Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 03/4/2020

11:02 03/04/2020

Trung tâm Báo chí tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TP. Hồ Chí Minh trên các báo ra ngày 03/4/2020:

Thành phố quản lý người mắc Covid-19 bằng phần mềm

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công tác quản lý, tra cứu thông tin người cách ly phục vụ việc điều tra dịch tễ, Trung tâm Điều hành thông minh của Sở Y tế đã khẩn trương xây dựng, đưa vào sử dụng phần mềm ứng dụng "Hệ thống quản lý người cách ly và người bệnh Covid-19".

Khu cách ly tập trung Ký túc xá Đại học Quốc gia TP HCM hiện cách ly 6.000 người
Khu cách ly tập trung Ký túc xá Đại học Quốc gia TP HCM hiện cách ly 6.000 người

Phần mềm này sẽ giúp cán bộ, nhân viên y tế đang tham gia quản trị các khu cách ly tập trung và các bệnh viện điều trị Covid-19 dễ dàng quản lý thông tin, theo dõi diễn tiến tình trạng sức khỏe, quá trình điều trị của người cách ly hoặc người bệnh từ lúc vào cho đến khi rời khu cách ly, xuất viện… 

Phần mềm này cũng giúp bộ phận quản lý của Sở Y tế TP dễ dàng theo dõi thông tin về tình hình dịch bệnh Covid-19 tại TP, như: số người được cách ly, số người cách ly hiện diện, số người đã rời khỏi khu cách ly hoặc xuất viện, số dự kiến mỗi ngày ra khỏi khu cách ly và xuất viện, số trường hợp dương tính, khả năng tiếp nhận người cách ly và người bệnh tại các khu cách ly hoặc bệnh viện… 

Qua đó, Sở Y tế TP có thể nắm bắt kịp thời tình hình dịch bệnh Covid-19, đưa ra các giải pháp phù hợp và tham mưu cho Ban Chỉ đạo phòng chống dịch của TP. Thông tin trên được báo Người Lao Động đăng tải.

Nhu cầu nhân lực quý II/2020 sẽ giảm mạnh

Thông tin từ báo Người Lao Động, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh vừa công bố báo cáo "Thị trường lao động quý I/2020 - Dự báo nhu cầu nhân lực quý II tại TP. Hồ Chí Minh".

Theo đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhu cầu nhân lực 3 tháng đầu năm 2020 giảm (27,3%) so với cùng kỳ năm 2019 ở một số ngành, nghề như: vận tải, giáo dục, dịch vụ lưu trú, du lịch, dệt may - giày da.

Kết quả khảo sát nhanh 163 doanh nghiệp (DN) cho thấy: 77,3% DN cho người lao động (NLĐ) làm việc bình thường, 8,6% DN giảm giờ làm, 7,4% DN không tăng ca và 6,7% DN thiếu việc làm. Có 25,15% DN được khảo sát dự kiến cắt giảm lao động trong thời gian tới khi tình hình hoạt động sản xuất - kinh doanh tiếp tục bị tác động do tình hình dịch bệnh. 

Trong quý II, nếu tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài cũng như thiếu hụt nguồn nguyên - vật liệu sản xuất và khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm, một số DN tạm dừng kế hoạch tuyển dụng lao động cho việc mở rộng quy mô sản xuất.

Dự kiến nhu cầu nhân lực quý II/2020 cần khoảng 47.000 chỗ làm việc (giảm 37,33%) so với cùng kỳ năm 2019, tập trung ở các nhóm nghề: kinh doanh - thương mại (lĩnh vực thương mại điện tử); công nghệ thông tin (lập trình, thiết kế website, thiết kế game online); hành chính - văn phòng; y tế - chăm sóc sức khỏe; dịch vụ tư vấn - chăm sóc khách hàng (tư vấn trực tuyến); marketing; chế biến lương thực - thực phẩm; dược phẩm; vận tải (dịch vụ giao hàng); dệt may; công nghệ tài chính (Fintech); giải trí trực tuyến...

Tiếp tục ngưng nhận hồ sơ cấp phép hoạt động dịch vụ giáo dục

Cũng trên báo Người Lao Động,  căn cứ công văn của UBND TP. Hồ Chí Minh về kéo dài thời gian nghỉ học của học sinh, sinh viên, học viên trên địa bàn Thành phố do dịch bệnh Covid-19; Sở GD-ĐT TP yêu cầu các trung tâm ngoại ngữ, tin học tiếp tục ngưng tổ chức các kỳ thi chứng chỉ tiếng Anh, tin học, ngoại ngữ đến ngày 8/5/2020.

TP. Hồ Chí Minh ngưng tổ chức các kỳ thi đến tháng 5
TP. Hồ Chí Minh ngưng tổ chức các kỳ thi đến tháng 5

Sở này cũng sẽ tạm ngưng nhận hồ sơ đăng ký cấp phép hoạt động các loại hình dịch vụ giáo dục như các loại hình trường, trung tâm ngoại ngữ- tin học; dạy thêm - học thêm; giáo dục kỹ năng; tư vấn du học...

Sở GD-ĐT TP cũng đề nghị UBND các quận, huyện tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và yêu cầu các đơn vị thực hiện chỉ đạo trên.

Học chương trình tinh giản, không lo hổng kiến thức

Nhận xét về chương trình tinh giản của Bộ GD-ĐT vừa đưa ra, đại diện nhiều trường cho biết nội dung học phù hợp, vẫn đảm bảo được lượng kiến thức lại giúp giáo viên an tâm hơn khi triển khai dạy.

Học sinh lớp 12 tham gia buổi học trực tuyến
Học sinh lớp 12 tham gia buổi học trực tuyến

Trả lời phỏng vấn của báo Thanh Niên, bà Bùi Minh Tâm, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh, cho biết: “Hướng dẫn tinh giản chương trình học của Bộ rất chi tiết đến từng mục, từng bài nên các trường có thể thống nhất được nội dung dạy, giáo viên (GV) cũng cảm thấy yên tâm hơn khi triển khai. Chương trình này vẫn đảm bảo được những nội dung quan trọng, cốt lõi chung. Nếu học sinh (HS) học theo hướng dẫn của GV thì không lo hổng hay thiếu kiến thức cho thi THPT quốc gia sắp tới”.

Bà Tâm cho biết thêm: “Cái hay của từng tổ bộ môn là bây giờ phải chọn được bài nào mình nên dạy trước, cách thức tương tác thế nào. Bây giờ mình vẫn quyết tâm dạy học, dạy được tới đâu thì tính kế hoạch tiếp tới đó chứ không thể thụ động ngồi chờ hết dịch bệnh mới bắt đầu”.

Tương tự, chia sẻ về nội dung tinh giản chương trình học của Bộ, Thạc sĩ Nguyễn Viết Đăng Du, Tổ trưởng tổ lịch sử Trường THPT Lê Quý Đôn, bày tỏ: “Trước đây, trong đầu tôi đã có suy nghĩ rằng Bộ đơn giản sẽ cắt giảm hết, chỉ giữ lại kiến thức của vài tuần đi học chính thức và lo lắng như vậy HS sẽ không có những kiến thức đầy đủ để hiểu về lịch sử. Tuy nhiên, thực tế trong chương trình giảm tải Bộ công bố cho thấy, cách giảm tải là lược một số nội dung không quan trọng và đi thẳng vào vấn đề trọng tâm. Từ đó giúp người học có thể nắm được diễn tiến lịch sử một cách khái quát, cơ bản nhất của chương trình học kỳ 2. Với khối lượng kiến thức còn lại, chỉ cần thời gian 2 tuần khi HS đi học trở lại, GV có thể kịp thời cập nhật kiến thức cho HS".

Yêu cầu 28 xe quay đầu về điểm xuất phát

Ông Trần Quốc Khánh, Chánh Thanh tra giao thông, Sở GTVT TP, cho biết qua hai ngày chốt chặn ở cửa ngõ TP.Hồ Chí Minh, lực lượng thanh tra đã yêu cầu 28 xe quay đầu về điểm xuất phát. Báo Pháp Luật TP đưa tin.

Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 03/4/2020 - Ảnh 1

Cụ thể, trong hai ngày vừa qua, lực lượng thanh tra đã kiểm tra 76 xe. Trong đó có 28 trường hợp không biết về phương án tạm ngưng lưu thông. Theo đó, lực lượng thanh tra đã tuyên truyền và yêu cầu các xe quay lại điểm xuất phát.

Số xe còn lại là các xe được phép hoạt động và chấp hành tốt các quy định như: Không vận chuyển quá 50% số ghế trên xe và không quá 20 người; tài xế, nhân viên phục vụ, hành khách trên xe đeo khẩu trang… Các xe hầu hết là đưa rước công nhân, chuyên gia hoặc xe không có hành khách đang đi về bãi đỗ.

Lực lượng thanh tra cũng tăng cường tuyên truyền những xe đi vào TP.Hồ Chí Minh quay đầu lại nơi xuất phát.

Đối với những xe cố tình vi phạm, thanh tra sẽ xử lý theo quy định. Cụ thể, cá nhân có hành vi không có phù hiệu tham gia kinh doanh vận tải bị phạt 6-8 triệu đồng; tổ chức thì 12-16 triệu đồng, đồng thời bị tước bằng lái 1-3 tháng.

Đưa người xin ăn vào các cơ sở xã hội

Vietnamplus cho hay: Thực hiện phòng, chống dịch COVID-19, Ủy ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã chỉ đạo 24 quận, huyện kiểm tra, tập trung toàn bộ người xin ăn, người sinh sống nơi công cộng không có nơi cư trú ổn định, đặc biệt là người cao tuổi, vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội hoặc Trung tâm Điều dưỡng người bệnh tâm thần (đối với trường hợp có biểu hiện tâm thần), dự kiến kết thúc vào ngày 3/4.

Những khu phố vắng người khi người dân chấp hành quy định hạn chế ra khỏi nhà. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)
Những khu phố vắng người khi người dân chấp hành quy định hạn chế ra khỏi nhà. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Chủ tịch UBND các quận, huyện phải chịu trách nhiệm nếu còn tình trạng các đối tượng này tiếp tục xin ăn trên địa bàn.

Ủy ban Nhân dân Thành phố cũng lưu ý việc thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng ngừa dịch bệnh, nhất là lực lượng làm nhiệm vụ trong thời điểm này; đồng thời cần trang bị khẩu trang cho các đối tượng ngay khi thực hiện việc tập trung; tiến hành khai báo y tế, phát hiện sớm các trường hợp có dấu hiệu sốt, ho, khó thở để kịp thời tổ chức cách ly y tế tại địa phương.

Giúp người nghèo vượt qua mùa dịch

Để phòng chống dịch, hoạt động bán vé số trên cả nước sẽ tạm ngưng 15 ngày kể từ ngày 1/4. Cũng từ ngày đó, hoạt động trợ giúp người bán vé số dạo nghèo khó dấy lên trong cộng đồng tại TP. Hồ Chí Minh. Đó là nội dung trên báo Pháp Luật TP.

Hai cha con nghèo đến nhận cơm miễn phí ở quán Nụ Cười 6. Ảnh: HÒA BÌNH
Hai cha con nghèo đến nhận cơm miễn phí ở quán Nụ Cười 6. Ảnh: HÒA BÌNH

Trưa 1/4, trước một cao ốc mini số 213 Trần Bình Trọng (quận 5), bà Hương lui cui vắt cam bên xe nước ở lề đường. Khi phóng viên ghé vào hỏi thăm có phải đây là điểm phát từ thiện như trên mạng đưa hay không, bà gật đầu xác nhận. Bà Hương cho biết từ ngày 31/3, bà và con cháu, anh chị em trong nhà, những người buôn bán gần đó mỗi ngày phát gần 200 phần ăn làm sẵn và nước uống cho những người bán vé số dạo.

“Mình không giàu nhưng may mắn hơn người ta nên có bao nhiêu giúp bấy nhiêu, hổng có nữa thì mình giúp công. Mấy người bán vé số họ ở đâu ngoài miền Trung vô lận, đâu có nhà cửa gì, không đi bán được họ cũng không có tiền về quê, mình giúp được gì thì giúp” - bà Hương nói.

Người dân chở gạo đến ủng hộ quán cơm Nụ Cười 6 để lo cho người nghèo trong mùa dịch COVID. Ảnh: HÒA BÌNH
Người dân chở gạo đến ủng hộ quán cơm Nụ Cười 6 để lo cho người nghèo trong mùa dịch COVID. Ảnh: HÒA BÌNH

Không xa chỗ bà Hương, ở địa chỉ 155 Hùng Vương, quận 5, một nhóm tiểu thương đang tất bật phân gạo và mì thành những phần nhỏ để tiện đem gửi cho phường phát cho những người bán vé số, người nghèo…

Tại số 503 Hoàng Sa, quận 3 là một tiệm bán điện thoại di động. Phía trước có để một thùng giấy đựng nhiều phần quà gồm mì gói, thực phẩm, một thùng nước với tấm bảng ghi: “Miễn phí, phần ăn cho người khó khăn”. Chủ tiệm là một thanh niên trẻ, tên Lê Thanh Bình, cho biết hai ngày qua mỗi sáng anh đều phát gần 200 phần thức ăn gồm bánh bao, bánh mì thịt… cho người bán vé số dạo, người khó khăn. Tiền do anh, bạn bè, các anh chị em trong nhà hùn lại.

Suất cơm 0 đồng cho người nghèo ngày cách ly

Sài Gòn nắng đổ lửa. Các tình nguyện viên mang những phần cơm miễn phí trao tận tay mảnh đời khó khăn. Nội dung được đăng tải trên báo Tuổi Trẻ online.

Trước đây, quỹ Bông Sen với chuỗi quán cơm Nụ Cười hỗ trợ người nghèo suất ăn 2.000 đồng. Dịch COVID-19 ập đến, để tránh lây lan, chuỗi quán này kêu gọi tình nguyện viên trực tiếp mang cơm miễn phí trao tận tay người nghèo.

Những tình nguyện viên lên đường phát cơm miễn phí cho người nghèo
Những tình nguyện viên lên đường phát cơm miễn phí cho người nghèo

Chị Nguyễn Ngọc Quỳnh Anh (28 tuổi, huyện Bình Chánh) làm nghề tự do, thời gian này rảnh rỗi nên tình nguyện đăng ký giao cơm miễn phí. "Có quen người chị tình nguyện viên, biết quán Nụ Cười cần shipper phát cơm, nên tôi đăng ký. Người ta góp của thì mình góp công, an ủi bà con khó khăn lúc dịch bệnh là điều nên làm", chị Quỳnh Anh chia sẻ.

10g30, chị Quỳnh Anh cùng nhiều bạn tình nguyện viên đến số 15 Mai Thị Lựu (P.Đa Kao, Q.1, TP.HCM) nhận hơn 500 suất cơm phát cho người khó khăn. 

Mỗi shipper phát cơm có trang bị khẩu trang, kính bảo hộ trước mặt, bao tay... để đảm bảo phòng chống dịch. Họ nhận 10-20 suất cơm rồi tỏa khắp Sài Gòn. Gặp những bác xe ôm, cô lao công đang nghỉ mệt dưới gốc cây, họ ghé lại, trao tay hộp cơm kèm lời "cảm ơn" và "chúc ngon miệng" khiến nhiều người ngỡ ngàng xúc động.

Bắt đầu ngày cách ly đầu tiên, quán cơm chay Bình An (P.6, Q.10) cũng giăng biển nghỉ bán. Nhưng bếp lại hoạt động hết công suất để nấu hơn 1.000 phần ăn phục vụ bà con lao động nghèo, người bán vé số...

Phần cơm nghĩa tình đến tận tay người có hoàn cảnh khó khăn - Ảnh: MINH HÒA
Phần cơm nghĩa tình đến tận tay người có hoàn cảnh khó khăn - Ảnh: MINH HÒA

"Chúng tôi cùng nhau gom góp để nấu cơm chay phục vụ người nghèo trong 15 ngày cách ly. Nhiều người lao động chân tay, bán vé số giờ nghỉ làm không có thu nhập. Chúng tôi muốn chung tay với mọi người giúp bà con qua cơn khó khăn" - anh Trương Phúc Hậu, người dân cùng nấu cơm chay, chia sẻ.

Tay cầm hộp cơm được bỏ bịch chung với hộp sữa, chị Huỳnh Kim Xuân (47 tuổi), một mình nuôi con, "tay làm hàm nhai, không đi bán là không có tiền". Nhờ có quán cơm này mà mẹ con chị và nhiều "đồng nghiệp" bán vé số bớt nỗi lo miếng ăn những ngày không kiếm ra đồng nào.

Vân Anh - Thanh Hà

Tin cùng chuyên mục