Vành đai 4 đi qua khu vực huyện Củ Chi (TPHCM). Ảnh: Minh Quân
Siêu dự án kết nối 5 tỉnh, thành
Theo quy hoạch, Vành đai 4 TPHCM có tổng chiều dài hơn 200km, đi qua TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Hiện UBND TPHCM đã hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và dự kiến trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư cho đoạn dài gần 160km. Trong đó, đoạn qua Long An có chiều dài lớn nhất với hơn 78km, Đồng Nai 46km, Bà Rịa - Vũng Tàu 18,2km và TPHCM 16,7km. Riêng đoạn đi qua Bình Dương (48km) sẽ được triển khai độc lập theo kế hoạch đầu tư đã được HĐND tỉnh này thông qua.
Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 dự kiến khoảng 122.774 tỉ đồng, trong đó hơn 53.000 tỉ đồng huy động từ khu vực tư nhân theo hình thức đối tác công - tư (PPP), phần còn lại từ ngân sách nhà nước.
Để rút ngắn thời gian triển khai, UBND TPHCM đề xuất nâng tỉ lệ vốn nhà nước trong dự án PPP lên tối đa 70%, thay vì thông thường 50%. Đồng thời, các địa phương sẽ chủ động thẩm định, quyết định đầu tư các dự án thành phần và điều chỉnh quy hoạch theo thẩm quyền Thủ tướng Chính phủ. Các thủ tục cũng được đề xuất tinh giản, bao gồm cơ chế chỉ định thầu với một số gói thầu quan trọng như tư vấn, bồi thường, tái định cư…
Theo kế hoạch, nếu được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, các địa phương sẽ lựa chọn nhà đầu tư trong năm 2025, triển khai giải phóng mặt bằng từ 2025 - 2026. Các dự án thành phần sẽ khởi công từ quý III/2026 và hoàn thành vào năm 2028.
Tuyến xương sống kết nối liên vùng
Theo Giám đốc Sở GTVT TPHCM Trần Quang Lâm, Vành đai 4 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc hình thành mạng lưới giao thông hiện đại, kết nối các trục quốc lộ và cao tốc huyết mạch như TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, TPHCM - Trung Lương, TPHCM - Mộc Bài...
Hiện nay, các phương tiện đi xuyên vùng vẫn phải qua trung tâm TPHCM với tốc độ trung bình chỉ 30 - 40km/h, thậm chí còn thấp hơn khi xảy ra ùn tắc. Khi Vành đai 4 đi vào hoạt động, quãng đường di chuyển sẽ giảm 10 - 15km, thời gian lưu thông rút ngắn từ 30 - 60 phút.
Vành đai 4 không chỉ giúp giảm tải áp lực giao thông cho nội đô, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc phân luồng từ xa. Chẳng hạn, xe từ Bình Dương có thể di chuyển qua huyện Củ Chi, sau đó vào cao tốc TPHCM - Mộc Bài để đến cửa khẩu hoặc theo hướng TPHCM - Trung Lương về Đồng bằng sông Cửu Long. Hàng hóa từ Tây Nguyên cũng có thể đi thẳng đến sân bay Long Thành hoặc cảng Cái Mép - Thị Vải mà không cần vòng qua trung tâm thành phố.
Đặc biệt, tuyến đường này còn giúp tối ưu hóa luồng vận tải hàng hóa từ Campuchia về cảng Hiệp Phước (TPHCM), sau đó kết nối với cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ để xuất khẩu.
Không chỉ có vai trò về giao thông, Vành đai 4 còn mở rộng không gian đô thị, tạo động lực phát triển các khu vực vệ tinh như Nhơn Trạch, Long Thành (Đồng Nai), Đức Hòa, Đức Huệ (Long An), khu đô thị Tây Bắc (Củ Chi, TPHCM) hay các thành phố mới tại Bình Dương.
Tuyến đường này cũng tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội tại các huyện nông thôn như Củ Chi, Nhà Bè (TPHCM), Bến Lức, Cần Giuộc (Long An), cũng như nhiều địa phương khác thuộc Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai và Bình Dương.