Hai người treo cờ Việt Nam lên nóc nhà thờ Đức Bà Paris đến TP.HCM

16:05 15/11/2024

Sau hơn 50 năm treo lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trên chóp tháp nhà thờ Đức Bà Paris (Pháp), 2 công dân người Thụy Sĩ lần đầu đặt chân đến Việt Nam.

Đón đoàn ngày đầu tiên là lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông TP cùng lãnh đạo Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông - Ảnh: HỮU HẠNH
Đón đoàn ngày đầu tiên là lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông TP cùng lãnh đạo Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông - Ảnh: HỮU HẠNH

Đó là ông Olivier Parriaux và ông Bernard Bachelard, hai trong ba công dân người Thụy Sĩ, đã "liều mình" treo lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trên chóp tháp nhà thờ Đức Bà vào ngày 18 và 19-1-1969, nhằm phản đối chiến tranh, ủng hộ hòa bình cho nhân dân Việt Nam.

Ngập tràn cảm xúc lần đầu đến TP.HCM

Thời điểm những năm 1968 được nhắc đến như một mốc son lịch sử không thể nào quên của dân tộc ta khi diễn ra Hội nghị Paris tại Pháp. Đây là giai đoạn tinh thần đấu tranh bất khuất của nhân dân ta tỏa sáng, cộng hưởng mạnh mẽ từ làn sóng phản đối chiến tranh của các phong trào yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới, đặc biệt là tại Mỹ. Mỹ đã phải chấp nhận hội nghị 4 bên trong đó có Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam.

Ngày 18-1-1969 diễn ra phiên họp trù bị để bàn về việc chuẩn bị phiên họp chính thức toàn thể lần thứ nhất vào ngày 25-11-1969. Lúc này rất cần nêu cao thanh thế của mặt trận và điều bất ngờ đã xảy ra khi ngày hôm sau cả Paris xôn xao vì trên đỉnh nhà thờ Đức Bà cao 100m có lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam rất to tung bay - biểu tượng của sự kiên cường và hy vọng cho hòa bình.

Nhóm người cắm cờ gồm 3 người Thụy Sĩ nhưng ông Nóe Graff vì tuổi cao, sức khỏe không đảm bảo nên đến Việt Nam lần này chỉ có 2 nhân vật - Ảnh: HỮU HẠNH
Nhóm người cắm cờ gồm 3 người Thụy Sĩ nhưng ông Nóe Graff vì tuổi cao, sức khỏe không đảm bảo nên đến Việt Nam lần này chỉ có 2 nhân vật - Ảnh: HỮU HẠNH

Dù không ai biết người treo, nhưng hành động này đã gây tiếng vang rất lớn và nâng cao vị thế mặt trận của Việt Nam. Mãi đến năm 2023 nhân kỷ niệm 50 năm Ngày ký Hiệp định Paris, danh tính của nhóm người treo cờ được công khai qua cuốn sách tựa đề Le Viet Cong au sommet de Notre-Dame (tạm dịch: Cờ Việt Cộng trên đỉnh nhà thờ Đức Bà) do chính họ xuất bản. Cuốn sách đã kể lại câu chuyện với cảm xúc trọn vẹn và hồi hộp về hành động can trường mà họ đã thực hiện khi còn là những thanh niên ở độ tuổi đôi mươi.

Giờ đây, ở tuổi xế chiều, khi đặt chân lên đất nước mà họ từng ủng hộ, Olivier và Bernard ngập tràn cảm xúc. Đến TP.HCM trong khoảng 1 tuần, hành trang của cả hai chỉ là chiếc vali và ba lô nhỏ gọn, đơn giản, khiêm tốn như chính phẩm chất vốn có của chủ nhân.

Ông Bernard Bachelard (phải) cùng ông Olivier Parriaux (giữa) cho giáo sư Trình Quang Phú, viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông xem bài viết việc cắm cờ trên trang báo nước ngoài - Ảnh: HỮU HẠNH
Ông Bernard Bachelard (phải) cùng ông Olivier Parriaux (giữa) cho giáo sư Trình Quang Phú, viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông xem bài viết việc cắm cờ trên trang báo nước ngoài - Ảnh: HỮU HẠNH

Thể hiện tình đoàn kết với người dân Việt Nam

Chia sẻ với giáo sư Trình Quang Phú, viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông, ông Olivier tâm tình việc ông làm không phải chiến công mà chỉ là biểu hiện của tình đoàn kết với nhân dân Việt Nam, như chính ông và đồng đội từng sát cánh với Việt Nam trong cuộc chiến. Cả hai đã đi qua phần lớn cuộc đời, nhưng ký ức về thời tuổi trẻ gắn bó với Việt Nam vẫn luôn sống động.

Đáp lại sự khiêm tốn của hai nhân vật, giáo sư Trình Quang Phú, người đã chứng kiến lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay tại nhà thờ Đức Bà Paris, cho rằng hình ảnh ấy là lời hiệu triệu thế giới cùng đoàn kết với Việt Nam, sức mạnh vô biên ấy đã góp phần vào chiến thắng của dân tộc sau này.

Dự kiến, đoàn người Thụy Sĩ sẽ có buổi gặp mặt với lãnh đạo TP.HCM, có buổi giao lưu với thanh niên TP cùng các hoạt động đến thăm các bảo tàng lịch sử, văn hóa Việt Nam tại TP.HCM trong những ngày đặt chân đến Việt Nam.

Lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên trên đỉnh nhà thờ Đức Bà Paris cao 100m ngày 19-1-1969 - Ảnh: AFP
Lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên trên đỉnh nhà thờ Đức Bà Paris cao 100m ngày 19-1-1969 - Ảnh: AFP

Chuyến thăm lần này là dịp để các nhân vật cảm nhận rõ hơn sự thay đổi của TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung sau những năm tháng đau thương của chiến tranh. TP mang tên Bác hiện lên không chỉ là một trung tâm kinh tế năng động, mà còn là biểu tượng của sự tái sinh mạnh mẽ bước vào kỷ nguyên vươn mình, trở thành một con rồng mới của châu Á.

Đặc biệt chuyến thăm này trong bối cảnh Việt Nam chuẩn bị kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước càng có ý nghĩa sâu sắc. Là khoảnh khắc để nhìn lại những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được, đồng thời tri ân những người bạn đã đồng hành cùng Việt Nam trong suốt chặng đường lịch sử.

CẨM NƯƠNG/Báo Tuổi Trẻ

Tin cùng chuyên mục