|
Các đại biểu tham dự Diễn đàn kinh tế TP.HCM 2019
|
Sáng 18/10, Ủy ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh tổ chức Diễn đàn Kinh tế TP.Hồ Chí Minh năm 2019 (HEF 2019), với chủ đề “Phát triển TP.Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế”. Đến dự có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong; Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải; Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Hồ Chí Minh Tô Thị Bích Châu; Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến và hơn 800 đại biểu tham dự là lãnh đạo các bộ ngành, lãnh đạo Ngân hàng Thế giới, chuyên gia tài chính, doanh nghiệp…
|
Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong phát biểu khai mạc HEF 2019
|
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh: Thị trường tài chính có vai trò quan trọng trong việc huy động các nguồn lực xã hội, góp phần sử dụng hiệu quả nguồn vốn. Đây cũng là nhân tố cốt lõi thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của hầu hết các đô thị trên thế giới. Tại New York, dịch vụ tài chính chiếm tỷ trọng 46% trong tổng giá trị gia tăng của nền kinh tế; tại London là 42% và tại Singapore là 29%. Điều đó cho thấy, mô hình tăng trưởng của các đô thị phần lớn dựa vào thị trường tài chính và việc hình thành nên một Trung tâm tài chính quốc tế là xu thế tất yếu của thời đại.
Riêng đối với Thành phố, ngay từ năm 2002, Thành phố đã có khát vọng tập trung mọi nguồn lực phát triển để trở thành Trung tâm tài chính của khu vực và từng bước hội nhập toàn cầu. Thị trường tài chính đã được xác định là một trong 9 ngành dịch vụ chủ yếu của Thành phố và ngay từ năm 1998, Sở Giao dịch chứng khoán đã được thành lập tại Thành phố.
|
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Diễn đàn
|
Việc phát triển TP. Hồ Chí Minh trở thành Trung tâm tài chính là chìa khóa để đưa kinh tế thành phố bứt phá trong thời gian tới. Chính vì thế, việc tạo môi trường đầu tư tốt đối với các tổ chức tài chính, định chế tài chính không chỉ dừng lại ở các chính sách ưu đãi, mà quan trọng hơn, đó là sự đồng hành và hỗ trợ kịp thời của chính quyền Thành phố - Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong khẳng định.
Với chủ đề “Phát triển TP.Hồ Chí Minh thành Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế”, Diễn đàn là cơ hội để TP.Hồ Chí Minh lắng nghe các ý tưởng mới, tiếp thu các góp ý, phản biện từ các chuyên gia, nhà quản lý nhằm hiện thực hóa mục tiêu trở thành Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế đã ấp ủ cách đây gần 20 năm.
Phát biểu tham luận tại Diễn đàn, các chuyên gia đã trình bày những vấn đề liên quan đến hiện trạng - mục tiêu và lộ trình thực hiện việc đưa TP.Hồ Chí Minh thành Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế; bài học kinh nghiệm trong việc xây dựng và hình thành một trung tâm tài chính quốc tế; hệ sinh thái cho sự phát triển bền vững của một trung tâm tài chính quốc tế; định hướng chính sách quốc gia và vai trò của chính quyền Thành phố để xây dựng TP.Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế.
Hiện nay, trong số 400.000 doanh nghiệp đang đăng ký hoạt động trên địa bàn thành phố thì có đến hơn 93% doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cùng với đó, quá trình tái cơ cấu thị trường tài chính còn chậm, quy mô thị trường chứng khoán còn nhỏ so với các nước trong khu vực. Nên quá trình đưa Thành phố trở thành Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế đứng trước nhiều thách thức. Tuy nhiên, những hạn chế này càng thôi thúc một khát vọng mãnh liệt phát triển Thành phố nhanh và bền vững hơn.
Với ý chí kiên cường, tinh thần năng động sáng tạo vốn có, Thành phố tự xác định trách nhiệm của mình phải nỗ lực nhiều hơn, đặc biệt trong đổi mới sáng tạo để tích cực hoàn thiện, nâng tầm trình độ phát triển nền kinh tế, rút ngắn thời gian hình thành Trung tâm tài chính quốc tế.
|
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao quyết tâm của TP.Hồ Chí Minh trong việc xây dựng đề án phát triển thành phố thành Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế
|
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã đánh giá cao sự quyết tâm của TP.Hồ Chí Minh khi xây dựng Đề án phát triển TP.Hồ Chí Minh trở thành Trung tâm tài chính của cả nước và khu vực, là mong muốn của Chính phủ, của nhiều bộ ngành và người dân khi Việt Nam có một Trung tâm tài chính của cả quốc gia và xứng tầm trong khu vực. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tin tưởng, TP.Hồ Chí Minh đang đứng trước cơ hội "có một không hai” để hình thành một trung tâm tài chính ngang tầm khu vực. Tuy nhiên Bộ trưởng cũng cho rằng, để biến cơ hội thành hiện thực, đề án này nên là đề án của quốc gia mới có một thể chế vượt trội để triển khai.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao quyết tâm của TP.Hồ Chí Minh trong việc xây dựng đề án phát triển thành phố thành Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cũng khẳng định sẽ hỗ trợ TP.Hồ Chí Minh trong đề án lần này. Cụ thể là hỗ trợ cung cấp thông tin tham khảo từ các trung tâm tài chính khác trên thế giới, kết nối chuyên gia quốc tế tư vấn, hiến kế, kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài phù hợp và đồng hành triển khai các hoạt động đối ngoại, giúp TP.Hồ Chí Minh mở rộng quan hệ với các địa phương.
Trong khi đó, PGS.TS. Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, việc phát triển trung tâm tài chính của TP.Hồ Chí Minh cần đồng bộ với chiến lược phát triển chung của ngành ngân hàng cả nước. Ngân hàng Nhà nước cam kết nỗ lực tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, hỗ trợ phát triển các dịch vụ tài chính quốc tế, góp phần hỗ trợ TP.Hồ Chí Minh nâng tầm khu vực và quốc tế.
Tại diễn đàn, các chuyên gia chỉ ra thực tế tỷ lệ ngân sách được giữ lại ngày càng giảm đã làm giảm động lực phát triển của địa phương, trong đó có vai trò và vị thế của các đô thị lớn như Thành phố ngày càng giảm. Thành phố đang đối mặt với khó khăn từ chính sách vĩ mô và pháp luật, do đặc trưng của hệ thống tài chính Việt Nam là các ngân hàng đóng vai trò chủ đạo, đặc biệt ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước. Theo các chuyên gia, Chính phủ phải có chính sách và cam kết mạnh mẽ về việc này và TP.HCM chỉ là nơi thực hiện. Tuy nhiên, thách thức trong quá trình thực hiện là sự cạnh tranh gay gắt bởi hầu như quốc gia nào cũng muốn trở thành Trung tâm tài chính trên thế giới. Để làm được,TP.HCM cần phải là Trung tâm tài chính quốc gia, từ đó tiến ra khu vực và thế giới thì cần một cách tiếp cận khác, nương theo biến động và xu thế của khu vực, thế giới, không theo “lối mòn” truyền thống. Cần tìm một số “thị trường ngách” để tạo sự khác biệt và đột biến song song với việc phát triển trung tâm giao dịch hàng hóa. Đặc biệt, Thành phố cần phải giải quyết cùng lúc nhiều bài toán, đặc biệt là hạ tầng giao thông và nguồn nhân lực.
|
Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho rằng thành phố có điều kiện để trở thành Trung tâm tài chính của cả nước và khu vực
|
Phát biểu tại Diễn đàn, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đặt ra những giả thiết, như: Nếu TP.Hồ Chí Minh là Trung tâm tài chính của đất nước thì đất nước này có là điểm hấp dẫn của nhà đầu tư hay không? Đồng thời chia sẻ về việc hình thành khu đô thị sáng tạo của Thành phố và những chính sách khuyến khích đổi mới mà thành phố đang nỗ lực triển khai.
Phát biểu chỉ đạo diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định đây là sự kiện quan trọng với TP.Hồ Chí Minh và cả nước, bởi việc xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại TP.Hồ Chí Minh không chỉ là mong muốn của riêng Thành phố mà còn là nhiệm vụ của cả nước. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: "Có nhiều ý kiến cho rằng khi quy mô kinh tế tăng lên thì tốc độ tăng trưởng khó đạt như trước. Nhưng tôi tin, nếu Chính phủ tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và huy động nguồn lực hỗ trợ thì đất nước sẽ ngày càng phát triển nhanh hơn. Đó là chưa xét đến những ý tưởng mới như trung tâm tài chính tầm vóc khu vực và quốc tế ở TP.Hồ Chí Minh".
|
Các đại biểu thảo luận tại Diễn đàn kinh tế TP.HCM 2019
|
TP.Hồ Chí Minh hiện nay đã là trung tâm kinh tế, tài chính lớn nhất Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là trung tâm đi đầu về công nghệ và cải cách hành chính, giáo dục. Sự nghiệp đổi mới đất nước khởi đầu từ những sáng kiến và cải cách ở TP.HCM. Do đó, muốn phát triển TP.Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, Phó Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành hợp lực, đưa ra cơ chế, chính sách vượt trội để hỗ trợ. Đồng thời, lãnh đạo Chính phủ cũng khẳng định TP.Hồ Chí Minh là đầu tàu, nhưng các tỉnh, thành khác trên cả nước, đặc biệt trong khu vực Đông Nam Bộ phải cùng chung tay hỗ trợ.
Diễn đàn kinh tế TP.Hồ Chí Minh diễn ra trong hai ngày 18 – 19/10/2019, ngoài các phiên thảo luận, các đại biểu và diễn giả sẽ tham quan một số cơ sở hạ tầng liên quan đến hệ sinh thái Trung tâm tài chính thành phố.
Mục tiêu quan trọng của diễn đàn năm nay là cung cấp các yếu tố đầu vào giúp TP. Hồ Chí Minh sớm trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để Thành phố lắng nghe các ý tưởng mới, tiếp thu các góp ý, phản biện của các đại biểu nhằm hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế đã ấp ủ cách đây gần 20 năm. Dự kiến, tháng 6/2020, UBND Thành phố sẽ trình Chính phủ đề án xây dựng TP. Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế.
Thanh Hà