TS PHAN HỒNG HẢI - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp TPHCM: Nhà giáo thay đổi để thích nghi với kỷ nguyên số
Sự biến đổi không ngừng của xã hội, trong đó có sự thay đổi từng ngày, từng giờ của khoa học công nghệ, đã và đang tác động đến cả hệ thống giáo dục, đòi hỏi những người làm giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học, phải thay đổi để thích nghi.
Tôi cho rằng trong kỷ nguyên mới, vai trò của người làm giáo dục càng trở nên quan trọng và đa dạng hơn. Đầu tiên, nhà giáo phải là người truyền cảm hứng và động lực, khơi gợi niềm đam mê học tập, sáng tạo của người học, giúp người học nhận thấy và khai thác tiềm năng của bản thân.
Với phương thức lấy người học làm trung tâm, nhà giáo cần biết cách cá nhân hóa phương pháp giảng dạy để đáp ứng nhu cầu và sở thích của từng học sinh, tạo điều kiện cho học sinh phát triển tối đa năng lực, bởi mỗi người học có những nhu cầu và khả năng riêng biệt.
Bên cạnh đó, thầy, cô giáo còn là người bạn đồng hành với học sinh, có khả năng thấu cảm và chia sẻ, hướng dẫn các em kỹ năng sống, thực hành xã hội; biết nhận diện và hỗ trợ học sinh vượt qua khó khăn, các trở ngại tâm lý. Việc xây dựng tốt mối quan hệ thầy, trò theo tôi là vô cùng quan trọng, ảnh hưởng đến quá trình học tập của người học. Người thầy sẽ là tấm gương tốt cho tinh thần tự học, nỗ lực không ngừng nghỉ, có đủ bản lĩnh để vượt qua thử thách, cám dỗ.
Cuối cùng, người thầy cần ứng dụng công nghệ vào quá trình giảng dạy, không chỉ sử dụng công cụ học tập trực tuyến mà còn khai thác các ứng dụng, phần mềm hỗ trợ học tập để nâng cao hiệu quả giáo dục, tìm kiếm tài liệu, kết nối tri thức trên toàn thế giới.
Việc hướng dẫn người học hiểu, sử dụng đúng giá trị của công nghệ sẽ giúp phát huy tốt tính sáng tạo và khả năng thích nghi của học sinh. Trong thời đại hướng tới giáo dục bền vững, người thầy không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn giáo dục người học về trách nhiệm với cộng đồng, bảo vệ môi trường và những giá trị đạo đức, giúp họ trở thành những công dân có ích cho xã hội.
ThS PHẠM THÁI SƠN - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công thương TPHCM: Nhiều cơ hội nhưng không ít khó khăn
Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, chuyển đổi số và những thách thức của nền kinh tế tri thức, nghề giáo đang đứng trước những cơ hội lớn nhưng cũng gặp không ít khó khăn. Giáo viên hiện nay không chỉ là người truyền đạt kiến thức mà đã trở thành người dẫn dắt, khơi gợi tư duy sáng tạo và kỹ năng học tập suốt đời cho học sinh, sinh viên.
Trong kỷ nguyên chuyển đổi số, vai trò này càng quan trọng khi người thầy có trách nhiệm dẫn dắt người học thích nghi với những công nghệ mới, phát triển tư duy phản biện và kỹ năng mềm. Điều này đòi hỏi người thầy phải không ngừng học hỏi, đổi mới phương pháp giảng dạy, trong điều kiện cơ sở vật chất, chế độ đãi ngộ và sự hỗ trợ từ xã hội đôi khi chưa đầy đủ.
Hiện nay, một trong những thách thức to lớn đối với nghề giáo chính là những áp lực từ công việc giảng dạy, kiểm tra đánh giá, quản lý học sinh và cả sự kỳ vọng từ phụ huynh. Áp lực từ nhiều phía có thể khiến nhà giáo phải đối mặt với căng thẳng kéo dài. Chưa kể, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ đòi hỏi người thầy phải làm quen và sử dụng thành thạo các công cụ số để dạy học hiệu quả.
Do đó, cần có thêm nhiều chương trình đào tạo nâng cao chuyên môn, kỹ năng sư phạm và ứng dụng công nghệ cho giáo viên cũng như hỗ trợ tài chính để giáo viên tham gia các khóa học bồi dưỡng.
Đặc biệt, cần tăng cường chế độ đãi ngộ cho nhà giáo, đặc biệt là giáo viên dạy bậc mầm non, tiểu học. Nhà giáo không chỉ cần sự động viên về tinh thần mà còn cần những chính sách đãi ngộ cụ thể để đảm bảo cuộc sống ổn định, giúp họ toàn tâm toàn ý với nghề. Song song đó, cần xây dựng môi trường làm việc tích cực, một môi trường giáo dục hiện đại, cởi mở, khuyến khích đổi mới sáng tạo sẽ là động lực để giáo viên tiếp tục cống hiến.
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 không chỉ là ngày tri ân, mà còn là lời nhắc nhở cộng đồng hãy nhìn nhận đúng giá trị của nghề giáo, không chỉ trong một ngày mà xuyên suốt cả năm học.
Ông TRỊNH VĨNH THANH - Trưởng Phòng GD-ĐT quận Gò Vấp, TPHCM: Kỳ vọng đổi mới, quan tâm nhiều hơn đội ngũ nhà giáo
Tôi kỳ vọng Luật Nhà giáo sớm được Quốc hội thông qua bởi đây là sự quan tâm đặc biệt dành cho đội ngũ cán bộ, nhà giáo. Nếu được thông qua, luật sẽ tạo nhiều điều kiện cho cán bộ, nhà giáo phát triển tốt hơn, trong đó có việc quan tâm chế độ, chính sách giúp đời sống của các thầy, cô giáo được cải thiện.
Bên cạnh đó, tôi mong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 hoàn thành một cách thành công vì chương trình có sự quan tâm, đầu tư rất lớn của Đảng, Nhà nước, lãnh đạo bộ, ngành cùng nỗ lực của toàn bộ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong toàn ngành. Tôi đặc biệt mong các thầy, cô giáo trẻ - những người có nhiều điều kiện tiếp thu kiến thức khoa học mới - giữ vững được bầu nhiệt huyết để toàn tâm, toàn ý cống hiến cho sự nghiệp giáo dục trong điều kiện kinh tế thị trường có nhiều sự chi phối.
Ở góc độ địa phương, thời gian tới, ngành giáo dục và đào tạo quận Gò Vấp tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt, quan tâm đến việc nâng cao chất lượng và hiệu quả thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, tạo điều kiện cho học sinh phát huy năng lực tích cực, rèn luyện kỹ năng, trở thành những công dân toàn cầu để Việt Nam hội nhập bền vững quốc tế.
Nhân kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, quận Gò Vấp tổ chức khánh thành phòng điều hành thông minh của ngành giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao chất lượng quản lý trong toàn ngành, giảm cường độ lao động cho đội ngũ cán bộ, công chức đang công tác trong ngành giáo dục.
Thầy PHẠM LÊ THANH - Giáo viên Trường THPT Nguyễn Hiền (quận 11, TPHCM): Nâng cao hơn nữa trách nhiệm người thầy
Trong bối cảnh giáo dục hiện nay, toàn ngành đang đối mặt với những thách thức lớn, trách nhiệm của người thầy càng được đặt ra rõ ràng hơn bao giờ hết. Tri thức ngày càng mở rộng, chuyển đổi số đã dần thay đổi và tác động sâu đến giáo dục đòi hỏi người thầy phải không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, đổi mới phương pháp giảng dạy. Nhiệm vụ của người thầy giờ đây không chỉ là truyền đạt kiến thức mà còn giúp học trò vận dụng tri thức, phát triển kỹ năng và tạo ra những giá trị mới cho xã hội.
Thời đại 4.0 với công nghệ phát triển nhanh như vũ bão, công nghệ số hóa dần trở thành những “người thầy” khổng lồ. Tuy nhiên, vai trò, vị trí của người thầy thật sự trên bục giảng vẫn mãi mãi trường tồn với sứ mệnh quan trọng nhưng không kém phần vẻ vang.
Một trong những thách thức lớn nhất của giáo dục thế kỷ 21 là khai phá tiềm năng của từng học sinh, giúp các em tự quyết định cuộc sống và định hướng nghề nghiệp của mình. Người thầy thời đại mới không những phải giỏi chuyên môn mà còn cần phải tâm lý với học trò, thấu cảm và yêu thương để hướng dẫn, khơi nguồn cảm hứng và tạo điều kiện để học trò phát triển toàn diện nhân cách và phẩm chất.
Để người thầy có thể cống hiến trọn vẹn với nghề, Nhà nước và xã hội cần có thêm nhiều chính sách đãi ngộ, riêng các trường sư phạm đổi mới mạnh mẽ hơn trong đào tạo, tăng cường thời gian thực hành, gắn kết lý thuyết với thực tiễn giảng dạy.
THANH HÙNG - THU TÂM ghi/Báo SGGP