Đề xuất cho các học sinh khó khăn ngoại tỉnh được hưởng Chương trình Sữa học đường

10:27 03/07/2020

(HMC) - Báo cáo về kết quả thực hiện các hoạt động Đề án Chương trình Sữa học đường của Sở Y tế TP cho thấy, sau khi có Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu với các nội dung trong Thỏa thuận khung (số lượng sữa cung cấp, thời gian thực hiện…), Sở Giáo dục và Đào tạo TP phối hợp với Công ty CP Sữa Việt Nam (Công ty Vinamilk) thực hiện công tác chuẩn bị cho việc tiếp nhận và bảo quản sữa cho tất cả các trường của 10 quận - huyện.

Đề xuất cho các học sinh khó khăn ngoại tỉnh được hưởng Chương trình Sữa học đường
Ngày 1/11/2019, TP. Hồ Chí Minh triển khai đồng loạt việc uống sữa học đường cho học sinh mẫu giáo và học sinh tiểu học lớp 1 trên địa bàn 10 quận, huyện./ Ảnh: Seatimes

Từ ngày 01/11/2019, trẻ em mẫu giáo và học sinh lớp 1 đăng ký tham gia Chương trình tại 10 quận - huyện thí điểm được tổ chức uống sữa học đường đầy đủ, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, nghiêm túc, thuận lợi và an toàn. Trong những ngày triển khai không ghi nhận sự cố xảy ra liên quan đến việc uống sữa; Chương trình nhận được sự ủng hộ của phụ huynh học sinh.

Học kỳ I năm học 2019 - 2020, có 1.516/2.052 trường học tại TP. Hồ Chí Minh tham gia chương trình Sữa học đường, đạt 74%, tương ứng với 132.818/254.350 trẻ em mẫu giáo và học sinh lớp 1 tham gia uống sữa, đạt tỷ lệ 52%. Theo đó, số lượng sữa đã cung cấp là 6.425.101 hộp, đạt 32% do thời gian uống sữa học kỳ I bắt đầu từ ngày 1/11/2019 (trễ gần 02 tháng).

Chương trình Sữa học đường học kỳ II năm học 2019 - 2020 được triển khai bắt đầu từ ngày 25/5/2020. Tính đến ngày 12/6/2020, có 892/2.046 trường tham gia, đạt 44%, tương ứng 109.484/238.751 học sinh, đạt 46%; số lượng sữa đã cung cấp là 8.786.256 hộp (đạt 44%), tương ứng số tiền hơn 42 tỷ đồng (ngân sách trả hơn 16 tỷ đồng và phụ huynh trả gần 26 tỷ đồng) và số lượng sữa chưa cung cấp theo Thỏa thuận khung là 11.157.514 hộp.

Dự ước đến 15/7/2020, với số lượng tham gia là 109.484 học sinh, số lượng sữa cung cấp là 11.194.904 hộp, tương ứng với số tiền 53,7 triệu đồng.

Bên cạnh đó, nhằm đánh giá hiệu quả cải thiện tình trạng dinh dưỡng đối với trẻ em của Chương trình Sữa học đường, Sở Y tế TP đã tổ chức khảo sát tình trạng dinh dưỡng của trẻ em mầm non và học sinh lớp 1 trước khi tham gia chương trình và sẽ tiếp tục thực hiện công tác khảo sát, đánh giá tình trạng dinh dưỡng sau khi trẻ em, học sinh tham gia Chương trình trong thời gian đủ dài và liên tục.

Để tiếp tục thực hiện Đề án đến năm 2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và tạo điều kiện cho học sinh uống sữa liên tục, không bị gián đoạn, Ban chỉ đạo Đề án Sữa học đường đã có đề xuất với UBND TP trình HĐND TP thông qua chủ trương cho phép tiếp tục thực hiện Đề án trong học kỳ 1 năm học 2020 - 2021 (đến tháng 12/2020) cho trẻ em mẫu giáo và học sinh lớp 1 trên toàn TP.

Đồng thời, xem xét cho phép chủ trương các đối tượng học sinh ngoại tỉnh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo đang học tập tạo TP. Hồ Chí Minh cũng được hưởng chính sách của Đề án Chương trình Sữa học đường tương tự đối tượng học sinh hộ nghèo, cận nghèo của TP.

Vân Anh

Tin cùng chuyên mục