Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 01/4/2020

10:43 01/04/2020

Trung tâm Báo chí Thành phố tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TP. Hồ Chí Minh trên các báo ra ngày 01/4/2020:

TP. Hồ Chí Minh chưa xét nghiệm virus SARS-CoV-2 diện rộng

Bộ xét nghiệm virus SARS-CoV-2 (do Học viện Quân y nghiên cứu) - Ảnh: N.Khánh (báo Tuổi Trẻ)
Bộ xét nghiệm virus SARS-CoV-2 (do Học viện Quân y nghiên cứu) - Ảnh: N.Khánh (báo Tuổi Trẻ)

Báo Tuổi Trẻ đưa tin: Theo một lãnh đạo Sở Y tế Thành phố, dù rất muốn sớm được thực hiện xét nghiệm virus SARS-CoV-2 nhanh trên diện rộng, như Hà Nội đã bắt đầu tiến hành, nhưng đến thời điểm hiện tại TP. Hồ Chí Minh chưa thể thực hiện được do chưa đủ số lượng bộ xét nghiệm đạt chuẩn cần thiết.

Một giải pháp được đưa ra để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh là kể từ ngày 30/3 đến 15/4, mọi hành khách vào Thành phố tại sân bay, nhà ga, bến xe, chốt kiểm soát tại các cửa ngõ đường bộ đều phải khai báo y tế, đo thân nhiệt, kiểm tra sức khỏe… Riêng với người nhập cảnh từ ngày 8/3/2020 chưa được cách ly tập trung và người đến từ các tỉnh thành có dịch của Việt Nam theo công bố của Bộ Y tế (Hà Nội, Đà Nẵng, Kiên Giang, Vĩnh Phúc, Bình Thuận, Quảng Ninh…) sẽ lấy mẫu xét nghiệm chẩn đoán Covid-19.

Đồng thời áp dụng cách ly tập trung đối với người đến từ những tỉnh thành có dịch của Việt Nam hoặc người có liên quan đến các ca bệnh xác định (nếu phát hiện được), những người có triệu chứng sốt, ho, khó thở sẽ được đưa ngay vào cơ sở y tế.

Thành phố có thêm một khu công nghệ cao

Theo quyết định điều chỉnh quy hoạch chung cục bộ của Thủ tướng, Thành phố (TP) sẽ có thêm một khu công nghệ cao rộng hơn 166ha tại quận 9. Nội dung này được đăng tải trên báo Tuổi Trẻ.

Quyết định 430 của Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung của TP đến năm 2025 đã thay đổi mục đích sử dụng đất tại Phường Long Phước, quận 9. Đây là cơ sở để TP thành lập khu công nghệ cao 2. Ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc TP, cho biết quyết định 430 chỉ điều chỉnh cục bộ một chi tiết nhỏ trong quyết định 24 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về duyệt quy hoạch chung của TP. 

Việc này để giải quyết một số vướng mắc nhỏ trong quá trình thực hiện quy hoạch chung của TP. Quyết định này không làm thay đổi bản chất của quy hoạch chung năm 2010. Cụ thể, quyết định 430 cho phép TP thay đổi định hướng quy hoạch khu đất du lịch nghỉ dưỡng phát triển mới ở phường Long Phước (quận 9) để bổ sung chức năng khu công nghệ cao (công viên khoa học và công nghệ) rộng hơn 166ha. Đây sẽ là "Khu công nghệ cao 2" của TP.

Vị trí khu công nghệ cao 2 ở quận 9, TP.HCM - Ảnh: Quang Định (báo Tuổi Trẻ)
Vị trí khu công nghệ cao 2 ở quận 9, TP.HCM - Ảnh: Quang Định (báo Tuổi Trẻ)

"Khu công nghệ cao 2" với tính chất là khu vực nghiên cứu, thực nghiệm, chuyển giao và ứng dụng khoa học - công nghệ, liên kết và bổ sung chức năng cho khu công nghệ cao hiện hữu. Đây cũng là cơ sở để nghiên cứu khu đô thị sáng tạo tương tác cao ở phía Đông TP (Quận 2, Quận 9 và Q. Thủ Đức).

Trong thực địa, "Khu công nghệ cao 2" của TP có mặt phía đông giáp rạch Bà Nghiêm, rạch Ván; phía Tây giáp sông Tắc; phía Nam giáp sông Tắc, rạch Đỏ và rạch Bà Nghiêm và phía Bắc giáp sông Tắc.

Dân nộp hồ sơ hành chính qua mạng tăng vọt

TP. Hồ Chí Minh đang trong những ngày cao điểm về dịch COVID-19, ở các công sở, lượng người dân đến trực tiếp giao dịch giảm nhưng giao dịch nộp và giải quyết hồ sơ trực tuyến tăng lên so với trước.

Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại Sở Tư pháp vắng người tới làm thủ tục. (Ảnh chụp chiều 30/3) - Ảnh: Việt Hoa (báo Pháp Luật TPHCM)
Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại Sở Tư pháp vắng người tới làm thủ tục. (Ảnh chụp chiều 30/3) - Ảnh: Việt Hoa (báo Pháp Luật TPHCM)

Ngày 30 và 31/3, trước lệnh cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 16/2020 của Thủ tướng Chính phủ, ghi nhận của báo Pháp Luật TP tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của các quận, huyện và sở, ngành, người dân vẫn đến cơ quan công quyền giao dịch nhưng lượng người giảm hẳn. Thống kê chung của các quận, huyện, lượng người dân đến giao dịch tại bộ phận một cửa giảm 30%-50% so với trước thời điểm bùng phát dịch Covid-19. Người dân đến giao dịch thời điểm này chủ yếu là các lĩnh vực nhà đất, xây dựng, sao y, chứng thực, hộ tịch…

Các quận, huyện cho biết lượng hồ sơ người dân và doanh nghiệp nộp trực tuyến có tăng lên so với trước. Tuy nhiên, tỉ lệ này hiện nay vẫn chưa cao, nhất là tại các quận, huyện ngoại thành như Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ, Củ Chi…

Còn tại quận 1, ông Lâm Ngô Hoàng Anh, Chánh Văn phòng UBND quận cho biết trừ các hồ sơ sao y, chứng thực thì 100% hồ sơ còn lại đều giải quyết trực tuyến trong ba tháng đầu năm 2020. Cụ thể, 41 thủ tục hành chính trong 9 lĩnh vực gồm kinh doanh, hộ tịch, nội vụ, giáo dục đào tạo, xây dựng, hạ tầng kỹ thuật đô thị, y tế, lao động, bản đồ quy hoạch trong ba tháng đầu năm đã giải quyết trực tuyến hơn 3.500 hồ sơ. Trong khi đó, trong cả năm 2019 lượng hồ sơ giao dịch trực tuyến gần 18.000, chiếm khoảng 71%.

Gỡ nút thắt cho thị trường bất động sản Thành phố

Theo phản ánh của Hiệp hội Bất động sản Thành phố, hiện nay, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đang phải trải qua rất nhiều tầng nấc thủ tục trong quá trình triển khai dự án. Đó là nội dung trên báo điện tử Vietnamplus.

Dự án 1 Bis-1 Kép Nguyễn Đình Chiểu có nguồn gốc đất công được chuyển đổi cho doanh nghiệp tư nhân, hiện đang bỏ hoang - Ảnh: Trần Xuân Tình (TTXVN)
Dự án 1 Bis-1 Kép Nguyễn Đình Chiểu có nguồn gốc đất công được chuyển đổi cho doanh nghiệp tư nhân, hiện đang bỏ hoang - Ảnh: Trần Xuân Tình (TTXVN)

Sự chồng chéo của các luật liên quan đến lĩnh vực đất đai, nhà ở, đầu tư, cấp phép, cùng với việc hàng loạt nguyên cán bộ lãnh đạo thành phố dính vòng lao lý do buông lỏng quản lý đất đai và nhiều đợt thanh, kiểm tra trên diện rộng đã khiến không ít dự án bất động sản tại Thành phố “chôn chân,” thị trường suy giảm nguồn cung và tính thanh khoản.

Bước vào những tháng đầu năm 2020, các ngành kinh tế; trong đó, có lĩnh vực bất động sản đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Trước tình hình đó, lãnh đạo Thành phố đã và đang nỗ lực triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhằm xây dựng thị trường bất động sản Thành phố phát triển lành mạnh, bền vững.

Theo đó, Thành phố đã thống nhất nội dung quy trình thực hiện dự án nhà ở đối với chủ đầu tư chưa đảm bảo quyền sử dụng đất ở hợp pháp gồm lập thủ tục quyết định chủ trương đầu tư (bước 1), lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 (bước 2), lập thủ tục giao thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất (bước 3), lập thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính, nộp tiền sử dụng đất (bước 4), lập thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử đụng đất ở (bước 5) và công nhận chủ đầu tư, chấp thuận đầu tư, thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, cấp giấy phép xây dựng, triển khai đầu tư xây dựng (bước 6).

Đối với chủ đầu tư có quyền sử dụng đất hợp pháp thì trải qua 5 bước gồm chấp thuận chủ trương đầu tư (bước 1), công nhận chủ đầu tư (bước 2), trình duyệt đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 (bước 3), chấp thuận đầu tư (bước 4) và thẩm định thiết kế kỹ thuật, thiết kế cơ sở, cấp giấy phép xây dựng, xác định nghĩa vụ tài chính bổ sung do điều chỉnh quy hoạch (bước 5).

Đáng chú ý, Thành phố đã chủ trương thực hiện song song việc xác định nghĩa vụ tài chính bổ sung do điều chỉnh quy hoạch với thực hiện thủ tục thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật và cấp giấy phép xây dựng để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Lan tỏa những điều tốt đẹp

Những ngày qua, với tinh thần cùng cả nước kiểm soát và đẩy lùi dịch Covid-19, cũng xuất phát từ lo ngại việc sử dụng bình rửa tay chung sẽ tăng nguy cơ lây nhiễm virus gây bệnh Covid-19, dưới sự giúp đỡ của thầy Nguyễn Minh Triết (giáo viên môn tin học), nhóm 5 học sinh thuộc CLB Khoa học sáng tạo Trường THCS Cách mạng Tháng Tám, Quận 10 chế tạo ra chiếc máy rửa tay tự động phun dung dịch sát khuẩn.

Theo đó, chiếc máy có tên "Máy phun sát khuẩn tự động" được lên ý tưởng bởi nhóm 5 học sinh thuộc CLB Khoa học sáng tạo của trường. Em Nguyễn Trương Mai Phương - học sinh lớp 9/5, trưởng nhóm CLB Khoa học sáng tạo - giải thích: "Chiếc máy hoạt động nhờ điện với nguyên lý vận hành khá đơn giản, chỉ cần đưa tay lại gần, dung dịch sát khuẩn sẽ tự động xịt ra, giúp làm sạch hiệu quả".

Tính tới thời điểm hiện tại, chiếc máy đã được cải tiến đời F3 với giá thành khoảng 500.000 đồng/chiếc. Nhà trường đã quyết định không giữ bản quyền mà chia sẻ kinh nghiệm làm máy rửa tay tự động này ra cộng đồng. Không chỉ dừng lại là một thiết bị hữu ích, chiếc máy còn là cách thể hiện việc các em sống trách nhiệm với sức khỏe của mình và trách nhiệm với cộng đồng.

Mỗi chai nước mát được làm nên bởi tình yêu thương và lòng biết ơn gửi đến những “chiến sĩ” tuyến đầu làm công tác phòng chống dịch Covid-19/ Ảnh: Nguyễn Việt (báo Người Lao Động)
Mỗi chai nước mát được làm nên bởi tình yêu thương và lòng biết ơn gửi đến những “chiến sĩ” tuyến đầu làm công tác phòng chống dịch Covid-19/ Ảnh: Nguyễn Việt (báo Người Lao Động)

Một câu chuyện tử tế khác, giữa trưa nắng cuối tuần, chiếc xe ba bánh chở sữa chua, nước giải khát đến cổng khu vực cách ly ký túc xá ĐHQG TP. Hồ Chí Minh gửi tặng những người đang làm nhiệm vụ ở đây. 700 hũ sữa chua và 700 chai nước giải nhiệt (nấu từ sả, chanh, gừng) được một nhóm các chị là CNVC đang làm việc tại TP tự chế biến. Một thành viên cho biết,do làm nghiệp dư nên khá vất vả, đổi lại, họ đều rất vui vì đây là tất cả tình yêu thương, công sức và tâm huyết của cả nhóm muốn gửi đến lực lượng đang căng mình phục vụ ở các khu cách ly. Mỗi chai nước mát gửi đi còn được các chị tỉ mỉ dán thêm thông điệp "We love you". Điều thú vị là khi đi in nhãn, chủ quán in biết nước dùng để tặng ở khu cách ly nên không lấy tiền. Đó là những câu chuyện ấm áp giữa đời thường được đăng tải trên báo Người Lao Động.

Sát cánh cùng đoàn viên

Thông tin trên báo Người Lao Động cho biết: Mới đây, được biết Liên đoàn Lao động Thành phố triển khai kế hoạch chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, người lao động (NLĐ) bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, rất nhiều công nhân (CN) tại các doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn trong sản xuất bày tỏ vui mừng. Ông Lê Trần Thanh Hải, Chủ tịch Công đoàn (CĐ) Công ty TNHH Triple Việt Nam (vốn nước ngoài; huyện Củ Chi), bày tỏ: "Thiếu việc làm khiến thu nhập CN giảm sút, do vậy chính sách chăm lo của LĐLĐ Thành phố lúc này là rất cần thiết, động viên NLĐ vượt qua khó khăn".

Ông Trần Đoàn Trung, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ Thành phố, cho biết công tác chăm lo tập trung vào 3 nội dung: tham gia với người sử dụng lao động giám sát chế độ chính sách pháp luật lao động; hỗ trợ NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; đẩy mạnh thực hiện các chương trình "Phúc lợi cho đoàn viên".

Trong đó, việc chăm lo cho NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh sẽ được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, các cấp CĐ tập trung chăm lo cho cán bộ, đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn gồm: nữ đoàn viên mang thai, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi bị giảm thu nhập và đoàn viên bị mất việc làm do DN thu hẹp sản xuất, ngừng hoạt động, giải thể, phá sản, DN di dời đi nơi khác bởi dịch bệnh Covid-19; đoàn viên (hoặc vợ/chồng/con) bệnh hiểm nghèo bị giảm thu nhập; đoàn viên tại các nghiệp đoàn (NĐ) có hoàn cảnh khó khăn; những đơn vị bị ảnh hưởng dịch bệnh. Ở giai đoạn 2, nếu tình hình dịch bệnh còn kéo dài, sẽ mở rộng đến đối tượng là NLĐ tại các DN có đóng kinh phí CĐ. Mỗi phần quà chăm lo là 1,2 triệu đồng được trích từ kinh phí CĐ.

Ngay trong tháng 3, 742 đoàn viên là giáo viên mầm non bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh tại các quận, huyện đã được hưởng chính sách chăm lo thiết thực này. Tổng kinh phí chăm lo hơn 890 triệu đồng.

Điện lực Thành phố tạm ngừng một số dịch vụ

Báo Sài Gòn Giải Phóng đưa tin: Tổng Công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh (EVNHCMC) vừa thông báo sẽ bảo đảm cung cấp điện ổn định nhưng tạm ngưng một số dịch vụ trong 15 ngày tới.

Những dịch vụ tạm ngưng kể từ ngày 1/4 gồm: cấp điện mới, di dời công tơ, ghi chỉ số tại nhà, thu tiền điện… tại các quầy giao dịch khách hàng của điện lực và các đối tác. Việc khắc phục, xử lý sự cố về điện vẫn thực hiện bình thường. 

Theo EVNHCMC, việc tạm ngưng các dịch vụ kinh doanh điện nhằm tuân thủ Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19. Trong 15 ngày tới, các công ty điện lực bảo đảm duy trì lực lượng trực ca vận hành và xử lý sự cố, để cung cấp điện ổn định, liên tục cho đời sống và sinh hoạt của người dân Thành phố.

Các công ty điện lực trên địa bàn Thành phố vẫn duy trì lực lượng trực ca vận hành, bảo đảm cung cấp điện ổn định. Đối với các yêu cầu khác về điện, EVNHCMC thực hiện tiếp nhận qua các kênh trực tuyến và sẽ giải quyết khi điều kiện cho phép. 

Theo EVNHCMC, trong 15 ngày tới, khi xảy ra sự cố về điện, người dân có thể liên hệ qua tổng đài CSKH 1900.545454 để được hỗ trợ.

Miễn tiền nước cho người nghèo và khu cách ly

Chiều 31/3, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) đã có thông báo sẽ thực hiện miễn tiền sử dụng nước cho các hộ nghèo, cận nghèo và các khu cách ly tập trung phòng dịch Covid-19 trong 3 kỳ (tức 3 tháng).

Nhằm chia sẻ với người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Sawaco sẽ miễn tiền nước cho người nghèo và khu cách ly trong 3 kỳ - Ảnh: báo Sài Gòn Giải Phóng
Nhằm chia sẻ với người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Sawaco sẽ miễn tiền nước cho người nghèo và khu cách ly trong 3 kỳ - Ảnh: báo Sài Gòn Giải Phóng

Theo thông báo của Sawaco, tiền nước sẽ được miễn từ tháng 4 đến tháng 6/2020. Riêng khu cách ly trên địa bàn huyện Củ Chi không được áp dụng do khu vực này đang được Công ty Cổ phần Hạ tầng nước Sài Gòn cung cấp nước.

Đây là chương trình Sawaco hưởng ứng chủ trương của Thành ủy, UBND Thành phố về việc hỗ trợ người lao động đang phải tạm nghỉ việc để phòng chống dịch bệnh tại phiên họp HĐND Thành phố ngày 27/3 vừa qua và chung tay cùng Thành phố đảm bảo an sinh xã hội, đồng hành cùng nhân dân ứng phó dịch Covid-19.

Bên cạnh miễn tiền nước cho các đối tượng trên, Sawaco cam kết luôn đảm bảo cấp nước an toàn, liên tục, ổn định cho nhân dân Thành phố, đặc biệt trong mùa khô, hạn mặn và giai đoạn quyết liệt phòng chống dịch Covid-19. Thông tin này cũng được đăng tải trên báo Sài Gòn Giải Phóng.

Thanh Hà

Tin cùng chuyên mục