Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 03/6/2020

09:42 03/06/2020

Trung tâm Báo chí tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TP. Hồ Chí Minh trên các báo ra ngày 03/6/2020:

Giúp doanh nghiệp du lịch sớm hồi phục

Chiều 2/6, Hội Nhà báo TP. Hồ Chí Minh, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và Sở Du lịch TP đã tổ chức tọa đàm “Phát huy vai trò của truyền thông trong cuộc vận động người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” – Báo Sài Gòn Giải Phóng đưa tin.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, bà Võ Thị Ngọc Thúy, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP cho biết, doanh nghiệp có sức sống trở lại mới giúp ngành du lịch hồi phục. Sở Du lịch TP tới đây sẽ đẩy mạnh chiến dịch “Hello, Ho Chi Minh City” (TP. Hồ Chí Minh xin chào) giới thiệu điểm mới, thành phố an toàn cùng nhiều gói kích cầu liên kết với nhiều tỉnh thành trên cả nước.  

Trong thời gian chưa mở lại đường bay quốc tế, việc kích cầu du khách nội địa sẽ được quan tâm và có nhiều chương trình để hồi phục du lịch
Trong thời gian chưa mở lại đường bay quốc tế, việc kích cầu du khách nội địa sẽ được quan tâm và có nhiều chương trình để hồi phục du lịch

“Ngành du lịch TP cũng tung ra các sản phẩm du lịch như tour Theo dấu chân Biệt Động Sài Gòn, các tour du lịch sinh thái; các gói kích cầu du lịch với mức giảm giá cao nhất lên tới 60%. Sắp tới Sở Du lịch sẽ truyền thông bộ nhận diện thương hiệu, lo go mới, kết nối doanh nghiệp để quảng bá trên google…”, bà Võ Thị Ngọc Thúy cho hay.

Cũng đăng tải nội dung về buổi tọa đàm này, báo Tuổi Trẻ dẫn lại ý kiến của các chuyên gia. Trong đó, ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho biết đang có 3 kịch bản khác nhau với 3 thời điểm mở cửa của ngành du lịch là tháng 6, tháng 9 và tháng 12. Trong tất cả các kịch bản này, du lịch có bung hết cỡ cũng chỉ có thể đón khoảng 34 triệu lượt khách nội địa và khoảng 4,6 triệu lượt khách quốc tế. “Dù kịch bản nào thì du lịch nội địa cũng sẽ hồi phục trước tiên, và đây là thị trường cần kích cầu lúc này”, ông Thọ nhấn mạnh.

Theo Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng – Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP, tâm lý du khách là rào cản lớn nhất hiện nay với quá trình phục hồi du lịch. Nhưng cuộc chiến với dịch Covid-19 còn rất dài, nên không thể chờ để phát triển kinh tế.

Còn ông Võ Anh Tài, Phó Tổng Giám đốc Saigontourist thì cho rằng, nếu Tổng cục Du lịch đã có chiến dịch “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” thì cũng đến lúc TP. Hồ Chí Minh có chiến dịch của riêng mình, ví dụ “Người Sài Gòn đi du lịch Sài Gòn”. Chiến dịch này không chỉ giúp người dân trải nghiệm các dịch vụ lưu trú đẳng cấp mà còn được khám phá nhiều điểm mới của du lịch.

Đơn vị cam kết đảm bảo chất lượng, chấp nhận giảm lợi nhuận để kích cầu du lịch. Một số doanh nghiệp lữ hành khác cho biết sẽ có các giải pháp khuyến mãi cụ thể, chắc chắn thời điểm từ nay đến cuối năm 2020 du khách sẽ đón nhận các đợt giảm giá đậm.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng Giám đốc Công ty Vietravel, đề xuất mỗi khách đi tour trọn gói sẽ được tặng 1 triệu đồng và trừ trực tiếp vào giá tour, doanh nghiệp sẽ được nhà nước khấu trừ lại khi nộp thuế. Nếu từ nay đến cuối năm có khoảng 10 triệu lượt khách nội địa đi du lịch trong nước, nhà nước sẽ bỏ ra khoảng 10.000 tỉ đồng từ chính sách tặng 1 triệu đồng/du khách đi tour. Mỗi người đi du lịch sẽ chi tiêu ít nhất từ 3-5 triệu đồng, tương đương khoảng 30.000 - 50.000 tỷ đồng được đưa vào nền kinh tế và tạo gói quay vòng cho ngành du lịch. Chính sách này rất cần thiết để hồi sinh ngành du lịch.

Phân công 9 bệnh viện tiếp nhận người bệnh cần chăm sóc khi cách ly

Theo Vietnamplus, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh vừa phân công 9 bệnh viện trên địa bàn tiếp nhận những trường hợp người nhập cảnh vào Việt Nam qua cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất có bệnh nặng, cần chăm sóc y tế ngay trong thời gian cách ly nhằm đảm bảo các quy định phòng, chống dịch Covid-19.

9 bệnh viện trên địa bàn TP.HCM tiếp nhận người bệnh cần chăm sóc trong thời gian cách ly nhằm đảm bảo các quy định phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh minh họa: Báo Tin tức
9 bệnh viện trên địa bàn TP.HCM tiếp nhận người bệnh cần chăm sóc trong thời gian cách ly nhằm đảm bảo các quy định phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh minh họa: Báo Tin tức

Theo phân công, 9 bệnh viện gồm: Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện FV, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec Central Park.

Bên cạnh đó, 9 bệnh viện này cũng được phân công khám chữa bệnh cho những trường hợp trong thời gian cách ly nhưng có các triệu chứng cấp tính mới xuất hiện hoặc đến ngày tái khám của bệnh mạn tính sẵn có.

Các bệnh viện cần rà soát, củng cố các điều kiện cơ sở vật chất, có khu vực cách ly riêng, có quy trình điều trị cho người nghi nhiễm Covid-19 theo quy định của Bộ Y tế.

Trong thời gian điều trị tại khu cách ly của các bệnh viện, nếu người bệnh có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, các bệnh viện phải báo ngay cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và hội chẩn, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới hoặc bệnh viện được Bộ Y tế phân công là tuyến cuối trong công tác khám chữa bệnh Covid-19.

Thêm 400 tỷ hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng dịch COVID-19 vay vốn

Thông tin từ báo Lao Động, UBND TP vừa yêu cầu Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam (NHCSXH VN)  Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh trong quý II/2020 cấp bổ sung thêm tối thiểu 400 tỷ đồng để cho vay trên địa bàn, hỗ trợ người nghèo, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 có vốn làm ăn, phục hồi nhu cầu sản xuất, kinh doanh.

UBND TP cũng yêu cầu NHCSXH các quận, huyện chú trọng rà soát và triển khai giải ngân kịp thời đối với nguồn vốn Quỹ giảm nghèo. Không để xảy ra trường hợp hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát mức chuẩn cận nghèo có nhu cầu và đủ điều kiện vay mà không được tiếp cận vốn chính sách xã hội, phải đi vay tín dụng đen.

Người dân khó khăn đi nhận quà từ chương trình "chuyến xe yêu thương" trong mùa dịch COVID 19 (ảnh minh họa). Ảnh: Minh Khang
Người dân khó khăn đi nhận quà từ chương trình "chuyến xe yêu thương" trong mùa dịch COVID 19 (ảnh minh họa). Ảnh: Minh Khang

Đối với người vay vốn từ các chương trình vay nguồn vốn của địa phương ủy thác sang NHCSXH bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 chưa trả hết nợ vay mặc dù đã hết thời gian gia hạn theo quy định, UBND TP chấp thuận chủ trương cho giãn nợ, kéo dài thời gian trả nợ tối đa 24 tháng. Muốn được như vậy, người vay phải làm đơn có ý kiến xác nhận của UBND xã về việc gặp khó khan do dịch Covid -19.

Được biết, trong quý I, UBND TP đã bố trí vốn ngân sách năm 2020 để ủy thác cho vay Quỹ giảm nghèo 268 tỷ đồng, cho vay giải quyết việc làm 491 tỷ đồng. Có 11/24 quận, huyện đã bố trí ngân sách để ủy thác cho vay ưu đãi tại địa phương với số tiền 28 tỷ đồng.

Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cũng đã giải ngân 630 tỷ đồng từ các nguồn vốn cho vay ưu đãi, đáp ứng nhu cầu vay vốn của người nghèo thuộc Chương trình Giảm nghèo bền vững của Thành phố và người lao động TP bị ảnh hưởng bởi dịch Covid -19 với 14.477 lượt khách vay vốn.

Cách chức giám đốc Bệnh viện quận Gò Vấp

Báo Người Lao Động đưa tin: UBND quận Gò Vấp ngày 02/6 cho biết đã công bố quyết định kỷ luật bằng hình thức cách chức giám đốc Bệnh viện quận Gò Vấp đối với ông Phạm Hữu Quốc.

Bệnh viện quận Gò Vấp
Bệnh viện quận Gò Vấp

Trước đó, ngày 20/4, Ban Thường vụ Quận ủy Gò Vấp đã ban hành quyết định cách chức chi ủy viên Chi bộ BV quận Gò Vấp đối với ông Quốc về hành vi mua bán số lượng lớn khẩu trang y tế trong thời điểm xảy ra dịch Covid-19. Hành vi vi phạm của ông Quốc đã tạo dư luận xấu, bức xúc trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm mất uy tín bản thân, ảnh hưởng đến uy tín của BV quận Gò Vấp, gây hậu quả rất nghiêm trọng.

Triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả hành chính công

Vietnamplus cho hay, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động nền hành chính công, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp, UBND TP đã triển khai nhiều giải pháp thực hiện đồng bộ, từ các cấp và ở nhiều lĩnh vực. Trong đó, UBND TP đã ban hành Kế hoạch số 1856/QĐ-UBND kiểm tra, khảo sát công tác kiểm soát thủ tục hành chính năm 2020.

Hệ thống kios tra cứu thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa Ủy ban Nhân dân Quận 2. (Nguồn: thanhuytphcm.vn)
Hệ thống kios tra cứu thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa Ủy ban Nhân dân Quận 2. (Nguồn: thanhuytphcm.vn)

UBND TP sẽ kiểm tra, khảo sát việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính tại các cơ quan, đơn vị, phát hiện những tồn tại, hạn chế để kịp thời chấn chỉnh.

Thành phố cũng tăng cường trách nhiệm giải trình của các cơ quan, đơn vị trong công tác tiếp nhận và xử lý triệt để các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức giải quyết thủ tục hành chính đảm bảo minh bạch, khách quan, công bằng, liên thông, kịp thời, chính xác, không gây phiền hà.

Bên cạnh đó, Thành phố ghi nhận những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính, kịp thời có giải pháp tháo gỡ, biểu dương, nhân rộng các cách làm hay, có hiệu quả.

Tạm ngừng cấp nước một số phường ở khu vực quận 3

Công ty CP cấp nước Bến Thành vừa thông báo sẽ tạm ngừng cấp nước một số phường ở khu vực quận 3 để phục vụ công tác bít hủy tuyến ống cấp nước phi 200, hoàn thiện mạng lưới cấp nước trên địa bàn. Thông tin từ báo Lao Động. 

Xí nghiệp Truyền dẫn nước sạch – Tổng Công ty sẽ thực hiện bít hủy ống phi 200 tại các giao lộ Trần Quốc Toản – Huỳnh Tịnh Của; giao lộ Hai Bà Trưng – Lý Chính Thắng, Phường 8, Quận 3; trước số 189 Võ Văn Tần, Phường 5, Quận 3 và trước số 2 Nguyễn Thiện Thuật, Phường 2, Quận 3.

Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 03/6/2020 - Ảnh 1

Theo đó, các cơ quan, hộ gia đình thuộc phường 2, phường 5 và phường 8, quận 3 sẽ bị gián đoạn cung cấp nước trong thời gian như sau:

Từ 22h ngày 2/6 đến 5h ngày 3/6 và từ 22h ngày 3/6 đến 5h ngày 4/6, toàn bộ các phường 8, Quận 3 sẽ bị cắt nước.

Từ 22h ngày 4/6 đến 5h ngày 5/6, toàn bộ các phường 5, Quận 3 sẽ bị cắt nước.

Từ 22h ngày 5/6 đến 5h ngày 6/6, toàn bộ các phường 2, Quận 3 sẽ bị cắt nước.

Công ty CP Cấp nước Bến Thành lưu ý các cơ quan, hộ dân trong khu vực bị ảnh hưởng gián đoạn cung cấp nước nên có kế hoạch dự trữ nước phục vụ cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt. Trường hợp có sự cố, đề nghị thông báo cho Công ty để có hướng xử lý kịp thời.

Các trường đẩy mạnh “du học tại chỗ”

Có dự định du học Mỹ, Minh Anh (HS lớp 12, Trường THPT Nguyễn Du) đã trang bị học tiếng Anh từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, do dịch bệnh, Minh Anh và gia đình đang cân nhắc về quyết định du học nước ngoài. Thay vào đó, tìm các chương trình du học tại chỗ theo hình thức đào tạo liên kết quốc tế hay chương trình quốc tế của các trường ĐH uy tín. Điều mà em băn khoăn nhất là các chương trình đào tạo này có đào tạo những ngành học đặc thù hay không.

HS lớp 12, Trường THPT Nguyễn Du đặt câu hỏi với chuyên gia về việc du học tại chỗ
HS lớp 12, Trường THPT Nguyễn Du đặt câu hỏi với chuyên gia về việc du học tại chỗ

Cũng theo ghi nhận của phóng viên báo Giáo Dục TP, Nguyễn Mỹ Linh (HS lớp 12, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai) đang “ngắm” đến việc du học trong nước thông qua các hình thức đào tạo quốc tế. Theo Mỹ Linh, hiện tại việc đảm bảo an toàn vẫn là trên hết. Linh quan tâm đến các trường ĐH có chương trình đào tạo 2+2, học 2 năm tại Việt Nam và 2 năm ở nước ngoài. Như vậy, vừa sẽ an toàn mà bản thân vừa trang bị được thêm vốn ngoại ngữ, văn hóa bản địa và chi phí thấp.

Theo đại diện các trường THPT, hàng năm số lượng HS lớp 12 có nhu cầu du học là rất lớn. Trong năm nay, với ảnh hưởng của dịch Covid-19, đa số các em có xu hướng tìm kiếm các trường ĐH uy tín trong nước để theo học các chương trình quốc tế. Căn cứ vào nhu cầu đó, các trường cũng hướng việc tư vấn hướng nghiệp cho HS theo mong muốn này.

Nắm bắt được nhu cầu dịch chuyển, bên cạnh các trường ĐH dân lập, quốc tế, nhiều trường ĐH công lập tại TP cũng đã tăng cường các chương trình đào tạo quốc tế, chương trình chất lượng cao bằng việc đa dạng hóa các hình thức đào tạo, các ngành đào tạo, tạo điều kiện cho người học tiếp cận nhu cầu học mong muốn và khả năng.

Vân Anh - Thanh Hà

Tin cùng chuyên mục