Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 01/9/2020

10:43 01/09/2020

Trung tâm Báo chí tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TP. Hồ Chí Minh trên các báo ra ngày 01/9/2020:

1290 khách hàng đã mua Pate Minh Chay không nên sử dụng, chờ thu hồi

Trao đổi với báo Lao Động, bà Phạm Khánh Phong Lan (Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM) thông tin, đơn vị vừa xác minh được 1.290 khách hàng tại TP có mua sản phẩm Pate Minh Chay trong tháng 7 và 8/2020 thông qua mạng. Ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM đã khẩn cấp liên lạc với từng khách hàng để khuyến cáo không được sử dụng trong thời gian chờ thu hồi.

"Cùng với đó, đơn vị cũng rà soát các cửa hàng, điểm kinh doanh nhỏ lẻ để kiểm tra xem thực phẩm pate này còn ngoài thị trường hay không. Trong thời gian này, người dân tạm ngưng dùng sản phẩm này để tránh bị ngộ độc" - bà Phong Lan nói. 

Sản phẩm pate Minh Chay của Công ty TNHH hai thành viên Lối sống mới
Sản phẩm pate Minh Chay của Công ty TNHH hai thành viên Lối sống mới

Theo Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP, có tất cả 13 sản phẩm của Công ty TNHH hai thành viên Lối sống mới đang lưu hành trên thị trường.

Các sản phẩm gồm patê Minh Chay, patê nấm hầu thủ, ruốc nấm Heri vị hảo hạng, muối vừng bát bảo đặc biệt, ruốc nấm Heri Hương thảo mộc, giò lụa lúa mì, muối lạc truyền thống, chả quế lúa mì, muối vừng bát bảo, giò nấm lúa mì, ruốc nấm truyền thống, ruốc nấm sả ớt, ruốc nấm cháy tỏi.

Giám sát hơn 13 ngàn mẫu thực phẩm

Báo Pháp Luật TP cho hay, với mục đích phát hiện và đánh giá mức độ an toàn thực phẩm (ATTP) của thực phẩm được sản xuất, sơ chế, đóng gói, kinh doanh trên địa bàn Thành phố để có giải pháp ngăn chặn các sản phẩm thực phẩm không đảm bảo an toàn lưu hành trên thị trường, Ban quản lý an toàn thực phẩm TP đã đưa ra kế hoạch giám sát an toàn thực phẩm năm 2020 trên địa bàn.

Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM vừa đưa ra kế hoạch giám sát an toàn thực phẩm năm 2020 trên địa bàn TP.HCM.
Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM vừa đưa ra kế hoạch giám sát an toàn thực phẩm năm 2020 trên địa bàn TP.HCM.

Theo đó, nhóm đối tượng thực phẩm, mối nguy cần giám sát là những thực phẩm, thức ăn phổ biến có nguy cơ cao tại các chợ có kinh doanh thực phẩm, những cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn Thành phố.

Tổng số mẫu giám sát là 13.676 mẫu, các chỉ tiêu giám sát bao gồm: dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, phẩm màu, dư lượng thuốc thú ý, hóa chất cấm,… Kinh phí thực hiện cho công tác giám sát an toàn thực phẩm là hơn 21 tỉ đồng.

Đối với những mẫu không đảm bảo an toàn thực phẩm, Ban quản lý an toàn thực phẩm TP sẽ truy xuất nguồn gốc những sản phẩm có kết quả giám sát không an toàn. Đồng thời, sẽ thanh tra điều kiện ATTP đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm có kết quả giám sát không đạt, có biện pháp xử lý nếu cơ sở đó có vi phạm.

Công bố mức học phí năm học 2020-2021

Chiều 31/8, Sở GD-ĐT TPHCM đã công bố mức học phí năm học 2020-2021. Theo đó phân chia theo 2 nhóm quận với mức phí khác nhau. Thông tin trên báo Tuổi Trẻ.

Trong đó, nhóm 1 là học sinh tại các trường từ quận 1 đến 12 và quận Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Thủ Đức, Bình Tân. Nhóm 2 là học sinh các trường huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ.

Mức học phí năm học 2020-2021 vừa được Sở GD-ĐT TP.HCM công bố
Mức học phí năm học 2020-2021 vừa được Sở GD-ĐT TP.HCM công bố

Đối với các trường thực hiện theo mô hình tiên tiến, áp dụng mức thu 1.620.000 đồng/học sinh/tháng bao gồm học phí chính quy 120.000 đồng/học sinh tháng. Khoản thu còn lại được thỏa thuận để đảm bảo các yêu cầu hoạt động thực hiện mô hình tiên tiến nhưng không quá 1.500.000 đồng/học sinh/tháng với hoạt động tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, tăng cường tiếng Anh, học với giáo viên người nước ngoài, các bộ môn năng khiếu, kỹ năng sống, cơ sở vật chất cho mô hình tiên tiến, vật tư thực hành...

Đối với các khoản thu thỏa thuận, thu hộ - chi hộ như vệ sinh phí, tổ chức phục vụ bán trú..., sở phân cấp các quận huyện xem xét và quyết định căn cứ trên tình hình thực tế địa phương.

Văn bản trên cũng yêu cầu các đơn vị phải thông báo đầy đủ, công khai bằng văn bản đến từng phụ huynh học sinh về các khoản thu. Trong đó, cần nêu rõ nội dung về các khoản thu theo quy định, khoản thu theo thỏa thuận và khoản thu hộ - chi hộ; tuyệt đối không được giao giáo viên trực tiếp thu - chi tiền.

Ngoài ra, Sở GD-ĐT TP cũng đề nghị UBND các quận, huyện xây dựng và ban hành "kế hoạch thanh toán không sử dụng tiền mặt trong trường học". Trong đó, trọng tâm sử dụng "phần mềm quản lý trực tuyến các nguồn thu" nhưng không thu phí phần mềm.

Đoàn bác sỹ Bệnh viện Chợ Rẫy hoàn thành nhiệm vụ, rời Đà Nẵng

Vietnamplus đưa tin, ngày 31/8, các y bác sỹ Bệnh viện Chợ Rẫy chia tay Đà Nẵng, trở về lại TPHCM sau hơn một tháng hỗ trợ thành phố Đà Nẵng phòng, chống dịch Covid-19 và điều trị cho các bệnh nhân mắc Covid-19.

Bác sỹ Trần Thanh Linh-Phó trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Chợ Rẫy) chia sẻ: “Tới thời điểm này, có thể khẳng định là chúng ta đã đẩy lùi dịch bệnh trong đợt bùng phát thứ 2 này. Chúng tôi hy vọng sẽ sớm quay lại Đà Nẵng trong hoàn cảnh khác với tâm thế vui hơn và tình người vẫn sẽ luôn vẹn nguyên như lúc này.”

Các y bác sỹ Bệnh viện Chợ Rẫy (Thành phố Hồ Chí Minh) chia tay Đà Nẵng. (Ảnh: danang.gov.vn)
Các y bác sỹ Bệnh viện Chợ Rẫy (Thành phố Hồ Chí Minh) chia tay Đà Nẵng. (Ảnh: danang.gov.vn)

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh điều đáng trân trọng là hơn 1 tháng qua, các y bác sỹ đã làm việc trong môi trường nguy hiểm với nguy cơ lây nhiễm cao khi phải tiếp xúc trực tiếp với các bệnh nhân. Thế nhưng, các y bác sỹ không nề hà, không ngại nguy hiểm, cố gắng hết sức để cứu chữa các bệnh nhân. Đến nay, rất nhiều bệnh nhân mắc Covid-19 có bệnh nền nặng đã được chữa khỏi. Đây là niềm vui, là thành quả to lớn không chỉ của Đà Nẵng mà là của cả nước trong phòng, chống dịch.

Thành quả đó thể hiện sự chung tay, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, cả ngành y tế.

Chi phí quản lý dự án metro không đủ kinh phí hoạt động

Theo Báo Thanh Niên, ngày 31/8, UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Xây dựng chấp thuận chủ trương cho phép xác định chi phí quản lý dự án tuyến metro số 1 và metro số 2 bằng phương pháp lập dự toán và hướng dẫn phương pháp lập dự toán.

Đồng thời, cho phép chi phí quản lý dự án vượt quá 2,5 lần định mức công bố tại Quyết định 79 năm 2017 của Bộ Xây dựng và tổng chi phí quản lý vượt quá 15% tổng chi phí xây dựng và chi phí thiết bị.

Tuyến metro nhìn từ trên cao. Ảnh: Ngọc Dương
Tuyến metro nhìn từ trên cao. Ảnh: Ngọc Dương

Nguyên nhân là do chi phí quản lý dự án tính theo phương pháp tỷ lệ phần trăm do Bộ Xây dựng công bố không đủ kinh phí cho hoạt động quản lý dự án của chủ đầu tư. Theo dự toán của Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, chi phí quản lý dự án của tuyến metro số 1 hơn 168 tỉ đồng và tuyến metro số 2 gần 303 tỉ đồng, nếu so với định mức xác định theo tỷ lệ phần trăm thì chi phí quản lý dự án tuyến metro số 1 vượt 2,1 lần, còn tuyến metro số 2 vượt 4,1 lần.

Từ tháng 4/2013 – 12/2019, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM đã tạm ứng từ ngân sách hơn 235 tỉ đồng để chi trả lương và thu nhập tăng thêm cho cán bộ, viên chức nhằm duy trì hoạt động dự án.

Về việc chi phí quản lý dự án vượt định mức, UBND TP cho rằng metro số 1 và metro số 2 là hai dự án đầu tiên của TP trong lĩnh vực đường sắt đô thị, phải thi công xây dựng ngầm với các công nghệ tiên tiến và phức tạp, công tác giải phóng mặt bằng kéo dài… Bên cạnh đó, việc thay đổi phương pháp tính chi phí quản lý dự án giúp TP.HCM có thêm kinh phí thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao có trình độ chuyên môn giỏi trong lĩnh vực đường sắt đô thị.

Đấu giá hàng loạt khu đất ở Thủ Thiêm

Báo Người Lao Động cho biết, UBND TP vừa chấp thuận cho Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) triển khai thực hiện đấu giá 9 lô đất có ký hiệu 1-1, 1-2, 1-3, 1-4, 1-5, 1-6, 1-8, 1-9, 1-10 thuộc khu chức năng số 1 trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm (KĐTMTT).

Hiện nay, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP đang phối hợp với Ban Quản lý Đầu tư - Xây dựng KĐTMTT thực hiện công tác đo đạc lập bản đồ hiện trạng vị trí các lô đất trên.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT TP, khẳng định việc đấu giá sẽ diễn ra công khai. Nhà nước đưa ra giá khởi điểm và các đơn vị tham gia đấu giá sẽ ra giá trực tiếp nên không lo ngại việc không bảo đảm khách quan. Hình thức sử dụng đất sẽ được nhà nước giao đất và thu tiền sử dụng đất với thời hạn không quá 50 năm. Riêng khu đất có chức năng làm nhà ở sẽ được cấp sổ đỏ cho người dân ở ổn định lâu dài.

Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2, TP HCM hiện vẫn còn nhiều khu đất trống chưa được đầu tư. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2, TP HCM hiện vẫn còn nhiều khu đất trống chưa được đầu tư. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Về việc sử dụng khoản tiền đấu giá, ông Nguyễn Thế Minh - Trưởng Ban Quản lý Đầu tư - Xây dựng KĐTMTT, cho biết TPHCM đã xin ý kiến Chính phủ về việc mở tài khoản khi có các nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất, quỹ nhà dôi dư và nguồn thu khác. TP cũng xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ được sử dụng quỹ tiền khai thác từ Thủ Thiêm để hoàn trả nợ vay (hiện còn 2.873 tỉ đồng), chi đầu tư (bồi thường giải phóng mặt bằng, xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và xã hội) hoàn trả khoản tiền đã tạm ứng ngân sách và lãi vay là 26.316 tỉ đồng.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), cho rằng việc Thành phố tổ chức sắp xếp đấu giá lại các khu đất hiện nay là giải pháp tốt để tránh lãng phí, đồng thời tận dụng được nguồn lực có sẵn. Hiện toàn bộ khu đất ở Thủ Thiêm được đầu tư bài bản, quỹ đất sạch dễ dàng triển khai dự án, bảo đảm sẽ thu hút lượng lớn nhà đầu tư.

Tuy nhiên, đợt dịch Covid-19 đã khiến không ít doanh nghiệp bất động sản khó khăn về nguồn vốn. Trong khi đó, các khu đất mang ra đấu giá thường nằm ở vị trí đắc địa chắc chắn giá sẽ rất cao. Vì vậy, cần có thêm các chính sách hỗ trợ vay vốn hoặc phương pháp trả chậm dần hoặc có thể chia nhỏ ra đấu giá.

Phát hiện kho chứa hàng chục ngàn sản phẩm không rõ nguồn gốc

Theo báo Sài Gòn Giải Phóng, chiều tối 31/8, Cục Quản lý thị trường (QLTT) TPHCM thông tin, đơn vị vừa phát hiện kho chứa hàng chục ngàn sản phẩm không hóa đơn chứng từ, bao gồm mỹ phẩm, thực phẩm, khẩu trang...

Cụ thể, kiểm tra tại số 12 đường Phú Định (phường 16, quận 8) do ông P.C.H. là chủ sở hữu và kinh doanh, lực lượng chức năng phát hiện ông H. chưa thực hiện việc đăng ký kinh doanh theo quy định.

Tại thời điểm kiểm tra, Đội QLTT số 1 - Cục QLTT TP ghi nhận kho của ông H. đang chứa 7.533 sản phẩm không có hóa đơn chứng từ; 141 sản phẩm có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam. Trị giá lô hàng hơn 700 triệu đồng.

Cục Quản lý thị trường TPHCM phát hiện kho chứa hàng chục ngàn sản phẩm không hóa đơn chứng từ
Cục Quản lý thị trường TPHCM phát hiện kho chứa hàng chục ngàn sản phẩm không hóa đơn chứng từ

Cơ quan chức năng tiến hành mở rộng kiểm tra sang kho hàng khác cùng địa chỉ trên, phát hiện kho hàng do ông N.T.T. làm chủ đăng ký kinh doanh có chứa 4.800 sản phẩm mỹ phẩm các loại, trị giá khoảng 2,2 tỷ đồng. Tất cả hàng hóa trong kho ông T. đều không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc.

Cũng tại địa chỉ trên, QLTT phát hiện và kiểm tra container chứa hàng hóa số 51R-033.06 phát hiện 40 thùng carton, bên trong có khoảng 80.000 chiếc khẩu trang vải không dệt, không nhãn hiệu, có ghi “Made in China”. Số khẩu trang này không thuộc danh mục hàng hóa nhập khẩu, không có hóa đơn chứng từ hợp pháp.

Toàn bộ hàng hóa nêu trên được QLTT niêm phong chờ xử lý theo quy định. 

Hoàn thành 9 công trình trọng điểm trong quý 3

Thông tin từ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (Ban QLDA) cho biết đơn vị này đã tập trung tăng cường đẩy mạnh công tác giải ngân vốn đầu tư công và đảm bảo tiến độ thi công các công trình, phấn đấu hoàn thành 9 dự án riêng trong quý 3. Báo Thanh Niên đưa tin.

Trong đó, có 6 dự án đã đưa vào sử dụng gồm: Xây dựng kè chống sạt lở bờ trái sông Sài Gòn (khu vực P.Thảo Điền, Q.2); Nạo vét, cải tạo khai thông luồng rạch Lá - Tắc Tây Đen; Xây dựng kè chống sạt lở bờ tả rạch Ông Lớn (khu vực văn phòng Đội quản lý thiết bị và phương tiện thủy); Nâng cấp, mở rộng đường Tô Ký (đoạn từ Đặng Thúc Vịnh đến ngã ba Bầu); Xây dựng hầm chui tại nút giao An Sương; Duy tu, nạo vét luồng Soài Rạp (Giai đoạn 2).

Bên cạnh đó, Ban QLDA sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình Xây dựng cầu tạm An Phú Đông; Nâng cấp, cải tạo đường Trần Văn Giàu, đoạn từ giáp tỉnh lộ 10 hiện hữu đến đường Nguyễn Cửu Phú; Gói thầu I - dự án Cải thiện môi trường nước thành phố, giai đoạn 2, phấn đấu hoàn thành vào cuối tháng 9/2020.

Nút giao thông 3 tầng An Sương sau khi hoàn thành sẽ giải quyết kẹt xe và tai nạn giao thông cửa ngõ Tây Bắc TP.HCM. Ảnh: An Huy
Nút giao thông 3 tầng An Sương sau khi hoàn thành sẽ giải quyết kẹt xe và tai nạn giao thông cửa ngõ Tây Bắc TP.HCM. Ảnh: An Huy

Vân Anh - Khang Minh - Huyền Mai

Tin cùng chuyên mục