Linh hoạt mô hình khuyến học, khuyến tài

09:11 04/11/2024

Tháng 2-2024, TPHCM được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là thành viên Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu. Trong bối cảnh hạn chế về cơ sở vật chất và nhân lực, TP Thủ Đức và 21 quận, huyện của TPHCM đã có nhiều nỗ lực để đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

Bà Lê Minh Ngọc (thứ 2 từ trái sang), nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học TPHCM, trao đổi với sinh viên nhận học bổng khuyến học. Ảnh: THU TÂM
Bà Lê Minh Ngọc (thứ 2 từ trái sang), nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học TPHCM, trao đổi với sinh viên nhận học bổng khuyến học. Ảnh: THU TÂM

Nhiều mô hình sáng tạo

Với đặc thù riêng về tình hình kinh tế - xã hội của một huyện ngoại thành, nhiều năm qua, huyện Củ Chi xác định công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao trình độ dân trí, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ mục tiêu phát triển của địa phương.

Theo bà Lê Thị Thùy Trang, Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Củ Chi, nhờ đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài, công tác xóa mù chữ và phổ cập giáo dục các bậc học có nhiều chuyển biến tích cực. Trong đó, mô hình Câu lạc bộ “Cha mẹ tinh thần” là một trong những sáng kiến nổi bật nhằm vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức xã hội và các tầng lớp nhân dân tích cực chăm lo, giúp đỡ học sinh nghèo, cơ nhỡ, mồ côi để các em có thêm niềm tin, động lực tiếp tục đến trường. Qua đó, công tác xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh với nhiều hình thức gây quỹ khuyến học, khuyến tài tại địa phương.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Khuyến học quận 4, cho biết, Hội Khuyến học quận 4 đã tham mưu Ban Tuyên giáo Quận ủy quận 4 phối hợp Phòng GD-ĐT quận 4 triển khai Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030”, trong đó tập trung đẩy mạnh các mô hình “Đơn vị học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Dòng họ học tập”, “Gia đình học tập”… trên địa bàn.

Nhờ sự chủ động, linh hoạt triển khai các hoạt động, đến nay toàn quận có 100% đảng bộ, chi bộ cơ sở có tổ chức Hội Khuyến học; 100% trường học, cơ quan, đơn vị, khu phố có Chi hội Khuyến học với 35.947 hội viên, đạt tỷ lệ hơn 18% tổng số dân. Trong quá trình hoạt động, địa phương phân công vai trò, trách nhiệm cụ thể của từng đơn vị trong công tác liên tịch, tham mưu tổ chức các hoạt động khuyến học, khuyến tài.

Hàng năm, địa phương định kỳ sơ kết, tổng kết, đánh giá hiệu quả của các giải pháp, mô hình mới; tổ chức tuyên dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

Đối với các địa phương đang trong quá trình đô thị hóa, dân số cơ học tăng nhanh do thu hút lực lượng lao động từ các tỉnh, thành phố khác đến làm ăn, sinh sống, mặt bằng dân trí và đời sống vật chất của người dân chưa đồng đều (như quận Bình Tân, quận Tân Phú), do đó việc huy động các nguồn lực xã hội tham gia phong trào khuyến học, khuyến tài gặp nhiều khó khăn.

Để khắc phục tình trạng đó, phong trào tiết kiệm nuôi heo đất khuyến học, mở sổ tiết kiệm khuyến học; trao học bổng khuyến học, khuyến tài, học bổng theo phương thức 1&1 (một mạnh thường quân nhận hỗ trợ một sinh viên khó khăn) đã giúp lan tỏa mạnh mẽ các hoạt động, qua đó đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời.

Phát huy tổng hợp các nguồn lực

Đồng chí Lê Hồng Sơn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, cho rằng, việc TPHCM được công nhận là thành viên Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO vừa là vinh dự vừa là bước ngoặt đặt ra nhiều thách thức mới. Trong đó, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập cần thực hiện sâu rộng hơn, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị trong toàn thành phố.

Trên cơ sở đó, bà Lê Thụy Mỵ Châu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, thông tin, từ nay đến cuối năm 2025, TPHCM hướng đến mục tiêu nâng cao nhận thức của người dân về học tập suốt đời, xây dựng thành phố học tập trong nền kinh tế số.

Hiện nay, Sở GD-ĐT TPHCM đã tham mưu UBND TPHCM hoàn thiện cơ chế, chính sách về xây dựng thành phố học tập, đặc biệt là chính sách hỗ trợ các đơn vị trong việc xây dựng thành phố học tập; tạo điều kiện thuận lợi cho công nhân, người lao động được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, đồng thời hỗ trợ người hết tuổi lao động, người nội trợ, người khuyết tật có điều kiện học tập suốt đời.

Ở góc độ địa phương, TP Thủ Đức và 21 quận, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền qua nhiều kênh thông tin, như cổng thông tin điện tử, bản tin nội bộ, mạng xã hội và các hoạt động phong trào nhằm thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

Ngoài ra, việc phát động hưởng ứng “Tuần lễ học tập suốt đời”, mở rộng các tủ sách di động, hoạt động kể chuyện Bác Hồ tại các cơ quan, đơn vị trường học cũng góp phần nâng cao hiệu quả học tập suốt đời. Cùng với đó, các trung tâm học tập cộng đồng được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, kiện toàn nhân sự để nâng cao chất lượng hoạt động, đảm bảo các trung tâm hoạt động đúng chức năng, hiệu quả, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển trong bối cảnh mới.

Năm học 2024-2025, Hội Khuyến học TPHCM trao học bổng khuyến học cho 318 sinh viên tiêu biểu, trong đó có 77 sinh viên nhận học bổng lần đầu và 241 sinh viên nhận học bổng lần 2, 3, 4, 5, 6, với tổng số tiền hơn 1,6 tỷ đồng.

MINH THƯ/Báo SGGP

Tin cùng chuyên mục