Thiếu nhiều phòng học
Báo cáo với đoàn, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân Vũ Chí Kiên cho biết, giai đoạn 2021-2025, quận ghi vốn cho 99 dự án với hơn 6.000 tỷ đồng, có 65 dự án được thông qua chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, hiện có 48/65 dự án chậm tiến độ gồm 25 dự án giao thông, 20 dự án giáo dục và 3 dự án khác. Nguyên nhân chủ yếu do vướng mặt bằng.
Thực tế này dẫn đến quận không chỉ thiếu phòng học trong giai đoạn hiện nay mà khó có thể đạt được mục tiêu đến năm 2025 phát triển được 700-1.000 phòng học, như Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ quận Bình Tân nhiệm kỳ 2021-2025 đề ra.
Bí thư Quận ủy quận Bình Tân Huỳnh Khắc Điệp thông tin thêm, quận đang thiếu 753 phòng học. Sĩ số của mỗi lớp học ở quận đều vượt xa chuẩn chung của TPHCM và thiếu trường bán trú. Lãnh đạo quận Bình Tân đề nghị TPHCM ghi vốn cho các dự án xây dựng trường lớp tại quận và cam kết nếu được bố trí vốn sẽ quyết tâm thực hiện các dự án trường lớp đáp ứng nhu cầu của người dân.
Chủ tịch UBND quận Bình Tân Nguyễn Minh Nhựt cũng giải thích, đa số các dự án trường học ở quận nằm xen cài trong khu dân cư. Việc áp dụng giá đất nông nghiệp để bồi thường phục vụ dự án là quá thấp, nên đa số các hộ dân không đồng thuận, làm chậm tiến độ dự án.
Ngoài ra, trước đây UBND quận được ủy quyền quyết định đầu tư các dự án nhóm C, trong quá trình thực hiện cần điều chỉnh quyết định đầu tư. Tuy nhiên, hiện nay thẩm quyền này được giao về cho các sở ngành.
“Với quy định này, các dự án ở tất cả các quận huyện dồn về cho sở ngành, sở ngành rất vất vả để triển khai dự án. Trong khi đó, nếu quận có thẩm quyền thì sẽ chủ động hơn, dự án sẽ được đẩy nhanh hơn. Đây là những dự án đơn giản, quận hoàn toàn có thể làm tốt, quận đề nghị nên phân cấp cho quận thực hiện”, ông Nguyễn Minh Nhựt nêu ý kiến.
Trước áp lực trường lớp lớn của quận Bình Tân, nhiều đại biểu (ĐB) cũng đề nghị các sở ngành có ý kiến đề xuất tháo gỡ để đẩy nhanh các dự án trường học.
ĐB Nguyễn Văn Đạt, Phó Ban Pháp chế HĐND TPHCM, cho rằng, vướng mắc về thẩm quyền quyết định đầu tư các dự án nhóm C đã lâu, gây bức xúc cho cử tri. ĐB Nguyễn Văn Đạt đề nghị Sở KH-ĐT xem xét kiến nghị UBND TPHCM phân cấp về cho quận huyện thực hiện.
Về vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng khi đất nông nghiệp xen cài trong khu dân cư, ĐB Nguyễn Văn Đạt cho rằng hiện nay bồi thường vẫn cứ áp theo giá đất nông nghiệp sẽ rất khó để người dân đồng thuận. Cho nên, các đơn vị liên quan phải tìm cách tháo gỡ, đề xuất UBND TPHCM có giá bồi thường tốt nhất cho người dân.
Trong khi đó, ĐB Lê Trương Hải Hiếu, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM, bày tỏ ủng hộ đề xuất của quận Bình Tân về việc rà soát, thu hồi các khu đất công đang sử dụng lãng phí để thực hiện các dự án cấp bách như trường học. Việc này nếu giải quyết được cho quận Bình Tân và thực hiện ở các nơi khác sẽ giải quyết được vấn đề mặt bằng cho nhiều dự án.
Trả lời tại buổi làm việc, đại diện Sở KH-ĐT cho rằng hiện nay, không chỉ quận Bình Tân mà các quận huyện đều kiến nghị ủy quyền để các địa phương phê duyệt các dự án nhóm C, dự án trường học phổ thông nhóm B trở xuống. Sở đã có tờ trình trình UBND TPHCM điều chỉnh quy định này. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Đầu tư công, Chủ tịch UBND TPHCM chỉ được phép ủy quyền cho Phó Chủ tịch UBND hoặc giám đốc các sở quyết định chủ trương đầu tư nên không có cơ sở uỷ quyền cho các địa phương.
Ưu tiên phát triển các dự án dân sinh
Phát biểu kết luận buổi giám sát, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ đánh giá cao kết quả giải ngân vốn đầu tư công của quận Bình Tân khi ba năm qua, quận luôn giải ngân trên 99% vốn đầu tư công.
Quận cũng ưu tiên thúc đẩy các dự án giao thông, y tế, giáo dục, cấp thoát nước… để nâng cao chất lượng sống của người dân.
Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn quận vẫn còn 48 dự án chậm tiến độ. Đồng chí Nguyễn Thị Lệ đề nghị UBND quận Bình Tân phân tích cụ thể những nguyên nhân và quan tâm lãnh đạo điều hành khắc phục tình trạng dự án đã được quyết định chủ trương đầu tư nhưng chậm triển khai thực hiện, dẫn đến phải điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án. Nếu không làm ngay việc này sẽ dẫn đến việc lãng phí, ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Quận cũng phải chủ động làm việc với các sở ngành để giải quyết những khó khăn vướng mắc trong việc thực các dự án. “Đề nghị quận chủ động đề xuất giải pháp tháo gỡ. Nếu cần thiết thì đề xuất dừng hoặc thu hẹp quy mô dự án nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công. Tránh tình trạng ngâm vốn hoặc phải điều chỉnh thời gian thực hiện dự án”, đồng chí Nguyễn Thị Lệ nói.
Chủ tịch HĐND TPHCM cũng phân tích nguyên do dự án chậm tiến độ là sự phối hợp thiếu đồng bộ giữa sở ngành và quận huyện. Vì vậy, đồng chí đề nghị cần phải xây dựng quy chế phối hợp giữa sở ngành với quận huyện, không để “văn bản cứ gửi lên gửi xuống” mà công việc vẫn chưa được giải quyết.
Đồng chí Nguyễn Thị Lệ cũng đề nghị Sở KH-ĐT rà soát việc cân đối nguồn vốn, báo cáo UBND TPHCM sớm trình HĐND TPHCM bố trí vốn trung hạn cho 13 dự án trường học cũng như tham mưu giải quyết các vướng mắc về đầu tư công của quận Bình Tân hiện nay.
Theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Hoài Nam, quận Bình Tân có tốc độ tăng học sinh mỗi năm rất nhanh. Dự kiến năm 2023 tăng 8.000 học sinh. Nhu cầu xây thêm trường lớp ở quận Bình Tân là cấp bách.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cũng đề nghị HĐND TPHCM xem xét, có ý kiến cho phép thu hồi các lô đất công sử dụng không hiệu quả để xây dựng trường lớp phục vụ công tác giáo dục.