Sắp xếp, đầu tư phát triển báo chí

09:00 17/12/2024

Nhà nước sẽ có chính sách bảo đảm quyền lợi cho cơ quan báo chí, những người làm báo bị tác động của việc sắp xếp, tinh gọn.

Bên cạnh đó, Nhà nước cũng như chính sách đầu tư nguồn lực để báo chí phát triển.

Ngày 16-12, tại TP Cần Thơ, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT), Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị Báo chí toàn quốc, tổng kết năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.

Doanh thu báo chí sụt giảm

Theo báo cáo của Bộ TT-TT, cả nước có 884 cơ quan báo chí, trong đó có 812 báo, tạp chí và 72 Đài Phát thanh - Truyền hình (PT-TH). Năm 2024, báo in, báo điện tử đạt doanh thu khoảng 8.080 tỉ đồng (giảm khoảng 6,1% so với năm 2023, trong đó quảng cáo giảm 5,6%). Tổng nguồn thu năm 2024 của các Đài PT-TH đạt khoảng 12.524,2 tỉ đồng (tăng 1,7% so với năm 2023). Về hoạt động quảng cáo, trừ một số đài như VTV, Vĩnh Long, HTV..., hầu hết các đài đều không khai thác được hết thời lượng quảng cáo/ngày trên kênh chương trình theo quy định cho phép của Luật Quảng cáo. Có đài, thời lượng quảng cáo trên kênh chỉ đạt vài phút/ngày.

Bộ TT-TT nhận định nguồn thu của các cơ quan báo chí từ quảng cáo, phát hành tiếp tục sụt giảm mạnh. Công nghệ 4.0 phát triển mạnh mẽ đã tạo ra áp lực cạnh tranh rất lớn cho báo chí. Lượng phát hành của báo, tạp chí in giảm mạnh do bạn đọc chuyển sang đọc tin tức trực tuyến miễn phí hoặc qua mạng xã hội. 80% thị phần quảng cáo trực tuyến tập trung vào các nền tảng xuyên biên giới như YouTube, Facebook, TikTok (khoảng hơn 1 tỉ USD), 20% còn lại là các báo điện tử, doanh nghiệp quảng cáo trực tuyến trong nước. Thêm vào đó, các trang tin, trang mạng xã hội cũng thu hút doanh thu quảng cáo khiến quảng cáo dành cho các cơ quan báo chí ngày càng bị thu hẹp.

Ông Bùi Hoàng Phương, Thứ trưởng Bộ TT-TT, cho rằng trong năm 2024, doanh thu báo chí không được tích cực. Điều này thể hiện phần nào khó khăn của các cơ quan báo chí. "Trong năm 2025, Bộ TT-TT tập trung một số nội dung, trong đó là sắp xếp các cơ quan báo chí. Nhiều cơ quan chủ quản đang tập trung triển khai sắp xếp tinh gọn theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW. Theo thông tin sơ bộ mà Cục Báo Chí, Bộ TT-TT nắm được, riêng cơ quan báo chí của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, sau sắp xếp tinh gọn dự kiến giảm 10 tờ báo, 19 tạp chí và 5 đơn vị truyền hình. Hiện nay, cơ quan chủ quản lên kế hoạch sắp xếp tạp chí của các hội, hiệp hội" - Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương thông tin.

Việc sắp xếp này sẽ thay đổi tổ chức, bộ máy, mô hình hoạt động, tôn chỉ, mục đích hoạt động để phù hợp với chức năng nhiệm vụ của cơ quan chủ quản mới. Thứ trưởng Bộ TT-TT đề nghị cơ quan chủ quản sớm triển khai, chủ động, có giải pháp sắp xếp tinh gọn bảo đảm hoạt động hiệu quả, phù hợp với đơn vị của mình; lên phương án lựa chọn lãnh đạo cơ quan báo chí sau khi sắp xếp đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn quy định của Đảng, pháp luật về báo chí.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, cùng lãnh đạo Bộ TT-TT chúc mừng các cơ quan báo chí đạt mức xuất sắc về trưởng thành chuyển đổi số báo chí năm 2024  
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, cùng lãnh đạo Bộ TT-TT chúc mừng các cơ quan báo chí đạt mức xuất sắc về trưởng thành chuyển đổi số báo chí năm 2024  

Quan tâm đến đội ngũ nhà báo

Nhà báo Nguyễn Minh Đức, Tổng Biên tập Báo Hà Nội Mới, cho biết hiện Báo Hà Nội Mới đang được Thành ủy Hà Nội giao nhiệm vụ sáp nhập 3 báo là: Phụ Nữ Thủ Đô, Tuổi Trẻ Thủ Đô và Lao Động Thủ Đô với nhân sự khoảng 150 người. "Chúng tôi đang loay hoay mô hình hợp nhất như thế nào? Đó là chuyển 3 tờ báo trên thành 3 ban của Báo Hà Nội Mới hay trở thành một tổ hợp truyền thông hoặc một tập đoàn báo chí. Chúng tôi đang hoàn thiện một đề án, dự kiến giai đoạn đầu sẽ sáp nhập 3 báo thành 3 ban với nguyên tắc là tiếp tục duy trì tờ báo để giải quyết công ăn việc làm, thực hiện nhiệm vụ chính trị và phục vụ bạn đọc".

Tổng Biên tập Báo Hà Nội Mới đề nghị các bộ, ngành, cơ quan chủ quản cần hỗ trợ về mặt tài chính cho cơ quan báo chí sáp nhập tối thiểu 3 năm để ấn phẩm tiếp tục duy trì xuất bản. Nếu đóng ngay thì công ăn việc làm của cán bộ, phóng viên cũng rất khó khăn. Đồng thời, cần có chính sách giải quyết việc làm cũng như chuyển đổi nghề nghiệp cho cán bộ, phóng viên (nhất là những người trong độ tuổi từ 40-55 tuổi).

Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho hay bộ đang đề xuất với Chính phủ trình Quốc hội đề án sửa đổi Luật Báo chí và dự kiến Quốc hội sẽ thảo luận vào đầu năm 2025. Trong đó có đưa ra khái niệm tổ hợp báo chí truyền thông. Vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị các cơ quan báo chí quan tâm góp ý sửa đổi luật này.

Theo nhà báo Phạm Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, ngoài việc nghiên cứu chấm dứt hoạt động 2 đơn vị thì đài cũng phải giảm đầu mối bên trong hơn 20%. Đài đang đứng trước khó khăn khi xử lý các vấn đề tại Đài Truyền hình VTC. Vì vậy, nhà báo Phạm Mạnh Hùng đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT-TT hỗ trợ, chỉ đạo xử lý những vấn đề về tài chính, chính sách cho cán bộ, phóng viên và người lao động.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định việc thực hiện chủ trương lần này là rất quan trọng, rất cần thiết đối với nền báo chí cách mạng. Không chỉ đơn thuần là việc tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối, giảm số lượng cơ quan báo chí một cách cơ học, mà mục tiêu cao nhất, quan trọng nhất là nâng cao chất lượng, hiệu quả thông tin, tuyên truyền trên báo chí, để mỗi cơ quan báo chí mạnh hơn, để mỗi người làm báo tự tin hơn, yêu, đam mê và nhiệt huyết với nghề nghiệp của mình hơn.

Đảng, Nhà nước sẽ có cơ chế chính sách bảo đảm quyền lợi cho cơ quan báo chí, những người làm báo bị tác động của việc sắp xếp, tinh gọn cũng như chính sách đầu tư nguồn lực để bảo đảm các cơ quan báo chí sau sắp xếp hoạt động ổn định và phát triển. 

Báo chí đa nền tảng, đa dịch vụ, đa phương tiện

Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho rằng để thích ứng với cuộc cách mạng chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ trong tình hình mới, mong rằng thời gian tới báo chí Cần Thơ nói riêng, báo chí cả nước nói chung tiếp tục đẩy mạnh phát triển các sản phẩm báo chí đa nền tảng, đa dịch vụ, đa phương tiện.

Cần ứng dụng dữ liệu lớn và trí thông minh nhân tạo trong hoạt động báo chí, truyền thông, đặc biệt trong các hoạt động sáng tạo các tác phẩm; chú trọng phát triển nguồn nhân lực báo chí vừa "hồng" vừa "chuyên". Bám sát sự phát triển và xu thế của báo chí hiện đại, tập trung vào trang bị kiến thức và kỹ năng chuyên ngành, nâng cao tính chủ động và kỹ năng của nhà báo, góp phần "Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại".

Khẩn trương hợp nhất Ban Tuyên giáo với Ban Dân vận

Cùng ngày, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị Toàn quốc tổng kết công tác tham mưu cấp ủy xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức và các lĩnh vực tuyên giáo năm 2024; triển khai nhiệm vụ năm 2025.

Ông Trần Cẩm Tú, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, yêu cầu ngành tuyên giáo tập trung tham mưu cấp ủy, các cấp lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác chính trị tư tưởng, công tác tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội, tạo sự thống nhất cao trong Đảng và toàn hệ thống chính trị, sự đồng thuận trong nhân dân về chủ trương, mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực, uy tín.

"Đây là nhiệm vụ rất quan trọng được đề cập trong thời gian qua và đã có những thành quả nhất định. Đây là yêu cầu cấp bách và phải làm, làm càng sớm càng có lợi cho dân, cho nước. Tuy nhiên, đây là vấn đề khó, vì liên quan đến tâm tư, tình cảm, nguyên vọng, lợi ích của tổ chức và cá nhân nên đòi hỏi sự quyết tâm chính trị cao nhất trong toàn Đảng và hệ thống chính trị" - ông Trần Cẩm Tú nói.

Bên cạnh đó, ông Trần Cẩm Tú cho rằng ngành tuyên giáo cần làm thật tốt công tác tư tưởng, tuyên truyền góp phần hoàn thành việc tinh gọn, sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị và đấu tranh có hiệu quả trước các quan điểm sai trái của thế lực thù địch, xuyên tạc về chủ trương này.

Song song đó, ngành tuyên giáo cần khẩn trương triển khai việc hợp nhất Ban Tuyên Giáo với Ban Dân vận, tập trung kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy, xây dựng chức năng nhiệm vụ để trình Bộ Chính trị và cấp ủy các cấp. Đồng thời cũng thực hiện công tác tư tưởng, chế độ chính sách đối với cán bộ, Đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong quá trình sắp xếp lại bộ máy.

Ca Linh/Báo NLĐ

Tin cùng chuyên mục