Người dân bớt khổ với lý lịch tư pháp
Cách đây khoảng hơn 1 tháng, khi người dân đến Sở Tư pháp TP.HCM vào khung giờ sau 9 giờ hoặc sau 15 giờ để làm thủ tục yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp (LLTP), đôi khi phải ra về vì không còn số thứ tự. Vì thế, nhiều người phải đi lại nhiều lần và đến thật sớm mới có cơ hội được xếp hàng dài từ ngoài sân Sở Tư pháp để vào lấy số chờ đợi tới lượt nộp hồ sơ. Bên trong sảnh không còn một chỗ ngồi, họ phải ngồi tràn ra ngoài chờ đợi. Công chức Sở Tư pháp phải làm việc cật lực để hướng dẫn hết người này tới người khác không ngừng nghỉ.
Tình trạng quá tải diễn ra thường xuyên nên nhiều đối tượng "cò" trà trộn vào để lợi dụng cơ hội vẽ vời ra nhiều thủ tục như ủy quyền nộp hồ sơ, mục đích để thu tiền khai hộ hồ sơ trực tuyến, có khi lên đến 600.000 đồng/phiếu mà không giúp được gì cho người yêu cầu.
Hôm 6.12, có mặt tại Sở Tư pháp TP.HCM từ rất sớm, phóng viên Thanh Niên nhận thấy đã không còn tình trạng người dân phải ra về vì không lấy được số thứ tự, không còn cảnh phải xếp hàng dài chờ đợi. Bên trong sảnh còn trống rất nhiều chỗ ngồi. Công chức Sở Tư pháp hướng dẫn cũng bớt mệt hơn. "Giờ người dân cứ tới là làm, không còn phải chờ đợi như trước đây, vì rất nhiều người ở nhà làm LLTP trên ứng dụng VNeID rồi", một công chức Sở Tư pháp nói.
Đồng thời, Sở Tư pháp đã bố trí một màn hình lớn đặt ngay sảnh, có clip hướng dẫn người dân thao tác trên ứng dụng VNeID để không cần phải điền vào tờ khai giấy thủ công, hay phải ngồi chờ đợi.
Giờ đây, những người dân đến Sở Tư pháp TP.HCM hầu hết là các bạn trẻ tầm khoảng 20 tuổi chưa từng yêu cầu cấp phiếu LLTP, và những người dân lớn tuổi, lao động phổ thông. Khi hỏi vì sao không ở nhà làm trực tuyến, chúng tôi nhận được câu trả lời "sẵn tiện đi làm ghé nộp trực tiếp luôn; do không để ý việc này nên chưa nắm thông tin".
Ông Nguyễn Văn Tùng (59 tuổi), làm công việc tự do, thấy một số người chạy xe công nghệ, ông cũng tìm hiểu để làm kiếm thêm thu nhập. Loay hoay viết một lúc, ông tiến lại nhờ công chức Sở Tư pháp hướng dẫn cách điền thông tin trên phiếu LLTP để không bị sai sót. Ông ngơ ngác không hiểu làm trên VNeID là gì: "Thấy người ta chỉ tôi đến đây thì tôi làm vậy, chứ không biết gì hết".
Tương tự, em Bùi Khang Thịnh (17 tuổi) được mẹ đưa đến để làm thủ tục yêu cầu cấp phiếu LLTP để đi nước ngoài. Cả Thịnh và mẹ cũng không biết thông tin về việc có thể làm trên VNeID.
Những lợi ích không ngờ từ VNeID
Từ ngày 4.11.2024 đến nay, Sở Tư pháp TP.HCM thực hiện thí điểm cấp phiếu LLTP trên ứng dụng VNeID đối với người dân có tài khoản định danh điện tử mức độ 2. Thông qua làm trực tuyến và trên VNeID, đã có khoảng 7.000 người dân ngồi ở nhà thực hiện trên điện thoại hoặc máy tính chỉ khoảng 5 phút mà không cần đến Sở Tư pháp. Việc này giúp người dân không mất thời gian, công sức phải đến, chờ đợi như trước đây.
Sau hơn 1 tháng triển khai, tính đến ngày 6.12, Sở Tư pháp đã tiếp nhận tổng cộng hơn 16.600 hồ sơ các loại về yêu cầu cấp phiếu LLTP. Trong đó, có hơn 4.700 hồ sơ thực hiện qua ứng dụng VNeID (chiếm tỷ lệ gần 30%) và gần 2.000 hồ sơ làm trực tuyến trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của TP.HCM.
Khi làm trên VNeID, phiếu LLTP được cấp bằng bản điện tử (được ký số bởi người có thẩm quyền và ký số của Sở Tư pháp) có giá trị pháp lý như bản giấy. Ngoài bản điện tử được cấp trên VNeID, người dân có thể chọn nhận thêm bản giấy phiếu LLTP được trả trực tiếp tại bộ phận một cửa, hoặc qua dịch vụ bưu chính.
Phí cung cấp thông tin LLTP là 200.000 đồng/lần/người. Việc thanh toán phí trực tuyến và nhận kết quả là phiếu LLTP điện tử trên ứng dụng VNeID được ký số đảm bảo theo đúng quy định của luật Giao dịch điện tử. Phiếu điện tử có thể sử dụng nhiều lần, nộp ở nhiều doanh nghiệp khác nhau, người dân không phải mất phí đề nghị cấp thêm bản giấy.
Cũng theo Sở Tư pháp TP.HCM, khi thực hiện nộp hồ sơ qua VNeID, để tránh thời gian chờ đợi, đối với trường hợp có ủy quyền, người dân chỉ cần đính kèm các giấy tờ liên quan (như CMND hoặc CCCD hoặc hộ chiếu…) của người được ủy quyền và văn bản ủy quyền, hoặc giấy tờ chứng minh mối quan hệ theo quy định.
Phí cung cấp thông tin LLTP của sinh viên, người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ (gồm cha mẹ đẻ, vợ, chồng, con đẻ, con nuôi, người có công nuôi dưỡng liệt sĩ) là 100.000 đồng/lần/người.
Trường hợp người được cấp phiếu LLTP đề nghị cấp trên 2 phiếu trong một lần yêu cầu, thì kể từ phiếu thứ 3 trở đi, cơ quan cấp thu thêm 5.000 đồng/phiếu.
Những người được miễn phí gồm: trẻ em; người cao tuổi; người khuyết tật; người thuộc hộ nghèo; người cư trú tại các xã đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu theo quy định của pháp luật.
Phiếu LLTP có giá trị chứng minh cá nhân có hoặc không có án tích; bị cấm hay không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị tòa án tuyên bố phá sản.
Theo quy định, phiếu LLTP số 2 chỉ được cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử và cấp theo yêu cầu của cá nhân để biết được nội dung về LLTP của mình.