Chiều 17-11, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã có buổi gặp gỡ thân mật với ông Olivier Parriaux và ông Bernard Bachelard, hai trong ba nhân vật người Thụy Sĩ đã treo cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trên chóp tháp nhà thờ Đức Bà Paris năm 1969.
Mong muốn đồng hành cùng nhân dân Việt Nam
Ông Olivier gửi lời cảm ơn đến TP.HCM vì đã đón tiếp các ông rất nồng hậu, thân tình. Ông gửi tặng đến các đại biểu quyển sách của các ông xuất bản năm 2023 với tựa đề Le Viet Cong au sommet de Notre-Dame (tạm dịch: Cờ Việt Cộng trên đỉnh nhà thờ Đức Bà) và ông nhấn mạnh rằng việc treo lá cờ chỉ với mong muốn đồng hành cùng cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam.
Nói về sự ra đời của quyển sách, ông Olivier tâm tình cách đây 5 năm, nhà thờ Đức Bà Paris bị hỏa hoạn, khi nhìn hình ảnh đỉnh tháp cháy và rơi vào đống lửa, nhóm 3 người rất xúc động và họ quyết định phải viết nên câu chuyện này.
“Chúng tôi ấp ủ điều này trong thời gian dịch COVID-19, chúng tôi có lý do để viết nên câu chuyện này. Nhưng hiện nay chúng tôi nhận ra một điều chiến tranh vẫn chưa thực sự kết thúc bởi hậu quả của chiến tranh vẫn còn đó, nhất là các hậu quả của di chứng chất độc da cam vẫn còn hiện hữu”, ông Olivier nói.
Theo ông Olivier, năm 2019 khi bắt đầu viết cuốn sách, nhóm đã tìm các đầu mối, nhân chứng, trong đó có bà Trần Tố Nga, người đấu tranh pháp lý với các tập đoàn của Mỹ sản xuất chất độc da cam.
Và ngay lúc này họ tìm ra lý tưởng đấu tranh mới, cùng bà Trần Tố Nga đấu tranh cho nạn nhân chất độc da cam. Và nếu cuộc chiến này thắng lợi, đó là thắng lợi chung cho tất cả nạn nhân chất độc da cam trên toàn thế giới.
Trân trọng hành động quả cảm của ba nhân vật
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên bày tỏ xúc động và trân trọng chào đón hai vị khách rất quý đối với Việt Nam viếng thăm TP.HCM.
Ông Nên cho biết bản thân ông và những người có mặt hôm nay rất hạnh phúc vì đã từng nghe kể lại, từng đọc trên sách báo và có sự trân trọng về hành động quả cảm của ba người treo lá cờ lên đỉnh chóp nhà thờ Đức Bà Paris, nhưng điều đó cũng không bằng cuộc gặp trực tiếp người thật việc thật.
Theo ông Nên, dù các nhân vật luôn cho rằng thông điệp của hành động quan trọng hơn việc người làm là ai, nhưng động cơ hành động của các nhân vật lại rất đáng trân trọng.
Bởi nó không vì quyền lợi của cá nhân, không vì đất nước của họ, mà vì hòa bình, công lý, vì ủng hộ cho cuộc đấu tranh của Việt Nam.
“Thay mặt cho những người Việt Nam đang hưởng hòa bình xin bày tỏ biết ơn sâu sắc với tất cả bạn bè trên thế giới đã đồng hành cùng quá trình đấu tranh đi tìm hòa bình, độc lập dân tộc của Việt Nam, trong đó có hai người bạn Thụy Sĩ.
Dân tộc tôi có câu "Uống nước nhớ nguồn", để có được như ngày hôm nay có một phần lớn đóng góp từ sự ủng hộ, đồng hành của bạn bè quốc tế”, ông Nên nói.
Theo lãnh đạo Thành ủy, trên mảnh đất Việt Nam dù hòa bình lập lại nhưng hậu quả của chiến tranh vẫn còn. Riêng về cuộc chiến đấu để đòi hỏi sự công bằng, công lý cho nạn nhân chất độc da cam, bà Trần Tố Nga đã có một hành trình rất dài và hành động đó không chỉ vì dân tộc mà vì tất cả nạn nhân, những người đã và đang bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam trên toàn thế giới.
Lãnh đạo Thành ủy đề nghị thanh niên TP.HCM cần nghiên cứu thêm về câu chuyện này, bởi đó là nguồn cảm hứng rất lớn không chỉ cho người Việt Nam. Những người đã từng âm thầm lặng lẽ đâu đó trên Trái đất dấn thân vào bảo vệ công lý, cần được tôn vinh đúng nghĩa.
CẨM NƯƠNG - HỮU HẠNH/Báo Tuổi Trẻ