Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. HCM ngày 24/2/2025

09:52 24/02/2025

Trung tâm Báo chí Thành phố tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TP. HCM trên các báo ra ngày 24/2:

Thủ tướng trao Huân chương Lao động hạng Nhất tặng Đại học QG TP.HCM

Sáng 23/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Đại học Quốc gia (ĐHQG) TP.HCM (27/1/1995 – 27/1/2025). Tin trên ZNews. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao Huân chương Lao động hạng Nhất của Chủ tịch nước tặng ĐHQG TP.HCM. Ảnh: Ngô Tùng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao Huân chương Lao động hạng Nhất của Chủ tịch nước tặng ĐHQG TP.HCM. Ảnh: Ngô Tùng.

Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG TP.HCM, khẳng định 3 thập kỷ đã qua, ĐHQG TP.HCM đã không ngừng lớn mạnh và khẳng định vị thế của mình trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam và trên bản đồ giáo dục đại học của khu vực và thế giới.

Trong 30 năm qua, đóng góp lớn nhất của ĐHQG TP.HCM là đã đào tạo và cung cấp gần 400.000 cử nhân, kỹ sư, kiến trúc sư, bác sĩ, dược sĩ, thạc sĩ, tiến sĩ; là cái nôi đào tạo, cung cấp nguồn cán bộ cấp chiến lược cho đất nước, trong đó nhiều lãnh đạo giữ vị trí quan trọng của Đảng, Nhà nước. Nhiều doanh nhân thành đạt, nhà khoa học đầu ngành, có uy tín trong và ngoài nước đã trưởng thành từ đây.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho ĐHQG TP.HCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương và nhiệt liệt chúc mừng những kết quả đáng tự hào mà tập thể thầy và trò đã đạt được trong 30 năm qua, góp phần vào thành tựu chung của đất nước.

Du lịch TP.HCM tăng trưởng mạnh đầu năm

Báo Pháp Luật TP cho hay, Sở Du lịch TP.HCM vừa công bố báo cáo tình hình hoạt động du lịch tháng 2-2025 và kế hoạch triển khai các nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 3. Theo đó, ngành du lịch TP tiếp tục ghi nhận những tín hiệu tích cực với mức tăng trưởng ấn tượng cả về lượng khách lẫn doanh thu du lịch.

TP.HCM sẽ tiếp tục triển khai các kế hoạch ứng dụng công nghệ vào truyền thông quảng bá du lịch. Ảnh: QH
TP.HCM sẽ tiếp tục triển khai các kế hoạch ứng dụng công nghệ vào truyền thông quảng bá du lịch. Ảnh: QH

Trong tháng 2 -2025, TP.HCM đón gần 551.000 lượt khách quốc tế, tăng hơn 13% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung hai tháng đầu năm, tổng lượng khách quốc tế đạt hơn 1 triệu lượt, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2024, hoàn thành 12% kế hoạch năm 2025.

Khách du lịch nội địa cũng tăng đáng kể, với hơn 2,9 triệu lượt trong tháng 2, tăng khoảng 3% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế hai tháng đầu năm 2025, TP đón gần 5,6 triệu lượt khách nội địa, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2024, đạt 12% kế hoạch năm 2025.

Bên cạnh sự tăng trưởng về lượng khách, doanh thu du lịch cũng đạt kết quả ấn tượng. Riêng trong tháng 2, tổng thu từ du lịch đạt gần 18.900 tỉ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế hai tháng đầu năm, ngành du lịch TP.HCM mang về hơn 37.400 tỉ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2024, đạt 14% kế hoạch năm.

Trong tháng 3, sở tiếp tục đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng, khai thác thế mạnh của TP Thủ Đức và các quận, huyện gắn với các loại hình du lịch phù hợp với từng địa phương.

Bên cạnh đó, TP.HCM sẽ tiếp tục thực hiện kế hoạch phát triển du lịch đường thủy giai đoạn 2023 - 2025, hướng đến việc hoàn thiện sản phẩm du lịch đường thủy trong năm nay nhằm gia tăng doanh thu du lịch.

46.000 lao động ở các KCX-CN TP. HCM được chăm lo Tết

Theo báo Người Lao Động, sáng 23/2, Công đoàn các KCX-CN TP. HCM đã tổng kết hoạt động chăm lo Tết Ất Tỵ 2025. 

Ông Võ Khắc Thái, Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, tặng quà cho công nhân các KCX-CN thành phố dịp Tết Ất Tỵ 2025
Ông Võ Khắc Thái, Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, tặng quà cho công nhân các KCX-CN thành phố dịp Tết Ất Tỵ 2025

Ngoài chương trình "Ngày hội công nhân (CN) - Phiên chợ nghĩa tình" tại 9 KCX-CN, Công đoàn các KCX-CN TP. HCM còn phối hợp với LĐLĐ TP Thủ Đức và các quận, huyện chăm lo cho gần 2.000 CN ở khu lưu trú, nhà trọ có hoàn cảnh khó khăn.

Chương trình "Tết sum vầy - Xuân đoàn kết" đã động viên, tặng quà gần 1.000 gia đình CN không có điều kiện về quê đón Tết. Riêng chương trình "Tấm vé nghĩa tình - Xuân đoàn viên" với 12 chuyến tàu mùa xuân đã đưa 479 gia đình CN từ TP HCM về các tỉnh, thành từ Quảng Bình đến Hà Nội…

Công đoàn còn phối hợp với Ban Quản lý các KCX-CN, Quỹ Hỗ trợ CN thành phố thăm và tặng quà cho 1.135 CN (tổng số tiền gần 2 tỉ đồng) ở các doanh nghiệp không thưởng Tết. Tổng cộng, 46.000 đoàn viên - lao động ở các KCX-CN TP HCM được chăm lo Tết với số tiền gần 36 tỉ đồng.

Trẻ em Việt Nam sắp được tiêm vaccine phòng tay chân miệng

Báo Lao Động cho biết, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC và Substipharm Biologics đã ký kết thống nhất mục tiêu cùng nỗ lực hành động vì sức khỏe cộng đồng, sớm đưa về Việt Nam thêm nhiều vaccine chất lượng cao và an toàn, đặc biệt quan trọng là vaccine phòng ngừa bệnh tay chân miệng do chủng Enterovirus 71 (EV71).

Ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC và ông Hervé Profit, Giám đốc Cấp cao, Công ty Substipharm Biologics (Thụy Sĩ) ký bản ghi nhớ hợp tác, hướng đến nỗ lực sớm đưa vaccine phòng bệnh tay chân miệng về Việt Nam.
Ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC và ông Hervé Profit, Giám đốc Cấp cao, Công ty Substipharm Biologics (Thụy Sĩ) ký bản ghi nhớ hợp tác, hướng đến nỗ lực sớm đưa vaccine phòng bệnh tay chân miệng về Việt Nam.

Đây là chủng virus gây bệnh tay chân miệng nặng nhất. Gần đây, các đợt dịch tay chân miệng lớn tại Việt Nam đều có liên quan đến EV71. Đợt bùng phát bệnh lớn diễn ra gần đây nhất vào năm 2023 có hơn 180.000 trẻ mắc, nhiều ca gặp biến chứng, phải thở máy, lọc máu và 31 ca tử vong.

Vaccine phòng bệnh tay chân miệng được khuyến nghị cho trẻ từ 2 tháng đến dưới 6 tuổi. Kết quả nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí y khoa uy tín hàng đầu thế giới The Lancet cho thấy vaccine an toàn và có hiệu quả bảo vệ cao đến 96,8%, duy trì miễn dịch lâu dài giúp chống lại bệnh tay chân miệng do phân nhóm EV71 lưu hành gần đây ở bất kỳ độ nặng nào. Vaccine phòng bệnh chân tay miệng được sản xuất với công nghệ hiện đại.

Phát biểu tại lễ ký kết, ông Hervé Profit, Giám đốc Cấp cao, Công ty Substipharm Biologics, cho biết quan hệ hợp tác với VNVC là bước tiến quan trọng để Substipharm Biologics mở rộng thêm cơ hội mang về cho Việt Nam thêm nhiều vaccine chất lượng cao bảo vệ sức khỏe cho người dân với nhu cầu ngày càng cao về chất lượng và an toàn.

Mạng lưới xe buýt TP. HCM đang thiếu khoảng 250 tài xế

Do quy định mới, mạng lưới xe buýt TP. HCM đang thiếu khoảng 250 tài xế. Việc choàng gánh, giảm công suất một số tuyến là 2 trong nhiều giải pháp tình thế.

Cùng với sự an toàn, thân thiện, việc tài xế bảo đảm tiêu chuẩn giúp kích thích nhu cầu di chuyển bằng phương tiện công cộng
Cùng với sự an toàn, thân thiện, việc tài xế bảo đảm tiêu chuẩn giúp kích thích nhu cầu di chuyển bằng phương tiện công cộng

Trao đổi với báo NLĐ, ông Nguyễn Duy Khánh, Giám đốc Xí nghiệp Vận tải buýt thuộc SaigonBus, xác nhận khối xe buýt của doanh nghiệp đang thiếu khoảng 50 tài xế do phải nâng hạng theo quy định mới. Xí nghiệp đã tạo điều kiện bằng cách hỗ trợ chi phí để tài xế đào tạo nâng hạng. Ngoài số tài xế chờ nâng hạng thì khó khăn hiện nay là nhiều người lớn tuổi, thiếu bằng cấp về học vấn nên không đủ điều kiện nâng hạng.

Thời gian tài xế được đào tạo để nâng hạng mất chừng 2 tháng. Trong lúc chờ đợi, đơn vị xoay xở, bố trí, điều chuyển tài xế đủ điều kiện lái xe buýt trên 30 chỗ từ các tuyến thưa khách sang bổ trợ tuyến đông khách, điều tài xế xe du lịch sang lái xe buýt.

"Chúng tôi cố gắng bảo đảm 100% công suất tuyến đông khách, riêng tuyến vắng khách sẽ điều chỉnh biểu đồ giờ hoạt động 85% công suất" - ông Khánh cho hay.

Đại diện HTX 19-5 cũng cho biết đơn vị cũng thiếu khoảng 70 tài xế do chờ đào tạo nâng hạng hoặc không đủ bằng cấp về học vấn. Trong thời gian chờ tuyển dụng tài xế mới cũng như chờ tài xế cũ thi nâng hạng, HTX điều chuyển tài xế từ các tuyến khác sang choàng gánh, bảo đảm biểu đồ chạy và ít ảnh hưởng nhất đến việc phục vụ hành khách.

Hàng quán đồng loạt tăng giá sau tết

Chia sẻ với báo Phụ Nữ TP, anh Đức Thịnh (ngụ quận Tân Bình) không khỏi ngạc nhiên khi gần đây giá các món ăn sáng tại khu vực này đều đồng loạt tăng thêm 5.000 đồng mỗi món so với trước tết. Anh Thịnh cho biết sau tết, giá đồ ăn sáng tăng đều 5.000 đồng mỗi món. Giá mới của mì quảng là 35.000 đồng/tô, cơm tấm 40.000 đồng/dĩa, bánh cuốn 25.000 đồng/phần… Hỏi thì người bán cho biết do thịt heo tăng giá quá cao.

Hiện giá thịt heo đang ở mức cao nhất tính từ năm 2020 đến nay - Ảnh: Thanh Hoa (chụp tại chợ Nhật Tảo, quận 10, TPHCM)
Hiện giá thịt heo đang ở mức cao nhất tính từ năm 2020 đến nay.

Tại một số quán ăn trên địa bàn quận Bình Tân, nhiều quán ăn cũng tăng giá thêm 5.000 đồng/phần. Trên các hội nhóm kinh doanh thực phẩm online, nhiều người bán cũng thông báo tăng giá từ 5.000-10.000 đồng/phần so với trước tết. Lý do được đưa ra là giá đầu vào tăng cao.

Hiện giá thịt heo tại các chợ truyền thống dao động từ 120.000-240.000 đồng/kg, là mức cao nhất tính từ năm 2020 đến nay. Tại chợ Bàu Cát (quận Tân Bình, TPHCM), giá sườn non của C.P đang là 240.000 đồng/kg, ba rọi là 200.000 đồng/kg. Tại chợ Nhật Tảo (quận 10, TPHCM), giá sườn non là 200.000 đồng/kg, ba rọi là 180.000 đồng/kg. Theo một tiểu thương tại đây, so với tháng 12/2024, giá thịt heo các loại đã tăng thêm khoảng 20.000-40.000 đồng/kg.

Giá các loại thủy hải sản cũng đang ở mức cao. Hiện giá tôm thẻ là 220.000 đồng/kg, cao hơn khoảng 30.000 đồng so với trước tết. “Thời gian qua, tất cả các nguyên liệu đầu vào để chế biến món ăn đều tăng giá (trừ giá rau tăng ít hơn) nhưng do sức mua yếu nên người kinh doanh không dám tăng giá. Giá thịt, các loại hải sản cao nên người bán phải tăng thì mới có lời” - chị Hằng - chủ quán hủ tíu nam vang trên đường số 2, quận Bình Tân - nói.

Một góc Nhật Bản ẩn mình thú vị giữa lòng phố thị TP.HCM

Trên các con hẻm đường Phạm Viết Chánh (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) có một 'Little Tokyo' thu nhỏ, nơi tái hiện trọn vẹn không gian và nhịp sống Nhật Bản giữa lòng thành phố sôi động.

Các hàng quán phong cách Nhật Bản nằm san sát nhau tại hẻm 40 Phạm Viết Chánh
Các hàng quán phong cách Nhật Bản nằm san sát nhau tại hẻm 40 Phạm Viết Chánh

Báo Thanh Niên đánh giá, không ồn ào, rực rỡ ánh đèn, tiếng nhạc xập xình như phố Tây Bùi Viện hay “Little Tokyo” ở khu Lê Thánh Tôn - Thái Văn Lung (Q.1), phố Nhật Bản thứ 2 của TP.HCM ở đường Phạm Viết Chánh (Q.Bình Thạnh) mang nét trầm lắng, ấm cúng và đầy tinh tế.

Phố Nhật này nằm nép mình trong những con hẻm nhỏ, ẩn khuất sau các chung cư và nhà cao tầng, cách trung tâm Q.1 khoảng 2 km.

Bước vào quán, không khí càng ấm cúng hơn. Những tấm rèm noren, ánh đèn lồng đỏ treo trước cửa cùng dòng chữ Kanji bí ẩn; nhân viên chào khách bằng tiếng Nhật đã tạo nên một nét chấm phá đậm chất xứ Phù Tang giữa lòng phố thị.

Anh Takahashi có thời gian ở phố Nhật Bản thu nhỏ đường Phạm Viết Chánh 2 năm, nói anh rất thích khu vực này vì sự yên tĩnh, an ninh và rất dễ sống. Ngoài ra, anh nói các hàng quán ở đây và ở Nhật có sự tương đồng khoảng 80%. Nên những thực khách xa xứ giống anh có cảm giác như đang ở trên chính quê hương của mình.

Hương Thảo - Huỳnh Nhung (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục