tiếp theo là cần thiết để khoanh vùng, truy vết và giải quyết cơ bản những ổ dịch mới phát sinh.
Còn theo Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC) Nguyễn Trí Dũng, hiệu quả kiểm soát dịch trong 2 tuần tới đạt kết quả thế nào phụ thuộc vào 2 yếu tố. Thứ nhất là mức độ và khả năng lây lan phát tán của mầm bệnh trong cộng đồng trước thời gian giãn cách. Thứ hai là việc thực hiện và tuân thủ các biện pháp giãn cách của người dân. “Không có nhà chuyên môn nào dám khẳng định 2 tuần giãn cách có thành công hoàn toàn việc dập dịch hay không”, đại diện HCDC nhấn mạnh.
Ông Dũng nhận định, song song với chuỗi lây nhiễm liên quan đến Điểm nhóm Truyền giáo Phục Hưng và các chuỗi lây nhiễm còn lại, mầm bệnh vẫn đang âm thầm trong cộng đồng. Nếu TP ko đề cao cảnh giác và không thực hiện tốt công tác sàng lọc thì khó kiểm soát được mức độ lây lan.
“Trong 48 trường hợp đi khám tầm soát tại cơ sở y tế do có triệu chứng nhiễm Covid-19 thì có 30 trường hợp phát hiện dương tính. Chưa ai biết chắc được ngoài 48 trường hợp này thì còn bao nhiêu trường hợp bên ngoài đã nhiễm bệnh nhưng chưa có triệu chứng. Do đó, việc giãn cách là vô cùng cần thiết, nếu để mật độ tiếp xúc gia tăng thì các mầm bệnh âm thầm sẽ phát tán và bùng phát”, ông Dũng nói.
Đại diện HCDC cũng cho biết, việc lựa chọn thời gian 2 tuần giãn cách bởi thời gian ủ bệnh của vi rút Sars-Cov-2 gây bệnh Covid-19 trên thế giới quy định là 14 ngày, đây cũng là thời gian tối đa để 1 chu kỳ vi rút có thể lây từ người này sang người khác. Sau 2 tuần thực hiện giãn cách, TP sẽ có đánh giá lại tình hình dịch để quyết định tăng cấp, giữ cấp hay giảm cấp ở các khu vực.
Từ đó, Phó GĐ Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng cho rằng, cần tận dụng tối đa thời gian 2 tuần giãn cách để khống chế dịch. Để đạt hiệu quả cao nhất, tất cả người dân phải tuân thủ giãn cách theo quy định của TP ban hành. Đặc biệt lưu ý, khi có triệu chứng nghi ngờ của bệnh Covid-19 thì phải chủ động liên hệ với Trung tâm y tế và đi xét nghiệm để chẩn đoán sớm.
Về các giải pháp trong 2 tuần giãn cách tiếp theo, đại diện HCDC cho biết bên cạnh những biện pháp đã áp dụng, ngành Y tế sẽ tăng cường một số biện pháp mạnh như đẩy mạnh hoạt động truy vết, xét nghiệm với trường hợp nghi ngờ và các trường hợp tiếp xúc gần ca nhiễm. Trong đó, yêu cầu truy vết và xét nghiệm toàn bộ F1 trong vòng 2 giờ kể từ khi phát hiện ca nhiễm; Trong vòng 6-10 giờ phải có kết quả xét nghiệm (Theo quy định của Bộ Y tế là 24h).
Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng khuyến cáo người dân cần tiếp tục thực hiện nghiêm Thông điệp 5k; Khi xuất hiện 1 địa điểm phong tỏa hoặc F0, người dân nên cập nhật thông tin để tự đánh giá nguy cơ và liên hệ ngay với cơ sở y tế nếu nằm trong đối tượng nguy cơ; Hạn chế tối đa việc tiếp xúc và tham gia các hoạt động tập trung, chỉ tiếp xúc với người trong gia đình; Đảm bảo môi trường sống thông thoáng, hạn chế sự dụng máy lạnh, trường hợp bắt buộc phải dùng thì chỉ để nhiệt độ từ 28 độ trở lên; Tự ghi lại lịch trình di chuyển hàng ngày để hỗ trợ ngành y tế khi điều tra truy vết trong trường hợp nhiễm bệnh; Trường hợp mắc bệnh mà chưa cần thiết phải đi khám thì hạn chế đến các cơ sở y tế để giảm nguy cơ lây nhiễm.
Vắc xin là vũ khí hữu hiệu để ngăn chặn bệnh truyền nhiễm
Liên quan đến việc các nhân viên y tế của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM mặc dù đã tiêm 2 mũi vắc xin nhưng vẫn nhiễm bệnh, Sở Y tế TP khẳng định vắc xin là vũ khí hữu hiệu để ngăn chặn bệnh truyền nhiễm. Vắc xin chống Covid-19 hiện nay được sản xuất trong tình thế cấp bách, thời gian gấp gáp, việc thực nghiệm và đánh giá không có nhiều thời gian như các loại vắc xin khác. Bên cạnh đó, thời gian thử nghiệm giai đoạn 3 tại cách nước khi đó chưa xuất hiện chủng Ấn Delta.
Theo đánh giá tại thời điểm đó, hiệu quả bảo vệ sau tiên mũi thứ 1 của vắc xin Covid -19 đạt 76%, sau khi tiêm mũi 2 đạt 82%. Với sự xuất hiện của biến chủng mới Delta đến từ Ấn Độ, hiệu quả của các loại vắc xin ngừa Covid-19 đều bị giảm.
“Tuy nhiên, các theo dõi thực tế cho thấy, vắc xin giúp ngăn ngừa các trường hợp tiến triển nặng, nếu mắc bệnh sẽ bị nhẹ, nếu nhập viện không có nguy cơ tử vong. Các ca nhiễm tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM đều không có triệu chứng, nồng độ vi rút SASR-Cov-2 rất thấp, khả năng lây lan ra cộng đồng cũng không nhiều”, đại diện Sở Y tế TP cho biết.