Đường phố ngập tràn cờ hoa trong dịp lễ Quốc khánh 2/9
Kỷ niệm 75 năm ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 – 2/9/2020), trên khắp các tuyến đường của TPHCM rực rỡ cờ đỏ sao vàng. Nội dung đăng tải trên báo Lao Động.
Nghỉ lễ 1 ngày, du lịch vẫn hút khách
Dịp lễ 2/9 năm nay, các điểm vui chơi giải trí ở TPHCM như Thảo Cầm Viên (quận 1), Công viên văn hóa Đầm Sen (quận 11), khu Hội trường Thống Nhất, Bưu điện TP (quận 1) đều rất đông du khách tham quan.
Trao đổi với PV báo Pháp Luật TP, ông Phạm Quốc Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên Sài Gòn, cho biết dù dịp lễ 2/9 năm nay chỉ được nghỉ 1 ngày nhưng khách vẫn hào hứng đến tham quan.
Đại diện Công viên văn hóa Đầm Sen cho biết lượng khách tính đến chiều 2/9 là khoảng 12.000 -13.000 khách. Tuy đông khách nhưng so với cùng kỳ năm 2019 thì cũng đã giảm đáng kể.
Bên cạnh đó, các điểm vui chơi công cộng khác ở trung tâm TP như Hội trường Thống Nhất, Bưu điện TP, tòa nhà Landmark cũng thu hút rất đông người tới tham quan, chủ yếu là người nước ngoài, các nhóm bạn trẻ, sinh viên…
Ngoài ra, do ngày Quốc khánh năm nay trùng ngày lễ Vu lan (rằm tháng 7) nên những ngôi chùa nổi tiếng ở TPHCM như chùa Vĩnh Nghiêm (quận 3), chùa Bửu Long (quận 9), chùa Giác Lâm (quận Tân Bình), chùa Xá Lợi (quận 3), chùa Nam Thiên đệ nhất trụ (quận Thủ Đức) là nơi lựa chọn của nhiều du khách.
Theo quan sát của PV, những ngôi chùa nói trên thu hút nhiều người dân ở TPHCM và các tỉnh lân cận như Bình Dương, Long An tới tham quan. Người dân vào chùa đông hơn ngày thường nhưng được giãn cách, không tụ tập đông người. Tại đây, Phật tử của chùa nhắc nhở những người đến chùa đeo khẩu trang và rửa tay sát khuẩn trước khi vào chính điện.
Tín dụng 8 tháng tăng 3,68% so với cùng kỳ
Báo Sài Gòn Giải Phóng đưa tin, theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM, tính đến cuối tháng 8/2020, tổng dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP ước đạt trên 2,38 triệu tỷ đồng, tăng 0,4% so với tháng trước, tăng 3,68% so với cuối năm 2019.
Đây là mức tăng trưởng tín dụng thấp nhất trên địa bàn TPHCM so với cùng kỳ trong nhiều năm qua (3 năm gần đây, tín dụng cùng kỳ tăng 8,5%-12,5%). Nguyên nhân do ngành ngân hàng vẫn đang tập trung nguồn lực tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, phục hồi sản xuất, kinh doanh theo chủ trương của Chính phủ, NHNN và UBND TPHCM.
Dù tăng trưởng tín dụng thấp, song tín dụng vẫn đang được bơm vào nền kinh tế ở các lĩnh vực quan trọng để góp phần thúc đẩy, khôi phục lại sản xuất trên địa bàn. Các chương trình tín dụng đối với các doanh nghiệp trong khu chế xuất - khu công nghiệp có sự tăng trưởng khá cao.
Chăm sóc người bệnh sốt xuất huyết tại nhà: Cần chú ý từng dấu hiệu nhỏ
Tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên những trường hợp bị sốt xuất huyết (SXH) nhẹ, bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm tiểu cầu, theo dõi tình trạng bệnh và kê thuốc cho điều trị tại nhà thay vì ở bệnh viện. Vậy khi được chỉ định điều trị tại nhà, người bệnh SXH cần được chăm sóc như thế nào để nhanh hồi phục bệnh? Vấn đề được đặt ra trên báo Lao Động.
Bác sĩ CK II Nguyễn Thanh Phong (Trưởng khoa nhiễm D, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM) chỉ ra các triệu chứng ban đầu của bệnh SXH, đó là sốt cao, ngoài ra còn đau nhức mình, sung huyết da niêm. Nặng hơn còn chảy máu mũi, máu cam. Lúc này thì bệnh nhân cần đến ngay cơ sở y tế để được chăm sóc.
Theo bác sĩ Phong, trường hợp bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh SXH mà không có bệnh lý nền, có điều kiện thăm khám, theo dõi tại bệnh viện theo yêu cầu của bác sĩ, không thuộc các trường hợp nguy cơ cao như thai phụ, trẻ nhỏ, người lớn tuổi thì sẽ được kê toa thuốc và cho điều trị tại nhà.
Khi chăm sóc người bệnh SXH tại nhà, người thân cần cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho người bệnh. Nhắc nhở người bệnh uống nhiều nước, ăn thức ăn dễ tiêu và uống các loại nước trái cây để bổ sung dưỡng chất. Khi xuất hiện các triệu chứng ói, đau bụng, chảy máu cam, chảy máu răng, đi đại tiện phân đen, xuất huyết âm đạo ở phụ nữ, tay chân lạnh ở trẻ em thì cần nhanh chóng đưa đến bệnh viện để các bác sĩ thăm khám.
Bác sĩ Phong cũng nhìn nhận, nhiều người dân ngại đến các cơ sở y tế để khám bệnh vì lo ngại Covid-19 nhưng điều đó là không nên. Tại TPHCM, tất cả các cơ sở y tế đều được trang bị khai báo y tế, phòng khám sàng lọc, những quy trình để tách biệt những bệnh nhân khám thông thường với những bệnh nhân khám với triệu chứng hô hấp. Do đó, người dân hoàn toàn yên tâm khi đi khám bệnh trong mùa dịch.
Mỗi người dân chung tay phòng bệnh sốt xuất huyết
Bệnh SXH lây từ người bệnh sang người lành qua trung gian muỗi vằn Aedes. Tính đến giữa tháng 7, TPHCM ghi nhận 8.442 ca mắc sốt xuất huyết trong năm nay. Dự báo, số ca mắc sốt xuất huyết có khả năng tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM, hiện TPHCM đang vào cao điểm của mùa dịch sốt xuất huyết hàng năm. Thời tiết nắng nóng xen lẫn các đợt mưa bất chợt, thuận lợi cho sự phát sinh lăng quăng, muỗi, tăng nguy cơ lây lan bệnh sốt xuất huyết.
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM kêu gọi mỗi người dân, mỗi gia đình, mỗi cơ quan, công sở hãy chung tay thực hiện các biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết.
Các biện pháp được đưa ra là: Dành 10 - 15 phút mỗi tuần để dọn dẹp nơi mình làm việc, sinh sống, từ trong nhà đến xung quanh nhà, không để đọng nước làm phát sinh lăng quăng, muỗi; Đậy kín lu, hồ, phuy chứa nước khi không dùng đến để tránh muỗi đẻ trứng và phát sinh lăng quăng, muỗi; Đối với những nơi chứa nước không dùng để uống, sinh hoạt có thể thả cá để diệt lăng quăng; Sử dụng bình xịt, nhang, kem thoa chống muỗi, mặc áo quần dài tay, ngủ mùng kể cả ban ngày… để tránh muỗi đốt.
TP.HCM số hóa 'mắt thần'
Theo Báo Thanh Niên, ông Lê Quốc Cường, Phó giám đốc Sở TT-TT TP.HCM (đơn vị được giao chủ trì triển khai đề án xây dựng hệ thống giám sát hình ảnh camera tập trung) cho biết, khi TP.HCM tập trung triển khai xây dựng đề án đô thị thông minh, một trong những yêu cầu then chốt đặt ra là phải trang bị hạ tầng công nghệ, thiết bị hiện đại, đồng bộ..., trong đó có hệ thống camera giám sát trọng điểm để nâng cao được hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước; tạo ra nhiều tiện ích cho người dân, doanh nghiệp (DN), đặc biệt là góp phần quan trọng bảo đảm an toàn đô thị về giao thông, an ninh trật tự (ANTT), PCCC...
Những năm qua, việc xã hội hóa lắp đặt camera ở khu dân cư trên địa bàn TP được người dân hưởng ứng rất tích cực, đến nay đã lắp đặt được khoảng 37.000 cái. Tuy nhiên, hiện trạng một số hệ thống camera xã hội hóa đã được trang bị trong thời gian dài, sử dụng công nghệ analog (tín hiệu hình ảnh không được số hóa), độ phân giải thấp và không có khả năng kết nối với nhau... dẫn đến việc tích hợp, khai thác tập trung gặp nhiều khó khăn hoặc không thể kết nối được.
Các lớp camera mà TP.HCM đang thiết lập. Ảnh. Báo Thanh Niên
Một số hệ thống giám sát tập trung cấp quận, huyện đã thực hiện tích hợp camera xã hội hóa, nhưng cũng vẫn còn hạn chế về số lượng, chưa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật. Do đó, TP.HCM chủ động tính toán triển khai thêm hệ thống camera giám sát trọng điểm, tập trung và hiện đại hơn.
Hệ thống camera giám sát trọng điểm này áp dụng trí tuệ nhân tạo với khả năng nhận diện khuôn mặt, biển số xe và nhiều chức năng thông minh khác... Khi trang bị hệ thống này, TP tích hợp đồng bộ với bản đồ số, hệ thống tổng đài khẩn cấp liên thông 113 - 114 - 115 (theo định hướng sẽ tiến đến thí điểm chỉ còn một đầu số) định vị được cuộc gọi và các dữ liệu liên quan để tạo ra nhiều lợi ích thiết thực.
Hiện nay, tại Trung tâm điều hành đô thị thông minh giai đoạn 1 của TP (đặt tại trụ sở UBND TP) đã được kết nối, tích hợp với khoảng 1.500 camera chất lượng cao trên khắp địa bàn TP. Từ nay đến cuối năm 2021, dự kiến các Sở - ngành TP sẽ triển khai thêm gần 1.000 camera nữa, từ nhiều nguồn kinh phí khác nhau, được cân đối theo từng thời điểm đầu tư.
Các trường sẵn sàng cho lễ khai giảng
Báo Giáo dục TP cho hay, giữa bối cảnh dịch Covid-19, để đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch mà vẫn tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho thầy, trò bước vào năm học mới, các đơn vị trường học tại TPHCM đã chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức lễ khai giảng ngắn gọn, ý nghĩa song song với các biện pháp phòng chống dịch.
Trong văn bản hướng dẫn tổ chức Lễ khai giảng và triển khai một số hoạt động đầu năm học 2020-2021, Sở GD-ĐT TP nêu rõ, các nhà trường cần rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học, đảm bảo khuôn viên cảnh quan môi trường sư phạm “xanh, sạch, đẹp”. Đặc biệt, tăng cường công tác đảm bảo an toàn, an ninh trật tự trường học, đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tối thiểu phục vụ Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 1.
Trường THCS Nguyễn Du (Q.1) tổ chức tổng vệ sinh để chuẩn bị cho lễ khai giảng
Lễ khai giảng năm học được đồng loạt diễn ra vào sáng 5/9. Các nhà trường cần thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương và Thành phố trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Cụ thể, trừ các khối lớp đầu cấp học sinh tham dự đầy đủ còn các khối lớp khác mỗi lớp chỉ cử đại diện từ 10-20 học sinh tham gia lễ khai giảng. Chương trình buổi lễ chỉ kéo dài khoảng 60 phút, ngắn gọn nhưng vẫn thể hiện được tinh thần của năm học mới.
Riêng đối với cơ sở giáo dục mầm non, lễ khai giảng được tổ chức dưới hình thức “Bé vui đến trường” một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với từng cơ sở giáo dục mầm non và đặc điểm tâm sinh lý của trẻ, đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh.
Song song đó, Sở GD-ĐT TP cũng ban hành văn bản về tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 đầu năm học 2020-2021.
Để chuẩn bị cho lễ khai giảng và năm học mới, đến thời điểm này, công tác vệ sinh, khử khuẩn trường lớp, chuẩn bị cơ sở vật chất đảm bảo dạy học, phòng chống dịch đã cơ bản được hoàn tất, sẵn sàng đón học sinh tựu trường, khai giảng và bước vào năm học mới.
Khó kiểm soát thị trường đồ chay
Sau vụ pate chay Minh Chay, lo sợ đồ hộp chay nhiễm khuẩn, nhiều người dân tại TPHCM chuyển qua chọn đồ chay thủ công, bất chấp sản phẩm không nhãn mác. Đồ chay đóng hộp được bày bán nhiều trong các siêu thị, cửa hàng tiện lợi tại TPHCM, tuy nhiên, theo ghi nhận trong ngày 2/9 (rằm tháng 7), lượng người đến mua không đông.
Tại một số chợ như Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh), Bàn Cờ (Q.3)…, tiểu thương bày đủ loại đồ chay từ loại đã sơ chế đến thành phẩm, đặt trên chiếc bàn kê gần giữa đường để thuận tiện cho người mua. Nhiều thực phẩm như đậu hũ, chả giò, chả cá chay không nhãn mác, không hạn sử dụng, không nguồn gốc, chỉ được đóng gói, bảo quản sơ sài bằng bao nilon, mặc cho nắng gió, bụi bẩn...
Hỏi người bán ngày sản xuất, cách sử dụng, bà Minh (tiểu thương chợ Bà Chiểu) trả lời ngắn gọn: “Hàng mới làm, sử dụng trong ngày. Chỉ cần tháo bao bịch áo nilon chứa thực phẩm là chế biến theo ý như luộc, xào, chiên, kho… Tất cả làm từ mì căn, bột mì pha trộn lại thôi nên cứ yên tâm”.
Đồ chay ế ẩm sau vụ pate chay nhiễm khuẩn
Một số tiểu thương cho biết, họ có đồ chay đóng hộp như chao, pate, đậu tương, xúc xích, chà bông… nhưng mấy ngày gần đây, khách đều không chọn mà chỉ mua nấm, mì căn, đậu hũ; sức mua cũng giảm hơn một nửa.
Trao đổi với phóng viên báo Tiền Phong về tình trạng cấp phép, quản lý thực phẩm hiện nay, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam, cho rằng, doanh nghiệp sản xuất thực phẩm trước khi công bố sản phẩm phải trải qua trình tự thủ tục đăng ký bản hợp quy, tuy nhiên một số cơ sở sản xuất chưa quan tâm nhiều đến việc chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, hồ sơ nhiên liệu, phụ gia thực phẩm, gây khó khăn cho việc truy xuất nguồn gốc.
Theo TS Phan Thế Đồng, giảng viên bộ môn công nghệ thực phẩm và dinh dưỡng Trường ĐH Hoa Sen, do thực phẩm chay được chế biến từ nhiều nguyên liệu nên rủi ro nhiễm khuẩn cao hơn so với thực phẩm mặn có ít thành phần nguyên liệu. Thực phẩm thường được đóng trong hộp kim loại (thiếc), miếng ghép chắc hơn, tiệt trùng tốt hơn, dễ hơn so với tiệt trùng thực phẩm đóng trong hộp làm bằng nguyên liệu khác.
Các loại thực phẩm đóng gói, hút chân không bắt buộc phải được bảo quản lạnh ở nhiệt độ 4 độ C, nếu trữ ở nhiệt độ bình thường thì rủi ro nhiễm khuẩn botulinum cao. Đối với thực phẩm không đóng hộp thì ít rủi ro nhiễm khuẩn botulinum gây tử vong hơn so với thực phẩm đóng hộp, nhưng lại có nguy cơ nhiễm những vi khuẩn khác gây đau bụng, nôn ói nếu sản xuất, chế biến không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Cũng theo TS Đồng, sản phẩm trong nước thường bị thả nổi, không được kiểm soát chặt. Thông thường, nhà sản xuất tự phân tích mẫu, cung cấp bản phân tích cho nhà quản lý thanh kiểm tra. Nhưng sau khi sản phẩm được phân phối ra thị trường, thỉnh thoảng nhà quản lý mới lấy mẫu phân tích ngẫu nhiên, nếu vi phạm so với nhà sản xuất kê khai, cam kết thì mới bị xử phạt
Bắt nhóm chuyên bẻ trộm kính chiếu hậu ô tô
Theo báo Người Lao Động, ngày 2/9, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP cho biết vừa triệt phá thành công đường dây trộm cắp và tiêu thụ kính ôtô quy mô lớn trên địa bàn TP.
Thời gian gần đây, nhiều chủ phương tiện đến công an quận, huyện trình báo bị kẻ gian bẻ kính chiếu hậu các loại ôtô. Khu vực bị kẻ trộm "viếng thăm" nhiều nhất ở vùng ven hoặc những tuyến đường vắng người qua lại. Trước tình hình trên, lãnh đạo Công an TPHCM đã chỉ đạo Phòng cảnh sát hình sự vào cuộc điều tra. Qua thời gian theo dõi, trinh sát đã nắm được thông tin về đường dây chuyên trộm cắp và tiêu thụ kính ôtô trên địa bàn.
Khuya ngày 28/8, trinh sát phát hiện 1 thanh niên có biểu hiện nghi vấn nên tiến hành kiểm tra hành chính. Bị kiểm tra bất ngờ, thanh niên này trưng ra dụng cụ rồi biện minh đang đi săn mèo hoang. Tuy nhiên, do đã nắm được lý lịch đối tượng nên trinh sát đã mời về trụ sở làm việc. Trước những chứng cứ không thế chối cãi, nam thanh niên đã thừa nhận hành vi phạm tội.
Tang vật thu giữ
Đối tượng khai tên Phan Minh Phước (SN 1972, ngụ quận 4) đã thực hiện trót lọt 4 vụ trộm cắp kính ôtô khắp các quận, huyện ở TP HCM. Tài sản trộm được Phước thường bán lại cho người tên Lộc và Minh Quắn lấy tiền tiêu xài.
Từ lời khai của Phước, chiều 29/8, công an bắt giữ Nguyễn Văn Lộc (SN 1987, quê Vĩnh Long, tạm trú quận 8). Lộc bị bắt giữ khi đang hoá trang thành tài xế Grab để giao dịch mua bán hàng gian.
Làm việc với công an, Lộc khai cùng chị gái của mình là Nguyễn Thị Kiều Loan (SN 1976) và người tên Quắn làm nghề tiêu thụ gương chiếu hậu ôtô từ 5 tháng trước.
Ngày 30/8, lực lượng công an khám xét nơi ở của 3 đối tượng này trên địa bàn quận 8, thu giữ 2.600 gương chiếu hậu các loại xe. Riêng Loan và Quắn bị động nên nhanh chân bỏ trốn. Phòng cảnh sát hình sự đang truy lùng Loan và Quắn để xử lý về hành vi trộm cắp tài sản và tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.
Vân Anh - Khang Minh - Huyền Mai