Saigon Co.op ‘tung’ 10 triệu khẩu trang vải giá không lợi nhuận ra thị trường
Ông Nguyễn Anh Đức - Phó Tổng giám đốc thường trực Saigon Co.op cho hay: từ đầu tháng 3/2020, Saigon Co.op tung ra thị trường 10 triệu khẩu trang vải sát khuẩn đạt chuẩn cho người tiêu dùng với mức giá 7.000 đồng/cái.
"Đây là mức giá không lợi nhuận khi đưa vào phân phối trong các hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op do chúng tôi có chính sách sản xuất nhãn hàng riêng.
Nó cũng là nguồn hàng kích cầu hàng Việt hiệu quả và tích cực tham gia bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu hơn 10 năm qua kể từ ngày bắt đầu ra mắt người tiêu dùng từ năm 2003", ông Đức chia sẻ.
Được biết, ngày 2/3, Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) đã trao tặng 100.000 chiếc khẩu trang y tế đạt chuẩn đến lãnh đạo UBND Thành phố với mong muốn cùng các sở ban ngành phòng chống dịch hiệu quả ngay từ tuyến đầu.
(Theo báo Tuổi Trẻ)
Cuộc sống ở khu cách ly
Tại TP. Hồ Chí Minh, suất ăn cho người cách ly và nhân viên y tế tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi do Ban Quản lý Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi cung cấp, được miễn phí hoàn toàn. Trong khi đó, người đang theo dõi sức khỏe tại trung tâm cách ly tập trung của quận 7 vẫn phải thanh toán chi phí khẩu phần ăn hằng ngày. Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó chủ tịch UBND quận 7, cho biết theo Thông tư 32 của Bộ Tài chính, những trường hợp nhiễm dịch bệnh mới được điều trị và cung cấp suất ăn miễn phí.
“Trước mắt, các trường hợp cách ly vẫn phải tự túc kinh phí, quận sẽ đảm bảo suất ăn theo nhu cầu. Chúng tôi sẽ ghi lại thông tin của người dân. Nếu sau này Thành phố có quyết định hỗ trợ thì quận sẽ liên hệ hoàn trả”, bà Hiếu cho biết.
Tại đây, khẩu phần trung bình của người được cách ly khoảng 150.000 đồng/ngày cho 3 bữa ăn, các trường hợp có nhu cầu khẩu phần ăn nhiều hơn thì thanh toán chi phí nhiều hơn. Một số trường hợp đặt thêm các món ăn bên ngoài rồi giao tới trung tâm, nhân viên cũng hỗ trợ mang vào, nhưng quận không khuyến khích do chưa kiểm soát được khâu an toàn thực phẩm.
Riêng đồ dùng cá nhân, quận đang cung cấp miễn phí các vật dụng hằng ngày theo tiêu chuẩn chung dành cho người cách ly. Đồng thời khuyến cáo người dân hạn chế mang các vật dụng vào khu cách ly.
Còn tại quận 2, hiện có 15 ca cách ly, theo dõi tại nhà; có 3 ca cách ly tập trung. Ngoài ra, còn có 4 người Hàn Quốc đi du lịch cũng được cách ly tập trung. Quy định cho phép một bữa ăn của 1 người là 40.000 đồng; với người nghèo có xác nhận thì miễn phí, còn không thì đóng tiền.
(Theo báo Thanh Niên).
Trăn trở lương hưu của cán bộ không chuyên trách
Theo quy định của Luật BHXH sửa đổi, bổ sung năm 2014 quy định, từ năm 2016, cán bộ không chuyên trách phường chỉ được tham gia BHXH bắt buộc với mức đóng là 22% mức lương cơ sở (lương cơ sở hiện nay là 1.490.000 đồng/tháng), để hưởng 2 chế độ hưu trí, tử tuất.
Do đó, từ năm 2016, cán bộ không chuyên trách phường mặc dù tham gia BHXH bắt buộc nhưng sẽ không được hưởng 3 chế độ ngắn hạn là ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp. Trong thực tế, 3 chế độ này lại là những nhu cầu, quyền lợi sát sườn.
Việc không được hưởng 3 chế độ khiến người lao động chịu nhiều thiệt thòi khi ốm đau và nhất là nữ cán bộ không chuyên trách khi sinh con không được hưởng chế độ thai sản.
Để bù đắp cho cán bộ không chuyên trách, từ năm 2018 đến nay, TP. Hồ Chí Minh dùng ngân sách để hỗ trợ 3 chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp cho đối tượng này.
Phó Chủ tịch UBND quận Phú Nhuận Nguyễn Đông Tùng nhận xét, sự hỗ trợ của Thành phố tạo động lực giúp cán bộ không chuyên trách an tâm công tác, gắn bó với địa phương và thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn.
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND quận Thủ Đức Đặng Nguyễn Thanh Minh nhận xét, các chế độ vẫn chưa đảm bảo được yêu cầu thực tế đời sống của cán bộ không chuyên trách do quy định của Luật BHXH về mức đóng BHXH rất thấp so với mức lương hiện hưởng.
Phó Chủ tịch UBND quận 1 Nguyễn Thị Thu Hường đề nghị, căn cứ đóng BHXH cho cán bộ không chuyên trách cần được tính dựa trên mức lương cơ sở nhân hệ số hiện hưởng theo bằng cấp hiện tại.
Ông Trần Dũng Hà, Phó Giám đốc BHXH TP, phân tích với mức đóng BHXH gần 330.000 đồng mỗi tháng, dù có công tác tối đa hơn 30 năm, lương hưu của cán bộ không chuyên trách được hưởng tối đa 75%, thì tương lai, mức hưởng lương hưu vẫn rất thấp, bởi BHXH thực hiện theo nguyên tắc đóng - hưởng, đóng cao hưởng cao, đóng thấp hưởng thấp.
(Theo Sài Gòn Giải Phóng)
Tái cơ cấu ngành chăn nuôi heo
Mới đây, UBND TP. Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định phê duyệt đề án “Tái cơ cấu ngành chăn nuôi heo trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2025”.
Đề án đặt ra mục tiêu phát triển chăn nuôi heo theo hướng giảm tỷ lệ đàn heo thịt, tăng tỷ lệ đàn heo giống, hình thành nhiều trại giống hạt nhân để cung cấp con giống có chất lượng cao cho người chăn nuôi; Tiếp tục duy trì Thành phố là trung tâm cung cấp con giống cho cả nước; Chuyển chăn nuôi heo nông hộ nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại quy mô lớn, công nghiệp có kiểm soát; Ứng dụng công nghệ cao đảm bảo an toàn sinh học, chăn nuôi theo quy trình VietGAHP.
Ngoài ra, nhằm chuyển dịch liên kết trong sản xuất và tái cơ cấu theo chuỗi giá trị ngành hàng, gắn với các mô hình kinh tế tập thể, phát triển tổ chức sản xuất liên kết theo mô hình chuỗi sản phẩm từ khâu sản xuất đến thị trường, giảm khâu trung gian, giảm chi phí giá thành, đảm bảo chất lượng sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế…
Theo đề án được phê duyệt, đến cuối năm 2021, Thành phố giảm nhanh các hộ chăn nuôi không đảm bảo an toàn sinh học, nhất là các hộ chăn nuôi tận dụng thức ăn thừa. Ổn định đàn heo khoảng 200.000 con, trong đó đàn nái sinh sản chiếm 16% tổng đàn chủ yếu tập trung chăn nuôi tại các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Cần Giờ, Nhà Bè. Riêng các quận 2,7,9 và Bình Tân không còn chăn nuôi heo.
Đồng thời, quy mô chăn nuôi bình quân 75-100 con/ hộ; Tỷ lệ hộ chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP đạt trên 60-80%; Phấn đấu 90-100% các hộ chăn nuôi thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Cơ bản hình thành hệ thống tháp giống toàn Thành phố, với đàn giống cụ ky 1.673 con, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giống. Trên 50% các cơ sở sản xuất giống heo trên địa bàn Thành phố được chứng nhận con giống theo các tiêu chuẩn hiện hành.
(Theo báo Nông Nghiệp Việt Nam).
Sự thật khó tin ở các cơ sở gây ô nhiễm
Hơn một tháng lần theo những khu dân cư có mùi khói khét, thật khó để tin rằng có quá nhiều cơ sở gây ô nhiễm xây dựng không phép, sai phép lại tồn tại nhiều năm, ảnh hưởng cuộc sống dân cư… Đó là nội dung bài viết được đăng tải trên báo Người Lao Động.
Ông Tám, ngụ xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh đang cắt cỏ trên cánh đồng bỏ hoang cạnh nhà xưởng sau bờ kênh Trung Ương thấy phóng viên liền nói như cầu cứu “Cô ơi, hãy lên tiếng cứu người dân khu vực này, họ xả khói đen kịt ngày đêm. Chúng tôi già rồi, có bệnh tật cũng không ức nhưng thương cho trẻ nhỏ, nếu cứ sống trong môi trường ô nhiễm thì làm sao chịu thấu”.
Sau bờ kênh Trung Ương, men theo con đường đất, dẫn đến 4 cơ sở nằm liên tiếp nhau thuộc ấp 3A, xã Vĩnh Lộc A. Cả 4 cơ sở này đều hoạt động giặt, sấy quần áo. Theo lời người dân, các cơ sở này bắt đầu hoạt động từ những năm 2014 -2015, hình thành trên khu đất trồng lúa từ những năm 2012, ban đầu chủ đất chỉ xây móng, làm hàng rào tôn rồi vài năm sau dần hình thành các nhà xưởng.
Để tránh sự dòm ngó của người dân, đa số các cơ sở đều không để bảng tên và địa chỉ. Bên trong, lò hơi được đốt bằng củi và vải vụn nên mỗi lần lò hoạt động, không chỉ phát sinh khí độc mà bụi than, bụi vải tỏa ra mù mịt cả khu vực. Những người lạc vào khu vực này thực sự không thể tin vào mắt mình vì khói bụi bao phủ như sương mù từ sáng đến chiều.
Tình trạng này cũng xảy ra ở bên bờ kênh Tham Lương. Khi những người dân sống ở khu vực KCN Tân Bình (quận Tân Phú) và phường Tân Thới Nhất, quận 12 cũng phải chịu cảnh hút khó độc cả ngày lẫn đêm khoảng chục năm nay. Những cơ sở giặt sấy đóng cửa, bên ngoài được ngụy trang bằng những tấm bạt cũ kỹ phủ lên nhưng bên trong, máy móc đang hoạt động ầm ầm, từng cột khói đen vẫn phả lên bầu trời. Điểm chung của những cơ sở này là nhà xưởng nhếch nhác, tạm bợ, được vây lại bằng nhiều tấm tôn đã gỉ sét. Không chỉ xả khói gây ô nhiễm, mà người ta còn đổ tro sau khi đốt lò ra gần đấy, bãi tro ngày càng “khổng lồ”, khi có gió lớn thổi qua thì bụi tro bốc lên mù mịt…
Phát hiện gần 1,3 tấn khẩu trang phế liệu ở Bình Chánh
Từ nguồn tin của báo Lao Động, ngày 2/3, cơ quan chức năng huyện Bình Chánh đã kiểm tra và xử lý gần 1,3 tấn khẩu trang phế liệu được một hộ gia đình thu gom để sơ chế, bán kiếm lời.
Cơ quan chức năng huyện Bình Chánh đã xác định chính xác khối lượng khẩu trang phát hiện tại gia đình ông Sỳ Nhộc Pẩu (SN 1971, nơi ở hiện tại tổ 12, ấp 3, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh) làm nghề mua bán phế liệu thu gom về để ở ở nhà.
Theo khai nhận ban đầu của ông Pẩu, khối lượng khẩu trang được thu gom, tiếp nhận là 780kg. Ông Pẩu phủ nhận việc tái chế khẩu trang để bán ra thị trường. Người này cho biết vì lợi nhuận nên đã thu mua số khẩu trang trên.
Đại diện UBND xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh cho biết, vì khối lượng khẩu trang đã vượt 1.000 kg nên không còn thuộc thẩm quyền xử lý của xã. Hiện UBND xã đang hoàn tất các thủ tục để chuyển hồ sơ lên UBND huyện xử lý.