Thị trường bán lẻ: Doanh nghiệp Việt cần nâng sức cạnh tranh

11:08 25/05/2021

Quá trình phát triển kênh phân phối hiện đại, các doanh nghiệp (DN) trong nước đang để khá nhiều phân khúc, loại hình kinh doanh về tay DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). 

Các nhà bán lẻ trong nước mới chỉ đầu tư, khai thác lợi thế “người trong nhà” trong việc phát triển chuỗi các siêu thị đa ngành, các cửa hàng tiện lợi chuyên về thực phẩm giống như mô hình chợ truyền thống. Trong khi đó, đối với nhiều thị phần tiềm năng, màu mỡ, DN Việt lại đứng ngoài cuộc chơi. Cho nên, vấn đề đặt ra là DN Việt phải làm thế nào để nâng sức cạnh tranh, giữ thị phần…

Hàng hóa dồi dào tại siêu thị Aeon Mall, quận Bình Tân, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
Hàng hóa dồi dào tại siêu thị Aeon Mall, quận Bình Tân, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Hàng đồng giá: Đa dạng, dễ lựa chọn

Những năm gần đây, đã có sự đổ bộ của hàng loạt thương hiệu, loại hình kinh doanh mới vào Việt Nam. Năm 2008, lần đầu tiên người tiêu dùng làm quen với cửa hàng bán hàng đồng giá Daiso - chuỗi cửa hàng đồng giá nổi tiếng của Nhật Bản. Daiso phục vụ các món đồ dùng nhỏ trong gia đình như dụng cụ bàn ăn, thức ăn nuôi cá, vật dụng làm vườn, chăm sóc thú nuôi, đồ làm bếp... với giá 40.000 đồng/sản phẩm, và chỉ 30%-40% hàng hóa có nguồn gốc Nhật Bản, song vẫn thu hút lượng khách nhất định.

Sau Daiso, có thể kể đến các thương hiệu khác như Miniso, Hachi Hachi và tân binh mới nhất là Komonoya do Tập đoàn Central Group - Thái Lan nhượng quyền từ Nhật, đưa vào khai thác ở Việt Nam. Đặc điểm chung của các chuỗi cửa hàng đồng giá là đều chọn các vị trí đắc địa nhất để mở cửa hàng. Trung bình mỗi cửa hàng đồng giá bán khoảng 3.000-5.000 sản phẩm, lúc cao điểm nhập hàng có thể lên đến 10.000 sản phẩm với mức giá duy nhất. Các chuỗi đều thực hiện các chiến lược kinh doanh rất bài bản, thương hiệu được chăm chút, hàng hóa đa dạng, có phong cách riêng...

Theo đại diện Daiso Việt Nam, chiến lược của chuỗi này là lựa chọn sản phẩm theo nguyên lý 10% lượng hàng có giá trị bằng hoặc lớn hơn giá bán, 90% mặt hàng có giá vốn thấp hơn giá trong cửa hàng. Tức là chấp nhận lỗ trên 10% sản phẩm để thu lãi từ doanh số bán 90% còn lại. Cùng với đó là chiến lược gia tăng số lượng cửa hàng để thu lợi trên doanh số lớn.

Tương tự, tại Miniso, gần 100% hàng hóa được cho là thiết kế bởi người Nhật nhưng sản xuất tại Trung Quốc. Miniso vốn là thương hiệu được sáng lập bởi nhà thiết kế Nhật Bản Miyake Jyunya và nhà điều hành Trung Quốc Ye Guofu, nên hàng hóa của Miniso được đánh giá là có đặc thù riêng, nhiều mặt hàng có chất lượng khá…

Theo khảo sát nhanh của chúng tôi, hàng hóa có xuất xứ Việt Nam chiếm tỷ lệ rất nhỏ tại các chuỗi cửa hàng đồng giá.

Mỹ phẩm và chăm sóc sức khỏe: Mảnh đất màu mỡ

Nếu ở lĩnh vực kinh doanh đồng giá, các thương hiệu vừa nêu đang làm chủ thị trường thì trong lãnh địa của hàng mỹ phẩm và chăm sóc sức khỏe, bên cạnh những thương hiệu cũ như Guardian (thuộc Tập đoàn Dairy Farm), Beauty Box (Hàn Quốc) cũng xuất hiện thêm nhiều tên tuổi mới như Watsons (Hồng Công), Matsumoto Kiyoshi (Nhật Bản)… Trong đó, Matsumoto Kiyoshi - chuỗi bán lẻ mỹ phẩm “già cỗi” từ Nhật Bản đã trở thành tân binh tại Việt Nam với cửa hàng đầu tiên đặt tại Trung tâm thương mại Vincom Center Đồng Khởi.

Khu bày bán mỹ phẩm tại Trung tâm thương mại Vincom Center Đồng Khởi. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Khu bày bán mỹ phẩm tại Trung tâm thương mại Vincom Center Đồng Khởi. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Việt Nam là thị trường bên ngoài thứ 3 trong chiến lược mở rộng của Matsumoto Kiyoshi (sau Thái Lan, Đài Loan). Ông Hiroki Miyaoka, Giám đốc điều hành Matsumoto Kiyoshi Việt Nam, cho hay, trong 5 năm tới, Matsumoto Kiyoshi có thể mở thêm 10-15 cửa hàng, thậm chí sẽ nhanh chóng có hàng trăm cửa hàng khắp Việt Nam.

Trước khi Matsumoto Kiyoshi vào Việt Nam, Watsons cũng khai trương cửa hàng thứ 3 tại Vincom Thủ Đức để đón đầu nhu cầu dùng mỹ phẩm và chăm sóc sức khỏe tăng cao của người Việt, đặc biệt là nữ giới. Watsons phân phối hàng ngàn sản phẩm từ các thương hiệu nổi tiếng thế giới như Natio, Anessa, Paula’s Choice, DHC, Vichy, InnerB…; và cũng có những sản phẩm độc quyền của nhiều nhà bán lẻ tên tuổi, phù hợp với xu hướng làm đẹp cùng nhu cầu của người Việt.

Khai trương cửa hàng đầu tiên tại TPHCM năm 2011, là thương hiệu bán lẻ chuỗi cửa hàng mỹ phẩm và chăm sóc sức khỏe vào Việt Nam sớm nhất, đến nay Guardian hiện có khoảng 100 cửa hàng ở nhiều địa phương.

Số liệu từ một số tập đoàn nghiên cứu thị trường cho thấy, thị trường mỹ phẩm Việt Nam có quy mô khá lớn, khoảng 2,3 tỷ USD (tính đến cuối năm 2018), nhưng chủ yếu hoạt động theo mô hình bán lẻ truyền thống và đang thiếu vắng các chuỗi bán lẻ hiện đại. Mô hình chuỗi cửa hàng bán lẻ sản phẩm chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp không còn là khái niệm quá mới mẻ, nhưng chưa thực sự phổ biến tại Việt Nam. So với sự lớn mạnh và thành công của mô hình này trên thế giới, thì thị trường Việt Nam vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển. Với mức tăng trưởng 56%/năm của thị trường mỹ phẩm, thực phẩm chức năng cho thấy, đông đảo người Việt, đặc biệt là phụ nữ, ngày càng quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp từ bên trong. 

Giới đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực mỹ phẩm đều đánh giá, thị trường Việt Nam vô cùng tiềm năng. Mặt khác, Việt Nam đang ở trong giai đoạn dân số vàng, tầng lớp trung lưu đang tăng nhanh tại các thành phố lớn, nhu cầu sử dụng hàng chất lượng tốt rất cao và người tiêu dùng có tâm lý thích đồ ngoại… là những điểm cộng cho các nhà đầu tư tăng tốc mở điểm bán tại Việt Nam.

Cần chủ động liên kết 

Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, quá trình hội nhập và mở cửa thị trường đã thúc đẩy ngành bán lẻ của Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng bước vào giai đoạn cạnh tranh gay gắt. Sự chuyển dịch trong cơ cấu bán lẻ Việt Nam từ loại hình thương mại truyền thống sang hiện đại đang diễn ra sâu sắc. Hoạt động mua bán và sáp nhập giữa các nhà bán lẻ trong và ngoài nước đang làm thay đổi cấu trúc, cục diện của ngành bán lẻ.

Trong bối cảnh đó, DN bán lẻ trong nước vẫn còn rất non trẻ so với các tập đoàn nước ngoài đã có hàng trăm năm kinh nghiệm, vì vậy họ có nhiều lợi thế khai thác thị trường trên hầu hết các lĩnh vực phân phối là điều dễ hiểu. Để định vị thị trường, từ năm 2018, TPHCM đã phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành thương mại thành phố đến năm 2025-2030, với một số mục tiêu cơ bản như: TPHCM sẽ trở thành một trong những trung tâm thương mại, dịch vụ, tài chính quan trọng ở khu vực Đông Nam Á; tỷ trọng bán lẻ theo các hình thức phân phối hiện đại đến năm 2025 đạt tối thiểu 50%, năm 2030 đạt 60%. Quy hoạch phát triển ngành thương mại thành phố dựa trên 4 lĩnh vực cốt lõi gồm xuất khẩu, hậu cần (logistics), hội chợ triển lãm và lĩnh vực bán buôn, bán lẻ. Đây sẽ là nền tảng cho các nhà bán lẻ, DN đề ra chiến lược phát triển phù hợp, gắn với định hướng phát triển của thành phố trong dài hạn trên cơ sở xác định các thế mạnh, cơ hội và thách thức.

Để triển khai thành công các mục tiêu đề ra, cần có sự phân vai cụ thể; đó là nhà nước đã và đang triển khai các nhóm giải pháp về phát triển hạ tầng thương mại, dịch vụ hỗ trợ thương mại, nguồn vốn, đào tạo nhân lực và nâng cao chất lượng quản lý. Dự kiến, trong năm 2021, TPHCM sẽ thành lập Hội Doanh nghiệp bán lẻ TPHCM với mục đích làm cầu nối giữa các DN, chia sẻ thông tin, nguồn nhân lực trong lĩnh vực...

Với mỗi DN là chủ thể thực hiện, ông Nguyễn Nguyên Phương cho rằng, phải chủ động nâng sức cạnh tranh của chính mình, cần có sự liên kết chặt chẽ, tận dụng tốt thế mạnh của nhau mới tạo thành sức mạnh tổng hòa, từ đó khai thác có hiệu quả những phân khúc thị trường có lợi thế như phát triển chuỗi các siêu thị đa ngành, chuỗi cửa hàng tiện lợi chuyên về lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu; đồng thời phát triển chuỗi cửa hàng tiện ích, tiện lợi phục vụ từng khu dân cư, từng khu vực thị trường. Liên kết chuỗi sản xuất - cung ứng thật chắc chắn trên thị trường nội địa cũng là vấn đề cấp bách. Nếu không có nền sản xuất nội địa tốt thì khó có cơ hội phát triển trên thị trường bán lẻ và cạnh tranh với DN ngoại. Cần tạo ra liên kết vùng, liên kết sản xuất - phân phối, phân phối - phân phối, bán buôn - bán lẻ sẽ giúp giảm giá thành, và hàng sản xuất được đảm bảo về nguồn đầu ra, tránh tình trạng lãng phí.

Thực tế cho thấy, làn sóng các DN FDI tăng tốc vào Việt Nam mở ra nhiều cơ hội cho người tiêu dùng tiếp cận với các sản phẩm vốn không phải là thế mạnh của DN trong nước. Tuy nhiên, với chuỗi cửa hàng đồng giá, bày bán chủ yếu là những sản phẩm tiêu dùng thông thường cho thấy, hàng Việt và nhà phân phối Việt đang đứng ngoài cuộc chơi, bởi khi đặt chân vào Việt Nam, chắc chắn họ sẽ ưu tiên cho các đối tác sẵn có của mình. Đây cũng chính là điểm yếu của DN Việt ngay trên sân nhà. Mở cửa thị trường, ai làm chủ hệ thống phân phối sẽ có quyền quyết định tới sản xuất. Sức nóng từ hội nhập sẽ ngày càng gay gắt nếu các DN trong nước không nhạy bén hơn trong sản xuất và kinh doanh, nhiều nguy cơ Việt Nam sẽ trở thành “vùng trũng” tiêu thụ sản phẩm của các nước.

THÚY HẢI/SGGP

Tin cùng chuyên mục