Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Dương Anh Đức đồng chủ trì buổi Tọa đàm.
Bước chuyển mình của công cuộc hội nhập
Bộ Trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh khẳng định, EVFTA là hiệp định toàn diện, mở ra các vấn đề phi truyền thống. Đơn cử, hiệp định có hẳn một chương mở ra đòi hỏi cải cách phát triển một xã hội văn minh hiện đại dù hiệp định thường thuần về vấn đề kinh tế. Theo đó, các tồn tại như khai thác cá không khai báo, khai thác gỗ không có nguồn gốc… sẽ bị giới hạn. Thậm chí các vấn đề từ mua sắm công, sở hữu trí tuệ, phát triển bền vững… cũng được đưa vào bàn luận.
Công tác thúc đẩy các đàm phán EVFTA của Việt Nam là minh chứng rõ nét nhất thể hiện quan điểm của Đảng từ hội nhập kinh tế sang hội nhập kinh tế sâu rộng. Đây là giai đoạn đi vào thực chất cải cách, gắn chặt với kinh tế toàn cầu, đảm bảo sự phát triển bền vững của Việt Nam gắn vào nền kinh tế toàn cầu, thương mại tự do hóa. Đây là minh chứng cho giai đoạn thứ 3, chúng ta từ quốc gia bị động được mời vào các hiệp định và chuyển sang thế chủ động đàm phán tham gia các FTA thế hệ mới.
Vì vậy, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, cần phải tính toán làm sao khai thác tốt các hiệp định để phát triển đất nước, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Dương Anh Đức khẳng định, EU là thị trường tiềm năng của Việt Nam, với hiệp định sắp đi vào thực tế là một cơ hội lớn của cộng đồng DN và nền kinh tế Việt Nam. Đây cũng là thách thức của Việt Nam.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Dương Anh Đức lưu ý: “Khi đứng trước cơ hội lớn mà chúng ta không hiểu rõ thì sẽ vấp phải những lạc quan không thực tế. Và vấn đề này thể hiện vai trò quan trọng của báo chí. TP. Hồ Chí Minh có hơn 300.000 doanh nghiệp, báo chí – truyền thông cần phát huy vai trò tuyên truyền thông tin để người dân, doanh nghiệp nắm bắt cơ hội từ Hiệp định này. TP. Hồ Chí Minh là địa phương có nền kinh tế lớn nhất cả nước chúng ta phải tận dụng cơ hội lớn này”.
Nhà báo Phan Chiến Thắng - Phó Tổng biên tập Thời Báo Kinh tế Sài Gòn nhìn nhận Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Châu Âu (EVFTA), đang mở ra nhiều cơ hội và không ít thách thức. Ông Thắng cho rằng khi tham gia các sân chơi quốc tế thì phải vận dụng được áp lực từ bên ngoài để thay đổi nội tại trong doanh nghiệp, thậm chí trong công tác quản lý nhà nước hay cụ thể hơn là trong cả ngành Công Thương. Để từ những thay đổi đó có các quyết sách, phương pháp đúng và kịp thời chuyển hóa cơ hội thành “bàn thắng” cho nền kinh tế.
Doanh nghiệp cần thay đổi tư duy
Để nắm bắt cơ hội của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Châu Âu (EVFTA), doanh nghiệp trong nước cần giải quyết các thách thức mà thị trường “khó tính” này mang lại.
Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên cho rằng, các doanh nghiệp trong nước cần chủ động theo dõi sát từng biến động và nắm bắt thông tin Hiệp định. Đặc biệt cần xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh bài bản trong trung hạn và dài hạn để đảm bảo năng lực sản xuất, nhanh chóng khôi phục xuất khẩu ngay khi dịch bệnh thuyên giảm và kinh tế dần phục hồi hậu Covid-19.
Ví dụ như: xuất khẩu gạo sang EU sau hiệp định EVFTA có thể giá thành sẽ cao hơn nhưng yêu cầu chất lượng hàng hóa cũng tương đồng.
Cũng theo ông Thái, trước mắt có thể tập trung đẩy mạnh những nhóm hàng Việt Nam chủ động nguồn cung và có giá trị gia tăng cao, lại có nhiều cơ hội tăng trưởng trong bối cảnh bệnh dịch như nông sản - thực phẩm, thủy sản, thiết bị y tế… Đồng thời tăng cường tiếp cận, khai thác các thị trường nhỏ nhưng có tốc độ tăng trưởng cao và hiện nay đang được coi là ít ảnh hưởng bệnh dịch hơn như một số nước Đông Âu.
Phân tích về tình hình hiện nay tại thị trường EU, ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, cho biết Việt Nam mới chiếm 1,8% hàng nhập khẩu vào EU. Đây là một con số khiêm tốn tại một thị trường đầy tiềm năng như EU.
Tại thời điểm này, Liên minh Châu Âu hiện đang chịu những tác động mạnh bởi dịch Covid -19, và trước đó là Brexit. Tuy nhiên, tính đến hôm nay EU chính thức mở cửa trở lại cho 14 nước sau đại dịch.
EU hiện là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai với kim ngạch hai chiều tăng hơn 13,7 lần từ mức 4,1 tỷ USD năm 2000 lên 56,45 tỷ USD năm 2019; trong đó xuất khẩu của Việt Nam vào EU tăng 14,8 lần từ 2,8 tỷ USD lên 41,54 tỷ USD.
Cũng theo ông Linh, trước thềm của hiệp định EVFTA, các doanh nghiệp Việt có nhiều cơ hội cho các ngành dệt may, da giày, gỗ và sản phẩm gỗ, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, sản phẩm nhựa, điện thoại, và linh kiện túi xách, vali, sắt thép, gốm sứ thủy tinh…
“DN việt cần thay đổi tư duy tiếp cận thị trường EU một cách bài bản hơn, các yêu cầu về kỹ thuật bảo vệ môi trường, tận dụng thuế quan, chất lượng hàng hóa… tận dụng tối đa những ưu đãi từ EVFTA mang lại. Nâng cao năng lực nội tại để nắm bắt thời cơ. Đặc biệt là nỗ lực vượt qua thách thức trong giai đoạn này. Đây mới chỉ là sự khởi đầu của cuộc cạnh tranh mới”, ông Linh nói.
Một số ý kiến tại tọa đàm cho rằng, về sản xuất, các doanh nghiệp Việt Nam phải đảm bảo kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm, đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật của EU; chủ động tìm hướng đổi mới công nghệ, đầu tư dây chuyền chế biến sâu, gia tăng giá trị cho sản phẩm, tăng sức cạnh tranh tại thị trường khu vực. Các doanh nghiệp cũng cần tăng cường hợp tác, đẩy mạnh liên kết chuỗi để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, chú trọng xây dựng và phát triển thương hiệu.. Đồng thời, có thể tìm kiếm các đối tác đầu tư nước ngoài để tận dụng nguồn công nghệ, nguồn vốn cũng như kinh nghiệm của các nước phát triển.
Riêng trong lĩnh vực về xuất khẩu, để phát triển thị phần tại thị trường EU, doanh nghiệp cần có tầm nhìn lâu dài và xây dựng chiến lược đầu tư, kinh doanh cho từng mặt hàng cụ thể, từng thị trường mục tiêu. Doanh nghiệp Việt Nam nên gia tăng các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh; tiếp cận thêm các thị trường mới thông qua các chuỗi siêu thị và các cửa hàng bán lẻ ở các quốc gia mục tiêu khác nhau tại châu Âu; đồng thời lựa chọn phân khúc thị trường và kênh phân phối phù hợp với sản phẩm và quy mô của doanh nghiệp; chú trọng tìm hiểu thị hiếu, đặc trưng thị trường từng nước EU.
Đặt vấn đề trước cơ hội mới của EVFTA ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên Tập báo Người Lao Động chia sẻ, đây là cơ hội lớn để nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường xuất khẩu nói riêng mở rộng thị trường mới, tránh lệ thuộc quá sâu vào một số thị trường quen thuộc.
“Nếu xuất nhập khẩu cứ để lệ thuộc vào một quốc gia khác thì sẽ bất lợi cho nền kinh tế. Vì vậy EVFTA là cửa mở ra rất lớn - là một siêu xa lộ giúp chúng ta phát triển ra ngoài”, ông Tuân nói.
Đi sâu vào việc vận dụng FTA này, ông Tuân đặt vấn đề cho ngành công thương trong việc chuẩn bị các yếu tố về mặt pháp lý để bảo vệ các DN trong nước vốn là nhỏ và siêu nhỏ với khả năng phòng thủ và làm thương hiệu còn yếu.
“Theo tôi ngành công thương nên tiếp tục góp phần tác động cắt giảm các thủ tục để doanh nghiệp đỡ vất vả hơn. Đặc biệt sau covid -19, ngành công thương cần đẩy mạnh gỡ các vướng mắc để doanh nghiệp vực dậy. Mặt khác cần có hỗ trợ về hành lang pháp lý để DN trong nước được trang bị khi ra sân chơi lớn như EU”, ông Tuân nhấn mạnh.
Kết luận tại tọa đàm, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, Bộ Công Thương nghiêm túc tiếp thu, lắng nghe các ý kiến đóng góp và biến các góp ý thành hành động cụ thể.
Truyền thông đóng vai trò lớn trong thành công của các FTA
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đánh giá cao vai trò của truyền thông trong chiến lược tham gia các FTA. Các DN Việt chủ yếu nhỏ và vừa nên việc nắm bắt thông tin và thay đổi còn chậm. Vì vậy, các cơ quan truyền thông nên có những phương pháp chuyển tải thông tin để người dân tiếp cận đa chiều hơn.
Cụ thể, các cơ quan truyền thông cần cung cấp thông tin, giới thiệu những cơ hội, thách thức trong các FTA để doanh nghiệp nắm bắt. Tuyên truyền những câu chuyện thành công, bài học kinh nghiệm của các ngành hàng từ đó thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng bắt kịp nhu cầu của thị trường. Ở đây, vai trò của các cơ quan truyền thông điện tử, truyền hình bằng tiếng nước ngoài cần chuyển tải thêm về những thay đổi tích cực của môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Bộ Trưởng cũng khẳng định sẽ là đầu mối cung cấp thông tin cho báo chí về các FTA để đảm bảo truyền thông chính xác và kịp thời.
Ông Trần Trọng Dũng, Chủ tịch Hội nhà báo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết Hội sẽ thành lập câu lạc bộ các phóng viên, nhà báo chuyên trách lĩnh vực để bám sát và chuyển tải chính xác các thông tin về các FTA.