Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 03/8/2020

11:46 03/08/2020

Trung tâm Báo chí tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TP. Hồ Chí Minh trên các báo ra ngày 03/8/2020:

Mỗi gia đình là một pháo đài chống dịch

Tại cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch Covid-19, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã nêu một số kiến nghị với Chính phủ về chống dịch trong tình hình mới, vì “chúng ta đang đứng trước tình thế rất đặc biệt”. Nội dung trên báo Sài Gòn Giải Phóng.

Theo Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu giảm trên toàn cầu, đã có khoảng 18 triệu người nhiễm, dự báo từ ngày 12 đến 15-8, toàn cầu có tới 20 triệu người nhiễm.  Việt Nam đã bắt đầu vào làn song dịch thứ hai. Làn sóng thứ nhất đã kết thúc và đạt đỉnh dịch vào ngày 30-3 với 178 người nhiễm. Sau 99 ngày không phát hiện trường hợp nhiễm tại cộng đồng, từ ngày 25-7 đến nay, với làn sóng thứ hai, cả nước đã có thêm nhiều trường hợp mắc Covid-19 được ghi nhận, số người nhiễm đã cao hơn đỉnh dịch lần 1. Đây là tình huống rất mới.  

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại cuộc họp trực tuyến. Ảnh: TTXVN
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại cuộc họp trực tuyến. Ảnh: TTXVN

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đặt vấn đề phải có mục tiêu kiềm chế như thế nào để hạn chế tình trạng gia tăng số người mắc. Bên cạnh đó, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh là 2 địa phương rất có nguy cơ. Từ ngày 1/7 đến 27/7 đã có 140.000 người từ Đà Nẵng bay về TP.HCM, vì vậy cần có giải pháp đặc biệt cho Đà Nẵng, Hà Nội, TP. HCM cũng như các tỉnh giáp ranh với Đà Nẵng là Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Đắk Lắk. Các địa phương này phải có biện pháp kiểm soát đặc biệt để không lây lan các ca nhiễm.

Kinh nghiệm của TP. HCM cứ 1 người nhiễm phải cách ly 280 người. Nếu áp dụng chỉ số này cho Đà Nẵng với 100 người nhiễm thì cần cách ly 28.000 người, từ cách ly ở gia đình, quận huyện đến cấp tỉnh thành. Rõ ràng, không thể có chỗ cách ly cho 28.000 người ở cấp quận huyện, thành phố. Do vậy phải coi cách ly ở gia đình là quan trọng nhất. 

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, thách thức lớn nhất hiện nay là làm sao bảo đảm cách ly tại nhà thực sự hiệu quả, giám sát lẫn nhau. Mỗi gia đình là một pháo đài chống dịch và chính quyền địa phương, mặt trận phải giám sát, pháo đài nào “trục trặc” là phải được nhắc nhở ngay.

Kết quả xét nghiệm người từ vùng dịch và tiếp xúc bệnh nhân Covid-19

Báo Người Lao Động đưa tin, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh (HCDC), tính đến 7 giờ ngày 3/8, đã có tới 36.754 người từ Đà Nẵng về TP. Hồ Chí Minh khai báo y tế, 23.949 người đã được lấy mẫu xét nghiệm, trong đó 5.565 mẫu kết quả âm tính. Các mẫu dương tính chính là những bệnh nhân Covid-19 mới vừa được công bố. Các mẫu còn lại đang chờ kết quả.

Khu vực cách ly - điều trị của Khoa Nhiễm D - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM - ảnh: ANH THƯ
Khu vực cách ly - điều trị của Khoa Nhiễm D - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM - ảnh: ANH THƯ

Về những người tiếp xúc với 8 bệnh nhân Covid-19 mới được xác định tại TP. Hồ Chí Minh thời gian qua, HCDC đã lấy mẫu xét nghiệm được 627 trường hợp, trong đó 235 người đã có kết quả âm tính, các mẫu còn lại đang chờ kết quả.

HCDC vẫn tiếp tục điều tra, truy vết, khoanh vùng những trường hợp liên quan. Ngoài ra, TP còn giám sát Covid-19 với toàn bộ tổ bay của các chuyến bay quốc tế có lưu trú tại TP. Hồ Chí Minh. Tính đến ngày 2/8, đã lấy mẫu xét nghiệm 3.210 trường hợp và chưa phát hiện thêm trường hợp mắc Covid-19.

Tại TP. Hồ Chí Minh có 1.478 người đang cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung và 8.994 người đang cách ly tại nhà/nơi lưu trú.

Chưa yêu cầu trường học phải đóng cửa vì dịch Covid-19

Đó là thông tin chia sẻ từ Phó chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức qua trao đổi với báo chí sau khi TP. Hồ Chí Minh triển khai tạm ngưng hoạt động các cơ sở dịch vụ và hạn chế tụ tập đông người để phòng, chống dịch Covid-19. Báo Pháp Luật TP đưa tin.

Trẻ rửa tay tại bồn rửa tay dã chiến ở Trường mầm non Hoa Hồng, quận Thủ Đức. Ảnh: PHẠM ANH
Trẻ rửa tay tại bồn rửa tay dã chiến ở Trường mầm non Hoa Hồng, quận Thủ Đức. Ảnh: PHẠM ANH

Theo ông Dương Anh Đức, những ngày qua, TP. Hồ Chí Minhđã xuất hiện những ca dương tính với Covid-19 trở lại. Tuy nhiên, để đảm bảo phòng dịch, TP chưa thực hiện giãn cách xã hội như Đà Nẵng.

TP chỉ tạm dừng các cơ sở dịch vụ không cần thiết, yêu cầu không tập trung quá 30 người, hạn chế hội họp. Còn với trường học, TP chưa tính đến phương án tạm dừng hoạt động dạy học của các trường.

Tuy nhiên, ông Đức lưu ý, các trường không phải tạm dừng nhưng các cơ sở dạy học trên địa bàn TP muốn dạy học hè phải tuân thủ bộ tiêu chí an toàn phòng chống COVID-19 của TP ban hành trước đó và triển khai công tác phòng dịch tại cơ sở.

Hiệp hội Du lịch TP.Hồ Chí minh cần hỗ trợ hoàn tiền hủy tour

Theo báo Pháp luật TP, bà Nguyễn Thị Khánh, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch TP. HCM vừa kí công văn gửi Tổng Cục Du lịch đề nghị có chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp (DN) lữ hành trong đàm phán hủy, hoãn tour giai đoạn dịch Covid-19 tái phát.

Nội dung công văn cho biết tình hình dịch Covid-19 tái phát gây ra những tổn thất hết sức nặng nề cho nền kinh tế cả nước, nhất là ngành du lịch. Diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh đã dẫn đến tâm lý lo lắng cho sự an toàn về sức khỏe và tính mạng, người dân không thể đi du lịch trong thời gian này. Vì vậy, việc hủy tour và hoãn lại các chuyến đi du lịch trong lúc này là quyết định cần được chấp nhận vì sức khỏe cộng đồng.

Bà Nguyễn Thị Khánh, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch TP.HCM phát biểu tại họp báo Liên kết sức mạnh du lịch Việt Nam tháng 7 (Ảnh TÚ UYÊN)
Bà Nguyễn Thị Khánh, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch TP.HCM phát biểu tại họp báo Liên kết sức mạnh du lịch Việt Nam tháng 7 (Ảnh TÚ UYÊN)

Hiện nay, Hiệp hội Du lịch TP đã ghi nhận phản ánh của DN về tình hình hủy tour không chỉ riêng các địa phương có dịch bệnh mà cả những điểm đến là các địa phương chưa có dịch. Khi hủy tour, đa số khách yêu cầu các công ty lữ hành hoàn tiền 100%, chỉ có một số khách đồng ý hoãn chuyến đi vào thời gian thích hợp.

Các công ty lữ hành phải chịu áp lực rất lớn khi thực hiện việc hoàn tiền cho khách nhưng lại không được hoàn trả các khoản ứng trước, đặt cọc. Hoặc các khoản đã thanh toán dịch vụ cho các nhà cung cấp như vận chuyển, lưu trú, nhà hàng… và đặc biệt là các hãng hàng không.

Hiệp hội du lịch TP.HCM kiến nghị Tổng cục Du lịch Việt Nam làm việc với lãnh đạo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch các tỉnh thành hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp thanh toán với khách hàng.
Hiệp hội du lịch TP.HCM kiến nghị Tổng cục Du lịch Việt Nam làm việc với lãnh đạo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch các tỉnh thành hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp thanh toán với khách hàng.

Trước khó khăn của DN, Hiệp hội du lịch TP kiến nghị Tổng cục Du lịch Việt Nam làm việc với lãnh đạo các tỉnh thành; lãnh đạo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, lãnh đạo Sở Du lịch và các sở, ngành có liên quan trên cả nước cần hỗ trợ tối đa cho DN, tạo điều kiện cho DN thanh toán với khách hàng.

Thêm trường đại học công bố điểm trúng tuyển xét học bạ

Thông tin từ báo Thanh Niên, Phân hiệu Trường ĐH Giao thông vận tải tại TP. HCM đã công bố điểm trúng tuyển và danh sách thí sinh trúng tuyển theo phương thức xét học bạ năm 2020.

Điểm trúng tuyển từng ngành
Điểm trúng tuyển từng ngành

Theo đó, điểm trúng tuyển ngành cao nhất là Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng với 25,97 điểm. Kế đến, điểm trúng tuyển ngành kỹ thuật ô tô là 23,5 điểm. Nhiều ngành điểm trúng tuyển ở mức 18 như: kiến trúc, quản lý xây dựng, kỹ thuật điện tử-viễn thông… Theo thông báo của Trường này, thí sinh trúng tuyển xác nhận nhập học từ ngày 28/7 đến 17giờ ngày 4/9.

Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, Trường ĐH Mở TP.HCM cũng đã công bố kết quả xét tuyển học bạ vào các ngành của trường. Trước đó, một số trường đại học đã công bố điểm trúng tuyển phương thức ưu tiên xét tuyển và xét điểm quá trình học tập THPT theo tổ hợp môn như: Trường ĐH Kinh tế TP. HCM, Trường ĐH Ngoại thương cơ sở 2…

Hiện đại hóa lưới điện, góp phần xây dựng đô thị thông minh

Báo Pháp Luật TP cho hay, trong giai đoạn 2020-2025, Tổng Công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) tiếp tục ứng dụng các công nghệ mới, đặc biệt là các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong công tác hiện đại hóa lưới điện. Các ứng dụng này sẽ góp phần thực hiện định hướng xây dựng đô thị thông minh của TP theo chỉ đạo của UBND TP.

Theo ông Nguyễn Văn Thanh - Tổng giám đốc, EVNHCMC đã có những định hướng đúng đắn trong việc nghiên cứu, tiếp cận, xây dựng và thực hiện lộ trình phát triển lưới điện thông minh theo xu hướng của thế giới.

Việc khai thác hiệu quả các ứng dụng lưới điện thông minh chính là nền tảng để tổng công ty đạt được những kết quả tốt trong việc nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, giảm tổn thất điện năng, nâng cao năng suất lao động và chất lượng dịch vụ khách hàng.

EVN đang áp dụng công nghệ 4.0 vào vận hành lưới điện. Ảnh: TN
EVN đang áp dụng công nghệ 4.0 vào vận hành lưới điện. Ảnh: TN

Cụ thể, tính đến cuối năm 2019, số lần mất điện trung bình của lưới điện (SAIFI) là 0,77 lần/năm và thời gian mất điện trung bình của lưới điện (SAIDI) là 58,4 phút/năm. Tỉ lệ tổn thất điện năng là 3,48%, thấp hơn so với chỉ tiêu EVN giao đến năm 2020 là 3,5%...

Trong năm năm tới, EVNHCMC tập trung duy trì lưới điện 110 kV đáp ứng vận hành theo tiêu chí N-1, riêng các trạm cấp điện cho khu vực trung tâm đạt tiêu chí N-2 (dự phòng đến hai nguồn); tái cấu trúc lưới điện trung, hạ thế để giảm bán kính cung cấp điện và nâng cao độ tin cậy, ổn định cho sự phát triển của TP.

Nhằm góp phần thực hiện định hướng xây dựng đô thị thông minh của UBND TP, EVNHCMC tiếp tục triển khai xây dựng và vận hành hiệu quả mô hình lưới điện thông minh.

Trọng tâm của mô hình này là cấu phần tự động hóa lưới điện toàn diện từ cấp điện áp 110 kV đến trung, hạ áp và chuyển đổi số toàn diện trong công tác quản lý kỹ thuật, quản lý vận hành. Đồng thời, áp dụng mô hình tiên tiến về công tác bảo trì, bảo dưỡng thiết bị lưới điện phân phối theo điều kiện vận hành thực tế.

Các chỉ tiêu hướng đến trong năm năm tới

Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Tổng giám đốc EVNHCMC, các chỉ tiêu mà đơn vị hướng tới đến năm 2025 gồm:

Số lần mất điện trung bình trong năm của lưới điện SAIFI ≤ 0,5 lần (phấn đấu ≤ 0,3 lần) và thời gian mất điện trung bình trong năm của lưới điện SAIDI ≤ 50 phút (phấn đấu ≤ 30 phút).

Tỉ lệ tổn thất đo đếm điện năng ≤ 3,40%; 100% các trạm 110 kV, các trạm ngắt, lưới điện 22 kV được giám sát, điều khiển từ xa; tối thiểu 50% số tuyến dây trung thế công cộng vận hành tự động (DAS/DMS).

100% các trạm biến áp phân phối được giám sát vận hành từ xa (có tính năng cảnh báo mất điện tức thời); xây dựng 5÷10 trạm biến áp số; đưa vào vận hành trung tâm điều khiển dự phòng; 100% công tác quản lý kỹ thuật vận hành lưới điện được số hóa.

Đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng điện cực đại của TP. Dự kiến đạt 7.000 MW vào năm 2025, thương phẩm đạt khoảng 38,630 tỉ kWh với tăng trưởng bình quân 6,8%/năm.

Duy trì sản lượng điện tiết kiệm ở mức ≥ 2% kế hoạch thương phẩm năm và hệ số đàn hồi năng lượng điện ≤ 0,85. 

Các bệnh viện siết chặt các biện pháp ngăn ngừa Covid-19

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 và nguy cơ lây nhiễm trong bệnh viện, để không bệnh viện nào trở thành ổ dịch, ngành y tế TP đang tăng cường siết chặt các biện pháp ngăn ngừa lây nhiễm Covid-19 từ “đầu vào”.

Trả lời báo Thanh Niên, Tiến sĩ - bác sĩ Diệp Bảo Tuấn, Phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP cho biết bệnh viện vẫn duy trì việc kiểm soát phòng dịch Covid-19 đối với người ra vào bệnh viện như từ đầu mùa dịch cho đến nay là khai báo y tế, đo thân nhiệt, bắt buộc đeo khẩu trang và rửa tay sát khuẩn. Đặc biệt, những ngày qua, bệnh viện siết chặt hơn một số quy định trong việc sàng lọc, khai báo y tế để phát hiện, khám cách ly với những người đến hoặc có đi qua địa phương có dịch.

Trong đó, có 3 nhóm được sàng lọc để được cách ly, đi đường riêng và khám khu vực riêng, bao gồm: những người đến, có qua Đà Nẵng về; những người có triệu chứng sốt, ho, suy hô hấp và người từ nước ngoài về. Những người có yếu tố nguy cơ này sẽ được hướng dẫn đi lối riêng, khám cách ly và có thể chỉ định xét nghiệm Covid-19.

Kiểm tra thân nhiệt người đến bệnh viện tại Bệnh viện Nhi đồng 1/ Ảnh: NGUYÊN MI
Kiểm tra thân nhiệt người đến bệnh viện tại Bệnh viện Nhi đồng 1/ Ảnh: NGUYÊN MI

Ghi nhận tại Bệnh viện Quận 2, ngay cổng bệnh viện cũng đã được trang bị máy đo thân nhiệt từ xa. Mọi người đến bệnh viện đều phải khai báo y tế và đeo khẩu trang, rửa tay diệt khuẩn và đo thân nhiệt. Bệnh viện Quận 2 đã chia ra hai cửa ra vào, một cổng đi vào dành riêng cho nhân viên y tế; một cổng đi vào dành riêng cho bệnh nhân đến khám, điều trị. Những bệnh nhân đi đến từ khu vực đã ghi nhận ca bệnh hoặc có các triệu chứng nghi ngờ sẽ được đi lối riêng vào phòng sàng lọc khám cách ly.

Khai báo y tế tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố/ Ảnh: BVCC
Khai báo y tế tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố/ Ảnh: BVCC

Hiện tại, Bệnh viện Nhi đồng TP đã lắp đặt các máy đo thân nhiệt từ xa, máy rửa tay tự động cảm ứng để hạn chế tiếp xúc. Bệnh viện cũng phân luồng lối đi và thực hiện giãn cách an toàn. Đặc biệt, tại Bệnh viện Nhi đồng TP, Khoa Nhiễm được nằm tách biệt ở một tòa riêng, khu vực riêng biệt, cách xa tòa nhà chính với các khoa phòng khác của bệnh viện.

Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM đã ra thông báo mỗi người bệnh chỉ đăng ký một người nuôi bệnh trong thời gian điều trị. Người nuôi bệnh phải đeo thẻ nuôi bệnh trong suốt quá trình chăm sóc người bệnh tại bệnh viện. Đồng thời, người nuôi bệnh phải tuân thủ thực hiện: đeo khẩu trang; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; mang vòng đeo tay (người nuôi bệnh) và không đi lại giữa các phòng bệnh, khu vực khác khi không cần thiết.

Thực hiện giãn cách tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố/ Ảnh: BVCC
Thực hiện giãn cách tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố/ Ảnh: BVCC

Đối với các khoa: Hồi sức tích cực, Gây mê hồi sức, Đơn vị Hồi sức Ngoại Thần kinh, Phẫu thuật tim mạch và phòng bệnh nặng của các khoa Hô hấp, Tim mạch can thiệp, Nội Thần kinh thì người nuôi bệnh chỉ đến nghe bác sĩ giải thích tình trạng bệnh của bệnh nhân trong từng khung giờ quy định cụ thể.

Lớp học 0 đồng, học trò là 'viên ngọc quý' 

Giữa nhịp chảy tấp nập của đường phố, trong một con hẻm nhỏ ở quận 12, có một nơi vẫn âm thầm gieo con chữ cho trẻ em nghèo suốt 10 năm nay. Đó là lớp học tình thương “Ngọc Việt” của anh Huỳnh Quang Khải (30 tuổi) - làm nghề hướng dẫn viên du lịch. Bài viết được đăng trên báo điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV).

Theo anh Khải, “Ngọc” là viên ngọc còn “Việt” là lấy từ nghệ danh của anh lúc còn làm MC đám cưới - Việt Khải. Mỗi em học sinh đến đây đều là một viên ngọc quý của anh. 

Lớp học hoạt động từ 18h45 - 21h00 mỗi ngày.
Lớp học hoạt động từ 18h45 - 21h00 mỗi ngày.

Ngày nắng cũng như ngày mưa, cứ đều đặn 6 buổi/tuần, các em lại đến lớp để được học những bài học hay từ thầy Khải. Trong gian nhà rộng khoảng 20 m2, hơn chục em nhỏ cặm cụi nắn nót từng câu chữ, nhẩm đi nhẩm lại bảng cửu chương vừa được học hôm trước.

Các em đến đây có độ tuổi khác nhau, từ 8-19 tuổi. Trong gần 60 học trò của anh Khải, tất cả đều xuất thân từ gia đình lao động nghèo, không đủ điều kiện cho con nhập học tại trường chính quy.

Có nhiều em phải phụ giúp với cha mẹ kiếm sống, sáng đi làm, chiều về đi học. Một số em khác thì mắc bệnh bẩm sinh, chậm phát triển nên thầy cô phải kèm riêng.

Anh Khải dành nhiều tâm huyết cho từng học trò.
Anh Khải dành nhiều tâm huyết cho từng học trò.

Tuy lớp học đông, nhưng mỗi học sinh đều có một giáo án riêng. Do các em đến đây vào khoảng thời gian khác nhau, khả năng tiếp thu cũng chênh lệch nên các thầy cô phải chia ra từng nhóm lớp để dạy.

Anh Khải đặt ra 2 tiêu chí khi nhận học trò: Phải trên 8 tuổi và thật sự muốn học. Giải thích về điều kiện thứ nhất, anh nói nếu nhận các em từ 5-6 tuổi, sợ phụ huynh suy nghĩ chủ quan, không cố gắng để cho con đến trường chính quy mà gửi vào đây cho đỡ tốn kém.

Do dịch Covid-19, nhiều em đã về quê với gia đình, lớp học thưa thớt hơn mọi ngày.
Do dịch Covid-19, nhiều em đã về quê với gia đình, lớp học thưa thớt hơn mọi ngày.

Dẫu cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng anh Khải chưa từng có ý định bỏ cuộc. Anh chia sẻ mình sẽ duy trì lớp học này đến khi nào anh không còn đủ sức nữa thì thôi.

Trên bảng tên của lớp luôn có dòng chữ “Sống là cho đi”, đây là châm ngôn sống của anh và cũng là điều mà anh muốn các học trò thấu hiểu.

Mỗi em đều phải mặc đồng phục vì anh Khải muốn học trò cảm thấy đây là một lớp học thật sự.
Mỗi em đều phải mặc đồng phục vì anh Khải muốn học trò cảm thấy đây là một lớp học thật sự.

Ròng rã suốt 10 năm, người thầy 30 tuổi vẫn lặng lẽ làm cái việc mà nhiều người cho là “rảnh”. Nhưng với anh Khải, cái “rảnh” này khiến anh hạnh phúc và thấy mình sống có ý nghĩa mỗi ngày.

“Nếu mà rảnh mà vui và giúp ích cho đời được như vậy thì tôi cũng muốn rảnh hoài” – anh Khải bộc bạch.

Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 03/8/2020 - Ảnh 1
"Em thích được đi học lắm. Em thường đến sớm để chơi cùng các bạn. Thầy tuy nghiêm khắc nhưng rất dễ thương và giỏi nữa", em Giang Thị Ngọc Diễm (12 tuổi), đã học tại lớp Ngọc Việt hơn 1 năm, nói
"Em thích được đi học lắm. Em thường đến sớm để chơi cùng các bạn. Thầy tuy nghiêm khắc nhưng rất dễ thương và giỏi nữa", em Giang Thị Ngọc Diễm (12 tuổi), đã học tại lớp Ngọc Việt hơn 1 năm, nói

Vân Anh - Khang Minh

Tin cùng chuyên mục