Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 03/02/2020

11:32 03/02/2020

Trung tâm Báo chí tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TP. Hồ Chí Minh trên các báo ra ngày 03/02/2020:

Tự hào Đảng bộ Thành phố Anh hùng

TPHCM phát triển nhanh và bền vững, gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa - xã hội. Ảnh: báo Sài Gòn Giải Phóng
TPHCM phát triển nhanh và bền vững, gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa - xã hội. Ảnh: báo Sài Gòn Giải Phóng

Xuân Canh Tý 2020, Đảng Cộng sản Việt Nam tròn 90 mùa Xuân xây dựng, trưởng thành trong lòng dân tộc. Những thắng lợi vĩ đại kể từ ngày có Đảng là minh chứng sinh động nhất về bản lĩnh, năng lực lãnh đạo của một đảng cách mạng, tiên phong. Trong đó, Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh là một đảng bộ kiên cường, năng động, sáng tạo, đương đầu và vượt qua mọi khó khăn, thử thách, xứng đáng là đảng bộ của thành phố mang tên Bác - Thành phố Anh hùng.

Đảng bộ thành phố ra đời từ đầu năm 1930, nhưng từ năm 1927, người dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định đã đấu tranh dưới sự lãnh đạo của tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên - tổ chức tiền thân của Đảng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập. Giai đoạn 1930 - 1975 là thời kỳ Đảng bộ thành phố hoạt động ngay tại sào huyệt của các thế lực thù địch. Thử thách lớn đối với Đảng bộ không chỉ là một cuộc thi gan dai dẳng, ác liệt mà còn là cuộc đọ sức về mưu lược, trí tuệ của từng tập thể cấp ủy, từng cán bộ, đảng viên để tồn tại trong lòng dân và phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng. 

45 năm từ sau ngày giải phóng là chặng đường đánh dấu sự trưởng thành và đóng góp tích cực của Đảng bộ và nhân dân thành phố vào việc hình thành, hoàn thiện đường lối đổi mới của Đảng và những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vượt qua khó khăn chồng chất trong 10 năm đầu sau giải phóng, thành phố đã giữ vững thành quả cách mạng, khôi phục và phát triển kinh tế… trong điều kiện bị bao vây cấm vận và chiến tranh biên giới ở hai đầu đất nước. Gần 35 năm tiếp theo, Đảng bộ và nhân dân thành phố đã tích cực thực hiện đường lối đổi mới và đã đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực.

Trước hết là giữ vững ổn định chính trị, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển. Kinh tế duy trì tăng trưởng hàng năm ở mức cao. Quy mô, tiềm lực và sự đóng góp của thành phố cho cả nước ngày càng lớn (chiếm 24% GDP và trên 27% tổng thu ngân sách quốc gia, là nơi có 1/2 doanh nghiệp cả nước hoạt động, nơi có năng suất lao động cao nhất, gấp 2,7 lần cả nước). Cơ sở hạ tầng có sự phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện, thu nhập của người dân không ngừng được nâng lên (GRDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 6.799USD, gấp 2,3 lần so với cả nước). Thành phố là nơi khởi xướng nhiều phong trào như xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa… mang lại kết quả thiết thực, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Thành phố cũng là nơi đi đầu trong cải cách hành chính, mạnh dạn áp dụng hệ thống quản lý quốc tế ISO…

Theo Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân, Thành phố đạt được nhiều thành tựu lớn, còn tiềm năng phát triển nhưng vẫn còn nhiều điều trăn trở trước những khó khăn, hạn chế về năng lực cạnh tranh của kinh tế thành phố, vấn đề quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị, tình trạng ngập nước, ùn tắc giao thông, chất lượng nguồn nhân lực, những hạn chế trong cải cách hành chính… Còn một bộ phận cán bộ, đảng viên nói không đi đôi với làm, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, có lối sống thực dụng, bè phái, gây mất đoàn kết nội bộ… Từ thực tế nêu trên, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh công tác xây dựng Đảng, giữ mối quan hệ với dân, tăng cường kiểm tra, xử lý dứt điểm các vấn đề tiêu cực, giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong nội bộ để làm hạt nhân đoàn kết toàn xã hội. Đồng chí cho rằng, phải có sự nhận thức đúng về vị trí, vai trò của thành phố đối với cả nước, luôn giữ vững ổn định chính trị, đẩy mạnh hợp tác phát triển kinh tế - văn hóa với các tỉnh thành trong cả nước và đối tác quốc tế. Thành phố phát triển nhanh và bền vững, gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa - xã hội, xây dựng con người với tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

(Theo báo Sài Gòn Giải Phóng).

Nhiều hoạt động kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam

Trong 3 ngày (từ 1 đến 3/2), Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn TP. Hồ Chí Minh, Đường sách Thành phố, Sở Thông tin và Truyền thông (TTTT) và nhiều đơn vị tổ chức các hoạt động triển lãm, trưng bày nhân kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 – 3/2/2020).

Giao lưu giới thiệu bộ sách “Sự phát triển của tư tưởng Việt Nam - Nguồn ảnh: Dangcongsan.vn
Giao lưu giới thiệu bộ sách “Sự phát triển của tư tưởng Việt Nam - Nguồn ảnh: Dangcongsan.vn

Theo đó, ngày 2/2, Sở TTTT phối hợp cùng Đường sách Thành phố tổ chức khai mạc Tuần lễ triển lãm sách – tư liệu – hình ảnh về Bác Hồ, Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng bộ Thành phố trên chặng đường 90 năm. Bên cạnh đó, Ban tổ chức cũng tổ chức chương trình giao lưu giới thiệu sách, gặp gỡ trò chuyện cùng nhân vật, tác giả… Chiều cùng ngày, Lễ khai mạc “Kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam” do Sở TTTT, Đường sách Thành phố, NXB Tổng hợp Thành phố và Cục Văn thư và lưu trữ Nhà nước phối hợp tổ chức, song song với chương trình giao lưu giới thiệu bộ sách 3 tập “Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ 19 đến CMT8” của cố GS Trần Văn Giàu.

Bên cạnh đó, còn có các hoạt động khác như triển lãm ảnh diễn ra tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, triển lãm tại Bảo tàng Thành phố, Công viên Chi Lăng….

(Theo báo Đại Đoàn Kết).

Tăng tốc mạnh mẽ để về đích

Đó là tiêu đề bài viết được đăng tải trên báo Người Lao Động, số đặc biệt ra ngày hôm nay. Theo bài viết, dù còn nhiều khó khăn nhưng năm 2019, Thành phố vẫn có bước phát triển tích cực khi đạt và vượt 18/20 chỉ tiêu kinh tế - xã hội. Đây chính là nền tảng vững chắc để Thành phố tự tin bước sang năm 2020, năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm cuối của nhiệm kỳ và kế hoạch 5 năm 2016 – 2020, năm tổ chức đại hội Đảng các cấp, Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ XI, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XIII.

Dự báo về năm 2020, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong nhìn nhận bối cảnh quốc tế và khu vực còn nhiều yếu tố khó lường, xen lẫn giữa thuận lợi và khó khăn thách thức, tác động không nhỏ đến tình hình kinh tế - xã hội của Thành phố.

Xác định chủ đề là “Năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị”, trong năm 2020, Thành phố sẽ tổ chức nhiều lễ hội lớn như lễ hội âm nhạc quốc tế “Hò dô” lần thứ 2, Lễ hội Áo dài lần thứ 7… Chủ tịch UBND Thành phố cho biết, Thành phố nghiên cứu chọn và tổ chức hoạt động Ngày hội TP. Hồ Chí Minh (có thể láy ngày 2/7 vì đây là ngày Thành phố chính thức mang tên Bác); xây dựng nếp sống văn minh đô thị, tập trung thực hiện tốt Chỉ thị 11, Chỉ thị 19 và Chỉ thị 23 của Thành ủy Thành phố.

Chia sẻ lý do chọn chủ đề năm 2020 là “Năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị”, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết: “Phát triển văn hóa, phát triển con người là tiền đề trực tiếp để phát triển kinh tế. Từ năm 2020, Thành phố xác định sẽ đẩy mạnh khơi dậy sức mạnh văn hóa, phát huy sức mạnh con người để phát triển kinh tế tốt hơn”.

Trong năm 2020, Thành phố phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn Thành phố (GRDP) đạt 8,3% đến 8,5%, cả nhiệm kỳ đạt từ 8% đến 8,5%; thu ngân sách đạt 100% dự toán. Thành phố sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện 7 chương trình đột phá theo kế hoạch 5 năm 2016 – 2020; đồng thời tiến hành nghiên cứu, xây dựng 44 chương trình, đề án nhánh trong 3 chương trình đột phá với một chương trình trọng điểm để phát triển Thành phố tại dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI đã công bố.

Bến tàu, xe vắng khách cuối kỳ nghỉ Tết Canh Tý

Chiều 2/2, ngày nghỉ cuối dịp tết Canh Tý 2020, người dân ở các tỉnh, thành trở lại Thành phố để bắt đầu công việc. Tuy nhiên, các bến xe lớn, ga tàu trên địa bàn lại không xảy ra tình trạng đông đúc, chen lấn như dự kiến trước đó, ngoại trừ sân bay Tân Sơn Nhất và các cửa ngõ.

Bến xe Miền Đông khá thông thoáng vào nghỉ cuối dịp tết Canh Tý 2020. Ảnh: báo Pháp Luật TPHCM
Bến xe Miền Đông khá thông thoáng vào nghỉ cuối dịp tết Canh Tý 2020. Ảnh: báo Pháp Luật TPHCM

Ghi nhận vào cuối ngày 2/2 tại Bến xe Miền Đông, lượng xe khách từ cầu Bình Triệu di chuyển vào khu vực trả khách khá thưa thớt, mỗi lượt chỉ tầm 2-3 xe. Một nhân viên bảo vệ ở đây cho biết mặc dù là ngày nghỉ cuối nhưng cũng chỉ lai rai xe khách vào bến.

Còn tại Bến xe Miền Tây, xe khách ra vào liên tục để trả khách, lượng hành khách cũng tăng đột biến vào cuối giờ chiều. Tuy nhiên, nhiều nhân viên bảo vệ ra hiệu điều tiết rất nhịp nhàng nên không xảy ra tình trạng ùn ứ.

Tương tự, tại ga Sài Gòn chiều 2/2 rất vắng vẻ từ trong ra ngoài ga, chỉ lưa thưa vài hành khách. Khác với những ngày đông đúc vừa qua, hành khách dễ dàng chọn phương tiện di chuyển vì tại đây hàng trăm xe taxi, xe ôm xếp hàng dài hỗ trợ hành khách.

Ngược lại, tại sân bay Tân Sơn Nhất, vào cuối ngày có rất đông hành khách đổ ra từ nhà ga quốc nội. Trong khoảng thời gian ngắn, liên tục các chuyến bay từ các địa phương trong nước đáp xuống sân bay này, kéo theo hàng ngàn hành khách đổ về Thành phố. Khách đông, hành lý nhiều, việc di chuyển khó khăn khiến khu vực ga quốc nội luôn trong tình trạng ách tắc.

Tại các cửa ngõ Thành phố cũng xảy ra tình trạng ùn tắc vào cuối 2/2. Cụ thể, tại phía đông Thành phố, khu vực nối liền các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương có rất nhiều người dân ồ ạt trở về Thành phố bằng xe máy khiến giao thông ách tắc. Dọc theo hai bên tuyến quốc lộ 1A, người dân lỉnh kỉnh hành lý xuống xe khách để bắt xe khác trở về nhà.

Đông đúc hơn hẳn là cửa ngõ phía tây, người dân các tỉnh miền Tây di chuyển bằng xe máy trở lại Thành phố rất đông nên xảy ra tình trạng ùn tắc cục bộ vào cuối ngày.

(Theo báo Pháp Luật TPHCM).

Hàng quán vắng teo

Dịch viêm phổi cấp do virus corona đang lan rộng ở nhiều nước khiến người dân TP. Hồ Chí Minh lo lắng. Nhiều người hạn chế đến những nơi đông người để ăn uống, mua sắm..., một số chuyển qua mua hàng online.

Khảo sát một số quán ăn, tiệm trà sữa, trung tâm thương mại tại Thành phố, nhiều nơi chỉ lác đác vài khách mua mang đi chứ ít ngồi trò chuyện tại quán. Chị Hương, quản lý chuỗi cửa hàng trà sữa khá có tiếng ở Quận 1, cho biết: “Cả tuần nay quán rất vắng. Vào cửa hàng ăn uống thường phải cởi khẩu trang để thưởng thức nên ai cũng ngại. Có ngày chúng tôi chỉ tiếp được khoảng 10 người khách, trong đó đa phần mua mang đi”.

Nhân viên cửa hàng mỹ phẩm đeo khẩu trang tiếp khách - Ảnh: báo Tiền Phong
Nhân viên cửa hàng mỹ phẩm đeo khẩu trang tiếp khách - Ảnh: báo Tiền Phong

Tại các trung tâm thương mại như Vincom, Vạn Hạnh Mall, Aeon..., khách đến mua sắm cũng thưa thớt. Tất cả đều trang bị khẩu trang kín mít, từ khách đến nhân viên.

Trong khi đó, không ít quán ăn trong khu dân cư, quán ăn vỉa hè… cũng ế ẩm. Anh Đức (ngụ Q.Bình Tân) ngao ngán: “Mới nghỉ Tết xong nên hàng quán chưa mở nhiều, những quán mở sớm thường đông khách mấy ngày này. Thế nhưng sáng nay vừa chở con đi tìm quán ăn ngon thì hoảng hồn khi thấy ông chủ và nhân viên để tơ hơ, không khẩu trang, bao tay gì khi bán thức ăn khiến tôi rất sợ. Trong quán cũng chỉ loe ngoe vài khách, nhiều người ghé vào thấy chủ quán cười tươi liền quay đầu xe chạy thẳng”.

Chị Na (tiểu thương chợ Hòa Bình, Quận 5) nói: “Từ lúc có dịch, chợ vắng lắm dù đã hết tết gần cả tuần. Nay sát ngày Thần tài, chợ có nhộn nhịp hơn nhưng vẫn thua xa so với năm 2019, cả tiểu thương lẫn khách hàng. Tôi có nhiều khách quen, họ cần mua gì chỉ điện thoại, tôi giao tận nơi tính thêm phí. Buôn bán mùa dịch thì mình phải linh động”.

(Thông tin trên báo Tiền Phong).

Sáng tạo cho ngày Thần tài

Báo Tuổi Trẻ đưa tin: Ngày 2/2 (mùng 9 tháng Giêng), giá vàng miếng vẫn ở mức cao: 44,85 triệu đồng/lượng. Nhiều doanh nghiệp vàng phải sáng tạo sản phẩm mới, giá mềm để hút khách dịp ngày vía Thần tài hôm nay 3/2. Tại chi nhánh Công ty PNJ trên đường Nguyễn Văn Nghi (Quận Gò Vấp), từ cuối tuần qua đã có nhiều người tranh thủ ghé mua vàng sớm trước ngày Thần tài vì sợ đến đúng ngày giá bị đẩy lên cao. Sản phẩm được chọn nhiều nhất là miếng vàng có chữ Tài, Lộc hoặc vàng nhẫn đóng vỉ.

Các bao lì xì có trọng lượng vàng nhẹ đang được tung ra để tăng sức mua cho khách hàng - Ảnh: báo Tuổi Trẻ
Các bao lì xì có trọng lượng vàng nhẹ đang được tung ra để tăng sức mua cho khách hàng - Ảnh: báo Tuổi Trẻ

Tại trụ sở Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 1, chiều 2/2 liên tục có khách hàng ghé vào mua vàng. Năm nay ngoài tượng, phù điêu 12 con giáp và Thần tài, các sản phẩm hình chuột - là con giáp của năm, Công ty SJC cũng tung ra sản phẩm bao lì xì hình chuột vàng, Thần tài, hình chú mèo may mắn hoặc in chữ Lộc.

Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) cho biết trong ngày vía Thần tài, toàn hệ thống sẽ mở cửa vào lúc 6h sáng và đóng cửa sau 23h đêm để đáp ứng nhu cầu mua vàng lấy may của người dân. Ngoài sản phẩm Kim Tý Tài Lộc, PNJ còn có các chủng loại vòng charm được đúc bằng vàng 24k và 18k đáp ứng nhu cầu về phong thủy như charm Kim Tý, charm Tài Lộc, charm Bao Tiền... và dòng sản phẩm trang sức Kim Tý có giá dao động 2,4 - 5,5 triệu đồng/sản phẩm.

Công ty vàng SBJ thuộc Sacombank tung ra sản phẩm miếng vàng Thần tài đại cát, túi lộc Đắc quyền đại cát và tiểu cảnh Canh Tý quý linh. Ngoài lì xì 79.000 đồng (con số Thần tài lớn) cho 79 khách hàng mua vàng đầu tiên, nếu người mua vàng SBJ thanh toán bằng mã QR Code từ 10 triệu đồng bằng mBanking/Sacombank Pay tại SBJ còn được nhận lộc 390.000 đồng.

Tuy tung ra hàng loạt khuyến mãi để kích cầu nhưng nhiều doanh nghiệp vàng cho biết khá hồi hộp sức mua do chỉ trong vòng một năm qua giá vàng đã tăng thêm 7-8 triệu đồng/lượng. Do giá vàng cao, nên ngoài các sản phẩm vàng có trọng lượng từ 5 phân đến 1 chỉ như mọi năm, các công ty phải nghĩ ra các sản phẩm có trọng lượng nhỏ hơn để phù hợp với túi tiền của người mua.

Phố cá lóc nướng ở TP. Hồ Chí Minh nhộn nhịp ngày vía Thần Tài

Ngày vía Thần Tài, phố cá lóc nướng trên đường Tân Kỳ Tân Quý (quận Tân Phú) trở nên tấp nập, mùi cá lóc nướng tỏa ra thơm nghi ngút khắp con đường. Đó là nội dung phóng sự ảnh được đăng tải trên báo Tin Tức.

Nhiều người dân muốn có cá cúng vào sáng sớm Mùng 10 đã đi mua cá từ 23 giờ hôm trước, khách mua cá ban đêm thì cá sẽ không được phủ lớp mỡ hành để giữ cho cá còn đẹp đến hôm sau - Ảnh: báo Tin Tức
Nhiều người dân muốn có cá cúng vào sáng sớm Mùng 10 đã đi mua cá từ 23 giờ hôm trước, khách mua cá ban đêm thì cá sẽ không được phủ lớp mỡ hành để giữ cho cá còn đẹp đến hôm sau - Ảnh: báo Tin Tức

Đêm 2/2 đến rạng sáng 3/2 (tức Mùng 10 tháng Giêng âm lịch ), phố cá lóc nướng dài khoảng 500m kéo dài từ giao lộ Lê Trọng Tấn đến đường Trường Chinh có khoảng gần 10 hàng đã bắt đầu nhóm lửa và nướng cá để phục vụ người dân mua về cúng Thần Tài. Theo quan niệm dân gian, cứ đến ngày Mùng 10 tháng Giêng âm lịch hàng năm là ngày vía Thần Tài. Ngày này, nhiều gia đình chuẩn bị mâm cỗ để cúng, trong đó cá lóc nướng là lễ vật không thể thiếu. Tục mua cá lóc nướng vía Thân Tài đã có từ lâu đời, mọi người cho rằng Thần Tài thích ăn cá nướng nên chọn mua cúng để mong được Thần Tài phù hộ cho cả năm thuận lợi về tiền, tài.

Những con cá lóc nướng mía tỏa mùi thơm nghi ngút khắp con đường - Ảnh: báo Tin Tức
Những con cá lóc nướng mía tỏa mùi thơm nghi ngút khắp con đường - Ảnh: báo Tin Tức

Theo bà Nguyễn Thị Kim Anh, chủ cửa hàng cá lóc nướng Thanh Phong, để phục vụ nhu cầu của khách hàng mua cá lóc nướng vía Thần Tài, gia đình đã chuẩn bị 800 con cá lóc để nướng bán cho người dân. Trung bình mỗi con cá nặng từ 1,2kg đến 1,5kg nên giá bán dao động từ 130.000 đồng - 170.000 đồng/con. Song song với việc chuẩn bị cá, đồ ăn kèm như rau sống, bún, bánh tráng, nước chấm... cũng được phân ra từng gói sẵn để giao cho khách.

Phát hiện hàng ngàn khẩu trang y tế không rõ nguồn gốc

Cũng theo thông tin trên báo Tin Tức, ngày 2/2, qua công tác kiểm tra các cửa hàng kinh doanh mặt hàng khẩu trang y tế và nước sát khuẩn để tránh hiện tượng găm hàng, tăng giá, các Đội quản lý thị trường (QLTT) TP. Hồ Chí Minh đã phát hiện hàng ngàn khẩu trang y tế không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn chứng từ được bày bán.

Các Đội quản lý thị trường kiểm tra các cửa hàng bán khẩu trang y tế tại TP Hồ Chí Minh - Ảnh: báo Tin Tức
Các Đội quản lý thị trường kiểm tra các cửa hàng bán khẩu trang y tế tại TP Hồ Chí Minh - Ảnh: báo Tin Tức

Tiến hành kiểm tra cửa hàng thuốc tây N.Y 1 trên đường Nguyễn Giản Thanh (quận 10) và phát hiện 950 cái khẩu trang than hoạt tính vải không có hóa đơn, chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đội QLTT số 10 đã lập biên bản tạm giữ số hàng hóa trên và tiếp tục làm rõ, xử lý theo quy định.

Trước đó, vào ngày 31/1, Đội QLTT số 10 cũng tiến hành kiểm tra Cửa hàng dụng cụ y tế GH ở đường Tam Đảo (do ông T.Q.N làm chủ hộ kinh doanh) và tạm giữ 11 thùng với tổng cộng 6.600 cái khẩu trang y tế loại bốn lớp. Toàn bộ số khẩu trang này không có hóa đơn, chứng từ, không có nhãn hàng hóa theo quy định và không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Theo Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh, trong những ngày qua, các Đội QLTT các quận, huyện còn phát hiện một số người tập trung thành nhiều nhóm bán khẩu trang lưu động trên vỉa hè, lề đường... khi phát hiện có cơ quan chức năng, các đối tượng lên xe gắn máy di chuyển đi nơi khác.

Trong khi đó, theo một số nhà thuốc, gần đây xuất hiện nhiều đối tượng đi mua gom từ 10 hộp khẩu trang trở lên, tự xưng là đại diện doanh nghiệp đi mua khẩu trang cho công nhân, sau đó bán sang tay để nâng giá kiếm lời. Trước thực trạng này, Cục QLTT Thành phố cũng khuyến cáo các nhà thuốc nếu gặp các đối tượng này thì không bán hàng và báo ngay cho cơ quan chức năng để xử lý.

Thanh Hà

Tin cùng chuyên mục