Doanh nghiệp vận tải chung tay hỗ trợ các địa phương tiêu thụ nông sản

15:42 21/05/2021

Quy trình vận chuyển để phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả cần có sự tham gia của các cơ quan y tế và các địa phương đề nghị hỗ trợ vận chuyển cần chủ động xây dựng các quy trình vận chuyển hàng hóa.

Bắp cải của người dân xã Vũ Vân, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình còn tồn đọng được các đơn vị, tổ chức, cá nhân “giải cứu”. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)
Bắp cải của người dân xã Vũ Vân, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình còn tồn đọng được các đơn vị, tổ chức, cá nhân “giải cứu”. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)

Liên quan đến việc hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông sản tại các địa phương đang có dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19, trao đổi với phóng viên TTXVN, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, Tổng cục đã có những giải pháp tối ưu để hỗ trợ các địa phương trong công tác vận tải đảm lưu thông hàng hoá, nhất là nông sản và sản xuất kinh doanh nhưng vẫn đảm bảo việc phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả.

Trong đợt dịch lần này, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có công điện đề nghị các doanh nghiệp vận tải, các đơn vị liên quan tham gia hỗ trợ vận chuyển nông sản tại các địa phương đang khó khăn về về việc tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp.

Tuy nhiên, bà Phan Thị Thu Hiền Hiển cũng cho rằng, quy trình vận chuyển để phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả cần có sự tham gia của các cơ quan y tế và các địa phương đề nghị hỗ trợ vận chuyển cần chủ động xây dựng các quy trình vận chuyển hàng hóa.

Cũng theo bà Phan Thị Thu Hiền, ngay từ cuối tháng 4 khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị liên quan áp dụng các biện pháp khẩn cấp để phòng dịch COVID-19.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản khẩn, yêu cầu các Sở Giao thông Vận tải, các doanh nghiệp vận tải, các bến xe, trạm dừng nghỉ tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng chống dịch.

Theo đó, phải thực hiện tuyệt đối việc đeo khẩu trang khi vận chuyển, di chuyển trên phương tiện; thực hiện việc khử khuẩn, rửa tay phòng chống dịch.

Một việc nữa là kê khai y tế và yêu cầu tất cả các doanh nghiệp vận tải phải lập danh sách hành khách phục vụ cho việc hỗ trợ các cơ quan chức năng khi có yêu cầu truy vết xảy ra.

Ngoài ra, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng yêu cầu các đơn vị trên trăng cường phổ biến, tuyên truyền và quán triệt đến tất cả các đơn vị kinh doanh vận tải tại địa phương thực hiện nghiêm Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.

“Thường xuyên theo dõi, cập nhật các thông tin trên đài báo, tivi, mạng internet về tình hình, diễn biến của dịch bệnh COVID-19; quán triệt công chức, viên chức, người lao động chấp hành các biện pháp phòng dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế,” bà Phan Thị Thu Hiền chia sẻ.

Bộ Công Thương cho biết, Bộ cũng đã chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang xây dựng các phương án tiêu thụ vải thiều cũng như các mặt hàng nông sản trên địa bàn nhằm đổi mới mọi mặt về xúc tiến tiêu thụ, áp dụng trên quy mô lớn cả về chiều rộng lẫn chiều sâu.

Không những thế, Bộ còn thực hiện mô hình vừa xúc tiến vừa tiêu thụ trực tiếp, trực tuyến và truyền thống. Đồng thời, đổi mới phương pháp đóng gói theo quy chuẩn, bao bì, tem nhãn truy xuất nguồn gốc phù hợp từng thị trường, bảo quản giảm tổn thất sau thu hoạch…

Người dân chung tay “giải cứu” nông sản Hải Dương. (Ảnh: Nam Sương/TTXVN)
Người dân chung tay “giải cứu” nông sản Hải Dương. (Ảnh: Nam Sương/TTXVN)

Cùng với đó, Bộ Công Thương cũng đã cập nhật thông tin thị trường và chính sách xuất nhập khẩu của các nước được đẩy mạnh, kịp thời phổ biến đến người dân và doanh nghiệp; duy trì và khẳng định uy tín về chất lượng tăng giá trị thương hiệu, sức cạnh tranh và đa dạng hóa thị trường để phát triển xuất khẩu bền vững.

Ngoài ra, Cục Xúc tiến thương mại đã phối hợp với tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội nghị kết nối giao thương trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trong nước và 4 điểm cầu tại Trung Quốc (tỉnh Vân Nam 2 điểm cầu, tỉnh Quảng Tây 2 điểm cầu) với sự tham dự của gần 3.000 đại biểu tại các điểm cầu. Đặc biệt, tỉnh cũng đã còn tổ chức các phiên giao thương trực tuyến với các doanh nghiệp Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore.

Bên cạnh các hoạt động mua bán trực tuyến thì cũng có 127 thương nhân Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam đến tỉnh Bắc Giang tham gia thu mua và xuất khẩu vải thiều về nước, góp phần quan trọng cho việc xuất khẩu vải thiều sang thị trường Trung Quốc được ổn định và thuận lợi.

Trước đó, liên quan đến hỗ trợ tiêu thụ nông sản, đặc biệt là mặt hàng vải thiều, tỉnh Bắc Giang đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ban, ngành và các địa phương tạo điều kiện cho xe vận chuyển nông sản lưu thông, tiêu thụ trên địa bàn.

Tỉnh Bắc Giang cho biết tình hình dịch bệnh khiến việc tiêu thụ, đặc biệt là vận chuyển nông sản từ Bắc Giang đến các địa phương khác và ngược lại; xuất khẩu qua các cửa khẩu gặp khó khăn, ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống người dân.

Vì vậy, Bắc Giang đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương giúp đỡ thủ tục để việc thông thương hàng hóa qua cửa khẩu thuận lợi, nhanh chóng. Các bộ ngành trung ương hỗ trợ tỉnh kết nối, thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu nông sản; khuyến khích doanh nghiệp, hệ thống siêu thị, chợ đấu mối tiêu thụ nông sản Bắc Giang.

Để đảm bảo thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế-xã hội, Bắc Giang đề nghị các địa phương "cho phép phương tiện vận chuyển nông sản, hàng hóa thiết yếu, nguyên vật liệu được lưu thông;" hướng dẫn lái xe đến Bắc Giang trở về thực hiện biện pháp an toàn./.

Quang Toàn (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục