Bộ LĐTB-XH vừa có tờ trình Chính phủ về việc ban hành Nghị quyết về các chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19.
9,1 triệu người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19
Theo Bộ LĐTB-XH, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường lao động của cả nước có sự biến động mạnh. Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong quý I-2021, dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến 9,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên. Trong đó, có 540 ngàn người bị mất việc; 2,8 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh; 3,1 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên và 6,5 triệu lao động bị giảm thu nhập. Dịch bệnh tác động khiến gần 20% lao động trong các cơ sở sản xuất kinh doanh và 19% lao động trong các DN, hợp tác xã bị ảnh hưởng.
Với xu hướng dịch bệnh hiện nay, một số ngành, lĩnh vực như vận tải, hàng không, du lịch, nhà hàng, khách sạn, giải trí, bán lẻ, văn hóa thể thao... sẽ mất đi đà phục hồi của năm ngoài và chịu ảnh hưởng nặng nề hơn.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Tô Thị Bích Châu thăm hỏi, tặng quà cho gia đình khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 vào tháng 4-2020. Ảnh: VIỆT DŨNG
Đặc biệt, đợt dịch này đã và đang tác động mạnh vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi tập trung một lượng lớn lao động (khoảng 4 triệu người), có các doanh nghiệp lớn trong chuỗi giá trị toàn cầu, đóng góp nhiều cho phát triển kinh tế, thu ngân sách. Tính đến nay, tại Bắc Giang buộc phải tạm đóng cửa 4 khu công nghiệp với 322 doanh nghiệp với tổng số gần 150 ngàn lao động tạm ngừng việc; Bắc Ninh có 42 ngàn lao động trên tổng số 320 ngàn lao động phải ngừng việc; Hải Phòng có hơn 30 ngàn lao động bị ảnh hưởng tiêu cực; tại Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc… một số khu vực phong tỏa, giãn cách đã phải đóng cửa một số hoạt động sản xuất, kinh doanh không thiết yếu, làm ảnh hưởng đến việc làm của hàng triệu NLĐ.
Theo tình hình hiện nay, trong thời gian tới có thể dịch bệnh tiếp tục tác động đến NLĐ. Dự báo số lượng lao động bị ảnh hưởng (phải cách ly, bị ngừng việc do DN ngừng sản xuất, kinh doanh), có thể lên tới 2 - 2,5 triệu người.
Bộ LĐTB-XH đánh giá, việc hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19 là cần thiết và cấp bách, nhằm chia sẻ khó khăn, góp phần phục hồi sản xuất, giảm thiểu những tác động tiêu cực của dịch Covid-19; ổn định tình hình lao động, việc làm, duy trì mục tiêu vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Đề xuất DN được đóng 0 đồng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Bộ LĐTB-XH đề xuất Chính phủ có 7 nhóm chính sách hỗ trợ cụ thể:
Thứ nhất là chính sách giảm mức đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong 12 tháng để người sử dụng lao động có thêm kinh phí hỗ trợ thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 cho NLĐ. Điều kiện là người sử dụng lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc cho NLĐ (trừ cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân…). Thời gian 12 tháng tính từ ngày 1-7-2021 đến ngày 30-6-2022.
Trong thời gian này, người sử dụng lao động vẫn phải thực hiện đăng ký tham gia và đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định pháp luật, nhưng áp dụng mức đóng bằng 0 đồng. Mọi chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong thời gian này vẫn được bảo đảm.
Theo Bộ LĐTB-XH, dự kiến tổng số tiền được giảm đóng là: 11 triệu người x 0,5% x 12 tháng x 5.600.000 đồng (lương bình quân đóng BHXH) = 3.696 tỷ đồng
Thứ hai là chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Theo đó, Bộ LĐTB-XH đề xuất, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 dẫn đến phải giảm từ 15% lao động tham gia BHXH trở lên so với thời điểm tháng 4-2021 (kể cả lao động ngừng việc, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ không hưởng lương), thì NLĐ và người sử dụng lao động được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất không quá 6 tháng kể từ thời điểm nộp hồ sơ đề nghị. Đối với trường hợp đã giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất trong năm 2020, nếu đủ điều kiện thì vẫn được giải quyết nhưng tổng thời gian tạm dừng đóng không quá 12 tháng.
Dự kiến có khoảng 44 ngàn doanh nghiệp, đơn vị được tạm dừng đóng cho 1,55 triệu NLĐ với tổng số tiền khoảng 11.380 tỷ đồng.
Thứ ba là chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ. Dự kiến mức hỗ trợ tối đa là 1 triệu đồng/người/tháng, thời gian hỗ trợ tối đa 6 tháng. Dự kiến có khoảng 1 triệu NLĐ được hỗ trợ với tổng kinh phí 3.000 tỷ đồng.
Thứ tư là chính sách hỗ trợ lao động bị tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp. Số người dự kiến được hỗ trợ là 200 ngàn người với mức hỗ trợ 1 lần là 1,8 triệu đồng/người. Riêng khoảng 20 ngàn NLĐ đang mang thai và lao động nữ nuôi con chưa đủ 6 tuổi được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/người.
Thứ năm, chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh cá thể. Theo đó, hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho hộ kinh doanh cá thể bị dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19. Mức hỗ trợ là 2 triệu đồng/hộ/tháng. Dự kiến có 30 ngàn hộ được hỗ trợ với tổng kinh phí 600 tỷ đồng.
Thứ sáu là chính sách hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Dự kiến, hỗ trợ toàn bộ chi phí điều trị, cách ly và tiền ăn trong thời gian điều trị, cách ly y tế tập trung. Đối tượng thụ hưởng là trẻ em mắc Covid-19, trẻ em phải cách ly tại các cơ sở cách ly y tế tập trung. Mức hỗ trợ tiền ăn là 80 ngàn đồng/trẻ em/ngày. Số lượng trẻ được hỗ trợ khoảng 42 ngàn trẻ.
Riêng với tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang và Điện Biên, dự kiến hỗ trợ khẩn cấp mỗi tỉnh 1 tỷ đồng để đảm bảo chi phí tiền ăn và các hỗ trợ thiết yếu khác cho trẻ em mắc Covid-19 và trẻ em phải cách ly tập trung.
Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 đối với người lao động trong khu công nghiệp ở tỉnh Bắc Giang
Thứ bảy, đề xuất ngân sách Trung ương hỗ trợ đột xuất cho các tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh mỗi tỉnh 500 tỷ đồng để hỗ trợ NLĐ, các đối tượng bị giảm sâu về thu nhập và cho công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đối tượng cụ thể do địa phương quyết định.
Hỗ trợ DN vốn vay để trả lương ngừng việc cho NLĐ
Đồng thời, Bộ LĐTB-XH cũng đề xuất 2 nhóm chính sách thuộc thẩm quyền quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội:
Đó là, chính sách cho vay hỗ trợ trả lương ngừng việc cho NLĐ trong DN. Đối tượng dự kiến là DN được vay ưu đãi, không phải bảo đảm tiền vay để trả lương ngừng việc cho NLĐ phải ngừng việc. Mức vay bằng mức lương ngừng việc thực tế nhưng không quá mức lương tối thiểu vùng và thời gian tối đa 3 tháng. Lãi suất 0%. Điều kiện cho vay: DN có NLĐ đang tham gia BHXH bắt buộc phải ngừng việc theo quy định trong khoảng thời gian từ ngày 1-5 đến hết ngày 31-12. Thời hạn vay tối đa 12 tháng. Cơ quan thực hiện là Ngân hàng Chính sách xã hội bằng nguồn tái cấp vốn từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Dự kiến, hỗ trợ khoảng 220 ngàn lao động ngừng việc, số kinh phí ước tính là:
3.710.000 đồng x 3 tháng x 220.000 người = 2.448 tỷ đồng
Cùng với đó là chính sách hỗ trợ cho vay trả lương cho NLĐ trong DN bị tạm dừng hoạt động do yêu cầu của chính quyền để phòng, chống dịch Covid-19. Dự kiến hỗ trợ 450 ngàn lao động trong cơ sở sản xuất, kinh doanh bị tạm dừng hoạt động do yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19:
3.710.000 đồng x 3 tháng x 450.000 người = 5.008,5 tỷ đồng
Tổng hợp chung kinh phí đề xuất 9 nhóm hỗ trợ nêu trên là gần 27.600 tỷ đồng.