Thanh niên ra quân phòng chống dịch
Ngày 1/3, hàng ngàn thanh niên trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã ra quân thực hiện Tháng Thanh niên 2020 và Ngày chủ nhật xanh lần thứ 135, trong đó nhiều việc làm gắn liền công tác phòng chống dịch Covid-19.
Năm nay, do tình hình dịch Covid-19, Thành đoàn TNCS TP. Hồ Chí Minh không tổ chức lễ ra quân mà bắt tay vào các công trình, phần việc cụ thể, thiết thực.
Trong Tháng thanh niên năm này, Thành đoàn TNCS TP. Hồ Chí Minh xác lập 9 chỉ tiêu cơ bản, đó là các hoạt động: xây dựng nếp sống văn minh đô thị; hành trình về nguồn đến thăm căn cứ cách mạng của Thành đoàn; xây dựng mới không gian xanh; trồng mới ít nhất 3.000 cây xanh; cải thiện môi trường, cảnh quan tại các kênh, rạch; cải tạo nhà vệ sinh thân thiện môi trường trong trường học; cải tạo và tu bổ trung tâm học tập cộng đồng; phát triển mới ít nhất 30.000 đoàn viên và giới thiệu ít nhất 500 đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét kết nạp.
Dự kiến Tháng thanh niên năm 2020 với chủ đề “Thanh niên TP. Hồ Chí Minh tình nguyện, sáng tạo vì cộng đồng” sẽ diễn ra đến hết ngày 31/3.
(Theo báo Sài Gòn Giải Phóng)
Cấm xe tải chạy ban ngày, doanh nghiệp lo tăng giá cả hàng hóa
Báo Lao Động cho hay, hiện Thành phố có hơn 8 triệu ôtô, xe máy; mỗi ngày trung bình trên 1.000 xe đăng ký mới. Vấn nạn ùn tắc giao thông vẫn đặc biệt nhức nhối bởi lượng xe dự báo tiếp tục gia tăng, trong khi hạ tầng không theo kịp, dù hiện nay hàng loạt giải pháp đang được triển khai.
Về lâu dài, giải pháp bao quát và căn cơ là phát triển hệ thống giao thông công cộng, đồng thời hạn chế xe cá nhân. Ngoài ra, nhiều giải pháp lớn khác cũng đang được định hướng thực hiện nhằm hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông và nguy cơ xảy ra tai nạn. Một trong số đó là Thành phố sẽ chuyển dần hoạt động vận tải hàng hóa đường bộ về ban đêm, cùng việc hạn chế xe khách vào khu nội đô.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp lo lắng khi chuyển sang vận chuyển ban đêm làm tăng chi phí, tăng giá cả hàng hóa và làm xáo trộn hoạt động. Theo ông Đỗ Xuân Phú - Giám đốc Công ty Vận tải Minh Liên, hiện nay việc cấm xe tải theo giờ đã gây khó khăn cho doanh nghiệp vận tải, nay cấm cả ban ngày thì việc vận chuyển coi như dừng hẳn vào ban ngày.
Trong khi hàng hóa khách hàng cần giao trong ngày, ban đêm không có đội bốc xếp, xe đi ban đêm chắc chắn chi phí vận chuyển tăng cao vì không lái xe nào có thể lái xe ban đêm cả năm được. Hơn nữa, việc vận chuyển ban đêm thì doanh nghiệp phải tăng lương cho nhân viên vì hiện nay làm đêm được coi như làm ngoài giờ hành chính.
Ông Bùi Văn Quản - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa Thành phố, cho rằng nếu thực hiện vận chuyển vào ban đêm thì cần lập kế hoạch và lộ trình cụ thể, xác định khu vực, tuyến đường nào nên cấm hoặc hạn chế thì mới phù hợp.
Cần sớm hoàn thiện quy định sử dụng bùn thải
Mỗi ngày, Thành phố phát sinh hơn 1.000 m3 bùn thải, trừ lượng bùn có tính chất ô nhiễm buộc phải xử lý, số còn lại hiện vẫn chưa biết có được dùng để san lấp, tái sử dụng hay không.
Có vườn cây ăn trái hỗn hợp nên khi thấy con rạch trước nhà đang được nạo vét khơi thông, bà Nguyễn Thị Sáu (phường Thới An, quận 12) liền đến gặp nhà thầu xin mấy xe bùn về bón lót cho cây nhưng lại nhận được cái lắc đầu từ các công nhân đang thi công. Theo bà Sáu, lý do các công nhân đang thi công từ chối là do họ phải đưa về nhà máy xử lý. "Khu vườn của tôi thường sử dụng bùn sau khi nạo vét rạch, mương trong khuôn viên để bón cây nên vườn tược lúc nào cũng xanh tốt. Phải chi họ cho mình luôn thì vừa đỡ chi phí vận chuyển vừa giúp dân có thêm cơ hội chăm bón vườn tược" - bà Sáu nói.
Không chỉ bà Sáu, trên địa bàn quận 12, nhiều hộ dân trồng cây trái, hoa màu thường xuyên tận dụng bùn nạo vét kênh, rạch để bón cây. Không chỉ bón cây, một số hộ còn tận dụng bùn vét ao để san lấp nền, xây nhà. Theo họ, hiện nay việc mua đất thịt để trồng cây rất khó và tốn kém, chưa kể không biết nguồn gốc đất ra sao, lỡ có chứa chất thải nguy hại thì rất độc. Do đó, có thể thể tận dụng bùn đất rõ nguồn gốc sẽ an toàn hơn.
Trong khi đó, tại huyện Bình Chánh, một số chủ đất cũng tận dụng bùn nạo vét kênh sau xử lý để san lấp nền, tuy nhiên khi san lấp lại bị UBND huyện "tuýt còi" vì chưa rõ bùn nạo vét có được dùng để san lấp hay không.
Thực trạng trên cũng đang diễn ra ở nhiều địa phương vùng ven Thành phố, nhiều hộ dân muốn tận dụng bùn thải khi nạo vét kênh, mương để san nền cũng đang gặp khó bởi dễ bị chính quyền ngăn cấm vì chưa có quy định cho phép dùng bùn thải san lấp mặt bằng.
Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố cho biết theo chỉ đạo của UBND Thành phố, đơn vị này đang lấy ý kiến đóng góp từ các quận - huyện, sở - ngành liên quan để chuẩn bị trình UBND Thành phố ban hành quy định về xử lý, sử dụng bùn thải trên địa bàn trong thời gian sớm nhất.
(Theo báo Người Lao Động).
Điều xe xuống miền Tây rước công dân về từ Hàn Quốc
Cũng trên báo Người Lao Động, Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố cho biết, chiều 1/3, lần đầu tiên Trung tâm đã cử xe xuống Cần Thơ để đưa khoảng 400 công dân của TP từ Hàn Quốc vừa về Việt Nam. Số người này sẽ được đưa về TP. Hồ Chí Minh và được cách ly, theo dõi 14 ngày tại các khu cách ly tập trung của TP ở các quận, huyện.
Cũng trong chiều qua, tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố, lãnh đạo Thành phố và Sở Y tế đã tiếp nhận 30.000 khẩu trang, 1.000 bộ đồ chống dịch và 5 máy Monitoring theo dõi bệnh nhân do Tổng Công ty CP Y tế Danameco trao tặng. Số dụng cụ này sẽ được bàn giao cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn.
Tự nguyện vào khu cách ly
Trong khi một số người tìm cách “né” cách ly thì hầu hết người đến từ vùng dịch đều chấp hành nghiêm quy định kiểm soát dịch bệnh, thậm chí có những người tự nguyện vào khu cách ly dù có thể tự cách ly tại nhà. Trong ngày 29/2, khu cách ly tập trung của quận 7 đón 11 du học sinh về, trong đó 10 người từ tâm dịch thành phố Daegu (Hàn Quốc).
Người còn lại là anh H., ở tỉnh Gwangju (Hàn Quốc), không phải là tâm dịch và không thuộc trường hợp bắt buộc, nhưng vẫn tình nguyện đăng ký được cách ly tập trung. Anh H. cho biết đã học ở Hàn Quốc 2 năm, đến cuối tháng 2 vừa qua thì kết thúc chương trình đào tạo, nên anh mua vé máy bay về Việt Nam. Khi đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất, anh được kiểm tra thân nhiệt, kết quả không có triệu chứng của dịch Covid-19. Theo quy định, trường hợp không về từ tâm dịch Daegu thì tự cách ly tại nhà. “Mình cách ly ở nhà thì mỗi ngày nhân viên y tế đến đo thân nhiệt, kiểm tra sức khỏe 2 lần nên phiền phức cho các anh chị. Chưa kể, nhân viên y tế thường xuyên đến nhà cũng khiến cho hàng xóm để ý rồi dị nghị, ảnh hưởng đến ba mẹ”, anh H. chia sẻ.
Đến nay, cả 24 quận, huyện của Thành phố đều có khu cách ly người nghi nhiễm virus SARS-CoV-2 với đầy đủ trang thiết bị y tế, vật dụng sinh hoạt phục vụ người thuộc diện cách ly. Theo Sở Y tế, tính đến ngày 1/3 trên địa bàn có 250 người đang được cách ly tại các cơ sở trên. Hiện Thành phố áp dụng việc khai báo y tế và kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu cho tất cả hành khách nhập cảnh từ quốc gia có dịch như Trung Quốc, Hàn Quốc, Ý, Iran... Nếu phát hiện có người nghi nhiễm SARS-CoV-2 sẽ được đưa về các khu cách ly.
(Thông tin trên báo Thanh Niên).
Những CSGT tham gia bắt ma túy
Nhiệm vụ chủ yếu của CSGT là tuần tra, kiểm soát giao thông nhưng nhiều trường hợp người vi phạm là đối tượng hình sự nguy hiểm… Đó là câu chuyện trên báo Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh.
Các CSGT Thành phố chia sẻ: Kinh nghiệm bắt tội phạm vận chuyển ma túy thường xuất phát từ dấu hiệu nghi vấn đơn giản là vi phạm giao thông. Từ đó, nhiều vụ vận chuyển ma túy khủng tình cờ được phát hiện. Nhiều vụ truy bắt mà khi nhớ lại, người trong cuộc không tin vào mắt mình vì số lượng ma túy quá khủng...
Một trong những kỷ niệm khó quên trong đời làm CSGT của Thiếu tá Giang Hoàng Thiện (Đội CSGT An Sương, quận 12) là vụ bắt 895 bánh ma túy tại An Sương, vì nghi phạm to lớn như hộ pháp mà còng số 8 không khóa vừa. Chưa hết, khi bắt giữ, tài xế còn thì thào bên tai “nó có súng... Từ vụ bắt giữ này mà một chuyên án buôn bán, vận chuyển ma túy xuyên biên giới được các lực lượng triệt phá.
Theo Thiếu tá Thiện, tối 27/3/2019, Tổ công tác 363 cùng CSGT An Sương đi tuần tra địa bàn. Lúc này, tổ phát hiện một ô tô con chạy cùng xe tải hướng từ Củ Chi về Hóc Môn có dấu hiệu vi phạm nên phát tín hiệu dừng xe. Hai tài xế không chấp hành mà nhấn ga bỏ chạy với tốc độ cao, Thiếu tá Thiện cùng đồng đội lập tức lên mô tô đặc chủng đuổi theo, ép hai xe dừng lại tại địa phận xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn.
Trong lúc tài xế ô tô con (người Việt Nam) chìa một xấp tiền dày có mệnh giá lớn nhờ anh tha thì từ chiếc xe tải phía sau, một người to như hộ pháp hấp tấp bung cửa, nhảy xuống xe rồi bỏ chạy. Trước tình huống bất ngờ này, CSGT lập tức khống chế tài xế người Việt rồi đuổi theo chừng 200 m thì bắt được người vừa bung cửa xe tải bỏ chạy. Lúc này, các CSGT đã dùng dây thừng thay còng, đợi lực lượng đến hỗ trợ.
Khi tổ công tác đến và mở thùng xe tải kiểm tra thì mọi người sốc khi thấy năm thùng hàng nghi là ma túy. “Chúng tôi trố mắt nhìn nhau vì không ai nghĩ chiếc xe tải đi ngược chiều này lại vận chuyển số lượng ma túy nhiều khủng khiếp như vậy....” - ông Thiện nói.
Còn Thiếu tá Nguyễn Văn Nghĩa (Đội CSGT Chợ Lớn, quận 6) vẫn nhớ cảm giác tham gia vào một màn truy đuổi như phim hành động bất đắc dĩ.
Giữa năm 2019, khi phát hiện thanh niên chạy xe máy không có gương chiếu hậu, Thiếu tá Nghĩa cùng đồng đội ra hiệu dừng xe nhưng không thành. Khi biết bị truy đuổi bằng mô tô đặc chủng, thanh niên liên tục đánh võng, lạng lách, thậm chí tạt đầu mô tô. Lúc bị ép xe, người này lột mũ bảo hiểm ném thẳng về phía CSGT.
Sau cuộc đua tốc độ bằng xe máy qua nhiều tuyến đường trên địa bàn quận 6, thì tiếp diễn là màn chạy bộ rượt đuổi bởi nghi phạm quăng xe máy rồi lao vào một hẻm, thoăn thoắt trèo lên một mái nhà. “Lúc đó anh em đều đuối sức nhưng sợ đối tượng khống chế người dân nên chúng tôi tìm cách trì hoãn, báo cho công an địa phương phối hợp mới bắt được” - Thiếu tá Nghĩa kể. Lý do mà nam thanh niên bỏ chạy là vì 1,1 kg ma túy treo lủng lẳng trên xe máy.
Học sinh làm bài kiểm tra qua thiết kế infographic
Nghỉ phòng dịch Covid-19, học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn, TP. Hồ Chí Minh thiết kế infographic lấy điểm kiểm tra môn Ngữ văn
Nhằm giúp học sinh tiếp cận cuộc đời, sự nghiệp tác giả và cảm thụ tác phẩm văn học Việt Nam trong chương trình trung học phổ thông, tổ Ngữ văn Trường trung học phổ thông Lê Quý Đôn (quận 3, TP. Hồ Chí Minh) tổ chức chương trình ngoại khóa: Nhà văn Việt Nam: Chân dung và ngòi bút.
Đối tượng tham gia là học sinh cả 3 khối lớp 10, 11 và 12. Học sinh làm bài tại nhà, có thể làm bài cá nhân hoặc theo nhóm nhưng tối đa chỉ được 03 người.
Bên cạnh đó, thông tin phải chắt lọc, chọn lọc từ khóa, tránh trình bày quá nhiều chữ, đảm bảo chính tả, không chêm tiếng nước ngoài.
Ngoài ra, thiết kế đạt yêu cầu thẩm mỹ, bố cục cân đối, màu sắc hài hòa, kiểu chữ rõ ràng, đọc được trên màn hình điện thoại. Thiết kế sáng tạo, có phong cách riêng là một lợi thế để có điểm cao.
Đại diện nhóm Bến Sông Văn (tổ Ngữ văn) Trường THPT Lê Quý Đôn cho biết: “Bài tập này còn giúp học sinh nâng cao năng lực đọc-hiểu và khơi dậy lòng yêu thích môn Ngữ văn, phát huy năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo, năng lực ngôn ngữ, năng lực tự chủ và tự học, năng lực thẩm mỹ, năng lực tin học, năng lực công nghệ, kỹ năng sưu tầm, biên tập, dàn trang…”.
Thời gian gian học sinh nghỉ phòng dịch Covid-19, chủ yếu các em được thầy cô hướng dẫn tự làm bài tập ở nhà hoặc học online.
Tổ Ngữ văn của Trường trung học phổ thông Lê Quý Đôn cho học sinh thiết kế infographic lấy điểm kiểm tra là một cách làm hay, sáng tạo, gây hứng thú cho học sinh trong việc học tập. Cách thiết kế infographic như thế này giúp cho học sinh hệ thống hóa về tác giả, tác phẩm và khắc sâu nội dung kiến thức bài học.