Tham dự buổi lễ có Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ; Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức.
Phát biểu khai mạc buổi lễ, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Lê Hồng Sơn gửi lời chúc mừng nồng nhiệt đến hơn 90.000 thầy, cô giáo, cán bộ quản lý, nhân viên đang làm việc trong ngành giáo dục nhân kỷ niệm 38 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11-1982 - 20-11-2020).
Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, đất nước đang trải qua những ngày tháng khó khăn, nhiều thử thách bởi sự ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến cả xã hội phải điều chỉnh. Trong đó, ngành giáo dục với sự tích cực, năng động của đội ngũ các thầy, cô giáo đã sớm thích nghi qua hình thức dạy học trực tuyến, đưa năm học 2019 - 2020 về đích an toàn và tạo tiền đề để tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong những năm học tiếp theo.
Bên cạnh đó, thử thách còn đến từ lộ trình thay đổi chương trình giáo dục phổ thông bắt đầu từ năm học 2020-2021, song song với việc triển khai các quy định của Luật Giáo dục 2019, những kỳ vọng đã được đặt ra cho ngành giáo dục nhằm mục tiêu tạo ra động lực then chốt, thúc đẩy sự phát triển toàn diện của đất nước, của TPHCM trong giai đoạn mới mà Đại hội Đảng bộ các cấp đã đề ra.
Trong thời gian tới, chính đội ngũ các thầy, cô giáo là những người trực tiếp cụ thể hóa các nhiệm vụ, yêu cầu trên thành thực tiễn, giúp đào tạo nên nguồn nhân lực chất lượng cao, những công dân trẻ sống tốt, sống có ích, góp phần xây dựng, phát triển thành phố và đất nước.
Để hoàn thành những nhiệm vụ đó, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Lê Hồng Sơn kêu gọi mỗi thầy, cô giáo tiếp tục nỗ lực, phấn đấu thực hiện tốt Cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, vừa là những kỹ sư kiến thiết nền tảng về tri thức và nhân cách cho học sinh vừa là những nghệ sĩ trên bục giảng, truyền cảm hứng, niềm đam mê và hoàn thiện tâm hồn cho học trò.
Từ nay đến năm 2025, TPHCM sẽ hoàn thành bồi dưỡng cho hơn 90.000 cán bộ, giáo viên nhằm chuẩn bị thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018. Với truyền thống năng động, sáng tạo, tích cực đổi mới, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM tin tưởng đội ngũ nhà giáo luôn chủ động tự học, tự bồi dưỡng nhằm nâng cao tay nghề, là cơ sở quan trọng giúp giáo dục TP vững vàng là ngọn cờ đầu của cả nước.
Nhân buổi lễ hôm nay, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Lê Hồng Sơn kêu gọi đội ngũ cán bộ, giáo viên, người lao động toàn ngành tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, kiên định với đường lối đổi mới, luôn giữ cho mình tâm sáng - trí bền, xứng đáng là những nhà giáo chân chính của TP mang tên Bác.
Thay mặt lãnh đạo TPHCM, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức bày tỏ, yêu cầu phát triển của TP trong giai đoạn mới cần nguồn nhân lực chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế, thích ứng nhanh với những thay đổi của xã hội, nhất là trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Để thực hiện mục tiêu đó, TPHCM đặt trọn niềm tin vào đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị, đạo đức lối sống tốt.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM nhận định, trong giai đoạn tới đây, những khó khăn, thách thức mà giáo dục và đào tạo TP đối mặt còn rất lớn. Khó khăn đó đến từ áp lực của một đô thị trung tâm, nơi thu hút rất đông nguồn nhân lực của cả nước, cùng với đó là bài toán an sinh, trong đó có việc đáp ứng chỗ học tốt cho con em lực lượng lao động đến từ mọi miền đất nước.
Áp lực còn đến từ vai trò động lực then chốt của chất lượng nguồn nhân lực đối với sự phát triển của thành phố và cả nước; là thách thức đến từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, từ quá trình hội nhập quốc tế sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến mọi lĩnh vực trong cuộc sống, mà giáo dục là ngành phải đi trước, đón đầu và chịu nhiều ảnh hưởng.
Ngoài ra, khó khăn còn đến từ việc ngành giáo dục phải tiếp tục “đột phá trong đổi mới” trong việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa, triển khai Luật Giáo dục 2019...
Để vượt qua các khó khăn đó, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức đề nghị ngành giáo dục đặc biệt chú ý nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, phát triển năng lực, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; thu hút nhiều hơn nữa những người giỏi, tâm huyết đến với nghề sư phạm và giúp thầy cô giáo yên tâm công tác.
Bên cạnh đó, đội ngũ nhà giáo cần được nâng cao nhận thức, trang bị những kiến thức sát thực tiễn, rèn luyện kỹ năng, phương pháp dạy học hiện đại, hướng đến việc giáo dục học sinh năng lực tự học, hội nhập và tiếp cận nền giáo dục tiên tiến của khu vực và thế giới.
Đó là những yếu tố căn bản, quyết định thành công của quá trình đổi mới ngành giáo dục, đổi mới chương trình và sách giáo khoa nên cần ưu tiên đầu tư, triển khai một cách đồng bộ, đầy đủ gắn với những nhu cầu đặc thù của thành phố.
Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ trao Huân chương Lao động hạng Ba của Thủ tướng Chính phủ cho Thầy Bùi Trí Hiệp, Hiệu trưởng Trường THPT Mạc Đĩnh Chi. Ảnh: THU TÂM
Dịp này, 2 tập thể được trao Huân chương Lao động hạng Nhì của Thủ tướng Chính phủ là Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, Trường THPT Phú Nhuận ; Trường THPT Trần Khai Nguyên, Trường THPT Củ Chi và Thầy Bùi Trí Hiệp, Hiệu trưởng Trường THPT Mạc Đĩnh Chi được trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba.
Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong và Trường THPT Mạc Đĩnh Chi nhận Cờ Thi đua Chính phủ vì những thành tích xuất sắc trong sự nghiệp giáo dục. Ảnh: THU TÂM
Ngoài ra, 2 tập thể là Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong và Trường THPT Mạc Đĩnh Chi được nhận Cờ Thi đua của Chính phủ.
Bên cạnh đó, 4 tập thể và 26 cá nhân được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 5 tập thể được nhận Cờ thi đua của Bộ GD-ĐT; 11 cá nhân nhận Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Giáo dục; 58 tập thể và 66 cá nhân nhận Bằng khen của Bộ GD-ĐT.