Dự kiến nhu cầu lao động sau Tết khoảng 55.500 chỗ làm
Theo báo Lao Động, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP. HCM vừa có báo cáo khảo sát tình hình lao động sau Tết Nguyên đán 2025.
Trong đó, dự kiến nhu cầu nhân lực sau Tết tại TP. HCM cần khoảng từ 50.400-55.500 chỗ làm việc. Trong đó, nhu cầu nhân lực tập trung ở khu vực: Thương mại - dịch vụ chiếm 67,57%; Công nghiệp xây dựng chiếm 31,92%; Nông lâm thủy sản chiếm 0,51%; các ngành công nghiệp trọng điểm chiếm 17,18% (Cơ khí chiếm 6,12%, Hóa dược chiếm 5,96%, Chế biến lương thực thực phẩm chiếm 2,84%, Sản xuất hàng điện tử chiếm 2,26%).
Ngành nghề tuyển dụng tập trung cao ở các ngành/nghề: Kinh doanh thương mại; Nhân sự; Hành chính - văn phòng - biên tập và phiên dịch; Cơ khí - tự động hóa; Vận tải, kho bãi, dịch vụ cảng; Kế toán - kiểm toán; Marketing... Nhu cầu tuyển dụng tập trung ở nhóm tuổi từ 27 đến 35 tuổi chiếm 48,77% và dưới 26 tuổi chiếm 28,77%.
Năm 2025, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP. HCM sẽ tiếp tục tổ chức sàn giao dịch việc làm, thực hiện kết nối cung - cầu lao động, tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động; tổ chức triển khai kịp thời chính sách bảo hiểm thất nghiệp, chú trọng công tác kết nối cung - cầu lao động để giúp người lao động quay lại thị trường lao động...
Giá vàng tăng cao trước ngày vía thần tài
Ghi nhận của báo Phụ Nữ TP tại các tiệm vàng, năm nay lượng khách đến mua vàng trước ngày vía thần tài ít hơn so với mọi năm. Mới khoảng 7-8 giờ sáng ngày 5/2, nhưng tiệm vàng Mi Hồng (quận Bình Thạnh) đã bắt đầu có khách ghé mua vàng.
Nhân viên tại đây cho biết, hiện cửa hàng vẫn còn sản phẩm nhẫn trơn 9999, khách có thể mua được 5 chỉ, riêng vàng miếng SJC thì mỗi người chỉ mua được 1 lượng. "So với cùng kỳ năm ngoái, lượng khách mua vàng nhẫn 9999 ít hơn nên hiện sản phẩm mới còn. Năm trước, lượng khách mua đông hơn nên cửa hàng phải giới hạn số lượng bán ra, mỗi khách chỉ mua được 1-2 chỉ vàng" - một nhân viên tại đây nói.
Còn tại Chợ Thiếc (quận 11), sau giờ làm việc, nhiều khách cũng tranh thủ ghé mua vàng. Theo ghi nhận, khách chỉ đông tại một số cửa hàng. Còn ở phần lớn các cửa hàng còn lại thì lượng khách khá vắng
Một chủ tiệm vàng cho cho biết, so với ngày thường, lượng khách đến mua vàng có đông hơn, nhưng so với mùa vía thần tài năm ngoái, lượng khách đến mua đã giảm khoảng 30-40%. Có chủ sạp chia sẻ, cả ngày chỉ mới bán được 3 sản phẩm, trong khi thời điểm này năm trước, mỗi ngày có thể bán được hàng chục sản phẩm. "Có thể do giá vàng tăng quá cao, khách đang chờ đến ngày vía thần tài xem giá vàng có giảm hay không rồi mới quyết định mua" - một chủ sạp thông tin.
Lưu thông 2 chiều từ đường Phạm Văn Nghị tới đường Nguyễn Văn Linh
Báo Pháp Luật TP thông tin, vừa qua nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ đã hoàn tất phần tái lập bề mặt, đảm bảo đi lại cho người dân lưu thông khu vực này. Qua đó, tình trạng kẹt xe, ùn ứ trên đường Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Hữu Thọ đã giảm hẳn.
Tuy nhiên, nhiều người dân trong khu vực cho biết đường Phạm Văn Nghị - Nguyễn Văn Linh chỉ được phép lưu thông một chiều đoạn qua đường Nguyễn Văn Linh, khiến cho các phương tiện từ quận 7 hướng về quận 4 gặp khó khăn khi phải đi đường vòng, ùn ứ ở các giao lộ khác.
Để gỡ vướng vấn đề này, chiều ngày 5/2 Sở GTVT TP.HCM cho biết khu vực đường Phạm Văn Nghị kết nối với Nguyễn Văn Linh trước đó được chủ đầu tư sử dụng để phục vụ công tác hoàn thiện dự án hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ. Tuy nhiên từ 14 giờ chiều nay toàn bộ mặt bằng khu vực đường Phạm Văn Nghị đã được hoàn trả, các phương tiện có thể lưu thông 2 chiều như bình thường.
Việc lưu thông 2 chiều trên đường Phạm Văn Nghị đã giúp các phương tiện di chuyển thuận lợi hơn, giảm ùn ứ. Như vậy, đến lúc này toàn bộ dự án đường Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, quận 7 đã hoàn trả mặt bằng, đảm bảo đi lại cho người dân.
Cửa ngõ phía tây TP.HCM: Các đại dự án đồng loạt triển khai, đi lại thuận tiện hơn
Tuổi Trẻ Online cho hay, các ngày sau Tết, lực lượng chức năng đã có mặt tại các giao lộ để điều tiết giao thông. Trên đường Lê Khả Phiêu (quốc lộ 1), đoạn từ giao lộ Hưng Nhơn đến cầu Bình Điền và tại giao lộ Nguyễn Hữu Trí, Bùi Thanh Khiết... xe cộ đi lại thông suốt.
Để có sự thông suốt này, từ những năm qua, các tuyến cửa ngõ TP.HCM nối Long An hay về các tỉnh miền Tây đã được triển khai, một số đã hoàn thành đưa vào khai thác, từ đó giúp người dân có thêm nhiều lựa chọn đi lại những ngày lễ Tết.
Chẳng hạn như cuối tháng 1 vừa qua, đoạn cao tốc Bến Lức - Long Thành dài 3,4km, từ nút giao Mỹ Yên (Long An) đến đường Lê Khả Phiêu (TP.HCM), đã được thông xe. Sau khi đưa vào khai thác, tuyến đường này đã mở ra hướng đi mới nối cửa ngõ TP.HCM với cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Hiện chủ đầu tư cao tốc Bến Lức - Long Thành đang chuẩn bị đưa vào khai thác đoạn 18,8km tiếp theo, kéo dài từ đường Lê Khả Phiêu đến nút giao Nguyễn Văn Tạo (huyện Nhà Bè, TP.HCM).
Hiện nay, nhiều dự án khơi thông cửa ngõ phía Tây và mở đường về miền Tây cũng đang được gấp rút triển khai. Chẳng hạn như dự án mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận dài 91,8km lên 6-8 làn xe với kinh phí gần 38.700 tỉ đồng cũng đang lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.
Để đồng bộ với việc mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận, TP.HCM đang nghiên cứu để sớm đầu tư mở rộng 2 tuyến nối cao tốc là Tân Tạo - Chợ Đệm và Bình Thuận - Chợ Đệm.
Bên cạnh đó, TP.HCM đang lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án BOT mở rộng quốc lộ 1 từ vòng xoay An Lạc đến ranh Long An với vốn đầu tư hơn 15.000 tỉ đồng. Đoạn này đóng vai trò là trục đường "xương sống" kết nối TP.HCM với các tỉnh miền Tây, có lượng xe qua lại rất lớn.
Chính thức công bố thông tin tuyển sinh lớp 6, lớp 10
Báo Thanh Niên cho biết, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM đã chính thức công bố những nội dung về môn thi lớp 10 và cách thức tuyển sinh lớp 6.
Cụ thể, Sở GD-ĐT thông tin về việc lựa chọn môn thi thứ ba trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 và các tiêu chí xét tuyển THCS năm học 2025 - 2026 như sau: Thời gian thi: Ngày 6-7/6. Số môn thi, bài thi: ba môn thi gồm toán, ngữ văn (120 phút/môn), ngoại ngữ (90 phút).
Thí sinh đăng ký dự thi vào các trường THPT chuyên của thành phố phải dự thi môn thứ tư (môn chuyên) với thời gian 150 phút/môn. Mỗi môn chuyên có một đề thi riêng theo chương trình môn học cấp THCS, nội dung thi bảo đảm tuyển chọn được học sinh có năng khiếu về môn chuyên đó.
Tuyển sinh lớp 6 Trường THCS và THPT Trần Đại Nghĩa và một số trường THCS tại địa phương có thể thực hiện xét tuyển dựa trên kết hợp 2 tiêu chí gồm kết quả rèn luyện, học tập các năm học ở cấp tiểu học và kết quả khảo sát đánh giá năng lực. Trong đó, các trường THCS tại địa phương phải đáp ứng đồng thời 2 yêu cầu: Có số lượng thí sinh đăng ký vượt chỉ tiêu tuyển sinh trong những năm gần đây và được UBND TP.Thủ Đức, quận, huyện đề xuất.
Các trường THCS còn lại thực hiện xét tuyển dựa trên kết quả rèn luyện, học tập ở cấp tiểu học và sử dụng dữ liệu từ bản đồ GIS phục vụ công tác phân bổ học sinh, trong đó khu vực tuyển sinh của các trường do UBND TP.Thủ Đức, quận, huyện quyết định theo tình hình thực tế tại địa phương.
Lo nạn hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, TP.HCM lên phương án phòng chống
UBND TP.HCM vừa ban hành phương án phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2025 trên địa bàn TP. Tin trên báo Dân Việt.
Theo đó, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn là một trong những loại hình thiên tai gây thiệt hại lớn đứng thứ 3 sau lũ lụt và bão mà TP.HCM nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng đặc biệt vào mùa khô từ tháng 1 đến tháng 3 hàng năm.
Phương án đưa ra giải pháp chung bảo đảm cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất như theo dõi chặt chẽ diễn biến, thông tin dự báo khí tượng thủy văn, tình hình xâm nhập mặn, chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô năm 2025.
Tổ chức kiểm tra chặt chẽ nguồn nước, chủ động thực hiện sớm việc nạo vét, các biện pháp tăng cường tích trữ nước trong các ao, hồ, sông, kênh, rạch. Đồng thời, xây dựng kế hoạch cấp nước, cân đối khả năng cung cấp nước phục vụ cho các nhu cầu sử dụng trên địa bàn TP. Trường hợp xảy ra hạn hán, thiếu nước xâm nhập mặn nghiêm trọng cần ưu tiên nguồn nước để cấp nước sinh hoạt cho người dân, chăn nuôi gia súc và tưới cho cây trồng có giá trị kinh tế cao;…
Quảng bá đờn ca tài tử
Báo Người Lao Động thông tin, Trung tâm Văn hóa TP HCM vừa tổng kết và trao giải Trại sáng tác nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam Bộ TP HCM năm 2024.
Với chủ đề sáng tác về TP HCM, về những thành tựu trong 50 năm xây dựng TP HCM sau ngày đất nước thống nhất, ban tổ chức đã chọn ra 25 tác phẩm trao giải, gồm 4 giải A, 8 giải B, 12 giải C và 1 giải ca ra bộ.
Nhiều sáng tác được đánh giá cao như bài vọng cổ nhịp 32 "Đâu phải điều đơn giản" của tác giả Võ Tử Uyên, bài "Thành phố thắm niềm tin" (theo điệu Tây Thi) của tác giả Lâm Hữu Tặng, bài "Vui ngày đại thắng" (điệu "Bát man tấn cống") của Dung Hồ. Tác giả Dung Hồ cũng nhận giải tiết mục ca ra bộ hay với bài "Vui họp mặt" (điệu Cổ bản)…
Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Văn hóa TP HCM Nguyễn Thị Hoài Phượng cho biết trung tâm sẽ tổ chức nhiều chương trình biểu diễn các tác phẩm đoạt giải trong thời gian tới, nhằm lan tỏa đến người dân về thành quả đạt được từ trại sáng tác.
Hương Thảo - Huỳnh Nhung (Tổng hợp)