|
Toàn cảnh hội nghị.
|
Theo ông Huỳnh Văn Hùng, Cục trưởng Cục Thống kê TP.HCM, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm nay trên địa bàn TP có nhiều chuyển biến tích cực: Tổng sản phẩm trong nước đạt mức tăng trưởng 7,61%, trong đó thu từ khu vực ngoài Nhà nước tăng 12,5%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng mạnh 19,8%. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới tăng 42,1%. An sinh xã hội được quan tâm thực hiện; năng lực sản xuất của nền kinh tế mở rộng, tạo động lực cho kinh tế TP phát triển trong những tháng cuối năm 2019.
|
Ông Huỳnh Văn Hùng, Cục trưởng Cục Thống kê TP.Hồ Chí Minh thông tin tình hình kinh tế - xã hội TP 6 tháng đầu năm. |
Tại hội nghị, đại diện một số cơ quan báo chí đặt câu hỏi về tình trạng từ đầu năm đến nay, số lượng doanh nghiệp giải thể tăng 71,2% so với cùng kỳ năm trước, đây là con số quá lớn và các doanh nghiệp giải thể tập trung vào lĩnh vực nào? Trong cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ hiện nay, kinh tế Việt Nam sẽ đối mặt với thách thức và cơ hội gì? Tình hình diễn biến dịch tả heo Châu Phi xảy ra trên địa bàn TP…
Trả lời câu hỏi về số lượng doanh nghiệp giải thể tăng đột biến, ông Trần AnhTuấn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP cho biết, trong số 1.960 (tính đến 31/5/2019) doanh nghiệp giải thể thì chủ yếu là doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ, bất động sản… và các doanh nghiệp này đều là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ngoài ra, trong số này cũng có khoảng 2% là doanh nghiệp có số vốn từ 100 tỷ trở lên.
Đại diện Sở Công Thương TP cho biết, trong chiến tranh thương mại Trung - Mỹ, những dòng sản phẩm tiêu dùng như nhựa, cao su, túi xách, đồ gỗ… của Trung Quốc khó xuất sang Mỹ. Điều này có nghĩa các nhà sản xuất sẽ tìm cách để xuất sang các thị trường khác, gây áp lực cho các doanh nghiệp sản xuất cùng ngành hàng của Việt Nam nói chung và TP nói riêng trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, các cơ quan quản lý cần kiểm soát chặt nhãn mác hàng hóa nhập khẩu, mặc dù là hàng nước ngoài nhưng ghi xuất xứ không đúng. Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm của Trung Quốc nằm trong chuỗi toàn cầu, Việt Nam cũng nằm trong chuỗi đó và sẽ bị ảnh hưởng khi sản xuất, xuất khẩu của Trung Quốc bị sụt giảm.
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê phân tích thêm: kinh tế Việt Nam có độ mở rất cao, những động thái kinh tế thế giới ảnh hưởng rất lớn đến Việt Nam, nhất là chiến tranh thương mại Trung – Mỹ. Nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại điều này sẽ dẫn đến chiến tranh tiền tệ giữa hai bên, dẫn đến nhiều cơ hội cũng như thách thức đối với Việt Nam. Về cơ hội: Việt Nam với môi trường chính trị - xã hội ổn định sẽ là nơi thu hút đầu tư hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài; hàng hóa của Việt Nam sẽ gặp thuận lợi trong xuất khẩu, đặc biệt là sang thị trường Mỹ; đồng thời, khi đồng Nhân dân tệ giảm giá, các doanh nghiệp Việt Nam sử dụng nguyên liệu từ Trung Quốc có giá thành sản xuất thấp hơn.
|
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm phát biểu tại hội nghị. |
Mặc dù vậy, kinh tế Việt Nam cũng phải đứng trước một số thách thức, như: khi xuất khẩu sang Mỹ gặp khó khăn, Trung Quốc chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường khác và đẩy mạnh tiêu dùng nội địa, điều này gây áp lực lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam cả với việc xuất khẩu sang Trung Quốc cũng như cạnh tranh với hang nhập khẩu ở thị trường nội địa. Đồng thời, hàng Việt Nam cũng phải đối mặt với các hoạt động gian lận thương mại của các đối tượng chuyển hàng từ Trung Quốc vào Việt Nam, ảnh hưởng lớn tới hàng hóa Việt Nam
Ngoài ra, ông Lâm cũng cung cấp thêm thông tin, khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực, hàng Việt Nam xuất khẩu vào châu Âu có thể tăng 20%. Nhưng, dự kiến thời gian sớm nhất thì cuối năm 2019 Hiệp định này mới có hiệu lực. Để chuẩn bị chủ động nắm bắt cơ hội hội, doanh nghiệp cần nắm rõ những nhóm ngành hàng xuất sang châu Âu tốt là: Nông sản, thực phẩm và dệt may…
TRUNG TÂM BÁO CHÍ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH