|
Ảnh: VGP/Thành Chung |
Tổng điều tra đầu tiên ứng dụng công nghệ thông tin
Ngày 26/6/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 772/QĐ-TTg về tổ chức Tổng điều tra Dân số và nhà ở (TĐTDS) năm 2019. Đây là cuộc Tổng điều tra dân số lần thứ 5 tại Việt Nam với mục đích thu thập thông tin cơ bản về dân số và nhà ở trên toàn lãnh thổ đất nước. Thông tin về dân số và nhà ở thu thập được từ Tổng điều tra này có ý nghĩa rất quan trọng, phục vụ đánh giá kết quả thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tiếp theo, làm căn cứ để xây dựng chiến lược và các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đặc biệt, cuộc Tổng điều tra năm nay được thực hiện trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, và là cuộc Tổng điều tra đầu tiên ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các công đoạn, quan trọng nhất là công đoạn thu thập thông tin tại địa bàn với hình thức thu thập thông tin chủ yếu điều tra bằng phiếu điện tử trên thiết bị di động. Việc cải tiến này đã đem lại những lợi ích thiết thực trong nâng cao chất lượng số liệu, tăng tính minh bạch và chặt chẽ của quy trình sản xuất thông tin thống kê, rút ngắn thời gian công bố kết quả Tổng điều tra khoảng 1 năm so với Tổng cuộc điều tra dân số và nhà ở năm 2009, ngoài ra còn giảm được kinh phí điều tra thống kê trong dài hạn và phù hợp với xu hướng tổ chức điều tra của thế giới.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Thành Chung.
|
Những con số khả quan
Theo kết quả sơ bộ, tổng dân số của Việt Nam vào thời điểm 0 giờ ngày 01/4/2019 là 96.208.984 người, trong đó dân số nam chiếm % thấp hơn dân số nữ. Cụ thể, dân số nam là 47.881.061 người (chiếm 49,8%) và dân số nữ là 48.327.923 người (chiếm 50,2%). Với kết quả này, Việt Nam đang là quốc gia đông dân thứ 15 trên thế giới và thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á.
Như vậy, sau 10 năm, quy mô dân số Việt Nam đã tăng thêm 10,4 triệu người. Tỷ lệ tăng dân số bình quân năm giai đoạn này là 1,14%/năm, có giảm nhẹ so với giai đoạn 10 năm trước (1,18%/năm). Song vị trí xếp hạng về quy mô dân số của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á vẫn không thay đổi và còn giảm hai bậc so với các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Về mật độ dân số, tại kết quả Sơ bộ Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cho thấy rằng Việt Nam đang là quốc gia có mật độ dân số cao so với các nước trên thế giới và trong khu vực. Cụ thể, năm 2019, mật độ dân số Việt Nam là 290 người/km2, tăng 31 người/km2 so với năm 2009. Nguyên nhân chính khiến mật độ dân số tăng được nhìn nhận là do quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh và rộng khắp các địa phương đã tác động làm gia tăng dân số, chủ yếu ở khu vực thành thị và điển hình là hai thành phố lớn Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.
Cuộc Tổng điều tra dân số năm 2019 cũng đã thu thập đủ thông tin tất cả 54 dân tộc sinh sống trên lãnh thổ của cả nước, trong đó dân tộc Kinh chiếm 85,3% và các dân tộc còn lại chiếm 14,7%. Địa bàn sinh sống chủ yếu của nhóm dân tộc khác chủ yếu ở vùng Trung du và miền núi phía Bắc, vùng Tây Nguyên.
Kết quả Tổng điều tra về hôn nhân và gia đình cũng được thu thập cụ thể. Theo đó, dân số từ 15 tuổi trở lên đã từng kết hôn chiếm 77,5%, dân số có vợ/chồng chiếm 69,2%, dân số có tình trạng “ly hôn”, “ly thân” chiếm 2,1%, dân số góa vợ/chồng chiếm 6,2%. Và tỷ lệ dân số 15 tuổi trở lên chưa từng kết hôn ở khu vực thành thị cao hơn so với khu vực nông thôn là 6,7 điểm phần trăm.
Về giáo dục, theo kết quả sơ bộ Tổng điều tra dân số cho thấy cả nước có 95,8% người dân từ 15 tuổi trở lên biết đọc biết viết, tăng 1,8 điểm phần trăm so với năm 2009. Toàn quốc có khoảng 91,7% dân số trong độ tuổi đi học phổ thông hiện đang đi học, tỷ lệ này của nữ có cao hơn so với nam giới là 1,7%. Đánh giá kết quả này so với 20 năm qua thì tỷ trọng dân số trong độ tuổi đi học phổ thông hiện không đi học đã giảm đáng kể, từ 20,9% năm 1999 xuống còn 16,4% năm 2009 và còn 8,3% năm 2019. Kết quả này cho thấy những cố gắng đáng kể của ngành giáo dục trong việc giảm thiểu số lượng người không đến trường.
Về dân cư và nhà ở, tại kết quả điều tra, chủ yếu các hộ dân cư đều đã có nhà ở và sống trong các loại nhà kiên cố và bán kiên cố; diện tích nhà ở bình quân đầu người tăng lên đáng kể. Cụ thể, tính đến 0 giờ ngày 01/4/2019 cả nước có 26.870.079 hộ dân cư, tăng 4,4 triệu hộ so với năm 2009 với tỷ lệ tăng là 18,0%. Các hộ dân cư có nhà ở kiên cố hoặc bán kiên cố chiếm 93,1%, diện tích nhà ở bình quân đầu người là 23,5m2/người.
|
Ảnh: VGP/Thành Chung. |
Những kết quả trên đây đã cho thấy sự nỗ lực và hiệu quả của nhiều chính sách trong thời gian qua đã được thực hiện tốt. Thành quả này có được là nhờ những Chủ trương, đường lối chính sách và sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chính phủ trong nhiều năm qua; nhờ sự tin tưởng và những nỗ lực không ngừng của mỗi người dân trong công cuộc xây dựng và kiến thiết đất nước.