Thị trường nội địa: Nhiều tiềm năng

10:27 11/01/2021

Bất chấp dịch bệnh, doanh thu bán lẻ của TPHCM năm 2020 ước đạt 759.714 tỷ đồng, tăng 11,9% so với cùng kỳ. Theo dự báo, trong năm 2021, hoạt động bán lẻ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, còn rất nhiều tiềm năng cho doanh nghiệp (DN) khai thác.

Người tiêu dùng chọn mua hàng hóa tại siêu thị ở TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
Người tiêu dùng chọn mua hàng hóa tại siêu thị ở TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Bệ đỡ vững chắc 

Từ nhiều năm qua, mỗi khi DN gặp khó ở bất kỳ thị trường xuất khẩu nào, thì việc “quay về” với thị trường trong nước luôn là hướng đi hiệu quả và khôn khéo. Nói cách khác, thị trường nội địa với 100 triệu dân chính là “bệ đỡ”, là điểm tựa vững chắc cho các DN. Điển hình như Công ty cổ phần Thủy sản An Giang (Agifish), sau nhiều năm miệt mài tập trung cho xuất khẩu, đến năm 2002, mặt hàng này bị kiện chống bán phá giá tại Mỹ khiến DN này rơi vào bế tắc. Để duy trì sản xuất, Agifish đã quay sang nghiên cứu thị hiếu tiêu dùng trong nước và đưa ra thị trường những sản phẩm phù hợp. Với 38 sản phẩm đầu tiên, chủ lực cung ứng cho người tiêu dùng trong nước như bánh phồng basa, khô basa ăn liền… dán đăng ký độc quyền của Agifish, đưa vào các siêu thị từ Cần Thơ đến TPHCM đã nhận được ủng hộ của nhiều người tiêu dùng, trở thành một hiện tượng về sự quay lại với “sân nhà” thành công chỉ trong một thời gian rất ngắn. 

Trong định hướng phát triển sản xuất kinh doanh, Công ty Saigon Food nổi lên là một trong những DN thành công khi quay về nội địa. Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng Giám đốc Saigon Food (SGF), cho biết, do đặc thù sản xuất hàng thủy hải sản đông lạnh để xuất khẩu (chiếm 70%) và tiêu thụ nội địa (30%) nên ngay từ đầu, SGF chủ yếu phát triển theo kênh phân phối hiện đại do phải có công cụ và điều kiện để bảo quản như tủ đông. Đến năm 2011, công ty đổi tên từ S.G Fisco (tên trước đây) thành Saigon Food. Khi thay “từ Fish sang Food”, công ty xác định bắt đầu mở rộng sản phẩm lẫn kênh phân phối nội địa. Trước đây, do tập trung phân phối kênh hiện đại nên SGF chỉ chú trọng dòng sản phẩm thủy sản đông lạnh, nay có thêm hàng hóa bảo quản ở nhiệt độ thường nên phù hợp với kênh tạp hóa và cửa hàng. Theo nhận định của bà Thanh Lâm, thị trường nội địa với hơn 5.000 điểm bán ở kênh truyền thống mà SGF gây dựng đã trở thành nơi tiêu thụ hàng chủ lực, là điểm tựa vững chắc cho DN.

Gần đây, Tập đoàn Minh Phú đã chọn hướng quay về thị trường nội địa khi dịch Covid-19 tác động mạnh đến hoạt động xuất khẩu. Từ một DN chuyên làm hàng xuất khẩu với thương hiệu đã chinh phục người tiêu dùng ở nhiều thị trường như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Đông,… Minh Phú đã quyết định quay về thị trường nội địa bằng hàng loạt những sản phẩm thủy sản thế mạnh được chế biến riêng phù hợp với người tiêu dùng Việt Nam. Đại diện của Minh Phú cho rằng, DN có lợi thế hiểu thị trường, hiểu văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam hơn nên có nhiều cơ hội để cạnh tranh với hàng hóa nước ngoài. Đây là cơ hội để hàng Việt Nam chiếm lĩnh thị trường.

Mua sắm tại siêu thị Aeon Bình Tân, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
Mua sắm tại siêu thị Aeon Bình Tân, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Tiềm năng rộng mở

Kể từ khi gia nhập WTO, Việt Nam luôn nằm trong tốp thị trường bán lẻ có tiềm năng nhất thế giới vì nhiều lý do. Không chỉ thu hút các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bán lẻ mà nhiều tập đoàn sản xuất cũng chạy đua vào Việt Nam, dưới nhiều hình thức trực tiếp đầu tư nhà máy hoặc thông qua các thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A). Các DN sản xuất trong nước cũng tăng tốc nghiên cứu, đầu tư để chinh phục thị trường nội địa. 

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), thị trường nội địa đang phát triển có thể bổ sung một phần hoặc thậm chí đối trọng với thị trường nước ngoài. Đến nay, gần 1/6 dân số Việt Nam đã gia nhập tầng lớp trung lưu toàn cầu với chi tiêu bình quân đầu người hơn 15 USD/ngày. Với tốc độ hiện tại, mỗi năm sẽ có thêm 1 triệu người Việt Nam tham gia nhóm này. Sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu và tăng trưởng thu nhập, tiêu dùng nội địa đã trở thành động lực tăng trưởng chính của ngành bán lẻ tại Việt Nam. Động lực cốt lõi này vẫn được duy trì trong giai đoạn vừa qua bất chấp tác động của đại dịch Covid-19. Không chỉ sử dụng các sản phẩm và dịch vụ nhiều hơn mà họ còn đòi hỏi chất lượng hàng hóa, dịch vụ ngày càng tốt hơn.

Thực tế, từ đầu năm đến nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa là một trong số ít các chỉ tiêu vĩ mô duy trì được sự tăng trưởng ổn định. Năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước đạt 5.059,7 ngàn tỷ đồng, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, bán buôn và bán lẻ hàng hóa duy trì đà tăng trưởng khá cao đạt 5,53%, trở thành lực đẩy quan trọng cho tăng trưởng thị trường nội địa, đồng thời đóng góp 0,61 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP cả nước trong năm 2020.   

Theo các chuyên gia, sự ngăn chặn thành công dịch bệnh của Việt Nam là yếu tố giúp doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ năm 2020 phục hồi tăng trưởng, đạt mức 9%. Tính toán của Bộ Công thương, nếu tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng 9%-9,5%/năm giai đoạn 2020-2025 thì đến năm 2025, giá trị gia tăng của ngành thương mại trong nước sẽ đóng góp khoảng 13,5% GDP, tổng giá trị bán lẻ ước tính 350 tỷ USD vào năm 2025, gấp 1,6 lần so với năm 2020.

Ở góc độ DN, năm 2020 là một năm đầy khó khăn, thách thức song cũng là cơ hội cho DN thay đổi tầm nhìn và phương thức kinh doanh. Ông Phan Văn Dũng, Phó Tổng giám đốc Công ty Vissan, chia sẻ, năm 2020 đã tạo lực đẩy cho Vissan tập trung khai thác và phát triển mạnh thị trường nội địa. Với dân số 100 triệu người thì nhu cầu sử dụng và sức mua hàng hóa là rất lớn. Để khai thác tốt, Vissan không ngừng đưa ra thị trường những sản phẩm phù hợp với khẩu vị, thị hiếu người tiêu dùng, đảm bảo dinh dưỡng và an toàn vệ sinh. Bên cạnh 130.000 điểm bán trên kênh truyền thống, hơn 1.000 siêu thị, cửa hàng tiện lợi và hệ thống hơn 50 cửa hàng giới thiệu sản phẩm trên toàn quốc, Vissan đã hợp tác với các sàn thương mại điện tử như SENDO, NOW, thành lập hotline đặt hàng trực tiếp qua điện thoại, đưa vào sử dụng chuỗi cửa hàng trên dịch vụ đi chợ hộ Lomart… nhằm đa dạng hóa cách bán hàng, đáp ứng tốt nhất nhu cầu mua sắm của người dân; nhờ vậy, Vissan vẫn đảm bảo tăng trưởng doanh thu.

Việc các DN tập trung nhiều hơn cho thị trường nội địa là tín hiệu vui. Về tổng thể, đây là cơ sở để tạo tính tự chủ cho hàng hóa Việt Nam ngay trên sân nhà, các DN làm chủ được thị trường, giảm nguy cơ trở thành ‘vùng trũng” trong tiêu thụ hàng hóa từ bên ngoài trong tiến trình hội nhập, mở cửa thị trường.

THÚY HẢI/SGGP

Tin cùng chuyên mục