Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 02/1/2020

10:51 02/01/2020

Trung tâm Báo chí tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TP. Hồ Chí Minh trên các báo ra ngày 02/1/2020:

Các bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ chúc mừng hai mẹ con một sản phụ/SGGP
Các bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ chúc mừng hai mẹ con một sản phụ/SGGP

Chào đón những công dân đầu tiên năm 2020

Khi đồng hồ điểm 0 giờ 2 phút ngày 1/1/2020, Bệnh viện Từ Dũ chào đón công dân nhí đầu tiên của năm 2020 được hạ sinh tại bệnh viện này. 

Bé gái nặng 2,8kg, là con của sản phụ Nguyễn Bích Phượng (SN 1990, ngụ quận 3) cùng chồng là anh Đinh Thành Sơn. Chỉ sau 1 phút, ở phòng kế bên đứa con trai đầu lòng của chị Nguyễn Thị Hiền (SN 1995, ngụ huyện Hóc Môn) cũng chào đời trong niềm hạnh phúc. Bé nặng 3,6kg được bố mẹ đặt tên là Phùng Bá Đông Quân.

Cùng lúc, sản phụ Nguyễn Thị Ánh Tuyết (SN 1989, quê Kom Tum) cũng vừa hạ sinh một bé gái kháu khỉnh, nặng 3,3kg đặt tên là Nhã Lam. Chỉ trong 5 phút đầu năm 2020, tổng cộng có 5 bé đã chào đời (trong đó có 3 bé sinh thường và 2 bé sinh mổ) và trong ngày đầu năm 2020 đã có 198 em bé được các bàn tay yêu thương đón chào tại Bệnh viện Từ Dũ. Tất cả các bé ngay sau khi ra đời đều được thực hiện ngay phương pháp “da kề da”, truyền sức mạnh từ hơi ấm cơ thể mẹ.

Tại Bệnh viện Hùng Vương, đúng 0 giờ ngày 1/1/2020, sản phụ V.T.H.Đ (quận Tân Bình), nhập viện trưa 31/12 đã sinh thường một bé trai 2,9kg khỏe mạnh. Ca sinh thường thứ hai là sản phụ H.T.C (38 tuổi, quận Bình Tân), nhập viện trưa 31/12, thai 40 tuần, hạ sinh một bé gái nặng 3,1kg.

Theo TS-BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, trong đêm giao thừa 2020, Bệnh viện Hùng Vương có hơn 20 thai phụ chờ sinh.

(Theo Báo Sài Gòn Giải Phóng)

ĐẤT LÀNH TP. HỒ CHÍ MINH: Thân thiện và tử tế

Đã bén duyên với TP. Hồ Chí Minh rồi thì chẳng mấy ai muốn rời đi, bởi giữa bộn bề mưu sinh đã có vô vàn câu chuyện xúc động về tình người, về sự thân thiện, tử tế níu chân cư dân xa xứ. Đó là nội dung của bài viết trên báo Người Lao động.

Những hình ảnh đầy tình người như thế này ngày càng xuất hiện nhiều hơn ở TP HCM/ NLĐO
Những hình ảnh đầy tình người như thế này ngày càng xuất hiện nhiều hơn ở TP HCM/ NLĐO

Chiều cuối năm 2019, kể về dự án "Sài Gòn tử tế" bằng cảm xúc của một người con tuy không sinh ra ở TP. Hồ Chí Minh nhưng đã nguyện sống và cống hiến cho thành phố mang tên Bác, anh Nguyễn Văn Luận (quận Bình Thạnh) cho biết không chỉ có anh, "Sài Gòn tử tế" được anh và các cộng sự vốn đa phần là cư dân ngoại tỉnh khởi xướng từ cuối năm 2018 để chia sẻ và lan tỏa những câu chuyện thân thiện, tử tế, những việc làm có ích, tinh thần sống lạc quan, tích cực.

Để làm được những việc ý nghĩa trên, anh Luận đã đi khắp các con hẻm của TP để "săn" những bức ảnh đời thường nhất. Đã có biết bao câu chuyện lung linh tình người được kể giữa bộn bề mưu sinh. Đó là chị bán hàng rong nói luôn có "mạnh thường quân" xuất hiện khi gánh hàng của chị khó bề bán hết, là chuyện bác xe ôm đầu hẻm bỗng chốc biến thành "anh chạy bàn" cho chị bán bún khi khách tấp nập... Hàng loạt gương mặt con người TP hiền hòa, hào sảng, từ tâm, tử tế, thân thiện... được đưa lên để mọi người cùng chiêm ngưỡng, tự hào.

Góp thêm cho kho tàng chuyện kể về sự tử tế và thân thiện ở TP là anh Nguyễn Hồng Việt (33 tuổi, nhân viên văn phòng). Tưởng chỉ có trong phim ảnh, chuyện lại hiện rõ mồn một giữa đời thường. Đó là hình ảnh anh chàng dáng dấp thư sinh xuất hiện trong đêm khuya lạnh lẽo với bó hoa trên tay trao tặng cho những cô chú công nhân vệ sinh. "Mình đã thực sự rung cảm khi thấy trong ánh mắt các cô chú ánh lên niềm xúc động, niềm tin yêu cuộc sống. Với mình, hình ảnh đó, niềm vui đó không có gì so sánh được" - anh Việt kể và quả quyết sẽ tiếp tục hành động để lan tỏa thông điệp yêu thương. Những lời anh Việt rất đáng trân trọng nếu ai đã một lần chứng kiến công việc thầm lặng nói trên của anh suốt từ năm 2015 đến nay.

Mới đây, có câu chuyện tử tế ở TP sau khi đăng tải lên mạng xã hội đã thu hút sự chú ý của nhiều người. Một cụ già cầm 2.000 đồng vào quán cơm nhưng đồ ăn đã hết. Đầu bếp ở đây đã nấu cho cụ một tô mì với thịt và rau. Trường hợp này một lần nữa nhắc người ta nhớ chuỗi quán cơm Nụ Cười (2.000 đồng/đĩa) được mở từ năm 2012

Không chỉ cơm 2.000 đồng, ở TP còn miễn phí nhiều thứ khác. Một ly trà đá miễn phí xua tan đi cái nóng bức trên đường phố khiến nhiều người mát dạ. 3 anh em ở Gò Vấp sửa xe bị ngập miễn phí. Những tủ đồ cũ dành cho những người khó khăn, đặt ở nhiều tuyến đường, với thông điệp "Quần áo tình thương - Ai cần đến lấy, ai thừa đến cho"...

Khó khăn của thị trường bất động sản chỉ có tính nhất thời

Đó là chia sẻ của ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TP.Hồ Chí Minh (HoREA) trên báo điện tử Vietnamnet.

Theo ông Lê Hoàng Châu, thị trường bất động sản TP. Hồ Chí Minh bị sụt giảm mạnh nguồn cung dự án cũng như sản phẩm nhà ở. Nhiều dự án bị “đứng hình” do không thực hiện được thủ tục đầu tư xây dựng hoặc bị dừng triển khai.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM/ Báo Vietnamnet.vn
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM/ Báo Vietnamnet.vn

Tình trạng thiếu sản phẩm nhà ở, nhất là căn hộ nhà ở thương mại bình dân có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội, dẫn đến giá nhà đất tăng, làm cho số đông người có thu nhập trung bình và thấp ở đô thị khó tạo lập nhà ở hơn. Nhìn chung, về bản chất, thị trường hiện nay không xấu, chưa có nguy cơ bị khủng hoảng vì vẫn còn nằm trong chu kỳ phục hồi và tăng trưởng sau giai đoạn “đóng băng” năm 2011 - 2013.

Và tình thế khó khăn hiện nay chỉ có tính nhất thời, đặc thù, bất bình thường, mà nguyên nhân là do vướng mắc, xung đột của một số quy phạm pháp luật và do cả công tác thực thi pháp luật. Tuy nhiên, do thị trường BĐS có "độ trễ" nên nếu không có biện pháp xử lý hiệu quả các vướng mắc và điểm nghẽn hiện nay, thì tình trạng sụt giảm quy mô thị trường sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới, dẫn đến doanh nghiệp gặp khó khăn, thậm chí có thể có nguy cơ phá sản.

Yêu cầu kiểm soát chặt "máy bay không người lái"

UBND TP. Hồ Chí Minh vừa có văn bản chỉ đạo các sở, ngành và UBND các quận, huyện tổ chức thực hiện nghiêm quy định về quản lý máy bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ. Cụ thể, UBND Thành phố yêu cầu tăng cường quản lý các hoạt động xuất nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh máy bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ.

Song song đó, Thành phố yêu cầu kiểm tra các tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện khi đã được cấp phép. Tuyệt đối không để các hành vi lợi dụng hoạt động bay để tuyên truyền, quảng bá các hình ảnh xấu, độc hại… Không để các hành vi lợi dụng sử dụng chất cháy, nổ đe dọa tính mạng của các tổ chức, cá nhân, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Đặc biệt, UBND Thành phố nhấn mạnh các quận trong khu vực lân cận Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cần triển khai các tổ tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý các máy bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ vi phạm có nguy cơ uy hiếp an toàn hàng không.

(Theo báo Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh).

Nhà càng to, “quyền” càng nhiều

Từ ngày 1/1/2020, quyền biểu quyết tại hội nghị chung cư đã được tính theo diện tích sở hữu riêng của chủ căn hộ theo nguyên tắc mỗi mét vuông diện tích tương đương với 1 phiếu biểu quyết. Thế nhưng, vẫn còn nhiều tranh cãi về tính hiệu quả của quy định này trong việc giải quyết những mâu thuẫn ngày càng gay gắt trong các chung cư.

 Họp giữa cư dân và ban quản trị của một chung cư/ Ảnh: Gia Khiêm (báo Thanh Niên)
 Họp giữa cư dân và ban quản trị của một chung cư/ Ảnh: Gia Khiêm (báo Thanh Niên)

Cách đây chưa lâu tại chung cư Era Town (quận 7) đã xảy ra cuộc xô xát giữa cư dân với một nhóm người “lạ mặt”. Cụ thể, trong lúc hàng chục cư dân giăng băng rôn yêu cầu Công ty Đức Khải (chủ đầu tư chung cư Era Town) sớm tổ chức hội nghị nhà chung cư, thì bị một số người lạ đánh chảy máu. Nguyên nhân khiến xảy ra xô xát giữa hai nhóm bởi những người không biểu tình cho rằng nhóm người biểu tình đã làm ảnh hưởng đến sự bình yên của chung cư. Nhóm người biểu tình đã lợi dụng việc đấu tranh bảo vệ quyền lợi cho cư dân để gây thanh thế nhằm lấy phiếu bầu vào ban quản trị (BQT).

Các cư dân tại chung cư Bàu Cát 2 (quận Tân Bình) thì đâm đơn kiện khắp nơi việc BQT đã không công khai minh bạch, không báo cáo các khoản thu chi liên quan đến khoản phí bảo trì của chung cư, các khoản tiền của cư dân đóng góp. Thậm chí, BQT tự ý đề xuất mức lương, thay đổi bảo vệ chung cư, xây dựng nhà xe thông minh với chi phí hàng trăm triệu đồng, nhưng không thông qua ý kiến của cư dân, không tổ chức đấu thầu.

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố (HoREA) Lê Hoàng Châu ủng hộ việc quy đổi mét vuông căn hộ thành phiếu biểu quyết các vấn đề tại chung cư, trong đó có việc bầu BQT. Hình thức này giống như các công ty cổ phần biểu quyết trong các cuộc họp đại hội cổ đông theo số cổ phiếu mình có. Ngược lại, nhiều ý kiến lại không đồng tình với quy định này bởi họ cho rằng tính quyền biểu quyết theo mét vuông là đang bảo vệ cho chủ đầu tư, không cần thiết.

Theo ông Nguyễn Chí Thanh - Tổng Giám đốc Công ty Hoàng Anh Sài Gòn, trong một chung cư chủ đầu tư thường sở hữu diện tích sàn xây dựng nhiều nhất. Nếu quy ra số phiếu biểu quyết doanh nghiệp sẽ áp đảo. Điều này sẽ tiếp tay cho các chủ đầu tư làm bậy, cố tình chây ì không muốn bầu BQT nay họ sẽ có nhiều phiếu để đưa người của công ty vào “thâu tóm” BQT chung cư.

(Theo báo Thanh Niên)

Lần đầu tiên ứng dụng công nghệ vào múa rối truyền thống

Cũng theo thông tin trên báo Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh, 20 đội thi của sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh vừa có một buổi biểu diễn chung kết cuộc thi múa rối nước tự động lần ba.

Các sinh viên đang chỉnh sửa và điều khiển các con rối tại buổi diễn chung kết/ Ảnh: Phạm Anh (báo Pháp Luật TP.HCM)
Các sinh viên đang chỉnh sửa và điều khiển các con rối tại buổi diễn chung kết/ Ảnh: Phạm Anh (báo Pháp Luật TP.HCM)

Đây là những đội thi xuất sắc nhất được chọn từ 53 đội ở vòng loại. Tại đây, hàng trăm khán giả không khỏi bất ngờ khi được xem các tiết mục biểu diễn múa rối nước ấn tượng và kịch tính trên sân khấu thủy đình được trang hoàng mang đậm bản sắc văn hóa vùng Bắc bộ.

Những câu chuyện lịch sử hay văn hóa đồng quê được các sinh viên tái hiện một cách sinh động như: Sơn Tinh - Thủy tinh, Mục đồng thổi sáo, Cáo bắt vịt, Sự tích Hồ Gươm - trả gươm, múa lân, Ngô Quyền chiến thắng Bạch Đằng giang... Đặc biệt, vẫn là những con rối nước truyền thống nhưng phía sau tấm rèm không có một nghệ nhân nào phải trầm mình dưới nước. Thay vào đó là các sinh viên đang chăm chú lập trình, điều khiển từ xa bằng nút bấm, app trên điện thoại...

Trong từng tiết mục, những hiệu ứng sân khấu như phun lửa, nhả khói, phun nước hòa quyện với âm nhạc, ánh sáng... cũng được các sinh viên sáng tạo thêm để tăng hấp dẫn với khán giả. Được biết Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh là trường đầu tiên ứng dụng công nghệ vào môn nghệ thuật truyền thống thú vị này.

PGS-TS Nguyễn Trường Thịnh, Trưởng Khoa cơ khí chế tạo máy cho biết nhà trường đầu tư xây dựng nhà hát múa rối nước tự động đầu tiên ở Việt Nam và trên thế giới. Quy mô nhà hát này chứa khoảng 300 người, có thủy đình phục vụ rối nước tự động, khán đài. Tuy nhiên, nhà hát chỉ phục vụ cho sinh viên trải nghiệm và nghiên cứu, biểu diễn mang tính giải trí trong các ngày hội của trường chứ không phục vụ kinh doanh.

Thí điểm thẻ xe buýt thông minh

Thẻ xe buýt thông minh là hình thức thanh toán hiện đại mà các quốc gia có giao thông công cộng phát triển trong khu vực và trên thế giới đang áp dụng. TP. Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên của Việt Nam thí điểm thanh toán vé xe buýt bằng thẻ thông minh do Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank) phát hành.

Ông Hồ Phan Hải Triều - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Vietbank - phát biểu tại buổi lễ công bố triển khai thành công thẻ xe buýt của Vietbank/ NLĐO
Ông Hồ Phan Hải Triều - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Vietbank - phát biểu tại buổi lễ công bố triển khai thành công thẻ xe buýt của Vietbank/ NLĐO

Theo đó trong giai đoạn 1, hành khách đi xe buýt tuyến số 59 sẽ được chấp nhận thanh toán vé bằng thẻ Vietbank Visa do Vietbank phát hành.

Dự án thẻ xe buýt thông minh hướng đến người dùng cao nhất bởi khi dự án được triển khai sẽ mở ra phương thức thanh toán hiện đại. Khi đó, người dùng sẽ được sử dụng công nghệ chính xác, an toàn đồng thời có thể sử dụng thẻ xe buýt thông minh này vào việc thanh toán nhu cầu ăn uống trong nhà hàng, mua sắm tại các trung tâm thương mại, siêu thị, thanh toán online trong và ngoài nước. Đồng thời khách hàng có thể nạp tiền/top up thẻ qua các kênh tại quầy ngân hàng Vietbank, Internet banking/Mobile App Vietbank Digital, phần mềm top up dành cho đại lý, các ví điện tử liên kết. 

Thanh toán chi phí đi xe buýt bằng thẻ thông minh sẽ giúp nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút người dân tham gia vận tải hành khách công cộng, góp phần kéo giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố. Đây là hướng đi phù hợp với định hướng xây dựng thành phố thông minh mà TP đang triển khai.

(Theo báo Người Lao động)

Nỗi buồn sân khấu kịch TP. Hồ Chí Minh

Là niềm tự hào chung của nghệ sĩ và người dân Thành phố lâu nay nhưng năm 2019, nhiều sân khấu kịch ở Thành phố trải qua những câu chuyện buồn và đang đứng trước nguy cơ đóng cửa. Từ trên 10 điểm diễn kịch, hiện Thành phố chỉ còn lại 5 sân khấu sáng đèn hàng tuần, gồm: Kịch IDÉCAF, Kịch Hoàng Thái Thanh, Kịch Phú Nhuận, Kịch 5B, Kịch Thế Giới Trẻ.

Nghệ sĩ cải lương Thoại Mỹ trong vở kịch ăn khách "Diều ơi" ở Kịch 5B/ Ảnh: Hòa Bình (báo Pháp Luật TP.HCM)
Nghệ sĩ cải lương Thoại Mỹ trong vở kịch ăn khách "Diều ơi" ở Kịch 5B/ Ảnh: Hòa Bình (báo Pháp Luật TP.HCM)

Chuyện diễn viên bỏ sân khấu đi chạy show, làm YouTube, MC… cũng là nguyên nhân không nhỏ khiến các sân khấu sụt giảm suất diễn, mất dần khán giả.

Nhiều sân khấu biến mất hoặc chỉ hoạt động cầm chừng hoặc có những biến tướng không còn mang tính chất sân khấu kịch.

Những sân khấu còn hoạt động thường xuyên thì sụt giảm khán giả, suất diễn hay rơi vào lỗ lã. Là sân khấu kịch đông khán giả nhất hiện nay, song nghệ sĩ Ngọc Hùng - quản lý Kịch Thế Giới Trẻ cho biết sân khấu này bị giảm 20% lượt khán giả so với năm 2018. Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn của Kịch IDÉCAF cho biết mỗi tháng anh đã phải bỏ tiền túi bù tiền rạp cho đơn vị cho thuê vì không diễn đủ số suất cam kết sẽ thuê rạp hằng tháng. Và với mỗi suất diễn tại sân khấu này, lượng khán giả cũng giảm xuống. Còn nghệ sĩ Ái Như chia sẻ có suất diễn, sân khấu Hoàng Thái Thanh chỉ bán được vài chục vé, sân khấu phải bù lỗ rất nhiều, chị và nghệ sĩ Thành Hội vẫn cắn răng cho mở màn. Nghệ sĩ Mỹ Uyên, Giám đốc Nhà hát Kịch sân khấu nhỏ 5B, cũng cho biết vẫn phải dùng tiền đi đóng phim, đi show của mình trả tiền cát xê cho diễn viên vì những đêm diễn lỗ ở sân khấu 5B.

(Theo báo Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh).

Vân Anh - Thanh Hà

Tin cùng chuyên mục