Tập trung kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm

09:16 13/05/2024

Trước hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm quy mô lớn làm nhiều người nhập viện xảy ra gần đây, Bộ Y tế vừa có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố cả nước; Sở An toàn thực phẩm (ATTP) TPHCM; Ban Quản lý ATTP TP Đà Nẵng và tỉnh Bắc Ninh về việc ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm.

Theo đó, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13-4-2020 của Thủ tướng về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước ATTP trong tình hình mới, trong đó đặc biệt lưu ý, người đứng đầu các cấp phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm pháp luật về ATTP trên địa bàn.

Đồng thời, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị, địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát ATTP, tập trung vào các cơ sở chế biến suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố và cơ sở sản xuất kinh doanh nước uống đóng chai, đóng bình; kiên quyết xử lý nghiêm và đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không bảo đảm điều kiện ATTP và công khai các hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo kịp thời người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng...

Theo Bộ Y tế, tính đến hết tháng 4, cả nước xảy ra 24 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 835 người bị ngộ độc và 3 người tử vong. Đặc biệt từ đầu tháng 5 tới nay, tại khu vực phía Nam đã xảy ra một số vụ ngộ độc thực phẩm làm nhiều người mắc, trong đó riêng tại tỉnh Đồng Nai đã xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm từ một cửa hàng bán bánh mì làm 550 người phải nhập viện.

* Ngày 12-5, Sở Y tế tỉnh Đồng Nai có buổi làm việc với đại diện UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan về tình hình quản lý ATTP đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố.

Theo báo cáo, Đồng Nai hiện có 11.785 cơ sở thực phẩm và trong 4 tháng đầu năm 2024, ngành y tế thực hiện thanh tra, kiểm tra hơn 4.100 cơ sở sản xuất - kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, phát hiện 18 cơ sở vi phạm và xử phạt hơn 196 triệu đồng do không thực hiện quy định về chế độ kiểm thực 3 bước, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP đã hết hiệu lực.

Tại cuộc họp, bác sĩ Trịnh Bửu Lễ, Giám đốc Trung tâm Y tế TP Long Khánh, cho biết, thành phố hiện có 132 cơ sở kinh doanh bánh mì, trong đó 20% cơ sở có giấy phép kinh doanh, còn lại không có giấy phép kinh doanh và sau sự cố 550 người nhập viện, chủ tiệm bánh mì Băng đã thanh toán viện phí cho các bệnh nhân.

Theo bà Võ Thị Ngọc Lắm, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, các đơn vị cần làm tốt công tác tham mưu quản lý, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cơ sở kinh doanh, người dân và thường xuyên thanh tra, kiểm tra công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống trên địa bàn.

KHÁNH NGUYỄN - HOÀNG BẮC/SGGP

Tin cùng chuyên mục