Chung một niềm tin

11:49 28/04/2021

Hôm nay (28-4), TPHCM tổ chức buổi tri ân nhân dân và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tiêu biểu tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.

Tại buổi tri ân, có những người đã hy sinh cả tuổi thanh xuân của mình cho những trận đánh oanh liệt giành độc lập hòa bình cho dân tộc, có đại diện tuổi trẻ thành phố đang từng ngày cống hiến trí lực cho sự phát triển của đất nước. Ở họ có chung niềm tin, niềm tự hào và sự khát khao tiếp tục được góp sức mình xây dựng thành phố nghĩa tình mang tên Bác ngày càng hùng cường, thịnh vượng.

Giám đốc Công ty CP Vũ Trụ Xanh - tác giả của máy “ATM gạo” và “ATM khẩu trang” Hoàng Tuấn Anh nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tại lễ trao giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2020. Ảnh: VIẾT CHUNG
Giám đốc Công ty CP Vũ Trụ Xanh - tác giả của máy “ATM gạo” và “ATM khẩu trang” Hoàng Tuấn Anh nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tại lễ trao giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2020. Ảnh: VIẾT CHUNG

Điều hạnh phúc của người tướng già

Ở tuổi 72, Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam TPHCM, vẫn nhớ như in những ngày tháng 4-1975 lịch sử. Khi ấy, ông mới 28 tuổi, là Tham mưu phó của một cánh quân thuộc trung đoàn bộ binh đánh vu hồi từ Gò Công qua Long An đến Bình Chánh, quận 8, rồi qua cầu Chữ Y chiếm Tổng nha cảnh sát. Dọc đường tiến công, địch chống cự quyết liệt, nhưng với khí thế tiến công và tình nghĩa cưu mang của đồng bào đã giúp đoàn quân vượt qua tất cả.

“Có đoạn hành quân phải vượt sông Vàm Cỏ Đông, quân số thì đông mà cách đó chừng 3km có nhiều tàu thuyền địch, may có người dân mang xuồng bè đến giúp đưa quân sang sông. Hay khi đơn vị chuẩn bị chiến đấu ở Tân Trụ (Long An), người dân ở đây phá cánh cửa nhà và phản nằm, tủ thờ để cho bộ đội làm nắp công sự chiến đấu”, vị tướng già nhớ lại.

Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ từng tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chiến tranh biên giới Tây Nam, chiến tranh biên giới phía Bắc, trở về đời thường sau 11 lần bị thương.

Ông tâm sự: “Thật may mắn khi hôm nay còn nhìn thấy bầu trời trong xanh, được an vui cùng với người dân trong không khí thanh bình, cùng chung vai trách nhiệm với Đảng bộ, chính quyền thành phố, với tôi đó là điều hạnh phúc nhất”.

Giờ đây, vị tướng già dành gần như toàn bộ thời gian, tâm huyết để chăm lo cho những nạn nhân của chất độc da cam và bom mìn thời chiến tranh. Bởi với ông, đây đó trong mỗi gia đình bất hạnh, vết thương chiến tranh vẫn còn đè nặng trên cơ thể con cháu, làm cho chúng ta day dứt không nguôi.

Nói về mảnh đất Sài Gòn - TPHCM đã gắn bó suốt những năm tháng qua, Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ không giấu sự hãnh diện và tự hào. Ông cảm nhận, thành phố mang tên Bác đang phát triển vượt bậc, mỗi năm đều chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ, đời sống người dân ngày một tốt hơn. Đó chẳng phải là niềm ước mơ, mục tiêu khi đứng lên cầm súng của thế hệ như ông hay sao. “Bản thân tôi rất an tâm và thấy ấm áp cõi lòng”, Thiếu tướng chia sẻ.

Nghĩ về những đồng đội đã mãi nằm xuống vì độc lập, hòa bình, ông Khương Văn Thuấn, Chủ tịch Hội Doanh nhân Cựu chiến binh (CCB) TPHCM, lại trăn trở. Nhìn thấy gia đình nhiều đồng đội còn khó khăn, ông nghĩ đến chuyện mở cơ sở sản xuất để phát triển kinh tế giúp họ. Nghĩ là làm, năm 2014 ông cùng các CCB thành lập Công ty Công nghệ sinh học TVT. Từ đồng lợi nhuận có được, ông lại đóng góp chăm lo cho các CCB khó khăn, các gia đình chính sách.

Rồi với cương vị Chủ tịch Hội Doanh nhân CCB TPHCM, ông Thuấn kết nối các CCB làm kinh tế, không chỉ giúp nhau trong làm ăn, ông còn tổ chức nhiều chương trình để các CCB tri ân gia đình đồng đội. Ai cần vốn làm ăn, ai đang gặp khó trong sản xuất, ai cần tìm hiểu về cách kinh doanh… ông lại tìm để các thành viên trong hội hỗ trợ.

Niềm vui của người CCB già ấy trong những ngày tháng 4 lịch sử chính là cùng đồng đội thành lập được Công ty CP Doanh nhân CCB TPHCM, Công ty Khải Hoàn Bình An để xây dựng nhà máy làm găng tay y tế.

“Mái nhà chung này sẽ là nơi tạo việc làm cho các CCB, con em gia đình chính sách, bộ đội xuất ngũ. Các cháu sẽ vừa làm, vừa được tiếp tục học tập nâng cao trình độ, tay nghề để sau này có thể tiếp quản, phát triển nơi đây”, ông Thuấn bày tỏ. Riêng lợi nhuận của công ty, sẽ dùng một phần chăm lo cho gia đình các đồng đội, các Bà mẹ Việt Nam anh hùng và xây dựng quỹ hiếu học để giúp trẻ em khó khăn tiếp tục đến trường.

Góp sức cùng thành phố anh hùng

Là thế hệ sinh ra sau ngày đất nước được giải phóng, tự hào trước các chiến công vĩ đại của cha ông, cũng như nhớ ơn mảnh đất giàu tình người đã cưu mang mình, chị Mã Đào Ngọc Bích, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thiên Thần Sắc Đẹp, đã có nhiều hoạt động vì cộng đồng. Năm 18 tuổi, chị Bích từ quê Sóc Trăng khăn gói lên TPHCM học nghề làm đẹp. Lúc đó vào khoảng năm 1996, chị ngơ ngác trước một đô thị quá lớn, quá sôi động. Người con gái miền Tây chất phác tự nhủ lòng, phải học nghề cho thật giỏi. Và chị dành 10 năm đi học nghề, làm công trong các cơ sở làm đẹp để học hỏi kinh nghiệm.

Rồi chị nhận ra giữa thành phố tấp nập này, chỉ cần mình sống thiệt tình, sống thật tốt thì chắc hẳn sẽ có những tấm chân tình đáp lại. Nhiều người vốn chẳng quen chẳng biết, nhưng cũng tận tình chỉ bảo, kết nối… để chị càng làm nghề càng say mê, trở thành một doanh nhân thành đạt, sở hữu nhiều cơ sở làm đẹp.

“Thành phố này bao dung, nghĩa tình với tất cả. Là môi trường tốt để nếu biết cố gắng thì sẽ phát triển được bản thân”, chị Ngọc Bích tâm tình. Tiếp bước đà thành công ấy, để không phụ lòng cưu mang của thành phố, chị Ngọc Bích đang ấp ủ rất nhiều ý tưởng mở rộng hệ thống cơ sở làm đẹp, giúp phụ nữ học nghề miễn phí để họ tự tin hơn trong cuộc sống.

Có 3 năm làm Phó Chủ tịch rồi làm Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TPHCM, anh Phạm Phú Trường, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn kinh doanh hội nhập Toàn Cầu đã trở thành cái tên quen thuộc của cộng đồng khởi nghiệp TPHCM.

Anh Trường cho biết, TPHCM là địa phương có cộng đồng khởi nghiệp lớn, hoạt động sôi nổi và cũng là cái nôi tạo ra nhiều doanh nghiệp có tiềm năng phát triển trong và ngoài nước. Bản thân từng khởi nghiệp nhiều lần, thất bại có, thành công có, từ đó anh đúc kết ra nhiều bài học cần thiết trên con đường khởi nghiệp. Tất cả những gì có được, từ kinh nghiệm, từ kỹ năng, mối quan hệ và cả nguồn lực về kinh tế, anh Trường đều sẵn sàng chia sẻ với người trẻ có đam mê khởi nghiệp.

Là công dân của TPHCM, anh Trường cho rằng, bản thân được thừa hưởng thành quả của các thế hệ cha ông, việc kinh doanh phát triển trên nền tảng của sự bình yên, độc lập ấy.

“Trong bối cảnh hiện nay, vị thế của TPHCM và cả nước trên trường quốc tế ngày càng lớn mạnh. Cộng đồng doanh nghiệp trẻ tại TPHCM càng có thêm cơ hội để phát triển. Chúng tôi luôn ý thức, bên cạnh phát triển kinh doanh thì phải chung sức đóng góp cho sự phát triển chung của thành phố, để TPHCM xứng đáng với vị thế đầu tàu kinh tế của cả nước”, anh Trường chia sẻ.

Không chỉ đồng hành cùng TPHCM phát triển kinh tế, nhiều doanh nhân trẻ còn góp sức trong nhiều hoạt động cộng đồng. Nổi bật trong năm 2020 là cây “ATM gạo” với thông điệp “Nếu bạn khó khăn, xin hãy lấy một phần. Nếu bạn ổn, xin nhường cho người khác” của anh Hoàng Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Vũ Trụ Xanh.

Anh Hoàng Tuấn Anh trải lòng, ở tuổi 24, anh từng là một triệu phú nhưng trắng tay chỉ sáu tháng sau đó. Trong lúc túng quẫn nhất, anh từng có suy nghĩ tiêu cực. May mắn, mẹ anh đã kịp kéo anh lại. Anh bảo, chỉ khi chạm ngõ thiên đường rồi té ngã, người ta mới thấu được cảm giác hạnh phúc khi có bàn tay chìa ra với mình.

“ATM gạo” đã ra đời trong sự thấu cảm như thế, đã làm ấm lòng biết bao người lao động mất việc, mất thu nhập khi TPHCM và cả nước phải gồng mình chống dịch Covid-19. Với ý nghĩa nhân văn ấy, cây “ATM gạo” của anh Hoàng Tuấn Anh đã được nhiều cá nhân, tổ chức nhân rộng ra cả nước, cùng nhiều hoàn cảnh vượt qua giai đoạn khốn khó.

Ngày 27-4, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ tổ chức chương trình giao lưu “Những người phụ nữ tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử” và khai mạc chuyên đề “Cỏ lau trong chiến dịch Hồ Chí Minh”. Chương trình với những câu chuyện, hình ảnh, tư liệu, hiện vật… thể hiện sự đóng góp to lớn của phụ nữ miền Nam trong những ngày lịch sử, góp phần ôn lại truyền thống hào hùng của quân và dân ta trong 2 cuộc kháng chiến. Tham dự buổi giao lưu có 4 nhân vật lịch sử: bà Vũ Minh Nghĩa, tình báo đơn vị J22 (Bộ Tham mưu Miền), nữ biệt động duy nhất trong đội 5 đánh vào Dinh Độc Lập năm 1968; bà Lại Thị Kim Túy, giao liên trực tiếp Ban chỉ huy Lữ đoàn 316 - Bộ Tham mưu Miền; bà Nguyễn Ngọc Mỹ, nguyên  Phó Giám đốc Công ty Du lịch tỉnh Bình Dương; ông Nguyễn Văn Nhu, nguyên sĩ quan tác chiến Trung đoàn 66.

Với chuyên đề “Cỏ lau trong chiến dịch Hồ Chí Minh”, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ đã điền dã, nghiên cứu, sưu tầm tư liệu, hiện vật từ tháng 3-2019 cùng Bảo tàng Đắk Lắk, Bảo tàng An Giang.

                                                                                                                                                                             VÕ THẮM

 

MAI HOA - THU HƯỜNG - THÁI PHƯƠNG/SGGP

Tin cùng chuyên mục